Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam là “con” của ai, bằng chứng đâu?

Hai chữ “tôn giáo” cùng với “nhân quyền” chắc chắn đang là nỗi ám ảnh đối với các lãnh đạo “chóp bu” Việt Nam mỗi khi họ có việc phải ra nước ngoài nhất là sang Mỹ, vì thường xuyên bị thiên hạ lấy nó ra để làm khó dễ! Nhưng có điều lạ là chính cái chức lãnh đạo bất hợp pháp họ đang “đeo” trên người chẳng do dân bầu lên, cái lẽ ra mới đáng để ông G.Bush hay bà Nancy phải “hỏi han” kỹ hơn vì là cội nguồn của hai vấn đề “rắc rối” trên, lại chẳng thấy ai buồn quan tâm đến?

Vậy phải nên hiểu ý nghĩa của những cuộc trao đổi cấp cao lẫn cấp thấp nhằm cải thiện tình hình nhân quyền, tôn giáo Việt Nam giữa Washington và Hà Nội hiện nay ra sao? Không nhắc đến tính hợp pháp của họ vì phép tế nhị của nghi thức ngoại giao hay vì mặc nhiên thừa nhận “cộng sản nó vốn là thế” chấp nhận bang giao là đồng nghĩa thừa nhận kiểu “đảng cử dân bầu” của họ cũng có chút giá trị dân chủ? Nếu quả đúng như vậy thì các chính trị gia Mỹ có cần nghiên cứu đặt cho nó một cái tên nào đó đại loại như “tam quyền chúm chụm” (tập trung vào đảng) chẳng hạn, còn không thì gây khó dễ nhau để làm gì?

Dẫu sao cũng phải “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, ngẫm nghĩ tới lui thấy đúng là đời này có chuyện “quả báo” thật chứ chẳng chơi!

Giá như sau ngày 30/4/1975, chính quyền Hà Nội hiểu được rằng “phải chinh phục trọn nhân tâm dân chúng miền Nam nốt mới thật sự là thống nhất nước nhà”, phải có một VNCH bại trận thì mới có vinh quang của người chiến thắng. Một chính quyền với nửa trên triệu quân mà họ còn thắng, nay nếu được thêm điểm son bằng cử chỉ hào hiệp cư xử tử tế với dân chúng miền Nam, thì ai có muốn chống lại họ chỉ nội chuyện danh chính ngôn thuận thôi cũng đã là khó rồi nói chi đến sức mạnh quân sự. Vậy còn gì để sợ? Làm được vậy hẳn ngày nay đã một Việt Nam hoàn toàn khác với hiện tại nhiều lắm và thế giới xưa nay cũng chẳng có cuộc chiến kết thúc có hậu hơn chiến tranh Việt Nam.

Nhưng không hiểu do họ ăn ở cái kiểu gì mà bây giờ trời xui đất khiến lại phải đi “lạy lục” kẻ chiến bại năm xưa quay lại với mình? Nếu chẳng vì “miếng cơm manh áo” thật lòng mà nói chắc chắn chẳng có “ông bà” lãnh đạo Việt Nam nào muốn gánh vác cái vinh dự được làm khách mời của nước Mỹ, bởi ở đó bao nhiêu là điều phiền toái đang chực chờ.

Hàng ngàn lá cờ Vàng cùng với loa, khẩu hiệu, hình Cha Lý bị bịt miệng, phải gặp lại hàng triệu nạn nhân từng phải trốn chạy nay lại phải hết lời năn nỉ họ “gác lại chuyện quá khứ”. Chưa hết lại còn cánh các nhà báo Washington Post, New York Times với mấy câu hỏi hóc búa nhân quyền đang chờ dịp để nghe họ… nói dối!

