THƯỜNG HUẤN LINH MỤC 2008
CÁC ƯU TIÊN MỤC VỤ CHO HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI CỦA GIÁO XỨ


DẪN NHẬP

1. Căn tính của linh mục triều: được sai đi để phục vụ và xây dựng cộng đoàn:

Thời gian, sức khỏe và công việc có thể làm cho các linh mục hao mòn đi, nhưng không thể khiến tâm trí các linh mục lại quên mất điều cốt yếu làm nên căn tính của đời mình: phục vụ và xây dựng cộng đoàn tín hữu, mà những lời huấn dụ của Đức Giám Mục trong thánh lễ phong chức năm nào vẫn còn vang vọng:

“...các con hãy cố gắng quy tụ các tín hữu thành một gia đình, để các con có thể hướng dẫn họ đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Các con hãy luôn ngắm nhìn gương sáng của Mục Tử tốt lành: Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Người đến để tìm kiếm và cứu rỗi kẻ hư mất”(Sách nghi thức phong chức).

“Phục vụ và xây dựng cộng đoàn” lại không bao giờ là những khái niệm trừu tượng chỉ để suy tư mà là cách thể hiện cụ thể trách nhiệm của người mục tử, trách nhiệm chăn dắt các linh hồn mà ngôn ngữ thần học ngày nay gọi chung là “trách nhiệm mục vụ”. Chính vì thế, Đức cố Giáo Hoàng G.P.II, trong Tông huấn “Pastores dabo vobis” đã lặp lại giáo huấn của Công Đồng Vatican II về tầm quan trọng trong việc đào tạo mục vụ cho các chủng sinh:

“Bởi đó, trong mọi phương diện, nền đào tạo ấy phải mang một tính chất thiết yếu mục vụ. Sắc lệnh Công Đồng Optatam totius đã khẳng định rõ ràng điều nầy khi đề cập đến các đại chủng viện: “Nền giáo dục trọn vẹn dành cho các học sinh ở các đại chủng viện phải nhắm hướng làm cho họ trở nên thực sự là những mục tử chăn dắt các linh hồn, noi gương Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, là Thầy, Linh mục và Mục Tử...” (Tông huấn Pastores dabo vobis số 57)

Tuy nhiên, các mục tử cũng phải luôn cảnh giác để khỏi rơi vào “chủ nghĩa công chức” (Fonctionnalisme) như lời khuyến dụ trong tài liệu “Kim Chỉ Nam cho Thừa tác vụ và đời sống linh mục”:

“Ngày nay, đức ái mục vụ có nguy cơ mất hết ý nghĩa do cái mà người ta có thể gọi là “chủ nghĩa công chức” (Fonctionnalisme). Thật ra, cũng không hiếm thấy nơi một vài linh mục ảnh hưởng của một não trạng có nguy cơ thu hẹp chức tư tế thừa tác vào những khía cạnh thuần túy công vụ. “Lam”linh mục, thi hành một số dịch vụ đặc thù và bảo đảm vài ba công vụ là tất cả lẽ sống của đời linh mục. Qua niệm hẹp hòi nầy về căn tính và thừa tác vụ linh mục có nguy cơ đưa cuộc sống linh mục vào một sự trổng rỗng thường được bù trừ bằng những lối sống không phù hợp với thừa tác vụ của mình” (Kim Chỉ nam số 44)

Thiết tưởng không cần phải lặp lại nhiều hơn nữa những chỉ dẫn cơ bản và truyền thống về vị trí và vai trò quan yếu của “loại hình mục vụ” trong “chức vụ và đời sống linh mục”. Tuy nhiên, để làm mục vụ cho tốt và thành công, tiên vàn người mục tử cũng như cộng đoàn được giao phải “biết địch biết ta”. Hay nói cách khác, hãy thử làm cuộc điều tra về bối cảnh mục vụ của các giáo xứ mà ở đó, bao nhiêu “hiện tượng tiêu cực” và thách đố xã hội đang áp lực nặng nề.

2. Những hiện tượng tiêu cực và thách đố xã hội mà các cộng đoàn mục vụ và người mục tử hôm nay và ngày mai phải đối mặt:

a/. Phân tích theo kiểu thần học, sách vở:

Với hai chương “Tin Mừng hôm nay: những triển vọng và những trở ngại” và “Những người trẻ đứng trước ơn gọi và việc đào tạo linh mục” của Tông huấn Pastores dabo vobis, Đức Cố giáo hoàng G.P. II đã “điểm danh” một số những hiện tượng đang thách đố dữ dội niềm tin Kitô hữu, sự ổn định cộng đoàn và các loài hình mục vụ truyền thống. Đại loại đó là các hiện tượng sau:

