ĐI TRONG ÁNH SÁNG

THẦN HỌC LUÂN LÝ
CỦA THÁNH AN-PHONG ĐỆ LIGÔRIA





Nguyên tác Pháp ngữ
“La morale selon saint Alphonse de Ligouri”

Tác giả
LM. THÉODULE REY-MERMET, C.Ss.R.




Dịch thuật
LM. DOMINIC TRẦN QUỐC BẢO, C.Ss.R.





Kính dâng Mẹ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Trìu mến nhớ Song Thân
Kỷ niệm 25 năm Khấn Dòng




NHÀ SÁCH Đức Mẹ HẰNG CỨU GIÚP (SÀI-GÒN)
2009


MỤC LỤC



Lời đầu, trang 7

Dẫn nhập: An-phong và Thế giới của ngài, trang 11

Chương 1: Khoa Thần học Luân lý và những Thần học gia Luân lý
trước và sau Công đồng Triđentinô, trang 31

Chương 2 : Những vị thầy của An-Phong, trang 53

Chương 3 : Bốn Mươi Năm thành hình, trang 85

Chương 4 : Những Nguồn Thư liệu và Phương pháp, trang 107

Chương 5 : Giáo Thuyết Luân lý của An-Phong, trang 125

Chương 6 : Lội Ngược Dòng, trang 159

Chương 7 : Ảnh Hưởng và Những Cuộc Tranh biện, trang 205

Chương 8 : Thông Điệp của An-Phong Ngày nay, trang 239















Lời Đầu

Anphong Maria đệ Ligôria là một vị thánh đã để lại những dấu ấn đậm nét trong nền thần học luân lý Công Giáo từ thế kỷ 17 cho đến ngày nay. Vị thánh của ‘Kỷ nguyên Ánh sáng’ này sinh quán tại Vương quốc Nêapôli (Ý) (1969-1787). Ngài được tuyên phong Tiến sĩ Hội Thánh năm 1871 và Quan Thày Các Nhà Luân Lý và Các Cha Giải Tội năm 1950.
“Ai sống trọn vẹn sứ mạng đời mình thì luôn là sứ giả chân chính cho thế giới con người” (Antoine de Saint-Éxupéry). Đã sống và qua đi từ hơn ba thế kỷ, thông điệp cuộc đời và giáo huấn luân lý của thánh Anphong vẫn còn nhiều âm vang ý nghĩa cho thời đại hôm nay. Thông điệp ấy cần được luôn khám phá lại bởi mọi Kitô Hữu, nhất là những ai quan tâm đến lịch sử thần học luân lý.
Tác phẩm mà chúng tôi đã chuyển ngữ và gửi đến đọc giả sau đây nhằm mục đích giúp ghi lại những âm vang ý nghĩa của thông điệp ấy. Đọc tác phẩm này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sự tuyệt vời trong suy tư luân lý và hành xử mục vụ của thánh Anphong. Đó là khi tình yêu bao dung vượt xa trên thái độ vụ luật, giá trị bất biến của lương tâm con người luôn đứng vững trước những bạo lực về tinh thần, và sự tự do của con cái Thiên Chúa luôn cao cả hơn mọi cường quyền trần thế.
Những điều trên đã chỉ được thể hiện ở mức trọn hảo với thánh đức, sự khôn ngoan và lòng dũng cảm của một vị Tiến sĩ Hội Thánh, Quan Thày của Các Nhà Luân lý và Các Cha Giải Tội như thánh Anphong. Cũng bởi thế, Ngài đã khéo léo vạch ra con đường quân bình giữa chủ nghĩa hà khắc nghiệt ngã và khuynh hướng phóng túng bất cập, hầu chinh phục nhiều linh hồn về với Ơn Cứu Độ Chứa Chan nơi Chúa Kitô.
Tác giả của tác phẩm này, linh mục Théodule Rey-Mermet, Dòng Chúa Cứu Thế tại Thụy Sĩ, là một cây viết lịch sử tôn giáo thời danh tại Âu Châu. Ngài đã đạt được uy tín lớn qua công trình nghiên cứu trước đây với tác phẩm Vị Thánh của Kỷ Nguyên Ánh Sáng (Le saint du Siècle de Lumière) (1987). Tác phẩm công phu ấy đã được Hàn Lâm Viện Pháp vinh danh, và được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Thế rồi, sau ấn bản tác phẩm đồ sộ ấy, tác giả đã nghĩ đến một ấn bản giản lược và phổ cập đại chúng hơn. Đó là tác phẩm này, với tựa đề nguyên bản La morale selon saint Alphonse de Ligouri) (1987).
Dịch thuật một tác phẩm không chỉ đơn thuần là chuyển ngữ cách từ chương. Tiên vàn, đó là lột tả cách linh động mọi ý nghĩa hàm ẩn trong khi vẫn trung thực với tư tưởng của chính tác giả. Việc dịch thuật một tác phẩm mang tính chuyên khoa như La morale selon saint Alphonse de Ligouri này còn đòi hỏi sự am tường về ngành thần học luân lý. Đó là dụng cụ thiết yếu để nắm bắt chính xác ý nghĩa của các thuật ngữ chuyên môn được sử dụng và và trình bày cách mạch lạc tư tưởng của tác giả. Đó cũng là ánh sáng cần thiết để có thể nhìn xuyên suốt chữ nghĩa và trưng ra sứ điệp phong phú tác giả muốn truyền đạt, ngay từ tựa đề đến nội dung chi tiết của tác phẩm. Điều này cắt nghĩa lý do vì sao từ tựa đề nguyên thủy Pháp ngữ La Morale selon saint Alphonse de Ligouri, bạn đọc có thể tìm thấy bản dịch Anh ngữ Moral Choices: The Moral Theology of Saint Alphonsus Ligouri (dịch giả Paul Laverdure) (1998), và bản Việt ngữ này dưới tựa đề Đi Trong Ánh Sáng - Thần Học Luân Lý cùa Thánh Anphong.
Ước mong khiêm tốn của chúng tôi trong việc chuyển ngữ và giới thiệu tác phẩm này là tạo một cơ hội nữa cho Kitô Hữu Việt Nam hiểu biết thêm về vị thánh mà họ vẫn ngọt ngào cầu xin: “Lạy Thánh Anphongsô quan thầy bầu chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi túng ngặt biết chạy đến cùng Đức Bà Maria”. Riêng đối với những ai muốn nghiên cứu về tư tưởng của vị Tiến Sĩ Hội Thánh, Quan Thày Các Cha Giải Tội và Các Nhà Luân Lý, nếu tìm được trong tác phẩm này điều gì tâm đắc và lợi ích, thì chắc chắn đó cũng là niềm vui của tác giả.