Nói gì thì nói cũng đều là con người cả, lại đường đường là lãnh đạo một quốc gia mà phải rơi vào tình cảnh như các ông Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết hay ông Nguyễn Tấn Dũng mới mấy hôm rồi, mặc dù được chính quyền Washington đón tiếp khá đàng hoàng nhưng trong lòng họ chắc cũng “ngổn ngang trăm bề”, không thể nào cảm thấy thoải mái một cách tự nhiên như khi đến Bắc Kinh hay oai vệ như đến Bình Nhưỡng chẳng hạn. Thậm chí có người còn thấy rụt rè tủi tủi mà chẳng biết tỏ bày cùng cũng nên? Cứ xem lại đoạn video cảnh ông cựu Thủ tướng Phan Văn Khải “trả bài” ông George Bush với mảnh tài liệu bé xíu, lúc đóng lúc mở trên tay tại Tòa Bạch Ốc cách nay 3 năm ra sao hẳn mọi người sẽ rõ!

Vấn đề tôn giáo mặc dù còn lắm “gai góc” vì ngoài đòi hỏi tín ngưỡng cần phải được tôn trọng, việc phải trả lại các tài sản đã chiếm giữ trái phép trước đây như vụ Tòa Khâm Sứ, Giáo hoàng Học viện và còn nhiều nơi khác cũng đang còn là sự chú ý của công luận, tuy nhiên Việt Nam vẫn được “ghi nhận những nỗ lực đáng chú ý“ điều này không biết có khiến ông Dũng “cảm động” và hứa hẹn sẽ sớm giải quyết chúng nay mai?

Nhưng “nói” ở Washington và “làm” ở Hà Nội là hai việc khác hẳn, đến hiệp định Paris long trọng là vậy mà cũng còn bị họ xé toang thì ăn nhằm gì cái bản tuyên bố chung. Vì vậy khi về lại “ao ta” tiền hô hậu ủng cảm giác của “ngài thủ tướng” chắc chắn sẽ khác lúc ở White House nhiều lắm! Sẽ lại tiếp tục bị ám ảnh sợ đủ thứ, sợ âm mưu “diễn biến hòa bình” sợ bị tôn giáo tranh giành quyền lực, sợ dân chúng qua chiếc “kính lúp” tôn giáo phát hiện ra những điều họ hằng tin bấy lâu là đồ “bất nhân giả nghĩa” v.v… và thế là chuyện đâu sẽ lại đâu vào đấy, đặc biệt hai tôn giáo lớn nhất Phật Giáo (chính xác là Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất) và Công giáo còn bị họ “canh chừng” cẩn mật.

Những chuyến thăm viếng như vậy hẳn đã được dàn xếp suy tính lâu rồi và để gây thiện cảm hơn với thế giới bên ngoài đồng thời họ còn có thể tiếp tục trò “đu dây” lắc lư lâu được ngày nào hay ngày nấy, mấy năm qua nhờ học được ở kinh tế tư bản chiêu quảng cáo có thể giúp làm tăng giá trị sản phẩm, họ đã cho “sơn phết” lại chính sách tôn giáo từ lúc đang đàm phán gia nhập WTO, đồng thời cũng không quên việc đa dạng hóa “sản phẩm” với lần đầu tiên đã cho trình làng “sách trắng về tôn giáo” vào đầu năm 2007.

Nhưng khi xem nội dung những “sản phẩm” mới ấy thì… hỡi ôi! vẫn là chỉ là “rượu cũ“ nguyên xi. Quyền tự do thờ tự, cúng tế cái nào cái nấy luôn thòng theo câu đại loại “tự do trong khuôn khổ luật pháp cho phép” mà luật pháp nước CH-XHCN-VN ra sao ai đã từng có việc phải đụng đến mớ giấy tờ ấy hẳn đã quá rõ, chúng trông rối rắm còn hơn đám lục bình trôi lềnh bềnh trên mặt sông Sàigòn.

Pháp lệnh Tôn giáo chính là “đứa con” của đảng CSVN

Ở các nước, việc ban hành luật được tiến hành theo trình tự từ dưới lên trên như khi xây nhà cần phải làm cái móng trước (thậm chí còn phải làm cho chắc). Dân biểu là những người đại diện hợp pháp thay mặt dân để lo việc này, bất kể nghị sĩ ấy thuộc đảng phải nào muốn đạo luật do họ bảo trợ có giá trị thi hành phải được đa số quốc hội thông qua ở cả lưỡng viện.