- Những hình thái tôn giáo phi Thiên Chúa và nhiều giáo phái
- Chủ nghĩa duy chủ thể vây kín ngôi vị trong cá nhân chủ nghĩa dẫn đến tình trạng vô tâm, bại liệt chiều kích thiêng liêng, tôn giáo và tình liên đới. (Không còn khả năng để dấn thân hy sinh, quảng đại)
- Chủ nghĩa vô thần thực hành và hiện sinh cùng với nhãn giới trần tục hóa đời sống và vận mệnh con người. (Có thực mới vực được đạo. Đi lễ, đọc kinh có nuôi sống được không...)
- Thực tại gia đình đang bị thoái hóa, ý nghĩa đích thực của tình dục con người lu mờ hoặc bóp méo. (Đơn thuần chỉ là thỏa mãn yêu cầu hay đáp ứng như một món hàng tiêu dùng)
- Bất công và chênh lệch trong lãnh vực kinh tế, xã hội (Giàu: đua đòi, trụy lạc. Nghèo: thất vọng, bất cần, làm bất cứ gì miễn có tiền...)
- Sự ngu dốt, thiếu hiểu biết về tôn giáo lại bị chi phối bởi các sứ điệp nghịch chiều do các phương tiện truyền thông mạnh hơn của xã hội.
- Sự đa nguyên trong các lãnh vực thần học, văn hóa và mục vụ dẫn tới bất hiệp nhất, coi thường Huấn Quyền và phẩm trật
- Giản lược sự phong phú và mục tiêu tối hậu của Tin Mừng thành công cụ giải phóng chính trị hay dẫn tới hình thái mê tín dị đoan.
- Sự chung chạ các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo dẫn tới chủ nghĩa tương đối (kiểu đạo nào cũng tốt).
- Chủ nghĩa duy chủ thể đức tin (Chỉ tin những gì thích hợp với mình), nại tới tính bất khả xâm phạm của lương tâm (tội hay không tội là do chính mình...), kinh nghiệm lệch lạc về tự do...
- Các tín hữu bị bỏ rơi trong những giai đoàn lâu dài, thiếu sự trợ giúp mục vụ thích đáng.
- Xã hội tiêu dùng mê hoặc (Mối quan tâm hàng đầu là tiện nghi, chiếm hữu nhiều của cải...)

Bổ túc thêm:

- Hiến chế mục vụ “Giáo Hội trong thế giới hôm nay”, chương nhập đề: Thân phận con người trong thế giới hôm nay, từ số 4-10
- Tông huấn “Kitô hữu giáo dân” của Đức G.P.II, Chương nhập đề: Những thúc bách hiện tại của thế giới, từ số 3-6.

b/. Phân tích theo thực tế “mắt thấy tai nghe”

- Các cộng đoàn vùng quê:

- Nghèo, lam lủ, thất học
- Thiếu các chuyên viên mục vụ (tập hát, đệm đờn, dạy giáo lý, âm thanh, ánh sáng, trang trí...)
- Giới trẻ bỏ quê lên thành và học đòi bao điều tiêu cực từ thành mang về.
- Quen tâm lý xin, nhận, được phục vụ và xa lạ với tinh thần cho, phục vụ.
- Thể hiện đức tin thường gắn với hình thức bên ngoài.
- HĐGX ỷ nại vào cha sở, thầy, xơ, giáo dân ỷ nại vào HĐGX và một số ít người siêng.
- Thích gây phong trào nhất thời mà ít trung thành bền bĩ.
- Sơ sài giáo lý, ít thuộc kinh, xa lạ với Lời Chúa.
- Tinh thần cục bộ, gia tộc, chú trọng tới các lợi lộc, dễ bị kích động vì những điểm nhỏ nhen.
- Thiếu các phương tiện (cơ sở, dụng cụ) và chưa ứng dụng được các phương tiện truyền thông

- Các cộng đoàn thành phố:

- Tinh thần cá nhân chủ nghĩa, thiếu sự gắn kết cộng đồng.
- Thực hành đạo chủ yếu theo quán tính và đám đông, nhu cầu “giải trí tinh thần” hơn là “cảm thức đức tin. (Người ta đi mình cũng đi, không đi thấy kỳ, thiếu thiếu sao đó...)
- Dễ tích hợp thành nhóm khép kín (GLV, Ca đoàn, Junior, Legio Mariae, cựu TSC, HTDC...)
- Chủ quan, tự hào với cái mốt “thành phố” (ăn mặc, phong cách tham dự pv, học giáo lý)
- Giới trẻ bị cuốn hút với việc làm và hưởng thụ, đua đòi, học sinh bị quá tải vì học thêm....
- Giới giàu cố phấn đấu để thuộc đẳng cấp giàu (nhà cửa, xe cộ, quan hệ hôn nhân...), giới nghèo có vẻ khép kín, mặc cảm, xa rời cộng đoàn)
- Bị chi phối bởi lịch sinh hoạt nghề nghiệp, gia đình (Tham dự PV vội vã, ít quan tâm tới công việc chung của cộng đoàn...)
- Ưa đòi hỏi, hay chỉ trích, phê bình, coi thường giới tu (cha, thầy, xơ...)
. ...V...V...

c/. Cũng đừng quên nhìn lại chính mình

Hơn ai hết, chính bản thân linh mục luôn ý thức “thân phận con người” của mình với bao nhiêu giới hạn, khiếm khuyết, mà nếu thiếu sự trợ lực của “grâce d’ état”, e rằng sẽ nắm chắc phần thất bại.

