Lúc 5giờ 30 chiều Chúa nhật 6 tháng 6, bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô cùng với tất cả các Hồng Y trong giáo triều Rôma hay đang có mặt tại Rôma.

Thông thường, đặc biệt là dưới thời các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô, thánh lễ này được cử hành tại trước tiền tình Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và được tiếp nối với một cuộc rước kiệu Thánh Thể long trọng trên các đường phố Rôma từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả.

Do các hạn chế liên quan đến COVID-19, thánh lễ năm nay được cử hành đơn sơ tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô với một số tín hữu hạn chế.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta tự hỏi: Chúng ta muốn chuẩn bị lễ Vượt Qua của Chúa ở đâu? Những nơi chốn nào trong cuộc sống Chúa yêu cầu chúng ta tiếp đón Người?”

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi dọn chỗ để cử hành bữa ăn Vượt qua. Chính các môn đệ đã hỏi Người: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” (Mc 14:12). Khi chiêm ngắm và tôn thờ sự hiện diện của Chúa trong Bánh Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi tự hỏi: chúng ta muốn chuẩn bị Lễ Vượt Qua của Chúa ở “nơi nào”? Đâu là những “nơi” trong cuộc sống của chúng ta mà Thiên Chúa muốn chúng ta mừng lễ? Tôi muốn trả lời những câu hỏi này bằng cách dựa vào ba hình ảnh của Tin Mừng mà chúng ta đã nghe (Mc 14: 12-16:22-26).

Đầu tiên là hình ảnh của người đàn ông mang một vò nước (xem câu 13). Đó là một chi tiết có vẻ thừa thãi. Nhưng người đàn ông hoàn toàn vô danh đó lại trở thành người dẫn đường cho các môn đệ đang tìm kiếm nơi mà sau này sẽ được gọi là Phòng Tiệc Ly. Và cái vò đựng nước chính là dấu hiệu nhận biết: đó là dấu chỉ khiến chúng ta liên tưởng đến loài người đang khát nước, luôn tìm kiếm một nguồn nước, và khi nguồn nước cạn kiệt thì tìm nguồn nước khác. Tất cả chúng ta đều bước qua cuộc đời với một chiếc vò trên tay: tất cả chúng ta, mỗi người trong chúng ta, đều khao khát tình yêu, niềm vui, một cuộc sống thành công trong một thế giới nhân văn hơn. Và đối với cơn khát này, nước của thế gian là vô ích, bởi vì đó là một cơn khát rất sâu xa, mà chỉ Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn.

Tiếp tục theo dõi “tín hiệu” biểu tượng này, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng một người có cái vò nước sẽ dẫn họ đến nơi mà họ có thể cử hành Bữa Tiệc Vượt Qua. Vì vậy, để cử hành Bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta phải nhận ra sự khát khao Thiên Chúa của chính mình: cảm thấy cần đến Người, khao khát sự hiện diện của Người và tình yêu của Người, ý thức rằng chúng ta không thể làm điều đó một mình nhưng chúng ta cần thức ăn và thức uống mang đến cuộc sống vĩnh cửu để nâng đỡ chúng ta trên đường. Chúng ta có thể nói thảm kịch của ngày hôm nay là cơn khát thường bị dập tắt. Những câu hỏi về Thiên Chúa đã bị dập tắt, lòng khao khát Ngài đã phai tàn, những người tìm kiếm Thiên Chúa ngày càng trở nên hiếm hoi. Thiên Chúa không còn thu hút bởi vì chúng ta không còn cảm thấy sự khát khao sâu thẳm của mình. Nhưng chỉ nơi nào có những người nam hay người nữ cầm vò đựng nước - chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến người phụ nữ xứ Samaritanô (x. Ga 4: 5-30) – thì chỉ có ở đó, Chúa mới có thể tỏ mình ra là Đấng ban sự sống mới, Đấng nuôi dưỡng hy vọng đáng tin cậy, những ước mơ và khát vọng của chúng ta, Đấng mà sự hiện diện của tình yêu Người mang lại ý nghĩa và hướng đi cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Như chúng ta đã lưu ý, chính người đàn ông với chiếc vò nước đã dẫn các môn đệ đến căn phòng nơi Chúa Giêsu sẽ cử hành Bí tích Thánh Thể. Chính sự khao khát Chúa dẫn chúng ta đến bàn thờ. Khi không còn cảm thấy khát, các cử hành của chúng ta trở nên khô khan. Như thế, trong tư cách là một Giáo hội, việc một nhóm nhỏ những khuôn mặt quen thuộc tụ họp nhau lại để cử hành Thánh Thể thì không thể coi là đủ; chúng ta phải đi đến thành phố, gặp gỡ dân chúng, học cách nhận biết và đánh thức lòng khát khao Thiên Chúa và khao khát Tin Mừng.

Hình ảnh thứ hai là căn phòng lớn ở tầng trên (x. câu 15). Tại đó, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài sẽ dùng bữa tối Lễ Vượt Qua và căn phòng này nằm trong nhà của một người chủ. Cha Primo Mazzolari nói: “Đây là một người đàn ông không có tên, một người chủ nhà, đang cho Chúa Giêsu mượn căn phòng đẹp nhất của anh ta. […] Anh ấy đã cho đi những gì anh ấy có lớn nhất bởi vì mọi thứ xung quanh Phòng Tiệc Ly đều tuyệt vời, căn phòng và trái tim, lời nói và cử chỉ” (La Pasqua, La Locusta 1964, 46-48).