Nhưng ở Việt Nam, với câu “cán bộ nhà nước là đầy tớ của nhân dân” đảng khiêm tốn tự hạ mình xuống dưới cả dân, tưởng đó chỉ là cách họ giáo huấn cán bộ nhưng hóa ra không phải vậy. Có để ý về cách làm ra luật ở các nước tiến bộ như trên mới thấy câu chữ của họ cũng được sắp xếp tính toán đâu đó cẩn thận. Bởi vẫn là trình tự làm luật từ dưới lên ấy, nhưng bây giờ “đầy tớ” lại thế vào chỗ của dân, vừa đá bóng lại vừa kiêm luôn chuyện thổi còi, chẳng trách sao lãnh đạo Việt Nam mình cứ đi đến đâu là được thiên hạ nơi ấy quan tâm thăm hỏi xem đối phương đã “sống chết” ra sao?

Mặc dù vẫn biết mọi thứ ở Việt Nam đều do đảng chỉ đạo nhưng có chịu khó bỏ chút thời gian tìm đọc tài liệu về tôn giáo trên tờ “Tạp chí Cộng sản” và “Tạp chí Tôn giáo” mới thấy việc này nó trắng trợn ra sao? Qui trình làm ra cái gọi là chính sách tôn giáo ngắn gọn chỉ gồm 3 bước: Quan điểm của Đảng về tôn giáo (tất nhiên là bị chi phối bởi chủ nghĩa vô thần) -> Quốc hội luật hóa các quan điểm của đảng -> Chính quyền ban hành và thực hiện (với sự hỗ trợ của công an, tòa án.).

Một qui trình xem ra chẳng khác gì dây chuyền làm ra sản phẩm trong một nhà máy vì trật tự thời gian trước sau của chúng:

  • Bước 1: Nghị quyết 25/NQ- TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khoá IX về Công tác tôn giáo
  • Bước 2: Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 18/6/2004
  • Bước 3: Nghị định của Chính phủ số 22/2005/NĐ-CP, ngày 1/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo
Ngay từ lúc “chào đời” cái Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo trên cho đến nay đã làm hao tốn không ít giấy mực trên cá phương tiện thông tin đại chúng lớn bé đủ cả nhưng “chửi” thì nhiều chứng minh xem nó xuất xứ từ đâu ra thì chưa thấy.

Và bằng chứng đây:

Tình tiết của việc này ra sao đồng thời để biết thêm Quốc hội Nước CHXHCN-VN bị đảng “cột chân bó tay” tới cỡ nào, xin đọc những hàng chữ bên dưới của bà Ths. Nguyễn Bạch Tuyết cán bộ Vụ Hợp tác Quốc tế, Ban Tôn giáo Chính phủ: “Thực hiện Nghị quyết 25/NQ- TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về Công tác tôn giáo, đặc biệt là những quan điểm, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết vấn đề tôn giáo ở nước ta trong thời kì mới, chỉ trong một thời gian ngắn, Nhà nước Việt Nam đã dần từng bước hoàn thiện văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật và ngày càng khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.” (trích ‘Tạp chí Tôn Giáo’ số 3 (39)/2006)

Tiếp theo tại Hội nghị Khoa học Quốc tế “Bước đầu trao đổi Tôn giáo và Pháp quyền ở Đông Nam Á” tổ chức tại Hà Nội ngày 8 – 9/9/2006, chính ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Khắc Huy cũng không chút ngần ngại tái xác nhận với đại diện chính phủ các nước và tổ chức quốc tế “Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, thể chế hoá những quan điểm của Đảng trong Nghị quyết về công tác tôn giáo (tức Nghị quyết 25/NQ- TW), ngày 18/6/2004, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2004…” (trích ‘Tạp chí Tôn giáo’ Số 1(43)/2007)

Cũng xin được nhắc lại, trước khi có nghị quyết 25/NQ-TW, ngày 16/10/1990 Bộ Chính trị khoá VI đảng CSVN cũng đã từng ban hành nghị quyết số 24-NQ/TW mang tên “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” liên quan đến “vấn đề đổi mới nhận thức về tôn giáo ở nước ta” sau khi khối Đông Âu sụp đổ. Việc Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II đã góp phần giúp giải phóng Ba Lan quê hương Ngài khỏi ách cai trị của chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn đã khiến nhà cầm quyền HN cảm thấy lo ngại và cần phải cảnh giác hơn đối với giới công giáo.