Thử liệt kê ra đây vài giới hạn thường tình:

- Chưa bao giờ được đào tạo chuyên ngành về nghệ thuật quản trị, điều hành...
- Kiến thức thần học được tiếp thu nơi đại chủng viện thường mang nặng tính lý thuyết hơn là nhắm đến thực hành.
- Không được phú ban những năng khiếu cần thiết thích hợp cho lãnh vực mục vụ: tài ăn nói, nghệ thuật lãnh đạo, các năng khiếu nghệ thuật, mỹ thuật (âm nhạc, hội họa, kiến trúc...), óc hài hước, tài thu phục nhân tâm...
- Không bắt kịp các trào lưu và xu thế văn hóa, triết học, khoa học đương đại.
- Thiếu khả năng sở hữu và ứng dụng các phương tiện truyền thông hiện đại: vi tính, internet...
- Sức khỏe, bệnh tật, tuổi tác, tính tình, tài chánh...

Đứng trước những thực trạng như thế, người mục tử được sai đến phục vụ cộng đoàn sẽ phải chuẩn bị những hành trang mục vụ nào khả dĩ để mình khỏi sớm “bị đào thải” mà cộng đoàn lại được thăng tiến và phát triển sinh động ?

Quả là một bài toán khó. Một nan đề mà ngoài ân sủng của Thánh Thần, sức con người không thể kham nổi. Tuy nhiên, “Chúa là nơi con nương tựa”, và “Ơn ta có đủ cho con”, nên “nầy con xin đến”, và đây có thể là những điều cần cho các linh mục đang thao thức khi đến với cộng đoàn:

3. Cần những định hướng và lựa chọn các ưu tiên mục vụ thích hợp để xây dựng và phát triển cộng đoàn giáo xứ.

Làm sao xác định và chọn lựa được những ưu tiên mục vụ thích hợp ?

Thưa rằng:

- Phải đặt nền tảng trên 3 chức năng trong thừa tác vụ linh mục của Chúa Giêsu: TƯ TẾ, NGÔN SỨ VÀ VƯƠNG ĐẾ.
- Phải theo định hướng của Giáo Hội (Văn kiện Công Đồng, giáo huấn của ĐGH, Giám mục địa phương...)
- Phải xuất phát từ hiện tình mục vụ thực tế và điều kiện khả thi của cộng đoàn.
- Phải vì mục đích tối hậu “vinh danh Chúa, vì phần rỗi anh em” chứ không vì để thỏa mãn các ước mơ và dự phóng cá nhân.
- Phải bảo đảm không để thành phần nào của cộng đoàn bị thiệt nhưng mọi người đều hưởng được lợi ích thiêng liêng.
- Phải hội đủ hai chiều kích: vừa nghiêm túc truyền thống (ôn cố) vừa sinh động cập nhật (tri tân)

PHẦN KHAI TRIỂN

A. CÁC ĐỐI TƯỢNG MỤC VỤ KHÔNG THỂ THIẾU

Không thể thiếu, vì tất cả đều gắn liền với nhịp sống đức tin; nhưng không nhất thiết phải đủ, vì có những cộng đoàn chưa hội đủ điều kiện để trở nên một mô hình mục vụ hoàn chỉnh, đáp ứng mọi yêu cầu và chiều kích sinh hoạt của cộng đoàn.

Sau đây là một bảng đề nghị các đối tượng mục vụ thường có trong sinh hoạt của một giáo xứ.

1. Mục vụ về Tổ chức-Điều hành tổng quát: Phương cách mục vụ để thiết chế và xây dựng cộng đoàn, qui hoạch tổng thể và định hướng nhịp sinh hoạt, mọi hình thái sinh hoạt mục vụ trên bình diện tổng quan. (Cụ thể: cần xây dựng Nội quy giáo xứ, điều lệ hướng dẫn tổ chức và điều hành Hội đồng mục vụ, Hội đồng giáo xứ, Ban hành giáo, phương án mục vụ hàng năm…)

2. Mục vụ Phụng vụ tổng quát: Phương án tổng quát giúp cộng đoàn sống và thực thi chức năng Tư Tế của Chúa Giêsu. Cụ thể, đó là hướng dẫn thực hiện quy cách thực hành Phụng vụ sao cho đúng, đẹp và mang lại các hiệu quả thiêng liêng. (Các bí tích, Thánh lễ, Ca đoàn, lễ sinh, nghệ thuật thánh, tác viên PV…)

3. Mục vụ huấn giáo: Phương án tổng quát giúp cộng đoàn sống và thực thi chức năng Ngôn Sứ của Chúa Giêsu. Cụ thể, đó là định hướng, phối hợp toàn bộ sinh hoạt giáo lý trên những nguyên tắc chỉ đạo đúng đắn, áp dụng khả thi (Tổ chức điều hành giáo lý tổng quát, phương án giáo lý hàng năm, giáo lý viên, chương trình giáo lý, các đối tượng huấn giáo, tư liệu và phương tiện giáo lý…)