Một phòng lớn cho một mẩu bánh mì nhỏ. Thiên Chúa biến mình trở nên nhỏ bé như một mẩu bánh mì và vì lý do này Ngài cần có một trái tim lớn để có thể nhận biết, tôn thờ và chào đón Ngài. Sự hiện diện của Thiên Chúa rất khiêm tốn, tiềm ẩn, đôi khi vô hình, đến nỗi sự hiện diện ấy cần một trái tim chuẩn bị, tỉnh thức và chào đón để được nhận ra. Trái lại, nếu trái tim của chúng ta không phải là một căn phòng lớn, nhưng chỉ giống như một cái tủ, nơi chúng ta cất giữ những thứ cũ kỹ với sự tiếc nuối; nếu nó trông giống như một căn gác xép nơi chúng ta đã đặt bao tâm huyết và ước mơ từ lâu của mình; nếu nó trông giống như một căn phòng chật chội, một căn phòng tối tăm vì chúng ta chỉ sống dựa vào bản thân với những vấn đề của chúng ta và những cay đắng của chúng ta, thì chúng ta sẽ không thể nhận ra sự hiện diện âm thầm và khiêm nhường này của Thiên Chúa. Chúng ta cần một căn phòng lớn. Trái tim phải được mở rộng. Cần phải rời khỏi căn phòng nhỏ là bản ngã của chúng ta và bước vào không gian tuyệt vời của sự ngạc nhiên và tôn thờ. Chúng ta rất thiếu thốn điều này! Chúng ta thiếu điều này trong rất nhiều hoạt động mà chúng ta thực hiện để gặp gỡ, đoàn tụ, cùng nhau suy nghĩ về việc chăm sóc mục vụ… Nhưng nếu thiếu điều này, nếu không có sự ngạc nhiên và tôn thờ, thì không có con đường nào dẫn chúng ta đến với Chúa. Thậm chí cả một thượng hội đồng cũng không đưa chúng ta đến đâu, không đến đâu cả. Đây là thái độ trước Bí tích Thánh Thể, đây là điều chúng ta cần: đó là tôn thờ. Giáo Hội cũng phải là một hội trường lớn. Không phải là một vòng tròn nhỏ và khép kín, mà là một cộng đồng với vòng tay rộng mở, chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: khi một người nào đó bị thương, một người nào đó đã phạm sai lầm, một người nào đó có một lối sống khác đến gần, thì Giáo hội, Giáo hội này, có phải là một căn phòng tuyệt vời để chào đón người đó và dẫn người đó đến với niềm vui gặp gỡ Chúa Kitô không? Bí tích Thánh Thể muốn nuôi dưỡng những ai mệt mỏi và đói khát trên đường đi, chúng ta đừng quên điều đó! Giáo Hội của sự hoàn hảo và tinh khiết là một căn phòng không có chỗ cho bất cứ ai; Thay vào đó, Giáo Hội với những cánh cửa rộng mở, nơi cử hành Chúa Kitô, là một căn phòng lớn, nơi mọi người - tất cả mọi người, cả người công chính lẫn người tội lỗi – đều có thể vào.

Cuối cùng là hình ảnh thứ ba, hình ảnh Chúa Giêsu bẻ Bánh. Đó là cử chỉ tuyệt hảo của Thánh Thể, là cử chỉ căn tính trong đức tin chúng ta, là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, Đấng tự hiến để làm cho chúng ta được tái sinh vào một cuộc sống mới. Cử chỉ này cũng gây chấn động: từ trước đến nay, những con chiên được sát tế và hiến dâng cho Thiên Chúa, thì bây giờ chính Chúa Giêsu đã tự làm con chiên và tự hiến tế để ban sự sống cho chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm và tôn thờ Thiên Chúa tình yêu. Chính Chúa không phá vỡ ai cả nhưng phá vỡ chính Ngài. Chính Chúa không đòi hỏi hy sinh nhưng hy sinh chính mình. Chính Chúa không đòi gì nhưng lại ban cho tất cả. Cử hành và sống Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu này. Anh chị em không thể bẻ Bánh Thánh Thể nếu trái tim anh chị em khép kín với anh chị em mình. Anh chị em không thể ăn Bánh này nếu anh chị em không cho kẻ đói ăn. Anh chị em không thể chia sẻ Bánh này nếu anh chị em không chia sẻ những đau khổ của những người đang quẫn bách. Mọi sự sẽ qua đi, kể cả những phụng vụ Thánh Thể long trọng của chúng ta, cuối cùng chỉ còn lại tình yêu. Và kể từ nay trở đi, Thánh Thể của chúng ta biến đổi thế giới đến mức chúng ta để cho chính mình được biến đổi và trở thành tấm bánh bẻ ra cho người khác.

Anh chị em thân mến, đâu là nơi để “chuẩn bị bữa ăn tối của Chúa” ngay hôm nay? Cuộc rước Mình Thánh Chúa là đặc trưng của lễ Corpus Domini, nhưng hiện tại chúng ta chưa thể làm được. Cuộc rước Mình Thánh Chúa là lời nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được mời gọi ra đi mang Chúa Giêsu đến với thế giới. Hãy ra đi với lòng nhiệt thành mang Chúa Kitô đến với những người chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta hãy trở thành một Giáo hội với cái vò trong tay, một Giáo Hội đánh thức cơn khát và mang lại nước. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn mình trong tình yêu thương, để trở thành căn phòng rộng rãi và hiếu khách, nơi mọi người có thể vào gặp Chúa. Chúng ta hãy phá vỡ cuộc sống của chúng ta trong lòng nhân ái và tình liên đới, để thế giới nhìn thấu qua chúng ta sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa. Và rồi Chúa sẽ đến, Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên một lần nữa, Ngài sẽ tự làm lương thực cho sự sống của thế gian. Và điều đó sẽ thỏa mãn chúng ta mãi mãi, cho đến ngày, trong bữa tiệc của Thiên đàng, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng thiên nhan Ngài và vui mừng không dứt.


Source:Libreria Editrice Vaticana