Lm. Dominic Trần Quốc Bảo, DCCT


DẪN NHẬP

AN-PHONG VÀ THẾ GIỚI CỦA NGÀI

An-phong Maria đệ Ligôria chào đời vào sáng ngày 7 tháng 9 năm 1696, tại Marianella, ngoại ô thành phố Nêapôli. Dưới cái nhìn của các nhà chiêm tinh thì ngài mang mệnh sao Libra (Bảo bình – nghĩa là ‘cầm cân’). Sự trùng hợp này có thể sẽ khiến các sử gia mỉm cười. Thơ nhi ấy sau này sẽ trở nên một người mẫn cảm, tài giỏi, và chuyên cần trong nghề nghiệp. Khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, An-phong đã hoàn tất học trình tiến sĩ lưỡng luật (Dân luật và Giáo luật). Với tháng năm trong ngành luật pháp, ngài dần dà trở thành luật sư, thẩm phán, rồi chánh án. Sau này, ngài sẽ là một nhà thần học luân lý ‘quân bình’, vì ngài chủ trương dung hòa giữa tự do và lề luật, giữa lề luật Thiên Chúa và quyền tự do của con người, giữa uy quyền và lý trí, giữa áp lực và lương tâm, giữa ơn sủng và ý chí. Cả đời ngài là một chuỗi dài hành xử cách quân bình, bởi chính ngài là thần học gia chủ xướng nền luân lý xác-xuất-quân-bình. Trong suốt lịch sử Giáo hội, duy nhất chỉ có giáo thuyết xác-xuất-quân-bình của An-phong được Toà thánh trịnh trọng tuyên bố như con đường luân lý an toàn giữa mọi đe dọa của chủ nghĩa phóng khoáng cấp tiến, hay chủ nghĩa bảo thủ hà khắc.