4. Mục vụ các hội đoàn, các giới: Công tác phối kết, huấn luyện, phát triển các hội đoàn, đoàn thể và định hướng đưa vào sinh hoạt mục vụ chung của giáo xứ. (Legio Mariae, Các Bà mẹ công giáo, cựu chủng sinh-tu sĩ, nhà giáo, sinh viên-học sinh, thiếu nhi, giới trẻ, gia trưởng…)

5. Mục vụ văn hóa-nghệ thuật: Ứng dụng và phát triển lãnh vực văn hóa-nghệ thuật làm khí cụ chuyển tải chân lý Phúc âm và thăng tiến phẩm giá Kitô hữu. (Báo chí, trang trí, các loại hình văn nghệ, văn hóa…)

6. Mục vụ truyền thông: Phối hợp, kiện toàn và ứng dựng các phương tiệnh truyền thông vào các lãnh vực mục vụ. (Âm thanh, ánh sáng, phát thanh, truyền hình, đèn chiếu, internet…)

7. Mục vụ bác ái-xã hội: Kế hoạch mục vụ giúp cộng đoàn tích cực và cụ thể sống tình bác ái huynh đệ, tương thân tương ái, thể hiện tinh thần “người Samaritanô nhân hậu”. (Xóa đói giảm nghèo, trợ giúp thiên tai, công tác từ thiện bác ái…)

8. Mục vụ giáo dục-học đường: Kế hoạch thực hiện “nền giáo dục Kỉô giáo” trên địa bản mục vụ và với điều kiện có trong tầm tay. (Trường học, quỹ khuyến học, hỗ trợ học sinh nghèo, chăm sóc svhs…)

9. Mục vụ hôn nhân-gia đình: Triển khai thực hiện các định hướng và ứng dụng mục vụ liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình. (chuẩn bị hôn nhân, các gia đình trẻ, hôn nhân rối, kinh nguyện gia đình)

10. Mục vụ Dự tòng-Tân tòng: Kế hoạch giúp thực hiện việc dạy giáo lý, chăm sóc đức tin cho các dự tòng cũng như những người vừa được gia nhập Kitô giáo. (mục vụ dự tòng, mục vụ hậu tân tòng)

11. Mục vụ quản lý tài sản và xây dựng: Kế hoạch quản lý và phương án phát triển tài sản giáo xứ. (Hồ sơ đất đai, xây dựng, kế hoạch mục vụ tài chánh…)

12. Mục vụ bệnh nhân, tử táng: Kế hoạch mục vụ chăm sóc bệnh nhân, người già, kẻ liệt, tử táng. Bảo vệ và xây dựng nghĩa trang…

13. Mục vụ liên lạc, đối thoại liên tôn: Kế hoạch mục vụ giúp giáo xứ bắt nhịp liên hệ với các đối tượng bên ngoài. (Liên lạc chính quyền dân sự, đối thoại với các tôn giáo bạn…)

14. Mục vụ truyền giáo: Ứng dụng các định hướng chung vào các lãnh vực liên quan tới sinh hoạt “Loan Báo Tin Mừng”: (các đối tượng và vùng truyền giáo, phương cách ứng dụng…)

15. Mục vụ ơn gọi linh mục, đời sống thánh hiến: Chương trình hành động tổng quát về việc đào tạo và phát triển ơn gọi tu trì. (Đào tạo chủng sinh và ơn gọi tu trì, thiết lập các quan hệ hữu hảo giữa giáo xứ và các cộng đoàn tu sĩ giúp mv…)

B. LỰA CHỌN TRIỂN KHAI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN

1. Mục vụ về Tổ chức-Điều hành tổng quát.

Đây là “khâu mục vụ” mang tính định hướng và chỉ đạo tổng quát. Nếu không có loại hình mục vụ nầy, mọi sinh hoạt mục vụ trong giáo xứ có nguy cơ cứ ở trong tình trạng lấp lửng, dễ biến động thay đổi, và đôi khi, không biết giải quyết cách nào khi có những vụ việc đặc biệt xảy ra.

Đề nghị một lộ trình thực hiện: Xây dựng văn bản định hướng, phối trí nhân sự và xác lập chương trình hành động.

* Văn bản định hướng

Cần nghiên cứu kỷ để hình thành những “văn bản định hướng mục vụ” cho giáo xứ. Trước hết, cần một bảng Nội Quy làm “cơ sở pháp lý” để định hình việc tổ chức và điều hành mục vụ tổng thể. (Phần nào giống như một bản “Hiến Pháp” của một quốc gia). Dưới ánh sáng của bảng “Nội quy” nầy, việc tổ chức giáo xứ và các điều lệ hướng dẫn mục vụ chuyên biệt sẽ hình thành.

* Đào tạo và phối trí nhân sự:

Một khi đã có nội quy và các điều lệ hướng dẫn mục vụ, điều còn lại là công tác phối trí nhân sự. Dĩ nhiên, công tác nầy đã được định hướng bởi các điều lệ. Cần có kế hoạch đạo tạo thường xuyên cho các thành viên đương nhiệm và các thành viên dự kiến trong tương lai.

