TÔI CŨNG MUỐN VIẾT THƯ CHO THỦ TƯỚNG

Sáng sớm, hãy còn ngái ngủ mà ông bạn hàng xóm đã cho con mời tôi qua uống trà. Nghĩ tới ấm tràn ngon và tình thân bấy lâu nay, tôi đành rời chăn ấm nệm êm để qua nhà ông bạn.

Bước vào nhà, tôi thấy ông bạn tôi đã ngồi sẵn đó, ấm trà hình như vừa châm xong, hương thơm phảng phất. Gương mặt ông bạn tôi đầy vẻ tư lự. Vừa thấy tôi sang, ông lộ vẻ rất vui. Tôi hỏi luôn:

- Có việc gì mà bác cho triệu em sớm vậy?

- Dĩ nhiên là có việc tôi mới phải phiền chú thế này. Vẫn biết chú hay dậy muộn, nhưng quả thực là tôi sốt ruột quá chú ạ.

- Việc gì vậy bác?

- Chú cứ uống tách trà đi đã.

Tôi vừa chiêu xong một ngụm trà, ông bạn đã nói:

- Mong chú bỏ quá cho những lời vớ vẩn từ trước tới nay.

- Có gì đâu bác.

- Chẳng là tôi vẫn thường nói đùa rằng cái bụng chữ nghĩa của chú cũng chỉ đáng quăng vào sọt rác.

- Vâng thì cái món chữ nghĩa nửa mùa của em đâu có đáng gì so với mấy mẫu vườn trồng đào của bác.

- Vậy chứ cũng chẳng biết lúc nào nhà nước lại quăng cho một món tiền rồi dùng diễn biến qui hoạch để lấy cái vường đào này chú ạ! Trước tiên tôi hãy hỏi chú về cái vụ việc gì mà trả với lại không trả ở cái phố Nhà Chung gì đấy.

- Nhưng sao tự nhiên hôm nay bác lại quan tâm đến chuyện này?

- Tất phải có lí do rồi. Có điều tôi không hiểu sao tự nhiên ông Tổng giám mục lại làm ầm ĩ lên thế. Tôi cứ nghĩ là chính sách tôn giáo của chính phủ đâu đến nỗi nào.

- Em cũng theo dõi qua loa sự việc, em muốn nói với bác rằng chuyện không đơn giản, mà em xin mượn lời bác để trả lời bác rằng “tất phải có lí do rồi”.

- Chắc chú biết chuyện nhà nước cấp đất cho Phật giáo xây học viện trên Sóc Sơn, rồi thiền viện Tây Trúc?

- Chuyện nhà nước có cấp đất hay không thì em không biết, nhưng em đã tới Sóc Sơn và Tây Trúc. Thiền viện với học viện rộng mênh mông, dựa lưng vào núi, phong cảnh thật đẹp.

- Cũng lạ cho chú. Bụng đầy chữ nghĩa mà không chịu tìm hiểu cho tới đầu tới đũa.

- Thì bác tính đâu phải chuyện gì mình cũng biết hết được.

- Thế còn cái vụ nhà nước cấp đất cho Công giáo xây chủng viện ở Cổ Nhuế thì sao?

- Bác ơi, làm gì có chuyện cấp đất. Chẳng là cái chủng viện chỗ phố Nhà Chung bây giờ chật hẹp quá, bên Công giáo họ muốn xin xây ở chỗ khác. Cũng bao nhiêu năm mà không sao giải quyết cho xong chuyện. Cuối cùng thì hình như ông Tổng giám mục đề nghị xây ở Cổ Nhuế, trên mảnh đất có sẵn của xứ Cổ Nhuế đấy chứ. Họ xây chủng viện trên đất của họ, chứ nhà nước chỉ cho có cái phép, chứ nào có cấp đất gì đâu.

- Vậy mà tôi nghe có đứa nó bảo là nhà nước cấp đất cho bên Công giáo ở Cổ Nhuế. Thôi, bây giờ tôi vào chuyện chính. Tôi muốn nhờ chú thảo giúp cho tôi hai bức thư.

- Chuyện gì lạ vậy. Xưa nay bác vẫn tự viết thư được mà.

- Thì là chuyện quan trọng mới phải nhờ đến cái bụng chữ của chú. Chứ nếu không tôi nào dám phiền.

- Thế bác định viết thư cho ai?

- Một bức cho ông thủ tướng chính phủ, một bức cho Hoà thượng Thích Trung Hậu.

- Trời đất quỉ thần ơi, sao có chuyện kì lạ thế này?

