Cơn mưa Hạ

Thời tiết VN hiện đang rất nóng bức có ngày lên đến 38-390 C cộng thêm những biến động xấu về giá cả thị trường làm ai nấy có phần mệt mỏi lo lắng nhiều hơn mọi năm. Tuy nhiên ngoài những nguyên nhân khách quan do thiên nhiên hoặc bị tác động bởi thế giới bên ngoài còn do chính con người gây ra cho nhau như những căng thẳng đang diễn ra tại giáo xứ Thái Hà suốt mấy tháng qua và có những dấu hiệu cho thấy rất có thể sẽ đạt đến đỉnh điểm nay mai (?).

Giữa bối cảnh một Thái Hà đang âm ỉ chất chứa nhiều chông chênh, bất cập dễ gây nên những đổ vỡ khó lường, một tin vui khác được mọi người đón nhận đó là quyết định của chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đồng ý trao trả lại thánh địa La Vang cho giáo hội. Mặc dù mới là sự chỉ đạo miệng nhưng chỉ vài ngày sau khi tin này được VietCatholic đăng tải (có lẽ là sớm nhất?) trên website của đài BBC tiếng Việt cũng đã đưa tin tương tự mà đài này ai cũng biết xưa nay luôn rất thận trọng nên càng có cơ sở để tin vào những lời hứa miệng ấy.

Trong hoàn cảnh phải đi “xin xỏ” lại từng mảnh đất, cơ sở tôn giáo bị nhà nước chiếm đoạt dưới nhiều danh nghĩa chiêu bài khác nhau hết sức là nhiêu khê thì thông tin trên đã tựa như một cơn mưa Hạ làm dịu đi cái ‘nóng bức’ của sự căng thẳng đầu óc với những ai theo dõi tin tức về những đấu tranh của giáo hội VN hiện nay và khơi lên những tia hy vọng nhỏ nhoi về những cơn mưa công lý tiếp theo sẽ đổ xuống những nơi đang thiếu thốn sự công bằng và bác ái.

Một quyết định sáng suốt…

Tuy nhiên bên cạnh niềm vui thì diễn tiến của sự việc còn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì sao việc đề nghị xin lại Thánh địa La vang của giáo phận Huế lại được chính quyền tỉnh Quảng Trị giải quyết nhanh chóng trong khi những người đứng đầu địa phương này dẫu sao cũng chưa phải chịu bất cứ áp lực nào căng thẳng đến mức làm họ phải lo lắng “mất ăn mất ngủ” như chính quyền Hà Nội trong vụ Tòa Khâm Sứ cuối năm vừa qua? Phải chăng vì đất đai ở đấy kém giá trị bằng đất quận Hoàn Kiếm và những nơi đang tranh chấp khác như Sàigòn, Nha Trang v.v…?

Nếu chỉ xét riêng về mặt kinh tế thì quả đúng là vậy nhưng nếu suy nghĩ thêm mọi người không thể không ghi nhận một nhân tố tích cực rất quan trọng đó chính là do sự nhận thức của những người nắm giữ quyền hành tại mỗi địa phương họ có đủ thiện chí và sự sáng suốt trong giái quyết công việc hay không vì kinh nghiệm mỗi khi có việc phải đến ‘cửa quan’ ở VN thì có nhiều sự việc tuy cùng chung một hoàn cảnh, tình huống nhưng ở một địa phương lại có những cách giải quyết khác thậm chí trái ngược nhau hoàn toàn là chuyện bình thường như ‘cơm bữa’

Xin “nói có sách, mách có chứng” đàng hoàng là cùng lúc với bản tin về thiện chí trả đất của tỉnh Quảng Trị thì ở giáo xứ Thái Hà lại xảy ra chuyện lạ đời phản ánh một trình độ tư duy kém cỏi đến độ hài hước của chính quyền phường Ô Cầu Giấy Hà Nội bằng việc phạt hành chính một cụ già tuổi đã xế chiều về tội ra đường không đem theo giấy CMND! Bất cứ ai theo dõi đầu đuôi câu chuyện các cụ đọc kinh cầu nguyện tại nhà thờ Thái Hà nghe tin này cũng nhận ra ngay đó chỉ là cái cớ của việc làm “vạch lá tìm sâu” rất hèn kém, hoàn toàn không xứng đáng với vị thế là lãnh đạo của một địa phương lớn như giữa Hà Nội, thủ đô của những “ngàn năm văn vật” nơi lẽ ra phải cư xử lịch lãm hơn so với tỉnh nghèo như Quảng Trị mới phải.

