Cảnh hoang tàn sau khi bị nhà nước cưỡng chiếm
Nhà thờ cũng bị đập
Cửa nẻo bị trộm cắp
Nhà nước chuẩn bị xây khách sạn
Khách sạn 4 sao đấy
Cơ sở Tô thị Huỳnh giờ chỉ còn là đống gạch vụn
Tại Việt Nam, xảy ra liên tiếp những vụ người dân thấp cổ bé miệng lên tiếng đòi chính quyền tôn trọng tài sản của nhân dân, không được lợi dụng kẽ hở của luật pháp và quyền lực có trong tay để chèn ép người dân, xâm phạm tài sản (nhà cửa, đất đai) hợp pháp bao đời nay của các gia đình, đoàn thể, đặc biệt của Giáo Hội, Dòng tu…

Tiếp nối những tin tức về các sự kiện Dòng Chúa Cứu thế (Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt…), Dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn (Sài Gòn), nay sự kiện các nữ tu Dòng Thánh Phaolô tại Vĩnh Long (thuộc Tỉnh dòng Phaolô Mỹ Tho) đòi lại tài sản đã bị chiếm đoạt, danh dự đã bị vu khống từng được nhiều người trong nước biết đến, nay đã đến lúc cần phải được đưa ra trước dư luận quốc tế.

Dư luận thấy rằng, sau một thời gian dài đấu tranh trong khuôn khổ XIN-CHO, làm đơn XIN chính quyền giải quyết CHO được lấy lại cơ sở tu viện ở Vĩnh Long đã bị… chính quyền cưỡng đoạt bằng sức mạnh và thủ đoạn của kẻ có quyền, các nữ tu hoàn toàn bị o ép, vì lẽ đó những người quan tâm đến tình hình sinh hoạt tôn giáo tại VN không thể không lên tiếng bênh vực các nữ tu.

Dòng Thánh Phaolô – Hơn một thế kỷ phục vụ tại mảnh đất Miền – Tây - Lục - Tỉnh

Năm 1860, theo yêu cầu của Đức Cha D. Lefèbre, hai nữ tu dòng Thánh Phaolô đặt chân lên đất Việt Nam với nhiệm vụ săn sóc trẻ em mồ côi tại Viện Thánh Nhi ở Sài Gòn.

Năm 1861, nữ tu Benjamin được bổ nhiệm làm bề trên miền Viễn Đông. Ngay trong năm 1861, dòng đến phục vụ tai Bệnh viện Biên Hòa và Mỹ Tho.

Các nữ tu Phaolô ở Mỹ Tho nhanh chóng tỏa đi khắp miền Lục tỉnh với nhiệm vụ giáo dục trẻ em, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ những người bất hạnh, đặc biệt những người bị lãng quên.

Các nữ tu dòng Thánh Phaolô đã đến Vĩnh Long năm 1871.

Tại Vĩnh Long, Dòng thánh Phaolô đã hiện diện qua những hoạt động bác ái theo tôn chỉ của Hội Dòng. Năm 1874, các nữ tu đã mua được một miếng đất làm tu viện. Cơ sở này tọa lạc ở số 3 Nguyễn Trường Tộ (nay là số 3 Tô Thị Huỳnh), thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Cơ sở tu viện Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long là địa chỉ quen thuộc đối với nhiều thế hệ người dân thị xã Vĩnh Long trong suốt hơn một thế kỷ.

Mọi người đều biết đó là một tu viện của các nữ tu Công giáo, là nơi làm việc bác ái xã hội (nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc người bất hạnh…).

Thế nhưng, sau 1975, chính quyền tỉnh Cửu Long (tên hành chánh lúc đó của tỉnh Vĩnh Long hiện nay) lại cố tình không biết những hoạt động bác ái và cuộc sống tu trì của các nữ tu.

Ngày 7/9/1977 chính quyền tỉnh Cửu Long ra tay bắt bớ, giam cầm các nữ tu và tịch thu tu viện.

