Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã lên án một bức tượng gây tranh cãi được trưng bày trong nhà thờ Linz ở Áo mô tả Đức Trinh Nữ Maria hạ sinh và mô tả nó là một hình thức “quảng cáo cho ý thức hệ nữ quyền vi phạm nguyên tắc thẩm mỹ tự nhiên.”

Một người không rõ danh tính đã chặt đầu bức tượng vài ngày sau khi nó được trưng bày. Bức tượng mang danh hiệu “Vương miện”, có thể hiểu là ám chỉ đến lễ đăng quang của Đức Trinh Nữ Maria. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng đề cập đến thời điểm trong khi sinh mà đầu của em bé có thể được nhìn thấy lần đầu tiên khi ló ra khỏi âm đạo người phụ nữ.

Hình ảnh trong nhà thờ Linz thể hiện rõ ràng chính xác sự kiện này: Đức Trinh Nữ Maria dang rộng hai chân và đỉnh đầu của Hài nhi Giêsu ở giữa. Để tránh gây tranh cãi trước một hình ảnh quá sức thông tục, nếu không muốn nói là quá sức khiêu dâm, cả truyền hình và các phương tiện truyền thông khác thường bỏ qua hình ảnh giữa hai chân, tuy nhiên toàn bộ bức tượng vẫn được hiển thị cho tất cả những ai đến thăm nhà thờ Linz.

Giáo phận Linz cho biết tác phẩm này là của Esther Strauss, một nhà điêu khắc, được biết rộng rãi như một nhà hoạt động nữ quyền cực đoan. Giáo phận đã tỏ ra hằn học với những ai phê bình họ rằng không thể mang một bức tượng khiêu dâm như thế đến nhà thờ, và dán nhãn cho những người phê bình là bảo thủ. Trong một cử chỉ thách thức, họ quyết định vẫn để bức tượng trong nhà thờ; cho đến khi có một người vì phẫn nộ trước hình ảnh thông tục này đã quyết định chặt đầu bức tượng.

Đến khi đó, Giáo phận Linz mới nói với trang web kath.net rằng “tác phẩm điêu khắc sẽ vẫn ở trong phòng nghệ thuật Mariendom cho đến khi cuộc triển lãm kết thúc theo kế hoạch vào ngày 16 tháng 7, nhưng sẽ không được trưng bày. “Cửa đóng, đèn tắt.”

Đức Hồng Y Müller nói với kath.net: “Một lời phê bình về việc thay đổi nghệ thuật Kitô từ một phương tiện sùng đạo thành một quảng cáo cho ý thức hệ nữ quyền vi phạm ý thức tự nhiên về thẩm mỹ không thể bị phản bác bằng cách cáo buộc rằng người chỉ trích mình là quá thận trọng, hoặc đang chạy theo một hình thức giả thần học như một biểu hiện của một thái độ cực kỳ bảo thủ.”

“Nếu một bức tranh miêu tả sự ra đời của Chúa Giêsu xúc phạm các tín hữu và gây chia rẽ trong Giáo hội giữa những người tự cho mình là cấp tiến và những người bị chỉ trích là bảo thủ, thì mục đích của nghệ thuật Kitô giáo và đặc biệt là nghệ thuật thánh, là thể hiện vẻ đẹp vô hạn của Thiên Chúa trong các công việc của con người, đã bị bỏ sót”, Đức Hồng Y giải thích.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Một bức tranh trình bày mầu nhiệm mặc khải về biến cố Giáng Sinh thực sự của Thiên Chúa như một con người phải nhằm mục đích củng cố niềm tin của người xem vào sự nhập thể của Thiên Chúa và tập trung vào Chúa Kitô và tôn thờ Ngài là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ”


Source:National Catholic Register