* Chương trình hành động:

Có văn bản định hướng, có nhân sự điều hành, bây giờ chỉ còn việc “bắt tay vào việc”, hay nói cho có vẻ chuyên môn: cần có chương trình hành động. Chương trình nầy có thể dài hạn (3 năm, 1 năm) hay ngắn hạn (6 tháng, 3 tháng). Điều quan trọng là chương trình đó không đi ngoài định hướng chung của Hội Thánh hoàn vũ, hoặc lãnh đạm thờ ơ với chủ trương mục vụ của Hội Thánh địa phương (HĐGMVN, GPQN,...). Muốn như thế, cần có một “Phương án mục vụ tổng quát” hướng dẫn toàn bộ sinh hoạt của giáo xứ trong một thời gian nhất định (Theo Năm Phụng Vụ chẳng hạn...)

* Tư liệu tham khảo:

- Nội quy giáo xứ Tuy Hòa
- Điều lệ Hội đồng mục vụ-Hội đồng giáo xứ-Ban hành giáo giáo xứ Tuy Hòa.
- Phương án mục vụ tổng quát năm 2008

2. Mục vụ Phụng vụ

Là người được lãnh nhận chứ Tư tế thánh, thừa tác viên chính thức và cần thiết của các cử hành Phụng vụ, các linh mục không được quên lời huấn dụ khi tiến chức:

“Các con cũng phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa trong Đức Kitô, vì chưng thừa tác vụ các con sẽ giúp hoàn thành lễ tế thiêng liêng của tín hữu, hiệp cùng lễ tế của Đức Kitô mà tay các con dâng tiến khi cử hành lễ tế trên bàn thờ...” (Nghi thức phong chức linh mục).

Và hãy luôn nhớ giáo lý của Công Đồng về vị trí ưu tiên của Phụng vụ thánh:

“Phụng vụ là tột dỉnh mà mọi hoạt động của Giáo Hội qui hướng về đồng thời tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (PV số 10).

Để giúp cho sinh hoạt mục vụ Phụng vụ được ổn định, sinh động và đúng hướng, cần lưu ý:

* Đề xuất các quy định tổng quát cho các sinh hoạt Phụng vụ (Các bí tích, Thánh lễ, Ca đoàn, lễ sinh, nghệ thuật thánh, tác viên PV…).
* Ngoài các hướng dẫn rõ ràng của luật “Chử Đỏ”, cần quy định những quy cách phụng vụ thích hợp với không gian, thời gian và điều kiện riêng của cộng đoàn, như:

- Lịch cử hành Phụng vụ: thánh lễ, Rửa tội, Giải tội, Trao của ăn đàng, Xức dầu kẻ liệt, chầu Giờ thánh...
- Hướng dẫn quy cách cử hành Phụng vụ: Lễ trọng, lễ kính, lễ Chúa Nhật, Hôn phối, An táng, y phục độc viên, cách rước lễ, phụng vụ tại gia, hát phụng vụ, việc thực hành kinh nguyện cộng đồng...

- Hướng dẫn thực hành phụng vụ cụ thể theo từng đối tượng và thời điểm: Giáng Sinh, Mùa Chay, Tuần Thánh-Phục sinh, Tết, Phong chức, tháng Đức Mẹ, mùa Các Đẳng...

* Đào tạo tác viên phụng vụ: Độc viên, dẫn lễ, giúp lễ, ca trưởng...
* Phối hợp các lãnh vực liên quan đến phụng vụ: Ban lễ nghi, ca đoàn, âm thanh, ánh sáng, trang trí...
* Tư liệu tham khảo:

- Bảng hướng dẫn Phụng Vụ Tuần Thánh Phục sinh
- Hướng dẫn cử hành phụng vụ và kinh nguyện tại gia đình

3. Mục vụ huấn giáo:

Lại cũng cần nhắc lại lời giáo huấn của Đức Giám Mục trong lễ nghi phong chức:

“Còn các con thân mến ! Các con sắp lên chức linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy. Vậy giáo lý các con phải nên lương thực nôi dân Thiên Chúa...”

(Cf. Đọc thêm: Kim chỉ nam số 47)

Vì liên quan đến chân lý đức tin, giáo dục các tâm hồn, mục vụ huấn giáo không thể bị xem thường hay được thực thi cách sơ sài, không định hướng, chắp vá, mang tính “đối phó”...