Ngày 7/9/1977 – Ngày tai họa giáng xuống các nữ tu Dòng Thánh Phaolô tại Vĩnh Long

Cuộc sống tu trì của các nữ tu Dòng thánh Phaolô tại tu viện trên đột nhiên bị xáo trộn bởi sự kiện 7/9/1977:

Ngày 7/9/1977, Công an thị xã Vĩnh Long vô cớ đột nhập vào tu viện Dòng Thánh Phaolô tại số 3 Nguyễn Trường Tộ (nay là số 3 Tô Thị Huỳnh), phường 1, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Khi đã hoàn thành việc bao vây và kiểm soát tu viện, Công an tuyên bố kiểm kê tài sản, giải tán các em cô nhi - khuyết tật, tịch thu toàn bộ tài sản của tu viện, bắt tất cả các nữ tu, giam mỗi nữ tu biệt lập trong một phòng học của trường Thánh Bảo Lộc!

Một tháng sau (tháng 10/1977), Công an thả 17 nữ tu, buộc về nguyên quán. Nữ tu phụ trách tu viện, Lê Thị Trạch, bị đưa về đồn Công an, bị giam nơi đây 2 tháng. Sau đó buộc chị phải về cư trú tại nhà Giám Tỉnh Dòng Thánh Phaolô, số 14 Hùng Vương, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.

Thế là, sau khi bị bắt giam, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô - những công dân Việt Nam, mặc dù không hề vi phạm bất cứ một điều khoản nào trong luật pháp nào của Nhà nước Việt Nam - đã bị đuổi ra khỏi tu viện, nơi cư trú hợp pháp của mình, mà không hề được xét xử tại Tòa án, và tất nhiên đã không hề nhận được một văn bản pháp luật nào tuyên bố các nữ tu vi phạm pháp luật để đáng bị “trừng trị” một cách nặng nề:

- Tài sản nhà dòng bị tịch thu. Tu viện bị xóa sổ.

- Các nữ tu bị Công an giam cầm và bị Chính quyền ngăn cản không cho tiếp tục tu hành.

Sáu năm gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền – Sáu năm bị từ chối thẳng thừng – Chính quyền đưa ra những lý do vu vơ, vu khống

Sau 25 năm (đúng ¼ thế kỷ) sống trong im lặng, cam chịu nỗi bất công, sự phi lý và thực trạng phi pháp, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long (thuộc tinh dòng Mỹ Tho) bắt đầu lên tiếng đòi trả lai tài sản và khôi phục danh dự.

Lên tiếng XIN lại tài sản của Nhà Dòng trong khuôn khổ được Nhà Nước CHO phép.

Các nữ tu làm đơn gửi các cấp chính quyền, từ địa phương đến trung ương, từ Vĩnh Long đến Hà Nội, từ cấp tỉnh (UBND tỉnh) đến cấp chính phủ (Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng).

Các nữ tu lại chạy đến các đoàn thể quần chúng đươc Nhà Nước thành lập và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nước CHXHCN Việt Nam: Mặt trận Tổ Quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo…

Lại còn nhờ báo chí trong nước hỗ trợ.

Cũng xin các vị có tên tuổi và uy tín lên tiếng nói (Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, giám mục Vĩnh Long, các linh mục Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm, luật sư Nguyễn Văn Phương).

Các nhà báo Nguyễn Thanh Long, Khổng Thành Ngọc, Lâm Võ Hoàng… thấy sự thật về cảnh bất công mà các nữ tu phải chịu trong 25 năm, cũng đã vào cuộc, viết bài ủng hộ cuộc khiếu nại.

Biết bao đơn từ được gửi đi liên tục, không mệt mỏi, kéo dài suốt sáu năm, từ tháng 11/2002 đến nay (2008).

Rất nhiều bài báo đăng trên CG và DT phân tích sự kiện, đề nghị chính quyền giải quyết khiếu nại của các nữ tu.

