Huấn đạo theo Thánh Kinh
Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ
Chương 9. Loạt bài Động lực học Linh hồn, Phần B
9.1. Thanh lọc và thanh tẩy linh hồn
Các phân chia
Việc phân chia linh hồn khỏi tinh thần là thực hiện theo Dt. 4:12. Lời Thiên Chúa, Thần Khí của Thiên Chúa, dần dần thấm nhập vào các bình diện của linh hồn chúng ta: tâm trí, trí tưởng tượng, ký ức, cảm xúc, ý chí, cho đến tận những chiều sâu tiềm ẩn nhất. Ở đây, trong các thẳm sâu, chúng ta không thấy những điều mâu thuẫn với Chúa:
Lý trí của chúng ta, hy vọng của chúng ta, các tình cảm của chúng ta, các quan điểm của chúng ta, lòng nhiệt thành của chúng ta, văn hóa của chúng ta, tín ngưỡng của chúng ta, chủ nghĩa Giáo Hội của chúng ta, các cảm thức của chúng ta, các kinh nghiệm tôn giáo của chúng ta và những tiện nghi tinh thần của chúng ta.
Đây là một số hệ thống niềm tin thường nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh, cái tôi và đời sống ích kỷ của chúng ta và, do đó, chúng phải bị vạch trần và nhổ bỏ (Grm 17:9).
Các giá trị
Những thói quen và cách thức coi mình là trung tâm hình thành nên thái độ, quan điểm và phản ứng của chúng ta đối với cuộc sống. Đây là việc điều kiện hóa bản chất con người của chúng ta, xuất phát từ sự giáo dục của chúng ta, từ ảnh hưởng của người khác trong cuộc sống, từ hệ thống giá trị tiên niệm, từ thói quen và từ diễn trình suy nghĩ tự định hướng của chúng ta (Lc 9:23-24).
Bản chất con người
“Tính nhân bản” của chúng ta sẽ không bao giờ mất đi, nó sẽ luôn ở đó. Điều này được gọi là 'thịt'. Điều này phải được giải quyết, vạch trần và đóng đinh vào thập giá, trước khi chúng ta có thể bước vào Nơi Thánh của lòng mình, nơi Thiên Chúa ngự. Vì vậy, bản ngã và tội lỗi phải được xử lý liên tục hàng ngày để được tràn đầy 'sự sung mãn của Thiên Chúa' và sinh nhiều hoa trái cho Nước Trời (Eph. 3:14-19).
Chúng ta bị ngăn cản khỏi cuộc sống tự do trong Chúa Thánh Thần vì những gì chúng ta suy nghĩ và nhận thức trong thẳm sâu tâm hồn. Những gì chúng ta “tin” là những gì chúng ta thường “làm”. Nếu muốn thay đổi hành vi của mình, chúng ta phải khám phá ra những điều không đúng được chúng ta đang tin (Ga 8:32-36).
Các gốc rễ
Những gì chúng ta tin tưởng đều dựa trên 'hệ thống gốc rễ' của chúng ta, tức là tất cả các hệ thống niềm tin tiên niệm, những thói quen bí mật, những động cơ giấu ẩn và tất cả những cách thức coi bản ngã là trung tâm của chúng ta. Nói cách khác, điều này có thể được nhận diện như chính 'bản chất con người' của chúng ta: sự tự định hướng, sự tự lực và lòng yêu bản tngã tự nhiên của chúng ta và tất cả những thói quen tự nhiên của chúng ta không phản ảnh sự Hiện diện của Thiên Chúa ở bên trong. Thiên Chúa muốn vạch trần và loại bỏ những bóp méo này vì chúng thường trở thành “cội rễ” tội lỗi của chúng ta (Mt 12:34-37; Ga 12:24-26).