Hơn thế, nếu lý do CMND được cho là quan trọng hẳn Hà Nội, Sàigòn và các thành phố lớn khác cả nước đã chẳng bao giờ có cảnh nhiều người già còn phải ngủ bờ ngủ bụi sống lây lất la liệt ngoài vệ đường, vỉa hè thậm chí cho đến lúc chết cũng vẫn “homeless” vô gia cư nên người thân cũng đành đau lòng nhìn quan tài phạm thêm tội “lấn chiếm lề đường” như báo VietnamNet mới tường thuật tuần qua. Xin các vị đã ra quyết định phạt cụ già không đem theo CMND ở giáo xứ Thái Hà hôm ấy hãy tìm đến với những người già vô gia cư ấy để hỏi CMND họ xem nhà cửa các cụ ở đâu thuộc địa phương nào có trách nhiệm quản lý vì chính các cụ ấy mới là những người đang trông chờ sự hỏi thăm quan tâm của chính quyền hơn ai hết.

Những vị Quan khôn ngoan (?)

Suy cho cùng, động lực cốt lõi hướng dẫn mọi hành vi của con người đều xuất phát từ cái Tâm của họ. Với người quen sống hẹp lòng ích kỷ chuyện dù có bé cũng dễ bị xé thành to, việc tưởng chừng rất dễ giải quyết lại đâm ra quá khó khăn, đặc biệt với những người quyền cao chức trọng trong mọi xã hội, không biết có phải do mắt họ chỉ quen nhạy cảm với những bước sóng phản chiếu từ tiền tài danh vọng hay không mà xã hội ngày nay rất nhiều người chỉ thấy được lợi lộc của bản thân, của phe nhóm mình mà ‘phớt lờ’ đi bao thiệt hại bất công họ đang gây ra cho người khác.

Làm lãnh đạo bằng “cái Tâm - cái Tầm” thấp kém như vậy là gánh nặng cho người dân đã đành vì lương họ nhận chính là tiền thuế của dân nhưng còn là những vật cản bước tiến của xã hội mới là cái đáng lo hơn và thật buồn thay cho đất nước vì những thành phần này đang có xu hướng chiếm đa số như nhiều báo đưa tin những người có năng lực thật sự đang lần lượt bỏ công sở và họ gọi đó hiện tượng “chảy máu chất xám” chỉ tiếc là chưa thấy tờ báo nào dám mạnh dạn phân tích việc ra đi ấy do lòng tự trọng là chính vì thường những người có cái tài, hiểu biết luôn xem trọng cái Tâm trong một môi trường làm việc thiếu lành mạnh nhiều người vì không muốn sa ngã hoặc bị xem như “cá mè một lứa” nên họ phải ra đi là lẽ phải.

Lãnh đạo là ai, học hành bằng cấp đến đâu dân không mấy người quan tâm (và cũng khó tin với bằng của nhiều quan ngay nay) mà chỉ yêu cầu tối thiểu phải là người làm được điều ‘việc nước chạy cho dân được nhờ’ nhưng thực tế nhìn sự bế tắc hiện nay trong giải quyết khiếu kiện đất đai khiến hàng ngàn người dân phải vật vờ hết cửa quan này đến vườn hoa nọ quanh năm suốt tháng khắp nơi cho thấy phần lớn chỉ có mỗi khả năng thoái thác trách nhiệm. Một chính quyền như vậy thì dân mong gì chuyện “tề gia trị quốc” nói chi đến “bang giao tế thế” với “bơi ra biển nhớn” đấu đá bằng thiên hạ?

Chưa phải là loại người lương tri mù hoàn toàn vì hầu hết còn tỏ ra biết học cách ăn nói rất có bài bản (nhưng thật ra từ trên xuống dưới đều chung một giọng điệu như những chú vẹt bắt chước nói sao cho giống chủ dạy) nên họ chẳng phải là những người không biết đâu là lẽ phải nhưng vì cũng lại do ‘cái Tâm – cái Tầm’ đều kém như nhau nên bằng mọi cách vận dụng luật này lệ nọ ra để biện minh cho những việc làm sai trái và né tránh trách nhiệm đến chừng nào còn có thể né được.