Nhưng phải đến gần đây trên tờ “Tạp chí Thông tin Công tác Tư tưởng – Lý luận” của Đảng CSVN số ra ngày 8-2006, mọi người mới được nghe một vị khác là GS.Ts Đỗ Quang Hưng cũng trong Ban TGCP đánh giá về NQ-24 này như sau: “Nghị quyết này có hai luận điểm mang “tính đột phá” đó là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới”.

Chúng ta đều biết dưới chế độ cộng sản, mọi phát biểu có liên quan đến đường lối chính dù là anh gác cổng cơ quan cho đến thủ trưởng hoặc kẻ xưng mình là “tiến sĩ” hay “Ths” như hai ông bà trên, đều không phải suy nghĩ riêng của họ mà là “copy” nguyên văn từ các văn kiện của đảng.

Như vậy, đoạn “tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới” mà họ cho là có “tính đột phá” tức họ đã mạnh dạn thay đổi cách nhìn về tôn giáo kể từ năm 1990 cần phải hiểu ra sao? Phải chăng đó là sự thừa nhận suốt 45 năm qua (1945-1990) thời chưa “đột phá”, miệng đảng luôn bảo đồng hành cùng dân tộc nhưng trong thâm tâm họ tôn giáo chỉ là “đồ bỏ đi” chẳng có chút giá trị gì về văn hoá lẫn đạo đức, những hàng chữ trên là chứng cớ và như vậy đây còn là lời giải đáp vô tình nhưng rất “chân thành” của Đảng CSVN trước việc nhà thờ, chùa chiền bị cướp đoạt, phá hoại khắp nơi vô tội vạ, các tu sĩ bị bách hại trước nay.

Tuy nhiên sự lắt léo trong ngôn từ của họ là ở chỗ, thay vì nhận ra mình sai lầm rồi im lặng để từ từ sửa sai, đảng lại tự khen mình “đột phá”. Nói kiểu như họ thì chẳng khác gì một lũ bạn chơi chung nhau, bỗng một hôm “thằng mọi” khố rách áo ôm trong đám kiếm đâu ra bộ đồ “vía” bận vào rồi cao giọng với chúng bạn “nhờ tao hết mặc áo cũ nên bọn nhà giàu chúng mày đi chung với tao mới xứng, coi bộ được à nghen!” thì hỏi xem trên cõi đời này có ai nghe lọt lỗ tai?

Thiệt đúng là những “cái lưỡi không xương” cong cỡ nào mấy anh “trí thức XHCN” cũng nắn ngay lại được hết.

Phải ví von đến tận cùng đơn giản của phép cư xử như thế mới thấy hết trình độ lý luận chính trị Mác-Lê của họ “cao” cỡ nào? Bởi đạo nghĩa thì làm gì có chuyện thay đổi. Nhà thờ, Chùa chiền vẫn mở rộng cửa dạy con người ta “ăn ngay ở hiền, làm lành tránh ác” từ bao đời nay. Chính đảng CSVN mới là những kẻ đang bị dao động về mặt ý thức hệ của họ trước nguy cơ “giãy chết” của chủ nghĩa cộng sản chứ chẳng phải tôn giáo hay tư bản nào hết.

Có bao nhiêu loại văn bản về tôn giáo đang lưu hành?

Chắc chỉ có Trời mới biết hết nổi? Trên đây mới chỉ là ba văn kiện quan trọng hàng đầu đang làm “điên đảo” các tôn giáo trong nuớc. Tuy nhiên, nếu phải làm một cuộc thống kê đầy đủ những loại “giấy má” dính dáng đến tôn giáo trong khoảng 13 năm (1990-2003) trở lại đây, thì chỉ riêng đảng đã có đến 13 văn kiện các loại. Gồm 2 nghị quyết (24 & 25 nêu trên là 2 văn bản quan trọng nhất), 2 chỉ thị, 9 thông báo. Trong đó, Ban Bí thư ban hành 1 chỉ thị, 7 thông báo; Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết, 1 chỉ thị và 2 thông báo; Ban Chấp hành TW ban hành 1 nghị quyết.

