UBND TỈNH VĨNH LONG VÀ BỘ XÂY DỰNG ÁP BỨC CÁC NỮ TU DÒNG THÁNH PHAOLÔ NHƯ THẾ NÀO?

Để tiếp tục rộng đường dư luận đối với cuộc hành trình gian nan của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long đòi lại tu viện bị Nhà nước chiếm đoạt từ năm 1977, Lý Hành Giả tôi xin được hầu chuyện mọi người yêu chuộng sự thật và công lý, qua bài viết này, về Quyết định 1958 ngày 6-9-1977 của UBND tỉnh Cửu Long trước đây mà hậu thân của nó là UBND tỉnh Vĩnh Long ngày nay.

Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, cột mốc khởi đầu cho số phận bi đát của một tu viện bị xóa sổ giữa thanh thiên bạch nhật. Một số phận tới nay đã dài đến 31 năm. Số phận của những tu sĩ bị xô, bị đẩy, bị ném, bị quăng bởi những cánh tay của kẻ có quyền lực, trước họng súng của lực lượng an ninh, ra khỏi chốn tu trì một cách không thương tiếc.

QĐ 1958 còn là tang chứng – vật chứng không thể chối cãi về sự vu khống của UBND tỉnh Cửu Long đối với các nữ tu, xúc phạm nặng nề đến danh dự của những phụ nữ sống đời tu hành. Hành vi phi-nhân-văn và phản-nhân-quyền của UBND tỉnh Cửu Long trong QĐ 1958 đang được “phát huy” với những “sáng tạo” mới của UBND tỉnh Vĩnh Long và Bộ Xây dựng.

QĐ 1958 là tiếng “kèn lâm khốc” (kèn đám ma) cho một thi thể đã thối rữa là UBND tỉnh Cửu Long. Vậy mà cái tồn thể, tức UBND tỉnh Vĩnh Long ngày nay, vẫn cứ ảo tưởng là khúc quân hành đắc thắng.

Mặc dù QĐ 1958 là văn bản pháp lý đầu tiên, nhưng lại được phân tích sau cùng, vì người viết muốn mời quý độc giả thực hiện cuộc hành trình từ hiện tại về quá khứ. Từ thời điểm 2008 ngược tới 1977.

Nhờ đó, chúng ta có cái cảm giác của người lần theo dấu vết của tội phạm. Rồi cuối cùng, khi đã đến cột mốc số 0 của khởi điểm, chúng ta hình dung được những hành vi phi pháp và phạm pháp đã diễn ra như thế nào, chúng ta hiểu được sự ngoan cố có bộ mặt ra sao và không còn ngạc nhiên nữa bởi vì chiếc mặt nạ dân biết-dân bàn-dân kiểm tra đã bị rớt xuống đất, làm lộ nguyên hình bộ mặt thật của cái gọi là tự do-dân chủ!

Chính UBND tỉnh Vĩnh Long và Bộ Xây dựng đang góp phần làm rơi chiếc mặt nạ ấy. Chiếc mặt nạ được tô son trát phấn bằng những mỹ từ: dân biết-dân bàn-dân kiểm tra.

I. QUYẾT ĐỊNH 1958 NGÀY 6-9-1977 CỦA UBND TỈNH CỬU LONG

Ngày 6-9-1977, UBND tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) ra quyết định số 1958, định đoạt số phận của tu viện Dòng Thánh Phaolô Vĩnh long.

Hôm sau, ngày 7-9-1977, lực lượng an ninh, theo chỉ thị của UBND, bao vây tu viện, giam giữ các nữ tu (xem thêm bài viết của tác giả Người Lục Tỉnh), triển khai QĐ 1958.

Cùng lúc đó Đài phát thanh Cửu Long liên tục đưa tin về việc “Đập tan âm mưu chống phá cách mạng tai Tu viện Dòng Thánh Phaolô”.

Về sau, nữ tu Lê Thị Trạch, nhân chứng chính trong sự kiện này, nay đã 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, kể lại cho tác giả Gia Minh (RFA): “Đài phát thanh nói là chúng tôi có chứa vũ khí, nhưng mà thật ra thì đó là mấy cây súng (đồ chơi) của mấy đứa bé, chứ còn tụi tui thì không có súng ống gì hết trơn”.