Trong sạch trong lòng
(Mt 5:8 ) "Phước cho những người có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa". Sự trong sạch là kết quả của sự hòa hợp thiêng liêng liên tục với Thiên Chúa, tức là chúng ta phải lớn lên trong sự trong sạch. Điều này được phản ảnh bởi đời sống nội tâm của chúng ta như đã được tạo điều kiện bởi những trải nghiệm cuộc sống và sự nuôi dưỡng và 'cuộc sống bên ngoài' của chúng ta, tiếp xúc với người khác cũng như những đáp ứng và phản ứng với thế giới, xác thịt và ma quỷ. Những điều này phải được giải quyết bằng cách liên tục đổi mới “tinh thần của tâm trí” để loại bỏ những vết nhơ và vết bẩn của cuộc sống. Nếu mức độ bên ngoài của đời sống thiêng liêng của chúng ta với Thiên Chúa bị suy giảm ở mức độ nhỏ nhất, chúng ta phải gạt mọi thứ sang một bên cho đến khi sửa chữa được.
Tầm nhìn thiêng liêng phụ thuộc vào tính cách của chúng ta. Chính 'những người có tâm hồn trong sạch' là người 'nhìn thấy Thiên Chúa' và nhìn cuộc sống như Thiên Chúa nhìn nó.
Ứng dụng
Các nguyên tắc của Lc 9:23-24; Eph. 4:22-24; Mt. 22:3-40 hướng dẫn cuộc sống của chúng ta để thanh tẩy tâm hồn và hướng dẫn tác phong của chúng ta. Chúng ta chết đi cho sự tự định hướng của mình bằng cách phán xét và đánh giá một cuộc sống thiên về cảm quan. Và chúng ta đáp lại cuộc sống trên cơ sở ý chí của chúng ta, và ý chí của chúng ta dựa trên lời Thiên Chúa. Tâm trí của chúng ta là tâm điểm khi chúng ta thay đổi việc tập trung vào bản thân thành tập trung vào Thiên Chúa. Bằng chứng về sự tập trung sùng đạo được chứng minh qua những phản ứng theo Kinh Thánh của chúng ta đối với người khác và với hoàn cảnh cuộc sống.
Theo đó, chúng ta đặt mình dưới sự ảnh hưởng và lãnh đạo của Chúa Thánh Thần, Đấng dựa trên những phản ứng theo Kinh Thánh của chúng ta đối với cuộc sống sẽ thay đổi hệ thống gốc rễ và niềm tin của chúng ta để phù hợp với hình ảnh của Chúa Kitô. Linh hồn của chúng ta phải giống như linh hồn của Chúa Kitô: Linh hồn của Người là linh hồn của chúng ta.
Các điều chuyên biệt
Mt. 7:5 nói rằng diễn trình thay đổi bắt đầu bằng việc phát triển sự nhạy cảm sâu sắc đối với tội lỗi. Trước hết, chúng ta phán xét chính mình chứ không phải người khác để xem liệu chúng ta có đang sống như những tạo vật mới trước mặt Thiên Chúa hay không. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ đặt mình vào vị trí có thể giúp phục hồi những người khác. Vì vậy, chúng ta tự xét mình theo sự thật của Thiên Chúa như được bày tỏ trong Mt. 5:43-46; Rm. 2:1-10; Rm. 5:1-5; Rm. 12:1-21; Eph. 4:17-32; Cl. 3:1-17; 1Pr. 3:9-18; 2Pr. 1:3:11.
Khi chúng ta kiểm tra bản thân hàng ngày, cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới, một diễn trình đơn giản vâng phục lời Thiên Chúa, thực hiện lời Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ thay đổi hệ thống cội rễ và niềm tin của chúng ta thành nên giống hình ảnh Chúa Kitô.
Đây là một diễn trình suốt đời. Công việc của chúng ta là trung thành hàng ngày, mặc vào và cởi bỏ, Chúa Thánh Thần sẽ làm phần còn lại: soi sáng, ban năng lực và ban sức mạnh cho chúng ta để yêu Thiên Chúa bằng cả tấm lòng, trí óc và linh hồn, và người lân cận như chính bản ngã của chúng ta (Mt. 22:37-39).