Với “dây chuyền sản xuất” trên, mỗi lần đảng chỉ đạo, quốc hội chính phủ lại phải “chạy vắt giò lên cổ” ban hành một loạt văn bản đủ loại để đáp ứng, chỉ tính từ sau thời “đột phá” đến nay các chuyên gia pháp luật cũng không tài nào nhớ chính xác hiện có bao nhiêu văn bản liên quan đến tôn giáo đang được lưu hành, nói gì đến nội dung của chúng? (giống như trong lĩnh vực đất đai nhà cửa “sổ đỏ” hết kiếm chác được họ lại lập ra “sổ hồng” rồi năm ngoái định chuyển sang màu khác thì gặp phản đối quá nên đành tạm gác lại)

Ngoài ra còn phải kể đến số lượng văn bản do các bộ, đảng bộ, UBND tỉnh thành v.v... ban hành tại mỗi địa phương cùng một loạt các Sắc lệnh 234/SL của Chính phủ ngày 14/6/1955 về vấn đề tôn giáo, Nghị quyết 297/NQ của Chính phủ ngày 11/11/1977, Nghị định số 69/HĐBT, ngày 21/3/1991 về các hoạt động tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng ban hành trước đó mà không ai rõ tính hiệu lực của nó còn hay đã hết?

Cũng chính vì sự phức tạp và rối rắm ấy, tờ Tạp Chí Cộng Sản số 17 (137) năm 2007 cho biết để phổ biến chính sách tôn giáo “theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trong những năm vừa qua, cả nước đã tổ chức 4.517 lớp, với 221.953 lượt người tham dự để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị”.

Quả là những con số biết nói về mực độ quan tâm của đảng dành cho tôn giáo và có lẽ chẳng quốc gia nào quan tâm hơn nhà nước Việt Nam. Nhưng lẽ thường thì cái gì được quan tâm cái ấy phải ngày một tốt hơn mới phải, học sinh ngày nào cũng tập trung học một môn ắt môn ấy phải chóng giỏi,.thì Việt Nam lại là ngoại lệ, lĩnh vực nào mà nhà nước có “nhã ý” dòm ngó đến là cứ y như rằng nơi ấy sắp có “giông bão” xảy ra. Vụ bắt hai nhà báo vừa qua cũng vậy, bảo chống tham những sắp đến hồi quyết liệt là để chuẩn bị thả “sếp” tham nhũng Nguyễn Việt Tiến!

Cũng “áo mão cân đai” đầy đủ như thiên hạ vì cớ gì mà đến nay Việt Nam vẫn nằm trong danh sách “top ten” những quốc gia có vấn đề đáng lo ngại về tự do tôn giáo?

Trước hết cần hiểu hai chữ “tôn giáo” được nhà nước Việt Nam định nghĩa ra sao? Theo “Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư” (do Hội đồng Biên soạn Tự điển Quốc gia thực hiện và vừa hoàn thành năm 2005 quyển thứ 4 cuối cùng) danh từ “tôn giáo” không hiểu sao chắc do cảm thấy “khó ăn khó nói” khó diễn tả với họ nên vỏn vẹn chỉ có khoảng chục dòng không quá 200 từ. Đã ít nhưng nhiệm vụ tuyên truyền họ vẫn không thể sao nhãng “...Sự xuất hiện của Tông giáo gắn liền với trình độ phát triển thấp của sản xuất xã hội, con người bất lực trước những sức mạnh tự phát của thế giới tự nhiên cũng như của những tai hoạ xã hội và không giải thích được bản chất của chúng. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp bóc lột luôn luôn lợi dụng Tôn giáo như một vũ khí tinh thần.”

Người nước ngoài nào đang bập bẹ học tiếng Việt xem xong mấy hàng định nghĩa trên chắc hồn vía họ thất lạc tận chín tầng mây vì không hiểu nổi dân tộc Việt Nam nghĩ gì về tôn giáo? Còn với người Việt, những ai có dịp tra khảo không chỉ về đề tài tôn giáo mà tất cả các lĩnh vực, mới thấy uổng cho công sức của những 1.200 nhà khoa học, coi như gần hết các “đỉnh cao trí tuệ” của nước CHXHCN-VN được huy động để tham gia biên soạn công trình “để đời” này ròng rã gần chục năm trời, tiêu xài hết vài chục tỷ ngân sách mà lại chẳng được mọi người xem là bộ mặt văn hoá của đát nước. (ngay sau hoàn thành đã bị tố giác tham ô, tài liệu tháo khoán và bị thanh tra đến nay vẫn chưa xong).

