Bài 1: BÁC ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA CÁC NỮ TU DÒNG THÁNH PHAOLÔ (VĨNH LONG),
BỘ XÂY DỰNG NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM ĐÃ HÀNH ĐỘNG MỘT CÁCH PHI PHÁP!


Đọc bài của tác giả Người Lục Tỉnh với nhan đề “Ở ngay trung tâm thị xã Vĩnh Long, tu viện dòng thánh Phaolô bị biến thành khách sạn” , nhiều người đã không quản công tìm hiểu con đường gian nan, gập ghềnh của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long (NTDTPVL) từ khi cầm lá đơn khiếu nại, kiên trì gõ mọi cánh cửa công quyền, ròng rã suốt 6 năm trời, cho đến ngày… thất bại, vì chỉ nhận được, một cách cay đắng, mảnh giấy của Bộ Xây dựng của nước CHXHCN Việt Nam mang số 88 phán rằng, đại ý, từ nay đừng kiện cáo gì nữa!

Không ai không cảm phục lòng kiên trì, thái độ thiện chí, ước nguyện thiết tha được sống trong tinh thần tôn trọng và tin tưởng sự công minh của pháp luật nơi các NTDTPVL.

Chính vì thế, lại càng thấy rõ các cấp chính quyền, từ địa phương đến trung ương, từ thị xã Vĩnh Long, rồi tỉnh Vĩnh Long, đến tận cấp Bộ ở Trung Ương, tất cả đều cùng một cách đối xử hà khắc, trịch thượng đối với dân, cùng một não trạng chuyên chế, cùng một kiểu cầm quyền phi-pháp-quyền, cùng một hành vi coi thường pháp luật, cùng một thái độ bất chấp những quy định rõ rệt trên giấy trắng mực đen của những văn bản pháp quy.

Đó là cảm nhận khái quát của người viết bài này, sau khi đã đọc những văn bản của chính quyền bác bỏ đơn khiếu nại của các NTDTPVL đăng trên nhiều số báo Công giáo và Dân tộc từ 2005 đến 2007.

Tưởng cũng nên nhắc lại, tờ CG&DT vốn là cơ quan ngôn luận hợp pháp và chính thức của Ủy ban Đoàn kết Công Giáo TPHCM. Vậy mà, ngay cả một cơ quan ngôn luận như CG&DT, vốn chịu sự kiểm soát của nhiều tầng quyền lực ngành tuyên huấn (Đảng), văn hóa – thông tin (Chính quyền), cũng không thể không bất bình và đã chính thức lên tiếng về tính không hợp lệ những cơ sở pháp lý được viện dẫn, tính vô lý của những giải thích, tính khiên cưỡng của những quyết định. Cuối cùng, tờ CG&DT, với sự dè dặt thường lệ của mọi cơ quan ngôn luận hợp pháp, cũng đã phải thốt lên lời ta thán, mặc dù đã hết sức… kềm chế, rằng: các NTDTPVL rất không “tâm phục khẩu phục” những nội dung trả lời và mọi quyết định bác đơn khiếu nại (x. các bài viết của hai nhà báo Nguyễn Thanh Long và Khổng Thành Ngọc).

Cho nên, mặc dù rất tôn trọng sự hiền hòa của những nhà tu hành, rất ngưỡng mộ tính chịu đựng của các phụ nữ, nhưng người viết không thể lặng im kiên trì chờ giây phút nhà cầm quyền ăn năn trở lại, thành tâm thống hối, dốc lòng sửa chữa những sai lầm, đấm ngực ăn năn mọi tội vô tình hay cố ý, xin nhân dân tha lỗi trong vụ CƯỚP ĐẤT TU VIỆN XÂY KHÁCH SẠN.

Người viết tin chắc, các nữ tu là những người vốn không muốn gây sự lôi thôi với nhà đương cục, kẻo lỡ ra “chẳng phải đầu cũng phải tai” (thành ngữ dân gian), nhưng vì thấy rõ cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, để cho cái thói “cả vú lấp miệng em” (thành ngữ dân gian) của kẻ có quyền có chức, phải bị vạch trần trước mặt bàn dân thiên hạ, nên Lý Hành Giả tôi xin được hầu chuyện cùng quý độc giả về tính chất PHI PHÁP và PHẠM PHÁP trong việc “thu hồi” đất tu viện sử dụng vào mục đích kinh doanh khách sạn cũng như trong các văn thư bác bỏ đơn khiếu nại của các NTDTPVL.