(Rm 6:3-11; Gl 2:20; 1Pr. 4:1-2; 2Pr 1:4 ) Chúng ta được trở thành “những người dự phần vào bản chất Thiên Chúa, tiếp nhận và chia sẻ bản chất của Thiên Chúa qua những lời hứa của Người. Sau đó, chúng ta phải đưa bản chất thần thiêng đó vào bản chất con người của mình bằng cách phát triển những thói quen sùng đạo. Dần dần, chúng ta bắt đầu nhìn cuộc sống, không còn từ góc độ xác thịt, mà từ khía cạnh tâm linh: hiện hữu và thực hiện ý muốn của Thiên Chúa trên trái đất.
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)
(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: 1 Cr. 2:12-13
Cởi bỏ/Mặc vào:
Đánh giá Mt. 5:14-7:29, hãy lập danh sách những tội lỗi và những thái độ lệch lạc của bạn. Lập kế hoạch để thay đổi thái độ và tác phong thông qua Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi”. Để giúp loại bỏ những rào cản tội lỗi ngăn cản bạn phát triển tâm trí của Chúa Kitô, đây là một số lĩnh vực chính cần được xem xét:
1. (Mt. 5:21-26) Giận dữ, Cay đắng, Khinh thường. Trừ khi điều này được giải quyết, nếu không bước đi Kitô hữu của chúng ta sẽ bị tê liệt ngay từ đầu. Chúa Giêsu đến để cứu độ chứ không phải để kết án. Chúng ta cũng phải làm như vậy.
2. (Mt. 5:27-32) Ám ảnh dục vọng. Hãy giữ cho đôi mắt của bạn luôn trong sáng và thuần khiết. Phụ nữ là những người bảo vệ nền văn hóa của chúng ta. Họ được trời phú cho lòng tôn kính tự nhiên đối với những gì thiêng liêng. Hãy lập kế hoạch để thoát khỏi tinh thần thế gian, xác thịt và ma quỷ.
3. (Mt. 5:32-37) Thao túng bằng lời nói. Đừng ép buộc người khác phải chấp nhận ý kiến hoặc quan điểm của bạn.
4. (Mt. 5:38-48) Trả đũa/Trả thù. Công việc của chúng ta là hòa giải với Thiên Chúa, với bản thân và với người khác. Lòng thương xót là sự trì hoãn phán xét. Như Thiên Chúa làm với chúng ta, hãy làm như vậy. Khôi phục và hòa giải với mọi sự sống, và được tự do.
5. (Mt. 6:1-18) Tìm kiếm sự chấp thuận và chấp nhận của con người. Phát triển đời sống nội tâm, nhìn cuộc sống theo quan điểm của Thiên Chúa. Bạn đã được chấp nhận và chấp thuận trong Chúa Kitô rồi. Hãy sử dụng bản thân để tìm cách tôn vinh Thiên Chúa bằng cách sử dụng tài năng và ân tứ của mình vì lợi ích của người khác.
6. ( Mt. 6:19-34 ) Sự giàu có và lòng tham. Dựa vào và tin cậy vào những điều bên ngoài của hệ thống thế giới (tâm trí xác thịt) hơn là tin cậy vào Thiên Chúa sẽ dẫn đến thất vọng và tuyệt vọng. Là người đồng thừa kế với Chúa Kitô, một công dân trên trời, bạn đã sở hữu đàn gia súc trên ngàn ngọn đồi rồi. Hãy hành động phù hợp, vì chúng ta phải sống theo nhiệm cục của Thiên Chúa (2Cr 8:9).
7. (Mt. 7:1-12) Phê bình/Lên án. Thiên hướng tự nhiên của chúng ta là phán xét và có thiên hướng lên kế hoạch lên án. Hãy phán xét chính mình trước tiên vì đã lên án, sau đó bạn mới có thể giúp khôi phục lại người khác. Với tư cách là đại sứ của Thiên Chúa, chúng ta ở đây không phải để cạnh tranh mà để giúp đỡ lẫn nhau.