1. Những nội dung của QĐ 1958

QĐ 1958 đưa ra ba quyết định của UBND tỉnh Cửu Long về số phận của tu viện và các tu sĩ sống trong tu viện này.

Xin trích nguyên văn (kể cả chính tả cũng xin được giữ đúng bản văn và in nghiêng để độc giả dễ theo dõi):

QUYẾT ĐỊNH

- Điều 1: Nay quản lý toàn bộ cơ sở (bất động sản và động sản của cô nhi viện tại số 3 đường Tô Thị Huỳnh (Nguyễn Trường Tộ củ) thuộc Phường I Thị xã Vĩnh Long.

- Điều 2: Tài sản trên đây được giao cho Ty tài Chánh, Ty Công an, Ty thương binh xã hội, Ủy ban Mặt trận tỉnh, Hội liên hiệp phụ nử tỉnh và Phòng quản lý nhà đất tỉnh Cửu Long quản lý với đầy đủ thủ tục kiểm kê. Việc phân phối cho sữ dụng sau nầy sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định sau.

- Điều 3: Tất cả những người hiện đang lưu trú tại cơ sở nêu trên được tạm thời di chuyển đến nơi khác hoặc tiếp tục phục vụ tai cơ sở nầy (nếu họ yêu cầu).

2. Những căn cứ của QĐ 1958

Rắp tâm thực hiện mưu đồ chiếm dụng tu viện Dòng Thánh Phaolô (qua ba quyết định nêu trên), UBND tỉnh cố tìm ra cái gọi là căn cứ pháp lý.

Sau đây là năm căn cứ pháp lý được sử dụng. Xin trích nguyên văn (kể cả chính tả cũng xin được giữ đúng bản văn và in nghiêng để độc giả tiện theo dõi):

- Xét vì cô nhi viện đường Nguyễn Trường Tộ là một cơ sở xã hội của 1 giòng tu ngoại quốc và xây cất nên do nguồn viện trợ của ngoại bang, là nơi đã từng đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

- Xét vì các cơ sở hoạt động có tánh cách xã hội của các đoàn hội, tôn giáo, đều phải được sự thống nhất quản lý của Nhà nước.

- Chiếu quyết định số 111/CP ngày 14-41977 của Hội đồng chánh phủ ban hành chánh sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị và các tỉnh phía Nam.

- Căn cứ theo tiết 2 và 4 điều 117 của chánh sách quản lý và cải tạo đối với nhà đất của các đoàn, hội, tôn giáo.

- Xét nhu cầu cho việc phục vụ lợi ích công cộng.

II. TÍNH PHI PHÁP VÀ PHẠM PHÁP CỦA QĐ 1958

1. Tính phi pháp và phạm pháp của những căn cứ QĐ 1958:

a/ Tính phi pháp và phạm pháp của căn cứ thứ nhất trong QĐ 1958:

• Trong căn cứ thứ nhất QĐ 1958, UBND tỉnh Cửu Long cố tình cho rằng Tu viện của Dòng Thánh Phaolô tại số 3 Tô Thị Huỳnh là một cô nhi viện. Trong khi đây là một tu viện mà mọi người dân cư ngụ tại thị xã Vĩnh Long, trong hàng trăm năm qua, với rất nhiều thế hệ, đều chỉ biết đây là một tu viện của các soeur “dòng trắng Xanh Pôn” (tu phục trắng, đặc trưng của Dòng Thánh Phaolô).

• QĐ 1958, với căn cứ thứ nhất, UBND tỉnh Cửu Long phóng đại, chụp mũ, quy kết một cách không ngượng miệng, thậm chí vô liêm sỉ và hết sức trơ trẽn, khi viết: (cơ sở số 3 Tô Thị Huỳnh) là nơi đã từng đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Đến nay, thử hỏi toàn thể ban ngành đoàn thể tỉnh Vĩnh Long, liệu ai tìm được trong mọi kho tư liệu hay bất cứ tàng thư nào, để đưa ra được, dù một bằng chứng nhỏ, về tu viện Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long là nơi đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng?