Vẫn biết việc tham khảo như vậy cũng chẳng khám phá ra điều gì mới về tư duy của người cộng sản đối với tôn giáo nhưng là việc làm cần thiết vì nó là bằng chứng. Chỉ với những tài liệu ít bị ai để ý đến mới chính là chỗ phơi bày một cách trung thực quan điểm, suy nghĩ của họ về tôn giáo một cách công khai. Những lời nói thẳng nói thật ấy không thể tìm thấy trong bất kỳ văn bản pháp lý nào khác. 1200 nhà khoa học hay hơn nữa cũng chỉ là công cụ nói thay tiếng nói của nhà cầm quyền. Những từ ngữ thuộc loại “nhạy cảm” họ chẳng bao giờ có quyền tự ý thay đổi định nghĩa theo quan điểm được nhiều quốc gia chấp nhận. Chính vì tư duy vẫn chưa thay đổi, còn xem tôn giáo chỉ là dạng tổ chức xã hội có tham vọng chính trị, kinh tế bị tư bản “luôn luôn lợi dụng TG như một vũ khí tinh thần” là nguyên nhân của sự lo sợ dẫn đến chính sách “gọng lềm” hiện nay.

Sau khi tham khảo các tài liệu bằng giấy trắng mực đen trích từ “Tạp chí Cộng sản” và “Tạp chí Tôn giáo” nêu trên được viết bở các vị trong Ban Tôn giáo Chính phủ, là bằng chứng của việc thừa nhận Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2004 thực chất là làm theo chỉ thị của đảng. Thế nhưng khi khi ban hành pháp lệnh này, ngay trong phần mở đầu quốc hội lại không dám đả động gì đến những chỉ thị ấy mà chỉ nêu ra hai căn cứ để làm ra pháp lệnh này nghe rất đàng hoàng tử tế đó là:

- Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

- Căn cứ vào Nghị quyết số 21/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004;

Pháp lệnh này quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

...............

Đúng như những gì ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ban TGCP Nguyễn Khắc Huy viết pháp lệnh này là để “thể chế hoá những quan điểm của Đảng trong Nghị quyết về công tác tôn giáo ngày 18/6/2004” (xin lưu ý gọi là “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” hoàn toàn khác với “Pháp lệnh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo”)

Vậy là đã quá rõ, “đỉnh cao pháp quyền” ấy không phải do quốc hội làm ra theo trình tự dân chủ từ dưới lên mà là do đảng ban hành. Bản chất đảng là vô thần đã không tin vào Chúa, Phật nào hết nhưng hễ thấy người khác sống đạo thì lại buộc họ phải thờ cúng theo ý mình, thế gian xưa nay chắc chỉ có mỗi phe cộng sản?

Bao giờ tôn giáo mới hết bị “o ép”?

Dưới các chính quyền cộng sản vai trò của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là tuyệt đối, đặc biệt đối với những vấn đề gắn liền đến sự sống còn của cả hệ thống, điều này chẳng có gì mới mẻ. Nhưng vấn đề là không may là tôn giáo đã bị biệt liệt vào danh sách xem như những thành phần nguy hiểm đối với họ như đã đề cập trong bài “Vì sao cộng sản sợ tôn giáo?”.

