Từ tình cảnh giáo xứ Kẻ Mui… đến chuyện đạo lý xã hội thời nay

Chuyện làm nhà lấn lối đi chung hay lấn sang hàng xóm chẳng phải chuyện lạ trong xã hội VN vì nó thường diễn ra. Tuy nhiên đối với đất nhà thờ, chùa chiền việc này lại là hiếm thấy và nếu có cũng chỉ ở mức độ vi phạm hàng rào, nhờ tập tục đã có bao đời nay dân gian thường kiêng dè những nơi thờ phượng chẳng mấy ai dám đụng đến. Vì thế trước những gì đang diễn ra tại giáo xứ Kẻ Mui có thể xem là điều hơi “khác thường”, những hộ ngoại giáo ấy chắc chắn không dám ngang nhiên làm việc này nếu không có sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương, vì mấy căn cứ sau:

  • Nhà dân “mọc” lên trong khuôn viên nhà thờ việc => tội lấn chiếm đã quá rõ!
  • Làm nhà ở chứ nào phải dựng chuồng gà? qua hằng ngày ai mà chẳng thấy nên đâu thể giấu giếm.
  • Thời gian thi công có nhanh nhất cũng mất cả tháng làm sao qua mặt chính quyền? nhà ở hợp pháp của dân cần sửa chữa mà không xin phép, hôm trước khởi sự là hôm sau cán bộ công an phường xã kéo đến bắt đập ngay.


Ai đã từng ở VN đều biết, cùng với chuyện quản lý chặt chẽ về hộ khẩu để kiểm soát về con người, các thủ tục về nhà cửa cũng hết sức nhiêu khê. Làm nhà “lậu” như trên mà êm xuôi trót lọt xem ra cũng khó hơn chuyện “dắt lạc đà chui qua lỗ kim”.

Điểm đáng lưu ý thêm là đối với các “vấn nạn” về tài sản không riêng gì ở giáo xứ này mà của cả giáo hội, đã xảy ra trên cả nước trong khoảng hai thập niên 70-80 khi chính quyền cộng sản xâm chiếm trọn miền Nam. Thời ấy họ tỏ ra rất kiêu căng và háo thắng, mọi chủ trương của họ cho thấy rõ điều này:

  • Vô sản hóa đã làm điêu đứng dân chúng về kinh tế
  • Duy vật hóa tác hại đến đạo đức xã hội
  • Vô thần hóa khiến giáo hội cũng thành nạn nhân.
Khi ấy, giá trị đất đai nhà cửa ngay tại các đô thị lớn như Sàigòn, Hà Nội không có giá trị ngất ngưởng như hiện nay. Nhiều người còn sẵn sàng “hiến” (mà thực ra là bị ép các sĩ quan từ cấp tá trở lên trong diện H.O) hoặc “bán” lại cho nhà nước với giá rẻ mạt cho xong thủ tục để sớm được đi định cư nước ngoài, người khác lại lo tìm đường vượt biên bỏ lại nhà cửa. Như vậy, đối với những vùng quê nghèo như Hà Tĩnh trên, đất rộng người thưa nhà cửa có giá trị là bao để đến nỗi phải đi xâm phạm đất nhà thờ?

Suy ra từ trường hợp của giáo xứ Kẻ Mui, chúng ta càng hiểu rõ hơn động cơ chính của những vụ cưỡng chiếm tài sản giáo hội bấy lâu, không hẳn vì nhu cầu hay giá trị của tài sản, mà chủ trương muốn xóa bỏ tôn giáo mới chính là mục đích. Những lý lẽ nhà nước hay viện dẫn để chạy tội “vì hoàn cảnh khó khăn hay nhận thức dân chúng còn thấp” hoàn toàn không có chỗ đứng trong những kiểu xâm chiếm lạ đời như vậy, mà chỉ có những ý đồ đen tối nơi họ.

Đến chuyện đạo lý xã hội thời nay

Vì đâu mà nhiều giá trị tinh thần cao quí trong xã hội VN ngày nay bị tổn thương nghiêm trọng? Vì đâu mà những nơi tôn nghiêm như nhà thờ, chùa chiền mà người ta cũng chẳng còn biết kiêng sợ ?

Có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ trương lối sống duy vật do cộng sản tuyên truyền suốt nửa thế kỷ qua chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh đối với dân chúng.

Khi chủ nghĩa này sụp đổ, “lý tưởng” cũng chẳng còn (dù chỉ là ảo tưởng nhưng có vẫn hơn không) cái giá phải trả về mặt đạo đức, tâm lý xã hội là điều tất yếu. Đã thế đảng CSVN lại không muốn cho dân chúng nhận ra những sự sai lầm và lỗi thời của chủ nghĩa cộng sản ấy, nên vẫn phải ca tụng nó và thế là cả xã hội sống trong một bầu không khí tràn ngập sự giả dối.