TIẾN SĨ GIÁO HỘI

Tại phòng mặc áo nhà thờ Đức Mẹ Quan Thầy Kẻ Đồng Trinh ở Nêapôli (Ý), cuốn sổ bộ rửa tội của An-phong Maria đệ Ligôria được lưu giữ hầu mọi người có thể đến đọc với sự kính cẩn. Ở lề trang số 127, thuộc năm 1696, có nhiều ghi chú bổ sung đặc biệt. Với những giòng mực phản ảnh những năm tháng cách biệt, các điểm bổ sung ấy cho ta biết thêm về An-phong như sau: “Phong chân phước tháng 9 năm 1816”, “Phong hiển thánh ngày 26 tháng 5 năm 1839”, “Tuyên phong Tiến sĩ Hội thánh ngày 23 tháng 3 năm 1871”.
Vì sao Tiến sĩ Hội thánh? Trong phán quyết ngày 23 tháng 3 năm 1871, Đức Thánh Cha Piô IX ca ngợi công trạng thánh An-phong như một nhà thần học tín lý và tu đức khổ chế; đồng thời ngài cũng khẳng định về vai trò giảng dạy luân lý của thánh nhân như sau:

“Ngài đã phá tan bóng tối sai lạc mà những kẻ vô thần cũng như bè rối hà khắc Jansen gieo rắc khắp nơi. Với những công trình nghiên cứu, đặc biệt là các tác phẩm thần học luân lý thông thái, ngài đã dọi chiếu ánh sáng trên những vấn nạn mù mờ; và đã giải tỏa biết bao băn khoăn, nghi ngại. Giữa rừng ý kiến nhan nhản của những nhà thần học quá phóng túng hay quá khắt khe, ngài đã vạch ra được con đường cho các mục tử linh hồn an toàn bước theo”.

Phán quyết trên được công bố ngày 7-7-1871 qua sắc chỉ Qui Ecclesiae. Trong văn kiện đó, Đức Thánh Cha Piô IX nhấn mạnh về cuộc chiến đấu vinh hiển của vị tân Tiến sĩ Hội thánh cho một nền luân lý từ ái như sau:

“Giữa lúc lạc thuyết Jansen hấp dẫn nhiều kẻ tìm kiếm các học thuyết mới, và dụ dỗ nhiều người vào con đường hư mất với những tư tưởng sai lầm, Thiên Chúa đã đặt để An-phong đệ Ligôria để ngài nhiệt thành loại trừ khỏi cánh đồng của Chúa những mầm mống độc hại của quyền lực hỏa ngục, nhờ các tác phẩm uyên thâm và công phu của ngài”.

Đấng thánh mà Đức Thánh Cha gọi là ‘Tiến sĩ nhiệt thành’ là vị tiến sĩ của đời cầu nguyện và của lòng kính mến Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng, ngài là vị Tiến sĩ Hội thánh đầu tiên trong lãnh vực thần học luân lý. Ngày 26-4-1950, tức là 79 năm sau, Đức Thánh Cha Piô XII tái xác nhận điều ấy khi tuyên dương thánh An-phong là ‘Quan Thày thiêng liêng của các nhà thần học luân lý và các cha giải tội’. Ngài nói rằng, tước hiệu này chính đáng vì (thánh An-phong có):

“một giáo thuyết luân lý và mục vụ phi thường, được kính nể nhất (trong Giáo hội) hoàn vũ từ trước tới nay, và đã luôn luôn được các vị Giáo hoàng quy chiếu như sự hướng dẫn chắc chắn nhất cho các vị thừa tác bí tích giải tội (nay gọi là Bí tích hoà giải) và các vị linh hướng”.

Có sự mâu thuẫn lịch sử đáng ghi nhận ở đây. Vào thập niên 1950, đang khi việc giảng dạy khoa thần học luân lý băn khoăn lùng kiếm những nguồn thư liệu và hướng đi mới, thì việc thực hành bí tích giải tội lại đi vào khúc ngoặt quyết định. Vậy, phải chăng việc tuyên phong An-phong lên bậc ‘Quan Thày của các nhà thần học luân lý và các cha giải tội’ là màn chính khi một nhân vật lớn bước lên công đàn Giáo hội, trước khi người rút lui vĩnh viễn vào bóng tối hậu trường?
Cho dù có như thế chăng nữa –và chỉ có tương lai mới trả lời đúng đắn– câu chuyện cuộc đời An-phong đệ Ligôria vẫn thật tuyệt vời. Và, chúng ta đừng vội phủ nhận rằng câu chuyện đó còn có thể giãi chiếu ánh sáng trên nhiều vấn đề của thời đại hôm nay.
Thường thường, các sử gia nghiên cứu về nhà thần học luân lý An-phong phải đối diện với hai việc. Việc thứ nhất là đặt An-phong vào bối cảnh xã hội, tôn giáo và mục vụ mà ngài từng sống, bối cảnh đã chi phối suy tư và hành động của ngài. Việc thứ hai, chỉ có các người chuyên khảo cứu về An-phong mới hiểu rằng: phải theo sát bước phát triển luôn cải tiến của bốn mươi năm suy tư thần học và hoạt động mục vụ An-phong đã đi qua.
Vậy, trước nhất ta hãy xem An-phong đệ Ligôri là ai? Bối cảnh lịch sử ngài đã sống là gì?