8. (Mt. 7:13-26) Làm chứ không chỉ nghe. Tích cực lắng nghe và thực hành lời nói là chìa khóa. Những lời cảnh cáo nghiêm khắc được đưa ra cho những kẻ thụ động, lười biếng và buông thả. Trừ khi chúng ta phát triển đời sống nội tâm, mức độ tâm hồn, thực hành sự Hiện diện của Thiên Chúa hàng ngày, ngôi nhà của chúng ta sẽ sụp đổ. Hãy tự phán xét mỗi ngày để bảo đảm rằng bạn đang sống theo các quy tắc của Vương quốc về các mối phúc. Vì vậy, hãy thực hiện quyền thống trị bản thân trong, như và qua Chúa Kitô: chủ trì trong mọi nỗ lực của cuộc sống.
9.2. Tội lỗi, bản ngã, đau khổ
Viễn ảnh
(Is. 6:5; Lc. 5:8) Cho đến khi nhìn thấy chính mình qua con mắt của Thiên Chúa, chúng ta thực sự không biết chính mình. Thiên Chúa càng cho phép chúng ta nhìn thấy chính mình thì chúng ta càng nhận ra rằng chúng ta không thể sống thiếu Người. Chúng ta không thể thân mật với Thiên Chúa trừ khi chúng ta biết con người thật của mình (Grm 17:9).
Vì vậy, có những tạp chất bên trong chúng ta đang cai trị chúng ta mà chúng ta không hề hay biết. Những tham vọng, hy vọng, ước mơ, mong muốn, kỳ vọng và giả định này là những hệ thống niềm tin tiên niệm mà trên đó, chúng ta xây dựng cuộc sống của mình tách biệt khỏi Thiên Chúa. Điều quan trọng là chúng ta để cho Thiên Chúa mạc khải chúng cho chúng ta, để chúng ta có thể nhận ra và giao phó chúng cho Người (Tv 139:23-24).
(Cn 21:2) Chỉ có Thiên Chúa mới có thể nhìn thấy và biết được tấm lòng của chúng ta: Chỉ có Người biết động cơ và ý định thực sự của chúng ta. Quan điểm của Người là tất cả những gì quan trọng!
Chết cho tội lỗi/Chết sâu xa hơn cho bản ngã
(Rm 6:3-11) Được chôn cất với Chúa Kitô, chúng ta cùng chết với Người cho tội lỗi nhưng sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô và do đó được ban quyền để sống đời sống đức hạnh. Chúa Giêsu đã giải quyết vấn đề tội lỗi, nhưng bây giờ chính chúng ta phải giải quyết sự vô luân của mình.
( Eph. 4:22-24 ) Tàn dư của tội lỗi vẫn còn trong linh hồn chúng ta - tâm trí, tình cảm, ý chí: các cơ quan của bản ngã. Suy nghĩ, nói năng và hành động là trách nhiệm của chúng ta để bảo đảm rằng chúng ta đang được đồng hóa theo hình ảnh của Chúa Kitô.
(Lc. 9:23-24; 1 Ga 5:21) Vác thập giá mà theo Chúa Giêsu bao hàm sự đóng đinh nội tâm của lòng tự ái, tự tin, tự lực, tự tín thác, ý chí tự mình, tủi thân tự mình, tự nắm lấy mình, tự tìm mình, tự bảo vệ và tự qúy mình.