Sở dĩ họ đã làm thế trước hết là để bảo vệ sự quyền lợi cai trị của chính họ, sau nữa vì sợ làm đau lòng hàng triệu gia đình có người thân đã ngã xuống trong cuộc chiến đẫm máu hơn một phần tư thế kỷ do họ chủ xướng và được các “đàn anh” LX, TQ giao phó là bảo vệ tiền đồn của phe XHCN ở vùng Đông Nam Á, nhưng với dân chúng họ lại mượn danh nghĩa dân tộc để giải phóng đất nước.

Nước Đức đã không cần làm thế nhưng nay họ cũng đã thống nhất đất nước gần 20 năm chỉ sau VN hơn chục năm, Bắc-Nam Hàn ngày thống nhất chắc cũng chẳng còn xa vời, thế thì VN tại sao không? Không chiến tranh, loạn lạc chắc chắn kinh tế cả hai miền đã không bị kiệt quệ nặng nề, không có cảnh ly tán Bắc Nam, trong ngoài nước, đạo đức xã hội không bị suy đồi nhiều như hiện nay.

Nhưng sống giữa thời đại thông tin bùng nổ sự che giấu ấy là không thể, dân chúng vẫn biết đâu là sự thật, chẳng qua vì vì sợ chính quyền đàn áp chưa có nhiều người dám đứng ra chống đối mà phải chấp nhận sống trong im lặng. Ban đầu là chịu đựng nhưng lâu dần cũng thành thói quen, người trẻ trông thấy người lớn nói một đằng làm một nẻo, lần đầu có thể làm họ ngạc nhiên nhưng lâu dần cũng lại thành quen. Cứ như thế, đạo lý và trật tữ xã hội mỗi ngày bị xã hội gậm nhấm một ít, cạn kiệt lúc nào chẳng ai rõ?

Những năm gần đây, báo chí dư luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thực trạng suy thoái đạo dức xã hội ngoài tham nhũng còn rất nhiều chuyện khác, mua quan bán chức, thi cử gian lận, vụ “Vàng Anh”, xì ke ma túy gái điếm, thấy trò bạo hành nhau, trẻ em bị hành hạ v.v… nhưng tuyệt đối chẳng có tờ báo nào dám đụng đến nguyên nhân cội rễ của vấn đề là sự giả dối về chính trị đã dẫn đến giả dối về kinh tế, giáo dục v.v… đang bao trùm cả nước.

Nhìn lại xã hội xưa

Thời Pháp thuộc, mang tiếng là đất nước bị đô hộ nghèo nàn và lạc hậu, tThế nhưng các hình ảnh tư liệu cũ lại cho thấy VN đã từng có một xã hội sống có tôn ti trật tự và tử tế hơn thời “độc lập - tự do” bây giờ gấp vạn lần, nhiều bằng chứng bây giờ vẫn đang còn hiện hữu đó.

Thời ấy nhà dòng, nhà thờ, chùa chiền được “mọc” lên khắp nơi để truyền đạo lý cho dân chúng. Rất nhiều nhà thương (ngày xưa gọi nhà “thương” còn thời nay gọi là bệnh viện nên bác sĩ, y tá họ cũng rất “sòng phẳng”, tiền nhiều thì chăm sóc tốt không tiền thì chỉ có chờ chết) viện cô nhi, dưỡng lão, trại phong cùi, các cơ sở từ thiện được xây dựng trên cả nước để giúp đỡ những người bất hạnh, nghèo khổ. Ngoài ra, giáo hội còn được phép mở trường từ tiểu học lên đến bậc đại học để dạy dỗ các thế hệ trẻ không chỉ văn hoá mà còn về đạo đức, nhân cách.

Người Pháp rút khỏi VN đã hơn nửa thế kỷ không biết có thêm mấy ngôi thánh đường nguy nga cỡ Nhà thờ Đức Bà SG, Nhà thờ lớn Hà Nội, Nam Định và bao nhiêu trung tâm từ thiện tôn giáo như Nhà An dưỡng – Từ Thiện Thị Nghè được xây dựng? Mà những việc này nói lên điều gì, nếu chẳng phải đạo lý được nhà nước, xã hội xem trọng?