Nhưng các cấp chính quyền đã không giải quyết một cách thỏa đáng.

Tỉnh Vĩnh Long phán quyết: Việc tịch thu tài sản là đúng chủ trương của Nhà Nước đối với các cơ sở tôn giáo.

Tỉnh Vĩnh Long khẳng định: (trích nguyên văn đoạn đầu tiên của Quyết định 1958/QĐ.UBT ngày 06/07/1977 của UBND tỉnh Cửu Long về việc tịch thu Tu viện):

“Xét vì cô nhi viện đường Nguyễn Trường Tộ là một cơ sở xã hội của 1 giòng (trích nguyên chính tả của văn bản!) tu ngoại quốc và xây cất nên do nguồn viện trợ ngoại bang, là nơi đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”.

Quyết định trên được tỉnh Cửu Long soạn ra không biết vào lúc nào nhưng các nữ tu mãi 28 năm sau (ngày 27/8/2005) mới nhận được và lập tức nhận ra văn bản này gian trá từ nội dung đến hình thức.

Gian trá về nội dung: vu cáo Nhà Dòng là một tổ chức phản động: “xây cất nên do nguồn viện trợ ngoại bang, là nơi đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam” (sic).

Gian trá về hình thức: UBND tỉnh Vĩnh Long đương nhiệm đã có dấu hiệu gian trá khi can thiệp tùy tiện vào văn bản hành chánh của chính quyền tiền nhiệm Cửu Long (ở phần cuối của Quyết định, có thể nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ nét chữ mới được UBND tỉnh Vĩnh Long thêm vào, khiến cho một văn bản mang hai tuồng chữ khác nhau, một tuồng chữ của máy đánh chữ xưa (machine à écrire), một tuồng chữ của máy vi tính hiện đại).

Ở cấp chính quyền trung ương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng cũng thẳng tay bác đơn khiếu nại.

Sự việc không dừng lại ở đó. UBND tỉnh Vĩnh Long còn quyết định giao đất ở số 3 Tô Thị Hùynh “đang có tranh chấp” này cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Vĩnh Long thuê trong 50 năm, để khai thác làm khách sạn 4 sao!

TU VIỆN BIẾN THÀNH KHÁCH SẠN!

NƠI TU HÀNH VÀ LÀM VIỆC THIỆN GIÚP MỌI NGƯỜI THÀNH CHỐN KINH DOANH LÀM GIÀU CHO MỘT SỐ NGƯỜI!

Sự việc sẽ đi về đâu?

Trước sự kiên nhẫn của các nữ tu, nhưng đồng thời cũng lại đứng trước món lợi béo bở do hợp đồng kinh doanh với Cty du lịch Sài Gòn – Vĩnh Long đem lại, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chọn giải pháp vừa đấm vừa xoa.

Đấm bằng những quyết định và những lời giải thích trịch thượng và đầy tính chất vu khống (vu cho các nữ tu cái tội đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam).

Đấm bằng Quyết định của Bộ Xây dựng không trả lại tài sản cho Dòng Thánh Phaolô: “việc đòi lại nhà đất của Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho là không thể thực hiện” (Trích QĐ 88 của Bộ Xây Dựng ngày 18/01/2007).

Đấm rồi xoa.

Xoa bằng hứa hẹn cấp cho một miếng đất ở ven thị xã và 1,5 tỉ đồng VN để xây lại tu viện.

Nhưng các nữ tu không thể bị mắc lừa trước chiêu bài “dỗ dành” của UBND tỉnh Vĩnh Long.

Bởi một lẽ đơn giản:

Tu viện xưa ở đâu, nay phải trả về đó.

Lời vu cáo xưa phải được nói lại cho rõ.

Nói lại không chỉ bằng lời xin lỗi mà còn bằng sự sám hối.

Sám hối bằng tôn trọng Sự thật và Lẽ phải..