Sau đây là mấy đề nghị thực hành:

* Kiện toàn khâu “Tổ chức và điều hành tổng quát”:

- Nên có một “Lược đồ tổng thể”: Việc tổ chức và điều hành, các đối tượng giáo lý, ban chuyên trách...
- Nên có một “phương án mục vụ giáo lý hàng năm” (chương trình hành động cụ thể trong năm)

* Kế hoạch đào tạo giáo lý viên dài hạn và ngắn hạn.
* Kế hoạch đầu tư cho mục vụ giáo lý: Cơ sở, dụng cụ, tư liệu, thủ bản...
* Tư liệu tham khảo:

- Phương án mục vụ huấn giáo niên khóa 07-08 giáo xứ Tuy Hòa
- Chương trình Giáo lý Phổ thông

4. Mục vụ văn hóa-nghệ thuật

Kitô giáo vốn tự hào về “nền văn minh Kitô giáo” của mình bởi vì đã là nguồn cảm hứng mạnh mẽ và đầy sức thuyết phục đối với các loại hình văn hóa và nghệ thuật của nhân loại (âm nhạc, hội họa, kiến trúc, văn chương, thi ca...). Hơn nữa, văn hóa, nghệ thuật còn là phương tiện tối cần và hữu dụng trong việc chuyển tải chân lý đức tin. Lịch sử truyền giáo tại Việt nam đã khẳng định điều nầy. Vì thế, không thể bỏ qua hay xem thường loại hình mục vụ nầy trong sinh hoạt sống đạo của cộng đoàn dân Chúa.

Sau đây là mấy yếu tố cần lưu ý trong lãnh vực mục vụ nầy:

* Chuyên ban mục vụ văn hóa-nghệ thuật: đặc trách các chuyên mục: trang trí khánh tiết, báo chí, các sinh hoạt tọa đàm văn hóa, văn học, giúp đào tạo người viết văn, làm thơ, nghiên cứu, thiết lập phòng đọc sách, thư quán, nhà truyền thống hay thư viện, xuất bản sách...
* Các công tác văn hóa trong các dịp trọng điểm mục vụ: Giáng Sinh, Phục Sinh, ngày truyền thống Bổn mạng, Tết, các sinh hoạt đặc biệt (Kỷ niệm ngày thành lập xứ, các giải thưởng...)
* Tư liệu tham khảo:

- Giải văn hóa-đức tin Nguyễn Xuân Văn

5. Mục vụ hôn nhân-gia đình

Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ “Gaudium et Spes”, đã dành chương đầu với các số từ 47-52 trong Phần II: Những vấn đề khẩn thiết, để tập chú vào chuyên đề: Giá trị của hôn nhân và gia đình.

Quả thật, hôn nhân-gia đình đúng là “điểm nóng mục vụ” mà bất cứ cộng đoàn nào cũng phải quan tâm, như lời huấn dụ của Đức Cố Giáo Hoàng G.P. II trong Tông huấn về gia đình:

“Vì thế, cũng cần nhấn mạnh một lần nữa rằng Hội Thánh phải cấp bách tổ chức một sự can thiệp có tính cách mục vụ để nâng đỡ gia đình. Cần phải cố gắng hết sức có thể để mục vụ gia đình được củng cố và phát triển, trở thành một ngành thật ưu tiên, vì chắc chắn trong tương lai việc loan báo Tin Mừng phần lớn tùy thuộc nơi Hội thánh tại gia đình” (Tông huấn gia đình số 65)

Sau đây là một số chuyên đề trong lãnh vực mục vụ hôn nhân-gia đình mà giáo xứ có thể triển khai thực hiện:

* Mục vụ tiền hôn nhân: giáo lý chuẩn bị hôn nhân căn bản
* Mục vụ đính hôn và lãnh nhận bí tích Hôn Phối.
* Mục vụ gia đình: Chương trình giáo dục thường xuyên các gia đình trẻ, Sổ gia đình, hình gia đình, quản lý gia đình công giáo, phụng vụ và kinh nguyện gia đình, mục vụ các gia đình rối...
* Tài liệu tham khảo:

- Sổ gia đình Công giáo giáo xứ Tuy Hòa
- Tài liệu phụng vụ tại gia

6. Mục vụ Dự tòng-Tân tòng

Cần phải lặp lại giáo huấn của Hội Thánh về vị trí và quyền lợi của các Dự tòng trong sinh hoạt của Dân Chúa:

“Phần những người dự tòng, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, nếu minh nhiên xin gia nhập Giáo Hội, thì do chính ước muốn ấy, họ đã được kết hợp cùng Giáo Hội rồi; và Giáo Hội là Mẹ hiền yêu thương săn sóc họ như con cái mình” (Hiến chế Giáo Hội số 14)

Như thế, cần có một chương trình mục vụ dành cho Dự tòng-Tân tòng, một kế hoạch chăm sóc dài hơi, chứ không phải đơn thuần chỉ cần mở một lớp giáo lý cấp tốc cho họ lãnh các bí tích, rồi coi như không còn gì để quan tâm.

Sau đây là một số đề nghị trong chuyên đề mục vụ nầy:

* Cần một kế hoạch mục vụ ưu tiên thay vì một biện pháp đối phó và một chương trình thường xuyên thay vì một giải pháp bất đắc dĩ.
* Đề nghị một chương trình mục vụ dự tòng bao gồm: giáo lý, phụng vụ, cầu nguyện, hiệp thông.
* Chương trình mục vụ hậu tân tòng: liên lạc, gặp gỡ, đại hội, trao trách nhiệm mục vụ...
* Tư liệu tham khảo:

- Tài liệu giáo lý Tiền Dự Tòng

7. Mục vụ các hội đoàn

Đã có một thời,các hội đoàn Công giáo tiến hành nở rộ: Liên MinhThánh Tâm, HùngTâm dũng chí, Bác ái Vinh Sơn, Legio Mariae, Thanh-thiếu sinh công, Hướng đạo Công giáo, Thanh lao công, Các bà mẹ Công giáo...