(Pl 2:12-13) Thiên Chúa muốn loại bỏ tất cả tính tư lợi, nhỏ nhen, hằn học, trả thù, độc ác, dại dột, ích kỷ, chiếm hữu, nghiện ngập và ích kỷ của chúng ta. Những cách lấy mình làm trung tâm này không chỉ ảnh hưởng đến sự thông đạt của chúng ta với Thiên Chúa mà còn ảnh hưởng đến việc thông đạt của chúng ta với người khác. Chúng ta phải thoát khỏi mọi suy nghĩ, hy vọng, kế hoạch, sở thích, nỗi buồn, thành công, thất bại và an ủi vị kỷ của mình: chết đi mọi ước muốn ngoại trừ những ước muốn của Thiên Chúa.
Cho đến khi những điều này được thanh lọc khỏi linh hồn chúng ta, chúng ta không thể có được sự kết hợp với Người như dự định ngay từ đầu (Cn 3:5-6).
Vâng lời qua đau khổ
(Rm. 8:12-29) Chúng ta bị điều kiện hóa một cách tự nhiên bởi những ảnh hưởng của thế giới để theo đuổi con đường tự bảo vệ, tự che chở và tư lợi: một con đường trốn tránh đau khổ (đi theo con đường dễ dàng) dẫn đến tự hủy. Thiên Chúa “thấy trước” tội lỗi của con người, nhưng thay vì tiêu diệt toàn thể nhân loại, Thiên Chúa lại dùng đau khổ do tội lỗi gây ra để biến chúng ta thành hình ảnh của Chúa Kitô. Nếu từ chối chịu đau khổ, chúng ta sẽ không đồng hình đồng dạng. ‘Bản ngã thật' hoàn toàn được đồng nhất với Chúa Kitô. Không còn ý thức về bản ngã mình mà ý thức về Thiên Chúa, sẵn sàng hiến mình cho Thiên Chúa và cho người khác. Đây là một tiến trình chết, và cái chết bao hàm sự đau đớn và thống khổ. Bằng cách chết, chúng ta có được sự sống đời đời.
Tiền định/Đồng hình đồng dạng
(Rm. 8:29; Rm. 12:1-2; Eph. 1:4-5) Ở đây, chúng ta thấy chức năng chính của tiền định là làm cho chúng ta trở nên giống hình ảnh của Chúa Kitô, trở nên thánh thiện và không tì vết, được nhận làm con cái của Người.
(Dt. 5:1-10) Chúa Giêsu đã học được sự vâng phục qua những đau khổ đã định. Cũng thế, mục tiêu của chúng ta là đi theo con đường đã định sẵn và 'làm giống như Người'.
(2Tm 1:9; 1Pr. 1:2; 1Tx. 1:4-6) Thiên Chúa đã vạch ra một con đường 'định trước' để con người vào thiên đàng và không có con đường nào khác được Thiên Chúa cho phép chúng ta bước vào.
Diễn trình đồng hình đồng dạng
Con đường định mệnh đó bao gồm...
.. đau khổ (Rm. 8:18-28; Cv. 14:22); duy trì đức tin dù không thể nhìn thấy Thiên Chúa hoặc khi cuộc sống có vẻ quá khó khăn (Rm. 4:18-25; Dt. 11:1-40; 1Pr. Pr1:6-9);
.. vâng lời bất chấp tội lỗi và dục vọng (Rm. 7:7-25; Rm. 8:1-17);
.. sự kiên trì bất chấp sự đối xử khắc nghiệt và chế giễu (Gcb 5:1-12; 1Pr 3:8-4:19);
.. thuận phục thẩm quyền (Rm. 13:1-8; 1 Pr. 2:13-25);
.. yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình (Mt. 5:43-48; 1 Ga. 3:11-4:21);
.. ăn năn tội lỗi (Cv. 2:3, 8-41);
.. bố thí của cải cho người nghèo (Mt. 19:16-26);
.. từ bỏ bản thân và xa lánh thế gian (1 Ga. 2:15-17) và bất cứ điều gì khác liên quan đến đời sống tâm linh.