AN-PHONG ĐỆ LIGÔRIA LÀ AI?

Cuộc đời của An-phong Maria Ligôria (1696-1787) trải dài gần một thế kỷ, giống như Voltaire, người chỉ hơn ngài hai tuổi. Thế kỷ ấy được gọi là Kỷ Nguyên Ánh Sáng. Trong kỷ nguyên ấy, Diderot (1713-1784) đã tiên báo về sự thống trị toàn lãnh của khoa học qua lời tuyên bố sau: “Các ngươi có thấy trái trứng gà này chăng? Với nó, chúng ta sẽ lật ngược các trường phái thần học và các đền thờ trên thế gian”.
Vào thế kỷ 17, Nêapôli là kinh đô của vương quốc cũng mang tên Nêapôli. Kinh đô Nêapôli lớn thứ ba tại Âu châu, sau Luân đôn và Balê. Kinh đô ấy thuộc về nước Ý đại lợi. Trong khi Ý đại lợi có một biên giới điạ lý rõ ràng, không phải tranh cãi, thì đời sống chính trị của quốc gia này rất bất ổn. Vào thời An-phong, Ý đại lợi vẫn còn bị chia thành mười vương quốc khác nhau. Hai vương quốc lớn nhất và cận kề nhau nhưng lại ít thuận thảo, là vương quốc Đức Giáo Hoàng (Vatican) và vương quốc Nêapôli. Do đó, An-phong và suy tư thần học luân lý của ngài luôn phải cố gắng sinh tồn trong tình trạng xung đột triền miên.
Khi An-phong chào đời (27-9-1696) tại Nêapôli, ngài thuộc quyền hộ chế Tây Ban Nha; bởi vì, vào thời điểm đó, vương quốc Nêapôli thuộc quyền đô hộ của Tây Ban Nha. Năm 1707, quyền đô hộ ấy lại chuyển sang tay vua nước Áo. Năm 1735, hoàng đế Áo là Charles VI nhường Nêapôli lại cho con là Charles de Bourbon. Ông này sẽ là vua của Nêapôli cho đến khi những biến cố chính trị sinh động đẩy đưa ông lên ngôi hoàng đế Charles III của Tây Ban Nha; và lúc ấy, vương quốc Nêapôlia mới thoát khỏi mọi đô hộ ngoại bang.
Tại kinh đô Nêapôli, dòng họ Ligôria thay nhau nắm chức ‘Hiệp Sĩ’ liên tiếp nhiều thế kỷ. Các hiệp sĩ có nhiệm vụ quản trị việc hành chánh của các kinh đô trong vương quốc. Kinh đô Nêapôli hồi đó chia ra làm sáu quận, gọi là sáu ‘tiểu ngai’. Các hiệp sĩ hình thành giới ‘quý tộc tiểu ngai’. Mỗi tiểu ngai uy thế đến nỗi các hiệp sĩ phải thuộc dòng giống quý tộc và trả nhiều sở phí mới được giữ ghế quản trị.
Từ hồi 14 tuổi, lúc được phép quy định, An-phong đã nhận ghế cố vấn của tiểu ngai Portanova. Ngài giữ vai quản trị và công phán. Thư liệu ghi nhận rằng, từ năm 27 tuổi trở đi, An-phong bắt đầu tham gia các buổi hội họp tiểu ngai. Vị quan chức trẻ tuổi này rất chuyên cần trong việc chung và không bao giờ vắng mặt trong các buổi hội năm từ 1710 đến 1723. Nhà thần học luân lý tương lai ấy đã sớm quan tâm đến mọi vấn đề hành chánh xã tắc: thuế má, lương thực cho dân chúng, vật giá mậu dịch, hàng hóa xuất nhập cảng, nhà đất tư hữu, cơ sở công hữu, thống kê, kiều lộ, cảnh binh, công lý và phong hoá. Chàng ấn định phúc lợi cho các giáo xứ trong tiểu ngai Portanove. Chàng chăm lo việc tổ chức và tài trợ các nghi lễ dân sự và tôn giáo. Nghĩa là, mọi phức tạp của đời sống dân chúng đổ dồn