Và tới một thời, tất cả phải “đội nón ra đi”, chỉ còn một hội đoàn duy nhất: Giáo Hội mà đơn vị nhỏ nhất là giáo xứ hay giáo họ. Nhưng, đức tin không vì thế mà tiêu tán. Có khi nhờ thế mà được thanh lọc, tẩy luyện cho tinh ròng hơn, cứng cáp hơn.

Nói thế không có nghĩa chủ trương rằng: Mục vụ ngày nay không cần đến các hội đoàn. Trái lại, rất cần. Vì, trong một nghĩa tích cực, các hội đoàn chính là “cánh tay nối dài của cha sở”. Chính vì thế, cần có những yếu tố sau đây để xây dựng chương trình mục vụ các hội đoàn.

* Huấn luyện “tinh thần hội đoàn”
* Đào tạo các hạt nhân
* Cung ứng và hỗ trợ các yêu cầu
* Định hướng sinh hoạt và thường xuyên phối hợp mục vụ
* Tài liệu tham khảo:

- Điều lệ hướng dẫn sinh hoạt hội Nhà giáo Công Giáo
- Điều lệ hướng dẫn sinh hoạt ca đoàn

8. Mục vụ ơn gọi linh mục, đời sống thánh hiến

Tài liệu “Kim Chỉ Nam cho Thừa tác vụ và đời sống linh mục” đã nêu bật:

“Linh mục cần lưu tâm cách riêng đến mục vụ ơn gọi, không quên khuyến khích cầu nguyện theo ý chỉ đó, bỏ công sức ra cho Giáo lý ơn gọi, lo huấn luyện các em giúp bàn thờ, cổ võ sáng kiến thích hợp bằng tiếp xúc cá nhân, nhằm phát hiện những tài năng và biết nhận ra thánh ý Thiên Chúa để giúp can đảm lựa chọn theo Đức Kitô”

“Đó là một “đòi hỏi không thể lẫn tránh của đức ái mục vụ” là mỗi linh mục tiếp tay với ơn Chúa Thánh Thần, quan tâm khơi dậy ít nhất một ơn gọi linh mục để có thể tiếp nối thừa tác vụ của mình”. (SĐD số 32).

Ở đây, mục vụ ơn gọi không chỉ nhắm đến công tác chuẩn bị và đào tạo ơn gọi mà còn nhấn mạnh đến khía cạnh linh mục sống ơn gọi linh mục của chính mình và trong tương quan với các linh mục và tu sĩ khác.

Một số gợi ý cho lãnh vực mục vụ nầy:

* Linh mục sống ơn gọi linh mục của chính mình

“Chắc chắn, sự ý thức rõ ràng về căn tính của mình, sự mạch lạc trong đời sống, niềm vui trong sáng và lòng nhiệt thành thừa sai tạo nên những nguyên tố cần thiết cho mục vụ ơn gọi.” (SĐD số 32)

* Linh mục trong tương quan với anh em linh mục

“Tình bạn linh mục chín chắn và thâm sâu, được coi như nguồn gốc phát sinh sự thanh thản và niềm vui lúc thi hành thừa tác vụ...” (SĐD số 32)

* Linh mục trong quan hệ với các tu sĩ giúp mục vụ

“Ngài phải lưu tâm đặc biệt đến mối tương quan với các anh chị em dấn thân sống đời thánh hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, dù họ thuộc về hình thức nào, bằng cách bày tỏ một sự quí mến chân thành và một tinh thần cọng tác tông đồ đích thực trong sự tôn trọng và thăng tiến những đặc sủng riêng tư của họ...” (SĐD số 31)

* Rõ ràng, tách bạch trong trách nhiệm mục vụ, trong quản lý cơ sở và đất đai.
* Linh mục trong kế hoạch đào tạo ơn gọi chủng sinh và tu sinh: Từ xa trong gia đình cho đến môi trường giáo xứ, học đường...
* Tài liệu tham khảo:

- Linh đạo dành cho linh mục coi xứ

PHẦN KẾT LUẬN

Tại làm sao tôi phải “thao thức mục vụ” ?

Vì Giáo Hội, Giáo phận đang cần những “người canh gác đêm” (Is 21,11-12) tỉnh thức, sắp sẵn trên vọng gác của tòa nhà Giáo Hội, hay sinh động, mau mắn trên những “thảo nguyên của cuộc đời” để cộng đoàn Dân Chúa luôn biết bừng dậy trong hy vọng hoan vui đón mừng Ngày Chúa đến (Is 52,7-9); nhưng nhất là để trung thành với căn tính linh mục của chính mình, để mình được nên thánh mà theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu đó chính là: “Để phục vụ và hiến dâng mạng sống” (Mt 20,24-28)

Và như thế, “thao thức mục vụ” không phải chỉ là “vấn đề của tâm lý” hay nổi bức xúc do tác động xã hội và những yêu cầu của tương lai, nhưng là một chiều kích chính yếu không thể thiếu trong linh đạo của người linh mục hôm nay và ngày mai.