Đi theo con đường này (thay vì để cho tội lỗi, đau đớn và thống khổ tiêu diệt chúng ta), Thiên Chúa sẽ lấy tội lỗi, sự đau đớn, sự đau khổ, điều tốt cũng như điều xấu, tất cả mọi thứ của cuộc sống, để hoàn thiện chúng ta, làm cho chúng ta giống Con của Người, Đấng đã chiến thắng thế gian. Vì vậy, trong Người, chúng ta không thể mất chiến thắng, trở nên 'hơn cả kẻ chiến thắng' trong Đấng yêu thương chúng ta.
Bản ngã đích thực
(Mt. 10:39; 1Tx. 4:3; Gl. 2:20) Chúa Kitô phải trở thành trung tâm của tư tưởng, những khao khát và ý muốn của chúng ta. Các thánh chết cho chính mình theo nghĩa là bị thu hút bởi tình yêu Chúa Kitô, đánh mất chính mình trong Chúa Kitô. Chỉ bằng cách này họ mới tìm được bản ngã đích thực của mình: bản ngã như ý định của Thiên Chúa.
Sự tự hiến thực sự bao gồm việc chúng ta dâng hiến chính mình cho Chúa Kitô một cách tuyệt đối, trong tinh thần tôn thờ yêu thương; trong sự từ bỏ hoàn toàn chủ quyền của chúng ta; trong việc chúng ta trở nên trống rỗng đối với mọi sự. Chúng ta đặt ra đường lối hành động tách biệt khỏi thế gian, xác thịt và ma quỷ. Trong sự phó thác đích thực, chúng ta trải nghiệm mình được Thiên Chúa chiếm hữu. Vì vậy, món quà duy nhất chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa là món quà “quyền đối với bản ngã mình”. Khi chúng ta làm như vậy, Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc thử nghiệm thiêng liêng qua chúng ta (Rm. 12:1).
Từ bỏ
(Ga 6:69) Cuộc sống siêu nhiên nói chung đòi hỏi chúng ta phải rời bỏ mọi điều tự nhiên và thoải mái. Sự từ bỏ cái tôi của chúng ta là một điều kiện không thể thiếu của sự khai mở trọn vẹn đời sống siêu nhiên. Được hoàn thiện bởi và mất hút trong những gì cao cả hơn bản thân chúng ta đến với chúng ta như một hồng phúc của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta phải tiếp nhận nó nếu nó được ban cho, và để cho ân sủng nâng chúng ta lên trên chính mình.
Thiên đường lấy lại
(Ga. 15:16; Eph. 4:24; 1Pr 2:9) Bây giờ, con người mới được đổi mới để đạt được sự hiểu biết theo hình ảnh của Đấng đã tạo dựng nên con người để 'tuyên bố các nhân đức của Người, Đấng đã gọi bạn ra ngoài bóng tối vào ánh sáng kỳ diệu của Người'.
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn: (Pl 2:12-13)
(Các) câu kt để nhớ: Dt. 2:10
Cởi bỏ/Mặc vào:
Xem Phần A.5, “Chết đi cho bản ngã” và liệt kê các khuôn mẫu tội lỗi cũ cần được giải quyết theo thứ tự ưu tiên. Sử dụng Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi” để thực hiện quá trình chữa lành linh hồn.
9.3. Linh đạo dồi dào dư dật
Mọi chuyện sẽ ổn, và mọi chuyện sẽ ổn, và mọi cách của sự vật sẽ ổn.
--Julian của Norwich
Niềm tin tưởng vào Thiên Chúa
Linh đạo của Julian tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa “Đấng yêu thương chúng ta và vui mừng nơi chúng ta”, Thiên Chúa “sẽ làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp”, Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để sống trọn vẹn cuộc sống mà chúng ta đã được ban tặng.
Vì vậy, đây là một phản ứng để sống cuộc sống dựa trên những gì chúng ta có hơn là những gì chúng ta thiếu. Điều chúng ta có là Thiên Chúa của sự sống là trung tâm sự hiệnn hữu của tôi. Tôi sẽ có mọi thứ tôi cần để sống trọn vẹn vào thời điểm này. Quan điểm này cũng có nghĩa là vì Thiên Chúa của dư thừa tiếp tục hoạt động trong cuộc sống của tôi nên "mọi chuyện sẽ ổn, và mọi chuyện sẽ ổn."