Vì thế xin được làm rộng đường dư luận bằng ba bài viết nhỏ:

- Bài 1: Tính PHI PHÁP của Quyết định số 88 của Bộ Xây dựng (ban hành ngày 18-01-2007) đối với đơn khiếu nại của đại diện nữ tu Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long.

- Bài 2: Tính PHẠM PHÁP của Quyết định số 1761 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (ngày 26-07-2005) đối với đơn khiếu nại của đại diện nữ tu Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long.

- Bài 3: Tính PHI PHÁP VÀ PHẠM PHÁP của Quyết định số 1958 của UBND tỉnh Cửu Long (ngày 6-09-1977) nhằm hợp thức hóa việc chiếm đóng tu viện, xóa sổ một nơi tu hành.

***

Nội dung chính của Quyết định số 88 của Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng, qua QĐ 88 về việc giải quyết khiếu nại của các NTDTPVL, đã đưa ra 2 quyết định chủ yếu:

1. Công nhận QĐ 1761 của UBND tỉnh Vĩnh Long (nghĩa là: không xét đơn khiếu nại của các nữ tu).

2. Khẳng định QĐ 88 là “quyết định cuối cùng” (nghĩa là: từ nay sẽ không bao giờ nhận và giải quyết bất kỳ đơn do các NTDTPVL gửi đến khiếu nại về cơ sở tu viện tại số 3 Tô Thị Huỳnh nữa).

Tính phi pháp của Quyết định số 88 của Bộ Xây dựng

1. PHI PHÁP về những căn cứ:

QĐ 88 của Bộ Xây dựng được Thứ trưởng Tống Văn Nga ký thay Bộ trưởng, dựa trên 2 loại căn cứ. Căn cứ pháp lý và căn cứ hồ sơ.

a/ Căn cứ pháp lý

Gồm: Luật Tổ chức Chính phủ của Quốc hội; Luật Khiếu nại, tố cáo của Quốc hội; Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ… của Bộ Xây dựng.

Đặc biệt đã dựa vào Nghị quyết số 23 ( năm 2003) của Quốc hội (về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1- 07 - 1991) và Nghị định 26 (năm 1999) của Chính phủ (quy định các hoạt động tôn giáo).

b/ Căn cứ hồ sơ, gồm:

- Quyết định 1958 của UBND tỉnh Cửu Long năm 1977 về việc quản lý toàn bộ cơ sở nhà đất số 3 Tô Thị Huỳnh, tức tu viện dòng Thánh Phaolô, bố trí sử dụng làm khoa Nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh (Bài 3 sẽ nói rõ về tính phi pháp và phạm pháp của QĐ này).

- Việc chuyển khoa Nhi cùng bệnh viện Đa khoa đến một địa điểm khác và quy hoạch lại diện tích đất trước đây bố trí cho khoa Nhi cùng bệnh viện Đa khoa thành Trung tâm Thương mại – Dịch vụ du lịch (không nêu Quyết định của UBND tỉnh hoặc HĐND tỉnh).

- Đơn khiếu nại của đại diện nữ tu Dòng Thánh Phaolô.

c/ Nhận định: QĐ 88 của Bộ Xây dựng là một quyết định phi pháp về mặt căn cứ pháp lý:

- QĐ 88 cố tình hiểu sai, thậm chí đi đến xuyên tạc Nghị quyết số 23 ( năm 2003) của Quốc hội.

Tinh thần của Nghị quyết số 23 ( năm 2003) của Quốc hội hướng đến việc quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.

Tu viện của Dòng Thánh Phaolô không phải là đối tượng mà Nghị quyết số 23 ( năm 2003) của Quốc hội nhằm đến.

Một tu viện của tôn giáo không bao giờ là đối tượng của chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, nếu liệt tu viện Dòng thánh Phaolô Vĩnh Long vào đối tượng cần phải đưa vào diện cải tạo xã hội chủ nghĩa, thì Bộ Xây dựng đã cố tình vi phạm và xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước nhất quán trong mấy chục năm qua.

- QĐ 88 cố tình hiểu sai, thậm chí đi đến xuyên tạc Nghị định 26 (năm 1999) của Chính phủ.