Việc tỉnh Quảng Trị đồng ý trao trả thánh địa La Vang lại cho giáo hội công giáo mặc dù ai cũng hiểu không phải do địa phương này đơn phương quyết định, nhất là trong tình hình nhiều đòi hỏi tương tự của giáo hội đang diễn ra khắp nơi, mà nó đã được xem xét và cân nhắc rất kỹ lưỡng bởi chính quyền trung ương. Nhưng dẫu sao cũng phải nhìn nhận rằng sự việc không thể thuận buồm xuôi gió nếu thiếu những lãnh đạo ít ra họ cũng còn có chút Tâm chút Tầm và hẳn cũng biết đến cái quyết định “trăm bề dại dột” đã lỡ phóng lao nên phải theo lao của bà PCT Quận Hoàn Kiếm trong vụ tòa Khâm Sứ để rút ra được chút kinh nghiệm quí báu để lo giải quyết cho xong bởi việc gì khi đã thành dư luận rồi chẳng những khó ‘sơ múi’ mà còn rất khó tháo gỡ hơn vướng sĩ diện đủ thứ.

Mặc dù chỉ là sự suy diễn nhưng với người khôn ngoan bình thường ai cũng sẽ chọn cách hành xử lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nếu là “quan” càng phải chứng tỏ biết nhìn xa trông rộng hơn và trong mắt người dân thì chẳng điều gì nói thay khả năng lãnh đạo của họ một cách thuyết phục bằng chính sự giải quyết được những công việc bị xem là gai góc đó là thước đo chính xác nhất “kích cỡ” của người lãnh đạo.

Trong một xã tắc kỷ cương bát nháo!

Sở dĩ còn có những chuyện ‘tréo ngoe’ diễn ra trong cách hành xử của chính quyền khiến mỗi nơi một khác là do pháp luật ở VN ban hành rất tùy tiện, văn bản dưới luật nhưng lại “đá giò lái” lên lại với luật là chuyện phổ biến. Trong hành chính là các loại thông tư chỉ thị, trong kinh doanh là các giấy phép con v.v… tất cả gây nên cảnh ‘mập mờ huyền ảo’ để cho các địa phương mặc sức vận dụng tùy thích sao cho chính quyền có lợi.

Đối với các nước văn minh tiến bộ thì một khi đã gọi là luật pháp thì mọi công dân từ tổng thống cho đến dân thường đều phải biết và thi hành. Bất cứ ai vi phạm cũng đều bị xử ngang nhau nên nhà nước chẳng cần phải mất công rêu rao nhiều như VN mình đi đâu cũng thấy băng rôn khẩu hiệu “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” tại sao luật pháp mà cũng phải marketing quảng cáo giống như thương mai nếu chẳng phải vì lý do nó đã bị quá xem thường?

Chỉ riêng chuyện này thôi cũng cho thấy luật lệ ở VN có gì đó khác với thiên hạ nên mới phải làm chuyện tốn kém ‘lãng xẹt’ nhiều đến thế. Luật pháp các nước văn minh được dân tôn trọng là do mọi người tin “chắc như đinh đóng cột” rằng chính phủ sẽ luôn hành xử đúng nếu họ làm sai còn VN mình ngược lại vì luật lệ không mấy rõ ràng đến luật sư mà cũng còn ‘chào thua’ thì huống chi dân thường làm sao hiểu nổi nên đảng “thiên tài” ta biết tình hình là vậy nên phải ‘răn đe’ phụ thêm bằng khẩu hiệu nhưng than ôi! càng treo “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nhiều bao nhiêu dường như càng giúp cán bộ càng tự tin nhận hối lộ nhiều bấy nhiêu và với người hiểu biết thì “lăng-xê” nó càng nhiều tức đồng nghĩa với việc thừa nhận luật pháp càng trở nên bèo bọt thêm!

Ngay chính một vị cựu thủ tướng, ông Phan Văn Khải lúc chuẩn bị về vườn trong một hội nghị lớn chuẩn bị cho APEC tại dinh Độc Lập vào cuối năm 2005 đã nói một câu để đời “trên bảo dưới không nghe” mà ngay sau đó đã trở thành đề tài đàm tiếu trong thiên hạ khắp nơi với ý châm chọc tục tĩu không tiện nói ra ở đây. Có thể do trong một thoáng cảm thấy bất lực mình đường đường là một thủ tướng mà nói chẳng địa phương nào thèm nghe khiến ông ta đã phải “lỡ lời” nhưng có thể xem đó là lời tự thú chính xác nhất về tình trạng kỷ cương bát nháo của hệ thống chính quyền trong nước hiện nay.

