Tại sao Việt Nam cần tự do?

Nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng, thời báo New York Post đã đăng trong mục Ý kiến bài 'Tại sao Việt Nam cần tự do ngay bây giờ?' của nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế gửi từ TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin trích giới thiệu với quý vị quan điểm của bác sỹ Quế.

Các cuộc biểu tình chống đối chắc chắn sẽ bao quanh cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống Bush ngày hôm nay. Thế nhưng ông Dũng chắc vẫn cảm thấy nhẹ người khi được ra nước ngoài vì ở trong nước, nền kinh tế đang xáo động và sự bức xúc của người dân ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện thời mang cho ông Dũng một cơ hội lớn để mở cửa hệ thống để̉ đi vào lịch sử như một nhà cải cách.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã đạt tỷ lệ tăng trưởng cao và việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đã đặt Việt Nam vững chắc trên con đường hội nhập vào kinh tế thế giới. Thế nhưng công cuộc đổi mới của ông Dũng hiện đang gặp khó khăn.

Tất cả những khó khăn cho thấy một vấn đề lớn hơn: bộ máy nhà nước quan liêu và áp bức nay đã thành cản trở chính cho các tiến bộ.

Tình trạng quan liêu, trì trệ

Chính phủ dường như không có khả năng kiểm soát lạm phát, hệ thống giáo dục không cung cấp cho thanh niên các kỹ năng cần thiết để tham gia kinh tế toàn cầu. Các khoản đầu tư khổng lồ của chính phủ được đổ vào các tập đoàn kinh tế thiếu hiệu quả của nhà nước.

Việc lạm dụng chức quyền, như trưng thu đất đai mà không bồi thường thỏa đáng, trở nên phổ biến.

Và người dân Việt Nam ngày càng tỏ ra thất vọng và bực tức, với phản ứng từ đơn giản là bất hợp tác tới làn sóng đình công trong toàn quốc.

Việt Nam vẫn có những tiềm năng tăng trưởng khổng lồ. Năm ngoái, Việt kiều gửi về nước hơn bảy tỷ đôla, một lực thúc đẩy lớn cho nền kinh tế.

Các nhà tài trợ và tổ chức tín dụng quốc tế cũng cam kết hàng triệu đôla.

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 15,7 tỷ đôla chỉ trong mấy tháng đầu năm nay.

Vấn đề mà ông Dũng đối diện không phải là sự thiếu vắng các nhà đầu tư mà là cơ cấu quan liêu của chính phủ vẫn cứng nhắc và không minh bạch.

Bây giờ là thời điểm của ông Dũng, nếu như ông chịu nắm lấy cơ hội. Ông cần thuyết phục Bộ Chính trị đảng Cộng sản VN rằng sẽ dễ lãnh đạo các tầng lớp xã hội đang phát triển nhanh chóng nếu như có sự trao đổi quan điểm, chứ không phải chỉ có trao đổi hàng hóa, một cách tự do.

Cơ hội cho ông thủ tướng

Các khó khăn kinh tế sẽ buộc chính quyền phải đưa ra các quyết định khó khăn.

Thế nhưng người dân sẽ dễ ủng hộ các quyết định này nếu như họ được tham gia vào quá trình soạn thảo.

Tại sao lại phải chờ đợi? Ông Dũng có thể mang ổn định và thịnh vượng cho Việt Nam nếu ông lợi dụng được các khó khăn hiện thời mà mở cửa.

Nếu thay đổi tình trạng trì trệ hiện tại, Hà Nội có thể bảo đảm rằng sẽ không có bạo động và hỗn loạn, điều mà chẳng ai muốn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vốn đã bỏ hàng trăm triệu đôla vào đây.

Thông qua mở cửa, ông Dũng sẽ giúp dân Việt Nam đạt được điều mà hàng triệu người dân các nước láng giềng đã có: tự do. Đây cũng là thời điểm độc nhất vô nhị cho Hoa Kỳ. Ảnh hưởng của Mỹ là tác nhân duy nhất có thể thay đổi Việt Nam trong lúc này và Việt Nam cần ảnh hưởng đó được tiếp tục.

Người Việt Nam chúng tôi muốn thay đổi. Chúng tôi biết chính quyền không thể phủ nhận mãi các quyền tự do của chúng tôi.

Nhân dân Việt Nam mong muốn các lãnh kinh tế và chính trị Hoa Kỳ nhân cơ hội nhắc ông Thủ tướng Việt Nam về sự thật đó trong các buổi gặp gỡ tuần này.