Nếu không đưa được chứng cớ, thì căn cứ thứ nhất của QĐ 1958 phải được coi là một định nghĩa chính xác, đồng thời cũng là dẫn chứng mẫu mực về chữ vô liêm sỉ và chữ trơ trẽn, đến nỗi bất kỳ quyển tự điển nào cũng cần phải đưa căn cứ thứ nhất này vào, thành những mục từ đồng nghĩa với chữ “vô liêm sỉ” và chữ “trơ trẽn”.

Điều đáng nói là về sau, trong các văn bản pháp lý, UBND tỉnh Vĩnh Long rồi Bộ Xây dựng lại đã sử dụng luận điệu trơ trẽn và vô liêm sỉ trên của UBND tỉnh Cửu Long, nhằm lái nội dung vào Luật đất đai 2003 để bác bỏ đơn khiếu nại của các nữ tu (x. bài 2).

Về vấn đề này, Báo Công giáo và Dân tộc cũng đã từng mạnh mẽ phê phán QĐ 1958, dù đã rất kềm chế khi sử dụng ngôn ngữ phê phán.

Vậy, cái gọi là căn cứ pháp lý của QĐ 1958 của UBND tỉnh Cửu Long, thực chất chỉ là luận điệu bóp méo sự thật và trò “ngậm máu phun người”, hòng chiếm nhà, cướp tài sản của các nữ tu thấp cổ bé miệng.

b/ Tính phi pháp và phạm pháp của căn cứ thứ hai trong QĐ 1958:

• Trong căn cứ thứ hai QĐ 1958, UBND tỉnh Cửu Long cố ý chống lại chủ trương của cấp trên, tức Trung ương Đảng và Chính phủ, khi cho rằng Tu viện của Dòng Thánh Phaolô tại số 3 Tô Thị Huỳnh là cơ sở hoạt động có tánh cách xã hội, vì thế phải được sự thống nhất quản lý của Nhà nước.

Những người đứng đầu UBND tỉnh Cửu Long lúc đó đã không tuân thủ Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước VNDCCH, nền tảng cho mọi chủ trương, chính sách về tôn giáo, đã được đích thân Hồ Chủ tịch ban hành. Trong Sắc lệnh này, Chủ tịch nước ra lệnh: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ tôn giáo”.

• Như vậy, trong căn cứ thứ hai, UBND tỉnh Cửu Long, khi quyết đưa tu viện Dòng Thánh Phaolô vào sự thống nhất quản lý của Nhà nước, đã tạo cho chính quyền cách mạng một bộ mặt “độc tài”, “phản dân chủ” không thể chối cãi.

Do đó, UBND tỉnh Cửu Long không chỉ hành động phạm pháp (chống Sắc lệnh của Chủ tịch Nước VNDCCH Hồ Chí Minh), mà còn phản bội lý tưởng và các đồng chí cách mạng của mình (khi bôi nhọ khẩu hiệu “tự do dân chủ” của cách mạng).

Vậy mà, sau này, UBND tỉnh Vĩnh Long và Bộ Xây dựng lại đi đúng vào vết xe “phản động” đó của UBND tỉnh Cửu Long.

Không hiểu ông Thủ tướng đương nhiệm nghĩ gì và xử sự ra sao trước các hành vi phạm pháp của các thuộc cấp của mình ở Vĩnh Long và ở Bộ Xây dựng, khi đi vào vết xe “phạm pháp” và “phản động” của UBND tỉnh Cửu Long ngày trước?

2. Tính phi pháp và phạm pháp của những quyết định của UBND tỉnh Cửu Long trong QĐ 1958:

a/ Tính phi pháp và phạm pháp của quyết định thứ nhất trong QĐ 1958:

Khi quyết định “quản lý toàn bộ cơ sở (bất động sản và động sản)” đối với tu viện dòng Thánh Phaolô, UBND tỉnh Cửu Long đã phạm tội ăn cướp. Vì, nếu muốn tịch thu tài sản của một công dân thì phải có trong tay văn bản tuyên án của Tòa, vậy mà, những kẻ xông vào tu viện Dòng Thánh Phaolô vào ngày 7-9-1977 không hề có một mảnh giấy nào của pháp luật.

