Thứ Hai Tuần Thánh: Chúa Giêsu Thanh Tẩy Đền Thờ

Dấu Chỉ của Sự Chết và Đời Sống Mới

Vài nét lịch sử:

Đền Thờ được nhắc đến ở đây là Đền Thờ tại Jerusalem. Đây không phải là Đền Thờ thứ nhất do Vua Solomon xây lên (1 King 6-7), cũng không phải là Đền Thờ thứ hai được xây lại khi người Do Thái trở về từ cuộc lưu đày Babylon (Ezra 6:15)

Một kiểu mẫu của Đền Thờ Herođê
Đây là Đền Thờ thứ ba, được gọi là “Đền Thờ của Vua Herođê”, do Vua Herođê khởi công, chẳng phải là muốn giúp dân Do Thái có nơi thờ phượng nhưng nhằm giải hòa dân Do Thái và Vua Idumaean. Công trình xây dựng Đền Thờ này được khởi sự từ năm 19-20 BC và tiếp tục trong vòng 46 năm. Đền Thờ này phần lớn được hoàn tất trong thời Chúa Giêsu, nhưng chỉ hoàn thành trọn vẹn có sáu năm trước khi bị phá huỷ hoàn toàn vào năm 70 AD. Đền Thờ này có lẽ không được hoành tráng như Đền Thờ thứ nhất của Vua Solomon nhưng chắc chắn là lộng lẫy và tráng lệ hơn Đền Thờ thứ hai (Ezra 3:12; Mark 13:1).

Khi còn là trẻ sơ sinh Đức Giêsu đã được đem đến Đền Thờ này để chịu thanh tẩy, và ông Simêon đã thờ lạy Người là Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa hứa ban. Khi lên 12 tuổi, Đúc Giêsu cũng theo Cha Mẹ Người đến Đền Thờ này, nơi Người đã làm kinh ngạc các kinh sư Do Thái do sự thông minh và hiểu biết của Người.

Gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Jerusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán. Các môn đệ của người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Lòng nhiệt thành đối với Nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi. (John 2:13-17)

Lễ Vượt Qua của người Do Thái nhằm kỷ niệm biến cố thoát khỏi nô lệ Ai Cập. Khi Thần Chết vượt qua từng trụ cửa nhà trong Lễ Vượt Qua thứ nhất, hễ có dấu máu của chiên hy tế trên cửa thì nhà đó được tha. Lễ Vượt Qua cũng là bắt đầu Hội Lễ Bánh Không Men. Lễ Vượt Qua kéo dài trọn một tuần lễ.

Tất cả thanh niên từ 12 tuổi trở lên và đàn ông Do Thái đều phải về Jerusalem dự Lễ Vượt Qua hàng năm. Vào ngày thứ 10 của tháng Abib hay Nisan (tương đương với tháng Ba dương lịch), một con chiên đực chưa quá một tuổi, không tỳ vết được bắt ra (do đó, Chúa Giêsu sau này không bị đánh dập ống xương, để thỏa lời Kinh Thánh: Chiên Tinh Tuyền). Và vào ngày thứ 14, trong thời gian từ 3 giờ chiều đến 6 giờ chiều, bị đem đi giết để làm tế vật (từ đó: Chiên Hy Tế).

Trong những ngày của Tuần Lễ Vượt Qua này, đông đảo đoàn lũ người Do Thái, không chỉ trong nước, mà cả khắp nơi trên thế giới (Diaspora) tuôn đổ về thành Jerusalem để mừng Lễ Vượt Qua. Do đó, chính quyền Rôma mỗi năm vào tuần này đều đặc phái về Jerusalem một đội binh khoảng 100 người gồm sĩ quan và binh lính để giữ an ninh, đề phòng người Do Thái nổi loạn (Chúa Giêsu đã có chữa lành cho một người đầy tớ của viên sĩ quan của một trong những đội binh này).

Tất cả người Do Thái đều phải nộp một món thuế Đền Thờ mỗi năm khi vào tế lễ (xem Exodus 30:13). Vì ngoại tệ không được chấp nhận để đóng thuế Đền Thờ nên những người Do Thái “ngoại kiều” phải đổi lấy tiền Đền Thờ để nộp thuế. Những người hành hương từ xa này cũng phải dâng lễ vật, thành ra giải pháp tiện nhất là mua súc vật để tế lễ tại Jerusalem.

