HANOI – Hôm nay, thứ Hai ngày 9/6/2008, phái đoàn Tòa Thánh đã tới Hà Nội trong chương trình một cuộc thăm viếng hằng năm. Đây là lần thứ 15 Phái đoàn Vatican tới Việt Nam kể từ khi đảng Cộng Sản Việt Nam lên nắm chính quyền.

Phái đoàn Vatican gồm có Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh là đức ông Pietro Parolin, Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ Trưởng tại Bộ Truyền Giáo.

Mục đích của chuyến viếng thăm với hai nghị trình rõ rệt: vấn đề nội của của Giáo hội, phái đoàn sẽ gặp với Ban Thường Vụ và các vị giám mục lãnh đạo của Giáo hội Việt Nam để thông qua một số vụ việc mà cả hai bên đều có quan tâm chung; vấn đề đối ngoại sẽ gặp các viên chức Chính quyền Việt Nam, đặc biệt những vụ việc liên quan tới tài sản của Giáo hội, vấn đề nhân quyền, tù nhân lương tâm, lộ trình tiến tới bang giao... Tuy nhiên một trong những quan tâm căn bản của Giáo hội là muốn Chính quyền Việt nam công nhận những đóng góp tích cực về mặt tinh thần tôn giáo, việc bảo vệ và xây dựng con người dựa trên nhân quyền, tiềm năng giáo dục, công tác từ thiện và xã hội của Giáo hội trong việc xây dựng con người Việt nam. Qua đó, Giáo hội tại Việt nam muốn đóng góp tích cực hơn nữa là đòi hỏi quyền lợi được đảm trách việc giáo dục thanh thiếu niên, mở trường học, bệnh xá và các cơ sở phục vụ nhân đạo. Vì những công tác nêu trên cũng chính là sứ mạng và mục tiêu của Giáo hội.

Phái đoàn sẽ có cuộc gặp gỡ với Phó thủ tướng và đặc trách Ngoại giao là ông Phạm Gia Khiêm và một số các viên chức chính quyền đặc trách về tôn giáo vụ. Đặc biệt nhiều người sẽ để ý tới cuộc họp của Phái đoàn Tòa Thánh liên quan tới vụ đất Tòa Khâm Sứ với Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Hội và Quân Hoàn Kiếm.

Đoàn Vatican đến Việt Nam lần này khi mà trong thời gian vừa qua có những cuộc phản đối rất mạnh mẽ của người Công giáo khắp nơi đòi chính quyền trả lại các tài sản của Giáo hội, đặc biệt là vụ đất Tòa Khâm Sứ của tổng giáo phận Hà nội.

ĐC Nguyễn chí Linh chào mừng Phái đoàn
Hình Phái đoàn Vatican tới Hà Nội năm ngoáiVào đầu năm 2007, thủ tướng Nguyễn tấn Dũng của Việt Nam có đến Roma và được ĐGH Benedictô XVI tiếp kiến. Đó có thể nói là cuộc họp mặt hy hữu và lịch sử đầu tiên của vị lãnh đạo thế giới Công giáo và người cầm đầu chính quyền Hà nội. Khi đó cả hai bên đều nói tới sự kiện là đang làm việc để tiến tới việc thiết lập ngoại giao.

Thế rồi vào tháng 12, 2007 vụ đòi đất Tòa Khâm Sứ đã diễn ra ngay giữa lòng thủ đô Hà nội, tiếp diễn cả tháng trời, người Công giáo giáo phận Hà nội đã trong vòng nhiều ngày đã đốt nến cầu nguyện trước Tòa Khâm sứ, có lúc tới cả 5.000 người để đòi lại cơ sở mà Giáo hội nói là cần thiết cho các sinh hoạt tôn giáo của Giáo hội, đang khi đó chính quyền địa phương đang biến khu đất này thành một dịch vụ kiếm ăn có béo bở như mở quán ăn và xây khách sạn, v.v....

Các cuộc cầu nguyện bất bạo động, nhưng có tính cách biểu tình chống đối chính quyền đã chiếm đoạt đất một cách vô lý đã được cả thế giới chú ý tới... Ngay cả chính thủ tướng Nguyễn tấn Dũng cũng đã tận nơi và hưa sẽ giải quyết thỏa đáng.

Đặc biệt vào ngày 27.1. 2007 khi chính quyền ra tối hậu thư phải dẹp bỏ thánh giá và tượng ảnh vào lúc 5:00 chiều và ra lệnh cho những người đang cầu nguyện trong khuân viên Tòa Khâm sứ phải rút lui nếu không sẽ có biện pháp mạnh trấn áp. Quân đội và xe cảnh sát ùn ùn kép tới, nhưng những người công giáo đang cầu nguyện, già có, trẻ có, họ chân thành, chất phát, nhưng họ đã chứng tỏ lòng can trường không sợ chết trước những áp lực và đe đọa của công an và cảnh sát. Rút cục quân đội và cảnh sát cũng không dám ra tay.