Về trình độ văn hóa và quản lý đất nước, ngày xưa việc học hành còn khó khăn nhưng có dịp xem những giấy tờ như khai sanh, bằng khoán cũ mới thấy, chữ nghĩa của một anh công chức “quèn” như mấy ‘thầy ký’ cũng hơn cán bộ bây giờ nhiều, trình độ Pháp ngữ của họ chẳng những giỏi mà chữ viết ai nấy đều rất đẹp. Còn bây giờ trình độ cán bộ ra sao? Tìm được “ông” cán bộ cấp quận ở Sàigòn biết ngoại ngữ tương đối khá khá, đọc được sách báo nước ngoài cũng đã thấy khó như “mò kim đáy biển” vậy.

Gần đây trước việc ngập lụt cả thành phố Sàigòn trong lúc các cơ quan lúng túng không biết sao giải quyết, trám được chỗ này lại ngập chỗ khác. Có người đã tìm ra nguyên nhân có liên quan đến ý đồ qui hoạch Sàigòn xưa rất đúng về địa lý, đó là vùng Nam Sàigòn vì là vùng trũng khi xây dựng thành phố vài thế kỷ trước các kiến trúc sư Pháp đã tránh dùng nơi này để làm lối thoát nước cho cả thành phố. Ấy vậy mà các “bố” cán bộ mình thấy gần Quận I có giá cao nghe lời một tập đoàn Đài Loan bỏ tiền lấp đầm hồ xây dựng khu đô thị mới Nam Sàigòn Phú Mỹ Hưng sang trọng hiện nay, còn dân chúng nội thành cũ chịu ngập lụt.

Với cả một hệ thống lãnh đạo đã nghèo về trình độ văn hoá như vậy, lại không biết trọng dụng nhân tài xem “hồng hơn chuyên” thẻ đỏ đảng cao hơn chuyên môn, thì việc dẫn đưa đất nước đến bờ vực phá sản là chuyện tất yếu.

Kết luận: Bảo thực dân Pháp là “bóc lột” nhưng nhìn lại khối di sản người Pháp đã làm và để lại cho đến thời nay khiến những ai quan tâm đến đất nước phải “ganh tỵ” và cảm thấy xấu hổ với họ. Ngay đến chữ quốc ngữ chúng ta đang dùng là nhờ công lao rất lớn của cố đạo người Pháp Alexandre de Rohde như mọi người đều biết.

Về mặt tôn giáo, từ ngaỳ chiếm trọn cả hai miền Bắc Nam nay đã hơn 30 năm, họ chẳng những đã không làm được gì cho tôn giáo phát triển mà còn tìm mọi cách chia rẽ đạo và có thời còn đi cướp đoạt tài sản đang có của giáo hội. Ngay với ngôi mộ cha cố Alexandre de Rohde ở cuối đường Trương Minh Giảng (nay là Lê văn Sỹ) Q.Tân Bình cũng bị họ đã đào tung mồ mả lên khoảng năm 1977

Việc xóa bỏ ngôi mộ cổ đang trong tình trạng còn khá nguyên vẹn này, dân chúng trong nuớc thậm chí ngay tại Sàigòn cũng chẳng mấy ai hay biết và báo chí từ đó đến nay chưa một lần đề cập đến, nhưng mai này khi chế độ cộng sản không còn cai trị, chắc chắn việc làm trên sẽ bị lên án không chỉ lý do tôn giáo mà còn vì giá trị lịch sử của nó. Dẫu sao thì việc làm này cũng không xóa nổi tên tuổi Ngài, vùng địa danh ấy đến nay vẫn còn được mọi người gọi bằng “Lăng Cha Cả” quen thuộc ngày trước.

Trên báo điện tử VietnamNet (16/6/2008) có bài “Đại danh lam chùa Dạm đã thành phế tích?” trong đó có đoạn: Năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dân làng Nam Sơn (Quế Võ, Bắc Ninh) đã phải đốt chùa không cho giặc chiếm, các lão làng bây giờ vẫn còn nhớ: “Ngôi chùa cháy trong mấy ngày mới hết. Đêm chùa cháy có một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mịt mù, dân làng kinh hãi bảo nhau sau này nhất quyết phải dựng trả lại chùa để không đắc tội với thần linh. Cụ bà Nguyễn Thị Thập buồn rầu kể tiếp: “Thế mà, cách đây chừng một tháng, trời trở gió, mái chùa dột. Thấy tượng mẫu bị ướt sũng, dân làng lên than khóc như mưa. Dân nghèo chưa xây được chùa tử tế để mẫu ướt, đau lòng lắm!”.

Những chuyện phá mồ mả, hoại chùa chiền vô tội vạ như vậy diễn ra khắp nơi và cũng giống như những tài sản của giáo hội bị xâm phạm trước giờ, chẳng mấy ai biết cho mãi đến gần đây.

(Một giáo dân Sàigòn)