Bất chấp những đau đớn của cuộc sống, những nỗi buồn, những thất vọng, sự lừa dối và thối nát của thế giới, sự hận thù và bạo lực, nạn đói và chiến tranh, Thiên Chúa vẫn cầm chịch và Người "sẽ khiến mọi việc trở nên tốt đẹp".
Chúng ta không được mù quáng hay phủ nhận những thực tại đen tối của cuộc sống, dù trong cộng đồng hoàn cầu hay trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Nhưng chúng ta cần kể tên những sự tan vỡ và cái ác trong bản thân và xung quanh chúng ta, đồng thời sở hữu và khẳng định mình có phần trong đó. Khi đó chúng ta có thể đáp lại bằng đức tin và sống trong hy vọng rằng Thiên Chúa của dư thừa sẽ thực sự giải quyết và lấp đầy trái tim chúng ta.
Sự dư đầy có nghĩa là tin vào những lời hứa của Thiên Chúa như đã được nói qua tiên tri Giêrêmia: “Chúa phán, chắc chắn Ta biết những kế hoạch Ta dành cho các ngươi, những kế hoạch mang lại phúc lợi cho các ngươi chứ không phải gây tổn hại! Những kế hoạch mang đến cho các ngươi một tương lai tràn đầy hy vọng. Khi các ngươi kêu đến ta và khi các ngươi cầu nguyện với Ta, Ta sẽ lắng nghe các ngươi. Khi các ngươi đi tìm Ta, các ngươi sẽ thấy Ta. Đúng, khi các ngươi tìm kiếm Ta bằng cả trái tim, các ngươi sẽ tìm thấy Ta, và Ta sẽ thay đổi số phận của các ngươi". (Grm 29:11-14)
Ở trong Thiên Chúa (Không phải trong hoàn cảnh)
Những lời này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và lời hứa ban phúc lành, bất chấp và giữa đau khổ. Chúng mời gọi chúng ta sống với đôi mắt, đôi tai và trái tim chú ý đến sự hiện diện thường trực của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Chúng kêu gọi chúng ta chọn sự sống hay cái chết: tập trung vào những lời hứa của Chúa hoặc tập trung vào những hoàn cảnh của cuộc sống:
"Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và cái chết, sự phước lành và sự nguyền rủa. Hãy chọn sự sống để ngươi và dòng dõi ngươi được sống. Vì điều đó sẽ có nghĩa là sự sống cho ngươi, một cuộc sống trường thọ cho ngươi". ( Đnl. 30:19-20 )
Ga 10:10 nói rằng Chúa Giêsu đến để ban cho chúng ta sự sống dồi dào. Chọn cuộc sống là nhìn cuộc sống trong khi tập trung vào những gì cuộc sống mang lại cho tôi, thay vì cứ mắc kẹt vào những gì tôi thiếu. Nó có nghĩa là nhìn vào những gì tôi biết thay vì chìm đắm trong những nghi ngờ và thắc mắc. Hãy sống với những câu hỏi, và theo thời gian, câu trả lời sẽ đến.
Sống trọn vẹn có nghĩa là chọn sống thực tại một cách có ý thức trong mọi khoảnh khắc, mọi sự kiện và mọi cuộc gặp gỡ với niềm xác tín rằng mỗi điều đều là một món quà từ Thiên Chúa yêu thương của tôi. Tôi sẽ không thiếu thốn chi vì tôi biết tôi sẽ có đủ vì Thiên Chúa dư thừa sẽ luôn ở đó cùng tôi vượt qua mọi khó khăn (Is. 43:1-5).
Tham khảo: Trích đoạn từ [12] [Julian1]. Xem thêm Julian thành Norwich trên CCEL.