trên vai vị hiệp sĩ công phán trẻ An-phong. Nó đòi hỏi nơi ngài một khả năng ngoại thường cùng một ý thức trách nhiệm rất cao. Ngài đã có cơ hội học hỏi nhiều trong việc quản trị; và đã thu thập biết bao cảm nghiệm phong phú về sự khốn cùng của người nghèo túng, sự bất nhẫn của kẻ giàu có, và sự chèn ép giữa các giai cấp xã hội. Chẳng bao lâu, cùng với vị thế quý tộc sẵn có, khả năng đặc biệt của ngài đã đẩy đưa ngài lên chức vụ trọng vọng nhất giữa các quan chức hiệp sĩ trong sáu tiểu ngai của kinh đô Nêapôli.
Hồi đó, ông Giuseppe Ligôria, cha của An-phong, là một sĩ quan tư lệnh rất uy thế trong đội hải quân vương quốc Nêapôli. Trên tấm huy hiệu gia phả họ Ligôria, ông được biểu tượng bằng hình con sư tử dũng mãnh, vì ông thường làm kinh khiếp quân Thổ, quân hải tặc và các chiến thuyền địch. Ông lãnh nhận nhiều đặc nhiệm, và đã từng chỉ huy những trận đánh úp. Được nể trọng trong binh giới Nêapôli, ông trở thành đề đốc chỉ huy trọn vẹn đoàn hải quân hoàng gia. Năm 1709, Giuseppe đã vận dụng toàn bộ hỏa lực hải đoàn để giải vây cảng Santo Stefano và căn cứ Toscani thuộc Nêapoli. Ông quả là con người sắt đá, ấp ủ nhiều tham vọng. Nhưng, tham vọng của ông dành cho người con trai cả còn lớn hơn cho chính mình.
An-phong là con đầu lòng trong số 4 trai và 4 gái trong gia đình Ligôria. Dĩ nhiên, chàng có mọi quyền lợi của anh cả. Sau khi hoàn tất học trình trung học với các giáo sư riêng về các bộ môn và với các bậc thầy trong ngành âm nhạc cũng như hội họa, An-phong được bố quyết định cho học ngành luật sư. Thu nhập tài chánh của luật sư gia tăng đều với sự tranh cãi thường xuyên của bàn dân. Luật pháp lại là cái thang dẫn đến đỉnh danh vọng. Ngành luật đi đôi với hai mối lợi: tiền bạc và quyền lực. Hơn nữa, hoan lộ đã sẵn mở cho An-phong qua gia thế của chàng. Bên cạnh quyền lực của thân phụ, thân mẫu của An-phong cũng thuộc hàng trâm anh thế phiệt. Bà Anna Cavalieri là công nương thứ năm của ông chánh án vương quốc Nêapôli, Federico Cavalieri. Ông chánh án Cavalieri cũng đồng thời là Trưởng Bộ Nội Các Hoàng gia, bao gồm cả Phòng Kế Toán và Bộ Tài Chánh.
Nhưng ngược với chồng mình, bà Anna chẳng ao ước gì hơn là làm sao cho các con mình lớn lên trong sự công chính và biết kính sợ Thiên Chúa. Sau khi rời trường các dì phước Dòng Cappucina Cải Cách (Dòng nữ Cappicina Nhặt nhiệm), bà đã lập gia đình và sinh con. Cả đời bà là chuỗi ngày dài sống tĩnh nguyện, khổ hạnh, và chăm sóc người nghèo, theo thời biểu quen thuộc của đan viện. Bà cũng là người mẹ ý thức, cần mẫn và hay lo âu trong trách nhiệm giáo dục con cái. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về đặc điểm này của Anna, đặc điểm đã ghi đậm dấu ấn trên nhà thần học luân lý An-phong tương lai.


Còn tiếp…

Người dịch: LM. DOMINIC TRẦN QUỐC BẢO, C.Ss.R.