Tình hình cũng chẳng khá hơn với ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiệm. Mọi người còn nhớ lúc mới bắt đầu xảy ra vụ ‘Tòa Khâm Sứ’ với việc nhiều giáo dân tụ tập đọc kinh cầu nguyện tình hình chưa mấy căng thẳng đích thân ông thủ tướng đã đến tận hiện trường quan sát và gặp gỡ trao đổi cùng Đức TGM Ngô Quang Kiệt. Sự hiện hiện ấy cho thấy sự quan tâm của người đứng đầu chính phủ khiến ai nấy đều hy vọng mọi khó khăn sẽ được giải quyết ổn thỏa và theo nhiều nguồn tin sau đó cho biết thì nhiều quan chức cấp cao kể cả bên công an cũng muốn trả lại đất Tòa Khâm Sứ cho giáo hội cho xong việc nhưng thật trớ trêu cũng chỉ vì chuyện “trên bảo dưới không nghe” như ông cựu thủ tướng Khải đã từng bị chẳng những điạ phương cấp quận liên quan không chịu thi hành mà bà PCT Thanh Hằng còn thản nhiên ra tối hậu thư ra lệnh đến đúng giờ G phải giải tán mà theo nhiều nguồn tin do quận này đã “lỡ” bán cho đối tác nên muốn bằng mọi giá giao cho họ và chỉ đồng ý với giải pháp giao trả đất nơi khác mà việc này vẫn chưa có lối thoát.

Có hiểu hết bức tranh loang lổ, nham nhúa của nền hành chính VN (mà dân chúng gọi không oan chút nào “Hành dân là Chính”) mới thấy quyết định của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị it1 ra họ còn chút sáng suốt và rất đáng hoan nghênh. Quyết định ấy có thể ví giống như cơn mưa đầu mùa làm dịu bớt phần nào tiết trời oi bức mà mọi người đang mong đợi.

Người viết đinh kết thúc bài viết ở đây chưa kịp gởi đi thì vừa mới được xem qua ý kiến của một độc giả ở Bruxelles – Bỉ, được đăng trên mạng khẳng định cử chỉ thiện chí khiến nhiều người ngạc nhiên của chính quyền tỉnh Quảng Trị sẽ chỉ là nước cờ chính trị của chính quyền Hà Nội nhằm tìm cách ‘hoãn binh’ cũng căn cứ vào hai cách giải quyết đầy mâu thuẫn nhau giữa La Vang và Thái Hà như người viết đã nêu trong bài này. Thật ra đây là điều mà bất cứ ai có kinh nghiệm về cách hành xử ‘nói một đàng làm một nẻo’ của cộng sản trogn quá khứ luôn phải nghĩ đến nên lời tiên đoán này hoàn toàn có khả năng xảy ra vì quyết định trả đất La Vang hiện mới chỉ bằng tuyên bố của ông Phó chủ tịch UBND Quảng trị, Ủy Viên thường trực Bộ Chính Trị Nguyễn Đức Chính mà người đời thì vẫn thường hay bảo “lời nói gió bay” nên chẳng có gì là chắc chắn cả.

Chúng ta cũng cần biết một điều là mọi hoàn cảnh ‘đi đòi nợ’ xưa nay thì mặc dù có đầy đủ chứng lý nhưng chủ nợ bao giờ cũng ở vào thế bị động vì việc có được trả hay không còn tùy rất nhiều vào cái Tâm của con nợ đặc biệt khi đụng phải loại xã hội đen luôn tỏ ra bất cần đời mà đôi khi vì để ‘được việc’ chủ nợ phải biết nhún nhường là đằng khác. Tuy nhiên bên cạnh đó một điều đáng chú ý thêm là thời thế nay đã thay đổi và khác xưa rất nhiều, sống trong một thế giới thông tin cực kỳ nhanh nhạy hữu hiệu và mọi thứ ngày càng gắn kết có liên quan mật thiết với nhau hơn thì mọi hành vi bị xem là ngớ ngẩn là điều bất kỳ ai người hay kẻ dở ai cũng đều ngán ngại.

Do vậy sự ‘hăng hái’ làm tiên tri quá sớm của độc giả Bruxelles – Bỉ mà cũng còn thiếu những căn cứ xác thực xa hơn nữa là việc đi đến suy diễn, kết tội các vị chủ chăn trong HĐGM VN hiện nay là quá hiền lành (hay ‘dại khờ’ nhưng có lẽ chưa dám nói thẳng (?) chẳng lẽ chúng ta lại mong các vị phải ‘dữ dằn’ hay đầy mưu mô để ‘ăn miếng trả miếng’ như người đời hay cư xử với nhau mới là chủ chăn giỏi sao?) khi vội đưa ra thông tin về việc trả Thánh địa La Vang trên VietCatholic là “tiếp tục cho giáo dân ăn bánh vẽ“ là điều lẽ ra chẳng nên vội làm mới phải.

(Giáo dân Sàigòn, ngày 15/4/2008)