Do vậy những văn bản trên chưa hẳn đã là đường lối chủ trương thật của họ về tôn giáo, mà đằng sau ấy còn vô số chỉ thị và chính sách ngầm khác chỉ được phổ biến trong nội bộ đảng và phải cỡ bí thư, phó bi thư các tỉnh thành, các bộ sở an ninh mới có thể biết. Căn cứ để chúng ta tin có lưu hành những chỉ thị “MẬT” ấy chính là những tài liệu của các đảng cộng sản LX và các nước Đông Âu đã và còn đang được “khui” mấy năm qua và lý do thứ hai gần hơn là cho dù có áp dụng nghiêm khắc mớ chính sách tôn giáo “khó thở” trên, đạo công giáo cũng không đến nỗi bị xâm phạm, cưỡng chiếm công khai cưỡng, bắt bớ vu oan tu sĩ một cách trắng trợn như vậy. Bởi không có bất kỳ điều khoản nào trước nay cho phép họ làm như vậy, mà nó chỉ có thể được thi hành bằng những cái “gật đầu nháy mắt” giữa họ với nhau.

Ngày xưa không thiếu gì vua chúa bách hại đạo nhưng xem chừng họ có tinh thần “dám làm dám chịu” hơn các chính thể độc tài thời nay nhiều, chẳng cần gì phải “chơi chữ” hoặc “lấy màn thưa che mắt thánh” đã cấm là cấm công khai, cấm “đứt đuôi con nòng nọc”!

Tất nhiên việc ác nào rồi cũng sẽ bị lịch sử phán xét, nhưng khi phải đứng trước những sự rối rắm khó nghĩ, có lẽ ai cũng muốn chẳng thà trắng đen đâu đó rõ ràng vậy mà cảm thấy dễ chịu, còn hơn gặp phải cái thứ “dở dở ương ương” luật không ra luật mà chỉ là mớ giấy lộn nhằm che mắt thiên hạ, “miệng nói một đằng tay làm một nẻo” mới khó xử và đáng sợ làm sao?

Taliban và họ đều cùng không ưa tôn giáo, nhưng cộng sản lại tỏ ra là bậc thầy về “sự khôn ác” nên chẳng bao giờ họ làm chuyện dại dột như Taliban, vác đại bác mà nã vào bức tượng Phật khổng lồ tại Afganistan để bây giờ phải trốn chui trốn nhủi trong rừng. Nếu thấy cần phải hạ bệ bức tượng này cộng sản có cả một lực lượng quân sư, những ông bà tiến sĩ thạc sĩ vẽ bày mưu ma chước quỉ để giải quyết gọn gàng hơn nhiều.

Đó chính là điều khiến những ai muốn nói chuyện đàng hoàng tử tế với họ dường đều cảm thấy “đau đầu” và bế tắc. Cũng giống như những đứa con nhà đàng hoàng tử tế trên lỡ có phải thằng bạn “đầu gấu” trơ trẽn, chơi chung với nó kiểu gì chúng cũng bị thua thiệt. Muốn hết chỉ còn cách mỗi đứa hy sinh bỏ tiền túi ra mua tặng thêm cho nó vài bộ áo quần mới cho nó giống mình cũng nên?

Có lẽ đó là sự lựa chọn của Hoa Kỳ hiện nay như được đề cập trong một bài viết rất đáng chú ý trên BBC gần đây “Vì không thể sử dụng vũ lực để thay đổi Việt Nam nên Hoa Kỳ cần phải dùng các quy luật toàn cầu về kinh tế cũng như dùng chất xám của thế hệ trẻ để tạo biến chuyển. Chính trong quan điểm này nên Hoa Kỳ muốn có những cơ sở kinh tế của cộng sản Việt Nam tại Hoa Kỳ để có thể dễ dàng kiểm soát. Thêm vào đó, Hoa Kỳ đã mở cửa cho sinh viên và dễ dãi cho công nhân Việt Nam qua Hoa Kỳ làm việc ngõ hầu sau này những người này là lực lượng thay đổi đất nước. Đây là chính sách của Hoa Kỳ nên đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ cầm quyền cũng sẽ không thay đổi và Thượng nghị sĩ Barrack Obama hay John McCain, ai làm Tổng Thống, chính sách này vẫn y nguyên như vậy”.

Mặc dù còn nhiều sợ hãi cùng những lo toan miếng cơm manh áo khiến dân chúng thờ ơ về vai trò lãnh đạo của đảng CSVN. Nhưng quá nhiều lời than vãn thường thấy trên các báo về thực trạng xã hội hiện nay, sự cần thiết đổi thay chính thể đang là niềm mong mỏi của đại đa số dân chúng. Những người hiểu biết hơn thường hay hỏi thăm nhau về tình hình, dự đoán năm này tháng nọ, tuổi thọ “ông tổ” cộng sản Liên Xô không quá 75 thì “đệ tử” họ cũng khó mà có thể sống lâu hơn con số này.