- Tôi hẵng nói cho chú biết, bức thư gửi Hoà thượng Thích Trung Hậu là để cám ơn ông ấy đã giúp tôi tìm được cơ hội nhận ra đất tổ tiên mình, còn bức cho ông thủ tướng là yêu cầu nhà nước tham khảo ý kiến dòng họ tôi, mỗi khi định làm gì ở khu Hoàng Thành, cụ thể là chuyện đang định xây lại hội trường Ba Đình.

- Nhưng sao tự nhiên bác lại quan tâm đến những chuyện trời ơi đất hỡi vậy?

- Đấy, tôi phải cảm ơn Hoà thượng Thích Trung Hậu là vậy đấy. Chả là sáng nay thằng con trai tôi đọc cho tôi bức thư của ông Hoà thượng này ở trên mạng mẽo gì đấy của nó. Ông ấy yêu cầu ông thủ tướng phải tham khảo ý kiến bên Phật giáo trong cái vụ trả với không trả gì đó ở phố Nhà Chung.

- Chứ chuyện đó đâu có gì liên quan đến bác?

- Sao lại không liên quan. Từ chuyện đó tôi nghĩ tới chuyện dòng họ nhà tôi. Mà tôi nhắc cho chú biết, tôi đang là tộc trưởng đấy nhé.

- Vâng, thì em nào dám chối cái quyền tộc trưởng của bác. Nhưng sao bác lại viết thư cho ông thủ tướng để yêu cầu những chuyện ở Hoàng Thành với hội trường Ba Đình?

- Thì tôi cũng định làm cái việc giống như Hoà thượng Thích Trung Hậu ấy mà.

- Nhưng hình như ông Hoà thượng có nói tới lịch sử 825 năm họ liên tục sở hữu chùa Báo Thiên. Với lại một Hoà thượng ít ra cũng có lí do lên tiếng nhân danh bên Phật giáo. Còn bác sẽ yêu cầu nhân danh ai đây.

- Tôi đã bảo chú rằng tôi là tộc trưởng. Tôi yêu cầu nhân danh dòng họ. Chú vẫn biết dòng họ nhà tôi đấy chứ.

- Vâng, thì danh tính bác đương nhiên em phải biết. Bác là trưởng tộc họ Lê.

- Điều chú không biết là trong gia phả nhà tôi có ghi rằng dòng họ nhà tôi vốn gốc tích ở mãi Lam Sơn, Thanh Hoá, là một nhánh của Đức Lê Trừ, anh trai Đức Thái Tổ nhà Lê.

- Vâng, nhưng em nào có thấy liên quan gì đến chuyện ông Hoà thượng Thích Đức Hậu với chuyện viết thư cho ông thủ tướng?

- Thật đúng là chú học nhiều mà hiểu ít. Chú vẫn mang tiếng là giỏi về sử mà lại không biết rằng trước thời Lê Trung Hưng, nhà Lê bị nhà Mạc diệt. Sau cụ Nguyễn Kim muốn gây dựng lại nhà Lê. Từ bên Lào, cụ Nguyễn Kim về Thanh Hoá tìm lại con cháu nhà Lê, nhưng không còn ai. Sau cụ Nguyễn Kim tìm được một người con cháu xa của Đức Lê Trừ và lập lên làm vua, đó là vua Lê Trang Tông.

- Chuyện đó thì em có biết.

- Vậy thì có phải tôi thuộc hoàng tộc nhà Lê không?

- Bác nói cũng có lí.

- Sao lại cũng có lí. Phải nói là hoàn toàn hợp lí chứ.

- Vâng, nhưng bác định sao nữa đây.

- Thì ông Hoà thượng Thích Trung Hậu nói tới chuyện bên Phật giáo liên tục sở hữu Chùa Báo Thiên 825 năm. Vậy chứ dòng hoàng tộc nhà tôi lại không sở hữu kinh thành Thăng Long, mà Hoàng Thành là trung tâm, cả đến hơn 350 năm à? Chuyện này chú cũng biết là trong sử sách Việt Nam chẳng ai chối được.

- Nhưng bác ơi, bác nói thế thì chẳng lẽ lại không có ông tộc trưởng họ Trần, rồi tộc trưởng họ Lý, rồi xa hơn là con cháu Cao Biền cũng sẽ đòi tham khảo ý kiến khi nhà nước định làm gì ở khu vực Hoàng Thành.

- Đó là việc của họ, tôi không cần biết. Chứ tôi nghĩ ông Hoà thượng Thích Trung Hậu nào đó liệu có một bằng chứng tương tự như cuốn gia phả nhà tôi hay không?