Họ chỉ có súng.

b/ Tính phi pháp và phạm pháp của quyết định thứ hai trong QĐ 1958:

Quyết định thứ hai trong QĐ 1958 thực chất là thông báo mang tính nội bộ của tỉnh Vĩnh Long về việc ăn chia tài sản của Dòng Thánh Phaolô sau khi đã cướp đoạt được.

Việc ăn chia này được san đều cho các ban ngành đoàn thể trong tỉnh Cửu Long. Ăn đồng chia đều những tài sản của người khác do chiếm đoạt phi pháp (rồi tự hợp thức hóa bằng QĐ 1958) mà có.

Bằng quyết định thứ hai trong QĐ 1958, những người trong UBND tỉnh Cửu Long đã làm hoen ố hai chữ “cách mạng” vốn rất đẹp và cao quý. Họ đã thi hành đúng những gì mà nhà văn cách mạng Trung Quốc Lỗ Tấn từng nói về những kẻ làm cách mạng nửa vời.

Cách mạng nửa vời là đem chữ “cách mạng” đổi thành “cách m… cái mạng của lũ chúng nó”, nghĩa là tàn bạo, nhẫn tâm (x. A.Q. chính truyện).

c/ Tính phi pháp và phạm pháp của quyết định thứ ba trong QĐ 1958:

Quyết định thứ ba trong QĐ 1958 là sự phản ánh rõ rệt khuôn mặt của UBND tỉnh Cửu Long hồi đó.

Trục xuất các nữ tu ra khỏi tu viện, một hành động vi phạm nặng nề quyền của con người nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng.

Chỉ có những đầu óc và trái tim không còn nhân tính mới có thể nghĩ ra và lạnh lùng thực hiện điều mà mọi đầu óc và trái tim bình thường không thể nào nghĩ ra và cũng chẳng thể nào đủ can đảm thực hiện. Điều đáng sợ ấy chính là đuổi một người ra khỏi nhà của họ, hơn nữa lại là trục xuất những phụ nữ, thậm tệ hơn cả là đuổi những tu sĩ ra khỏi chốn tu trì!

Đã 31 năm trôi qua, kể từ cái ngày 7-9-1977 khủng khiếp ấy. Vậy mà giờ đây, khi đọc lại những tài liệu liên quan đến sự kiện xảy ra năm xưa, lại vẫn thấy như mới.

Quả thật, sự kiện xưa vẫn còn như mới, bởi không ai có thể quên, không được phép quên.

Vả lại, làm sao có thể quên được khi vào chính lúc này, tháng 5-2008, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đang tái diễn tấn tuồng năm xưa, thời còn mồ ma UBND tỉnh Cửu Long. Tái diễn bằng sự ngoan cố và thách thức dư luận trong và ngoài nước, khi cho phép xây khách sạn tại một nơi tu hành mà họ đã có bằng sự chiếm đoạt.

Mặc dù UBND tỉnh Vĩnh Long trước sức ép của dư luận đã phải đưa ra giải pháp ĐỔI ĐẤT. Đổi cho các nữ tu một miếng đất ở ngoại vi thị xã với một khoản tiền “hỗ trợ”.

Tất nhiên các nữ tu không thể chấp nhận lời đề nghị này.

Bởi lẽ, các nữ tu cần phải trở về mái nhà tu viện vốn là của mình. Hơn nữa việc trở về tu viện cũ còn mang ý nghĩa chứng minh cho sự thật:

Tu viện dòng Thánh Phao lô số 3 Tô Thị Huỳnh không phải là nơi đào tạo những phần tử chống phá cách mạng, mà chỉ là nơi tu hành và làm việc thiện giúp đời.

Còn nếu UBND tỉnh Vĩnh Long muốn phát triển ngành du lịch thì:

Hãy xây khách sạn trên phần đất ngoại vi thị xã Vĩnh Long – nơi dự định hỗ trợ cho các nữ tu. Còn cơ sở số 3 Tô Thị Huỳnh thì trả về cho Dòng Thánh Phaolô.

Làm được điều này, UBND tỉnh Vĩnh Long mới chúng tỏ cho mọi người thấy:

Chính quyền Vĩnh Long là của dân, do dân, vì dân; đồng thời sẵn sàng để cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra./.