Thật vậy, đối với linh mục, nhất là linh mục giáo phận, linh mục coi xứ, thì việc nên thánh không thể tách khỏi môi trường mục vụ, công tác mục vụ, cộng đoàn mục vụ. Bởi lẽ, linh mục không phải nên thánh cho riêng mình, mà phải nên thánh cho, vì, với và nhờ công đoàn mà mình phục vụ.

Tông huấn Pastores dabo vobis dành trọn 6 số (từ 21-26) để triển khai khía cạnh “linh đạo mục vụ” nầy qua hai nội dung chính: - Đức Ái mục vụ và – Thi hành thừa tác vụ.

“Đời sống thiêng liêng của các thừa tác viên Tân ước phải được đóng ấn bằng thái độ tiên khởi ấy, thái độ phục vụ đối với Dân Thiên Chúa” (TH.Pastores dabo vobis số 21).

“Linh mục sống trong một bầu khi liên lỷ ứng trực và sẵn sàng để cho mình bị chộp giữ hay, có thể nói, để cho mình “bị ăn” do bởi những nhu cầu và những đòi hỏi, dỉ nhiên cần phải hợp lý của đoàn chiên” (28)

Điều đó cũng đã được chính Công đồng Vatican II khẳng quyết trong Sắc lệnh Đào tạo linh mục: Hoạt động mục vụ sẽ giúp kiên cường đời sống tu đưc:

“Tốt hơn phải vì đó huấn luyện cho họ biết dùng chính hoạt động mục vụ của họ, để kiên cường đời sống tu đức cho thật vững mạnh” (Đào tạo linh mục, số 9)

Từ những gợi ý đó, chúng ta có thể dừng lại trên những lưu ý nầy:

Cộng đoàn có nhiều hoa trái thánh thiện (Trẻ em, các người già lảo, những người cha, người mẹ âm thầm thánh thiện trong trong vất vả khó nghèo, những bạn trẻ nam nữ anh hùng và can đảm nói không với những đua đòi và cám dỗ hưởng thụ…); và trong đời sống giáo dân có nhiều nhân đức mà linh mục không có hay ít có: nhân đức nghèo, khổ, vất vả nhọc mệt, túng thiếu, đầu tắt mặt tối, bệnh hoạn tật nguyền, mất con, mất vợ…).

Vì thế, linh mục đừng bao giời tự cho mình là “đấng ban phát sự thánh thiện”, là “thầy dạy đàng nên thánh” để luôn “lấy làm đủ” và xem thường, không tìm học hỏi được gì nơi cộng đoàn.

Thao thức mục vụ chính là không ngừng tìm kiếm và học hỏi kho tàng thánh thiện vô giá của Dân Chúa.

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý XUNG QUANH CHỦ ĐỀ
CÁC ƯU TIÊN MỤC VỤ CHO HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI CỦA GIÁO XỨ


1. Nếu được tự do chọn lựa giữa công tác chuyên môn và phụ trách mục vụ giáo xứ, cha thích chọn công việc nào ?
2. Cha có thể đề nghị một danh mục đầy đủ và theo trật tự ưu tiên các loại hình sinh hoạt mục vụ của một giáo xứ.
3. Theo cha, để xây dựng, củng cố và phát triển một cộng đoàn mục vụ (giáo họ, giáo xứ), thì cần những yếu tố then chốt nào ?
4. Cha đang phát hiện ra những tác động tiêu cực nào của xã hội trên sinh hoạt mục vụ của cộng đoàn cha đang phụ trách ?
5. Đâu là “căn bệnh thâm căn cố đế” (tật xấu, thói quen xấu...) mà cộng đoàn cha phụ trách đang mắc phải khiến sinh hoạt mục vụ cứ ì ạch, không tiến triển, trưởng thành?
6. Nhân sự mục vụ thiếu trầm trọng ! Đồng ý. Nhưng “kế hoạch đầu tư” đã có chưa và thế nào ?
7. Đã ứng dụng tới đâu các phương tiện truyền thông (Mass Media) vào sinh hoạt mục vụ ? Thử đề nghị vài mô hình ứng dụng hiệu quả.
8. Nếu được “chuyên tu mục vụ” (thường huấn), cha thích chọn môn gì và cần bồi dưỡng chuyên sâu lãnh vực nào ?

THAM KHẢO
1. Hiến chế Giáo Hội (Ánh sáng muôn dân)
2. Hiến chế Phụng vụ
3. Hiến chế mục vụ (Vui mừng và Hy vọng)
4. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục
5. Sách Nghi lễ phong chức linh mục
6. Tông huấn Pastores dabo vobis
7. Tông huấn Kitô hữu giáo dân
8. Tông huấn gia đình
9. Kim chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục
10. Các tài liệu chỉ nam mục vụ giáo xứ Tuy Hòa.