Tinh thần của Nghị định 26 (năm 1999) của Chính phủ, cũng như mọi nghị định, nghị quyết khác về tôn giáo, luôn cam kết tôn trọng tự do tín ngưỡng và bảo đảm cho việc hành đạo của các chức sắc, tu sĩ tôn giáo được an toàn trong mọi cơ sở thờ tự và tu hành.

Vậy mà Bộ Xây dựng lại đi thừa nhận hành vi xâm phạm nơi tu hành của các tu sĩ, lại là nữ tu sĩ, của chính quyền tỉnh Cửu long vào năm 1977.

- QĐ 88 cố tình bênh vực hành vi sai trái của UBND tỉnh Cửu Long khi ủng hộ Quyết định số 1958 của UBND tỉnh Cửu Long.

Quyết định số 1958 của UBND tỉnh Cửu Long vốn được ban hành nhằm hợp thức hóa hành vi xâm phạm chủ quyền hàng trăm năm của các nữ tu đối với tu viện tọa lạc tại số 3 đường Nguyễn Trường Tộ.

Quyết định này là sản phẩm phi pháp của một giai đoạn lịch sử mà việc điều hành đời sống dân sự của chính quyền vốn diễn ra trong điều kiện và bối cảnh phi-pháp-quyền, hoặc nói rõ hơn, mọi hoạt động chính quyền chỉ chủ yếu nhằm quyền lực hóa ý chí, đây chính là điểm mà Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng Sản Việt Nam lần VI và VII đã thẳng thắn thừa nhận và quyết tâm sửa sai để đổi mới (xem các Văn kiện Đại hội Đảng).

Vậy mà, Bộ Xây dựng của Nước CHXHCN Việt Nam lại trở về bảo vệ bằng được cái quyết định rất sai trái của cái gọi là chính quyền tỉnh Cửu Long.

Không hiểu phẩm chất Đảng viên của những người lãnh đạo Bộ Xây dựng còn hay đã mất, khi không biểu hiện tinh thần dân chủ pháp quyền trong việc giải quyết đơn khiếu nại của nhân dân.

2. PHI PHÁP về tư cách chủ thể văn bản pháp lý:

Khi ban hành QĐ 88, Bộ Xây dựng viện dẫn Nghị định của Chính phủ về chức năng và quyền hạn của Bộ. Xin trích một đoạn dựa vào thông tin tại website của Bộ (www.xaydung.gov.vn):

“Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, Bộ Xây dựng không có quyền tài phán về chủ quyền cơ sở tu viện.

Không có chức năng tài phán lại ngang nhiên phán rằng Quyết định của tỉnh Cửu Long rồi tỉnh Vĩnh Long là đúng đắn rồi bác đơn khiếu nại của các nữ tu.

Hành vi này của Bộ Xây dựng đang làm rối loạn hệ thống và trật tự của các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương khi ra QĐ 88.

Do đó có thể nói rằng Bộ Xây dựng không có tư cách là chủ thể văn bản hành chánh-pháp lý liên quan đến tài phán về chủ quyền sở hữu tu viện.

Những hành vi phi pháp của Bộ Xây dựng cần phải bị xử lý

Như trên vừa phân tích QĐ 88 hoàn toàn phi pháp.

Do đó đề nghị Chính phủ, Thủ tướng không thể không có biện pháp xử lý tất cả những cán bộ liên quan đến việc soạn thảo, ký kết, ban hành, áp dụng QĐ 88. Lập tức hủy bỏ QĐ 88.

Có thể dựa vào chứng cứ phạm pháp của Bộ Xây dựng để đưa ra xem xét tại Tòa án Hành chánh, hoặc nếu có dấu hiệu câu kết ăn chia giữa UBND tỉnh Vĩnh Long – Bộ Xây dựng – Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Vĩnh Long, thì nhất thiết phải tiến hành điều tra hình sự.

Đồng thời, Thủ tướng không thể không lắng nghe những đề nghị chính đáng của các nữ tu dòng Thánh Phaolô, những người đã chịu tiếng oan suốt mấy chục năm qua.

Có như vậy, lòng tin của nhân dân vào Nhà nước pháp quyền, vốn đã rất mong manh, thì nhờ vậy mới hy vọng được củng cố.

Lý Hành Giả