Việc dựng tượng Thánh giá trước Tòa Khâm Sứ và những buổi cầu nguyện suốt đêm giữa trời mùa đông rét thấu xương đã làm kích động sự cảm thông và đánh thức lương tâm của thế giới tự do và được các cơ quan báo chí quốc tế loan tin rộng rãi.

Ủy ban Nhân dân và chính quyền Quận Hoàn Kiếm đã dăm ba lần gặp Đức TGM Ngô Quang Kiệt của Hà nội hai bên đã đồng ý vào đầu tháng Hai 2008 là sẽ giải quyết vụ này qua đối thoại chân thành và chờ đợi Phái đoàn Tòa Thánh tới trong một chươgn trình tổng quan cho vấn đề đất đai của Giáo hội.

Đang khi đó vào ngày 10.4.2008 chính quyền tỉnh Quảng trị đã trả lại cho Giáo hội đất Thánh Địa La Vang hầu làm Trung tâm Hành hương Tòan Quốc.

Tòa Khâm Sứ Hà Nội, Thánh địa La Vang và Giáo hoàng Học viện Đà Lạt là 3 ưu tiên mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính chức viết văn thư đề nghị Chính phủ trả lại cho Giáo hội.

Một sự kiện khác đáng lưu tâm là trong khi chờ đợi phái đoàn Tòa Thánh tới thăm Việt Nam, thì vào ngày 30.5.2008, chính quyền tỉnh Thái Bình cũa đã đồng ý trao trả lại cho Tòa Giám Mục Thái Bình 2 cơ sở quan trọng của Giáo hội, đó là Đại chủng viện Mỹ Đức cũ với một ngôi ngà độ sộ 3 tầng và trả lại khu đất Nhà thờ Cát Đàm, mà trước đây chính quyền đã trưng dụng. Đại chủng viện Mỹ Đức sẽ được đổi tên thành Đại Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu và bắt đầu từ tháng 9 năm 2009 sẽ được mở ra để đón tiếp các tu sinh lớn tuổi cho việc đào tạo họ thành linh mục tương lai của giáo phận.

Ngoài việc thăm viếng Hà Nội, vào ngày thứ Tư (11.6.2008), phái đoàn cũng sẽ tới thăm Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam ở Đà Lạt. Đà Lạt cũng là nơi có Giáo Hoàng Học Viện Pio X và Viện Đại Học Đà Lạt của Giáo hội Công giáo trước đây. Hai học viện này cũng nằm trong ưu tiên mà Hội Đồng Giám Mục Việt nam muốn chính quyền trả lại để Giáo Hội sử dụng trong việc giáo dục thanh thiếu niên.

Tiếp đến thăm Tổng giáo phận Saigon và tiấp tục ra Miền Trung, thăm giáo phận Huế, thăm Quảng Trị nơi có Thánh Địa La Vang mà chính quyền mới đây đã trao trả lại cho Giáo hội sử dụng.

Ngoài những vấn đề liên quan tới đất đai và tài sản của Giáo Hội, phái đoàn Tòa Thánh thông thường cũng có nghị trình về việc bổ nhiệm một số các tân giám mục cho những giáo phận còn trống tòa hay các giáo phận có các giám mục cao niên trên 75 tuổi cần được hưu dưỡng.

Phái đoàn cũng đạt vấn đề về việc Giáo hội được tham gia và cộng tác trong công việc giáo dục thanh thiếu niên, mở trường ốc; dấn thân vào các công tác từ thiện bác ái, mở nhà thương, bệnh xá, trung tâm săn sóc cho người bị bệnh AIDS/HIV, nhà nuoi trẻ mồ côi, chăm sóc người phong cùi, và các công tác từ thiện khác...

Trong nghị trình, phái đoàn cũng sẽ nêu lên những nguyên tắc căn bản mà Giáo hội hằng quan tâm như vấn đề tự do tôn giáo, quyền phát biểu của người dân, việc in sách và phát hành báo chí và tài liệu của Giáo hội, vấn đề tù nhân lương tâm, việc chăm sóc cho và bảo đảm quyền lợi cho người di dân, nhất là các công nhân Việt Nam đi làm ở hải ngoại, bảo về quyền lợi và nhân phầm của các thiếu nữ Việt nam lấy chồng ngoại quốc, và nhất là tệ nạn trẻ em vị thành niên bị bán đi làm nô lệ tình dục, tệ nạn này cần chấm dứt.

Cuối cùng đưa ra một số những vấn đề “nhạy cảm” mà cả hai bên đều quan tâm cũng có thể được đưa ra bàn, như tù chính trị, hình ảnh nhân quyền của Việt Nam trên chính trường quốc tế, ngừa thai, vấn đề toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nó trên đời sống của con người trong các quốc gia nghèo.