Tuy nhiên quan sát thực tế những thay đổi ở Việt Nam hơn chục năm qua thì mức độ “dễ thở” của dân chúng lại chịu ảnh hưởng bởi yếu tố kinh tế nhiều hơn thời gian. Bất kể lúc nào, nếu chính quyền họ cảm thấy trong người “khỏe mạnh” chính lúc ấy tự do nhân quyền trong nước bị họ “bóp” cho nhừ tử, như những gì đã diễn ra ngay sau khi gia nhập WTO đầu năm 2007. Ngược lại mỗi khi họ “đau yếu” phải chạy vạy cầu viện Mỹ và bị TQ gây áp lực họ lại ra vẻ hiền lành tử tế với dân, thả người bị giam cầm này buông người tù tội nọ ra.

Số phận tù nhân của tôn giáo cũng vậy, nói ra nghe chẳng hay chút nào nhưng với một chính thể tham quyền cố vị, cộng thêm bộ máy quan liêu đã mất hết lý tưởng, tiền làm ra ít mà tiêu xài lại nhiều, các tổng công ty của họ chiếm giữ 2/3 vốn liếng quốc gia nhưng chỉ làm ra 20% giá trị sản lượng, chắc rồi cũng phải lấy tiền ra mà “cân đo đong đếm”. Họ cần bao nhiêu dollars, để ĐƯỢC số tiền ấy họ sẽ chịu MẤT gì và ai sẽ cung ứng khoản tiền này, tự do tôn giáo quan trọng hàng thứ bao nhiêu khi thương lượng v.v... ?

Tỷ lệ lạm phát hiện tăng ở mức chóng mặt 26,8%. Thị trường chứng khoán giảm gần một nửa và thâm hụt thương mại 6 tháng dằu năm đã là 14,78 tỷ đôla là những dấu hiệu cho thấy tình thế đã chuyển sang giai đoạn đổi thay tăng tốc, liệu có giống như những gì đã diễn ra tại Nga năm 1991, đồng tiền mất giá rất nhanh từ 5 rúp xuống trên 200 rúp mới đổi được 1 USD gây hoảng loạn trong dân chúng, chẳng phải chờ lâu cuối năm ấy đảng cộng sản LX phải tuyên bố giải tán. Số lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm 2008 tăng đột biến dẫn đầu thế giới bất kể giá vàng thế giới đang tăng cao có thể là dấu chỉ các tư bản đỏ kếch xù trong nước đang chuyển đổi tài sản của họ trước nguy cơ sụp đổ đang đến gần.

Nói chuyện đạo nghĩa mà lại dính dáng đến tiền nong khiến người viết liên tưởng đến việc Juda đã từng bán Chúa Giêsu lấy 30 đồng vàng khi xưa. Mậu dịch Việt Mỹ mấy năm qua đã “bò” chậm chạp, từ một vài tỷ mỗi năm nay đã leo đến số 12, không biết khi nó trùng hợp với số 30 của Juda hay bao nhiêu nữa mới đủ để những kẻ đang “cột” Chúa, Phật bằng mớ dây loằng ngoằng, lắt léo “pháp lệnh tôn giáo” kia chịu thả các Ngài ra?

Tham khảo:

1. Pháp Lệnh của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Số 21/2004/PL-UBTVQH11

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/04viet/viet030.htm

2. Tiến trình Luật pháp Tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay (Số 1(43)/2007)

http://www.vae.org.vn/news_detail.asp?id=4291

3. VỀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY Số 17 (137) năm 2007 http://www.tapchicongsan.org.vn/print_preview.asp?Object=5&news_ID=13951425

4. Đối ngoại tôn giáo của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. (Số 3(39)/2006)

http://www.vae.org.vn/News_print.asp?id=3540

5. Vấn đề tôn giáo trong văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng

http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=77&subtopic=183&leader_topic=332&id=BT1580637060