- Em thì vẫn thấy cái chuyện bác định làm nó viển vông quá sức.

- Ơ cái chú này. Muốn nhờ chú một việc mà chú toàn nói ngang thôi.

- Bác ạ, người ta nói việc quan cứ giấy, chứ không thể nói vu vơ được.

- Trời ơi, chú thật là hồ đồ. Cả cuốn gia phả nhà tôi chưa phải là giấy hay sao? Vậy chứ ông Hoà thượng kia dựa trên giấy nào mà đòi tham khảo ý kiến? Mà tôi cũng có đòi hỏi gì chuyện trả hay không trả đâu, tôi cũng chỉ học ông Hoà thượng kia để yêu cầu nhà nước tham khảo ý kiến dòng họ nhà tôi, khi định làm gì trên mảnh đất mà dòng họ nhà tôi đã sở hữu suốt một thời gian dài.

- Em thật chịu bác rồi.

- Bây giờ ý tôi như thế, chú thảo giúp thư cho tôi được chứ?

- Bác ơi, bác nhờ chuyện gì em cũng giúp, còn chuyện này thì bụng chữ nghĩa nửa mùa của em đúng là vô ích.

- Thế thì cái đám chữ nghĩa của chú đúng là đáng vứt vào sọt rác. Thôi, nếu vậy thì tôi sẽ bảo thằng con tôi cứ thảo y như cái thư của ông Hoà thượng Thích Trung Hậu, chỉ cần thay vài con số, vài cái tên là xong chuyện. Khỏi phải nhờ tới chú.

- Bác ơi, em can bác đừng làm chuyện này. Em xin quay lại với cái chuyện bên Công giáo họ đòi cơ sở. Cái chuyện chuyển giao lúc đất chùa thành đất nhà thờ thì em không biết cụ thể ra sao, nhưng bên Công giáo họ có đầy đủ giấy tờ sở hữu từ lâu rồi. Lúc nhà nước mượn của họ cũng chẳng có văn bản giấy tờ gì cả. Chỉ là mượn bằng miệng. Tức là cứ theo giấy thì cơ sở đó đến giờ vẫn là của họ. Thế mà đơn lên đơn xuống hàngbao nhiêu năm nay, nhà nước chỉ ỡm ỡ hứa hẹn. Vậy nên họ mới phải có cách của họ đấy chứ. Thế mà theo em, những diễn biến mấy ngày gần đây cho thấy là nhà nước hình như vẫn không muốn trả. Cứ xem cái cách họ tuyên truyền trên các trang báo thì biết. Nào là bài viết của linh mục Trương Bá Cần trên báo Công giáo và dân tộc, rồi chính cái thư của ông Hoà thượng nữa đấy. Em nghĩ là họ thấy dùng các cách xưa nay họ quen dùng theo kiểu “cả vú lấp miệng em” có vẻ chẳng đi tới đâu, nên đang thử bài mới vậy thôi theo cái kế “tá đao sát nhân” hay “cách ngạn quan hoả” với lại “dương đông kích tây” ấy mà.

- Chú lại mắc cái bệnh chữ nghĩa rồi. Tôi nhắc cho chú là hình như chú lại lẫn lộn giữa tôn giáo và nhà nước rồi đấy.

- Em nào dám.

- Vậy sao chú lại vơ ông Trương Bá Cần và ông Thích Trung Hậu vào bộ máy tuyên truyền của nhà nước?

- Tại vì mấy tờ báo của họ có bao giờ nói khác ý của nhà nước đâu. Bên Công giáo họ có nhận báo Công giáo và dân tộc là tiếng nói của họ đâu. Rồi báo “Công giáo và Dân tộc” với báo “Phật Tử: Đạo Pháp – Dân Tộc – Thời Đại” nghe cứ như là hai anh em ấy. Chắc bác không biết chứ có chùa người ta còn đặt tượng ông Hồ Chí Minh to tướng ngay trước Đức Phật, rồi còn treo dòng chữ Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội, cứ như ba thứ đó là anh em sinh ba với nhau không bằng. Nên mấy cái loại báo giấy hay báo điện tử đó em cũng vẫn coi là tuyên truyền theo một đường lối.

- Cái chú này, càng nói càng lạc đề. Thôi, tôi không dài dòng với chú nữa, chú không thảo giúp thì để tôi tự làm vậy. Chú cứ đợi đấy. Có ngày nhà nước với ông thủ tướng sẽ tới nhà tôi hỏi ý kiến cho mà xem.