Đã có môt thời những người buôn bán súc vật và đổi tiền sắp đặt cửa hàng của họ ngang qua Thung Lũng Kidron, trên những sườn dốc của Núi Cây Dầu. Nhưng vào lúc này, cửa hàng của họ nằm ngay trong Sân Đền Thờ (đây là Sân Ngoài, dành cho Dân Ngoại), ngay cả súc vật cũng được mang vào đây.

Lý do thực sự nằm sau những xếp đặt này là do các lãnh đạo Do Thái lạm dụng quy luật Đền Thờ để mang lợi lôc cho họ: bán giá cắt cổ chiên bò tế lễ, lấy huê hồng thẳng tay trong dịch vụ đổi tiền.

Thành Cổ Jerusalem nhìn từ Thung Lũng Kidron
Bởi vì những súc vật do dân hành hưong mang tới sẽ bị các lãnh đạo Do Thái loại bỏ hết, do không đủ tiêu chuẩn hoặc không đúng quy định! Từ đó họ độc quyền thao túng làm tiền trên các mãi vụ này.

Do đó, những gia đình nghèo như Cha Mẹ của Đức Giêsu chỉ có đủ tiền để mua được một hay hai con chim bồ câu làm tế lễ chứ không thể mua nổi chiên hay bê non. (A. Edersheim, The Life and Time of Jesus the Messiah, New York, 1897, vol.I, p.370).

Từ bối cảnh này chúng ta mới hiểu được lời nói của Đức Giêsu: Nào chẳng đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là Nhà Cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! (Mark 11:17)

Nhũng Ý Nghĩ bên trong:

-Theo Origen (Comm. in Jo. 10, 16): Đền Thờ đây ám chỉ những linh hồn ngỗ nghịch, bị chất đầy không bởi súc vật và con buôn, nhưng bởi những quyến bén và tham lam trần tục điên rồ. Đức Kitô phải tống chúng ra ngoài bằng những ngọn roi tín lý Thiên tính của Người để có được sự phụng thờ trong tâm linh.

-Đền Thờ cũ sẽ được thay thế bằng Đền Thờ Mới chính là Thân Thể Đức Kitô.

-Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ nhân từ và tốt lành nhưng cũng là Đấng Thẩm Phán công chính, Người sẽ trừng trị kẻ thù Người và sửa trị những gian tà của con người.

Những phản hồi xuyên qua bối cảnh xã hội:

1. Sự bất bình chính đáng trước những bất công phi lý nghiêm trọng:

Về tôn giáo: “Nhà Ta là Nhà Cầu Nguyện của mọi dân tộc mà các ngươi biến thành sào huyệt của bọn cướp”

Hai ngàn năm trước, các lãnh đạo Do Thái tham nhũng bóc lột dân gian qua những thủ đoạn man trá dựa vào quy luật Đền Thờ.

Hơn hai ngàn năm sau, ngay từ những phần đất linh thiêng nhất của Giáo Hội, nơi giáo dân từng tập trung cầu nguyện hằng bao thế hệ, lại dựng vũ trường, xây bể bơi làm thành ổ du hí. Rồi lập quán phở, mở ngân hàng đổi tiền ngay trong sân. Hơn thế nữa, Nhà Cầu Nguyện của mọi dân tộc mà Chị Mường người dân tộc phải leo qua hàng rào để vào cầu nguyện, lại bị đấm đá gây trọng thương.

Về xã hội: từ hai bên bờ sông Hồng chạy dọc dài đến vùng Biển Mặn Cần Giờ, biết bao nhiêu con người sống không được sống xứng đáng với phẩm giá của mình vì sự nghèo khổ và tuyệt đại đa số người dân chưa hưởng được những nhân quyền căn bản.

Đây là hình ảnh của một xã hội văn minh tiến bộ?

2. Một bài học từ những ý nghĩa sâu xa của việc Thanh Tẩy Đền Thờ:

Có những khi chúng ta được gọi để cùng đứng với Đức Giêsu chống lại bất công, gian trá, bóc lột. Và nhu cầu này vẫn còn đòi hỏi rất nhiều trong thời đại này.

Nhưng chúng ta sẽ thất bại nếu chúng ta chỉ dựa vào ý chí và sức riêng của mình. Chúng ta cần Đức Kitô trong mỗi một nỗ lực và đó là bài học sâu xa qua biến cố này.

Xin cho chúng con nhận ra sự thờ phượng Chúa đích thực cũng đi đôi với việc làm triển nở công lý trong xã hội.