Thái Hà, sẽ đi về đâu?

Đáp án cho ‘bài toán’ Thái Hà có vẻ như ngày càng khó giải, vì nhìn lại thì suốt mấy chục năm qua chưa có một cuộc phản đối chính quyền của một tập thể nào diễn ra một cách công khai mà lại ‘sống thọ’ đến những 8 tháng như Thái Hà.

Hơn 10 năm trước, vào đầu tháng 11/1997 khoảng 1.000 giáo dân tại Trà Cổ, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai cũng đã từng xuống đường biểu tình chống hành động cướp đất và tham nhũng của các quan chức đảng tại tỉnh Ðồng Nai. Nguyên nhân cũng lại chuyện đất đai y hệt như Thái Hà hôm nay, chính quyền yêu cầu Cha Thuấn, địa phận Trà Cổ phải ký tên giao cho nhà nước mảnh đất đang trồng cây chàm của giáo xứ Trà Cổ, nhưng Cha Thuấn không đồng ý.

Thế rồi công an xã Tân Minh vẫn được lệnh trên cho cắm một tấm bảng ngay miếng đất đang tranh chấp có ghi hàng chữ "Ðất Quy Hoạch", chính vì hành động thách thức này đã đẩy giáo dân Trà Cổ làm cái việc họ chẳng hề muốn là xuống đường biểu tình. Giáo dân Trà Cổ cũng hết sức dũng cảm, trong vòng 1 tháng có đến gần 50 giáo dân bị bắt, người biểu tình lại hầu hết là phụ nữ. Với những khẩu hiệu, biểu ngữ có nội dung chống cướp đất, chống tham nhũng họ đã khiến chính quyền phải run sợ. Trong số biểu ngữ này, có một biểu ngữ đáng lưu ý là: "Một cây xanh đổ xuống - Một mạng người thế vào đó" các giáo dân cho biết ý câu này xác định rằng "hễ ai chặt cây chàm ngã xuống thì người đó sẽ đền mạng".

Nhưng mọi cuộc phản kháng trước nay chưa nơi nào kéo dài quá 1 tháng! Có lẽ một phần vì thời ấy VN chưa có internet nên dễ bị dập tắt. Cuộc nổi dậy của 5.000 nông dân Quỳnh Lưu - Thái Bình số phận cũng tương tự vậy.

Trở lại chuyện Thái Hà, bản thân việc thời gian kéo dài đến được như vậy đã nói lên sự đuối lý của chính quyền. Khi trao đổi với nhiều bạn bè ở Sàigòn không phải là dân công giáo, chính họ cũng còn bảo với chúng con “nếu giáo dân Thái Hà mà sai trong việc này, thì ngay từ đầu quận Đống Đa đã huy động công an đến đập nát không chỉ mảnh đất ấy mà còn hết cả cái giáo xứ ‘phản động’ này từ khuya rồi !”

Trước một chuyện kéo dài chưa từng có tiền lệ như vậy, mọi chuyện hậu sự càng khó dự đoán, nhất là với môt chính quyền có thừa dùi cui lẫn hơi cay và một hệ thống truyền thông ‘cả vú lấp miệng em’ sẵn sàng đẩy sự việc vào đường cùng ngõ cụt.

Bi kịch Thái Hà còn là ở chỗ, chẳng ai có thể tiên liệu được điều gì sẽ xảy ra ngày mai, công lý bao giờ sẽ tỏa sáng hay nó sẽ phải ‘đền tội’? Nhưng nếu muốn ‘gỡ ngòi nổ’ bằng giải pháp trung hòa hơn, như bằng đối thoại, thì như lời đức TGM Ngô Quang Kiệt nhận định “rất khó mà thay đổi được lối tư duy đã quá cũ kỹ của chính quyền”

Còn theo chúng con thì nguyên nhân bế tắc là do, nhìn vào tình hình khiếu kiện đất đai trong nước nhiều như hiện nay, sẽ không có bất kỳ một lời giải nào dành riêng cho Thái Hà cả, vì thế không thể tìm nó thấy trên mảnh đất giáo xứ này, mà phải tìm nó trong đống ‘rối ren’ chung về tài sản của cả giáo hội. Chỉ bằng cái đáp án chung ấy mới mong tháo gỡ một cách có căn cơ bài bản mọi chuyện.

1. Một cây vẫn làm nên non?

Nếu chỉ có mỗi Thái Hà chẳng may bị vướng vào vụ rắc rối đất đai thôi, việc trả nó lại cho ‘khổ chủ’ sẽ đơn giản hơn rất nhiều, bởi xét cho cùng 6 ngàn m2 hay gấp đôi thế, nó cũng có đáng gì so với cả cái lãnh thổ kéo dài từ Bắc chí Nam gần 2 ngàn km vài trăm triệu km vuông mà chính quyền này đang một mình hưởng trọn.

Vừa nhỏ lại vừa khó ‘xơi’, xưa nay chẳng ai muốn làm chuyện ngược đời ‘bỏ tôm đi bắt tép’ bao giờ.

Nhưng vì Thái Hà mới chỉ là một phần của toàn bộ vấn đề lớn, ”phần nổi nhìn thấy của cả một tảng băng chìm” như báo chí thường bảo. Cái khó của vụ này cũng giống như chuyện một người đi vay tiền của nhiều khác người cùng xóm, trong đó con nợ tên Thái Hà. Lúc đến hạn trả, chủ nợ sẽ phải thanh toán hết cho các con nợ một cách đàng hoàng hoặc sẽ ‘giựt’ tất cả rồi… vô tù. Giải pháp trả cho người này mà không trả người khác khó khả thi, vì biết mình làm sai nên anh ta sợ thiên hạ sẽ chẳng để cho anh ta yên thân.

Với giáo hội, mặc dù không có chuyện ganh tỵ giữa nhà thờ này với họ đạo kia như cách xử sự của thế gian, nhưng trong hoàn cảnh nhiều tài sản của nhà thờ, dòng tu bị nhà nước hỏi ‘vay dài hạn’ chẳng những không được trả lãi, mà còn có nguy cơ bị họ giựt mất luôn vốn, thì bi đát có khác gì những con nợ kia?

Càng khó đòi hơn khi chủ nợ ấy cũng chính lại là chủ nhà, một nhà nước chuyên chính vô sản vốn chẳng ưa gì chuyện đạo nghĩa, tôn giáo với họ có khác gì các nàng ‘Ô-Sin’, đứa nào dễ bảo thì được cưng chiều, còn không thì bị hoạch hoẹ gây khó dễ đủ chuyện, thậm chí bị tống cổ ra khỏi nhà.

Điều chúng con muốn trình bày, không biết có được mọi người dễ chấp nhận, đó là những khó khăn gian truân mà giáo xứ Thái Hà hiện đang phải đương đầu, dùi cui và khói cay v.v…chắc chắn cũng sẽ là những thứ mà tất cả các nhà thờ, giáo xứ khác cũng sẽ được nhà nước ‘tưởng thưởng’ trong tương lai, nếu chuyện đòi đất còn mang tính riêng lẻ và quan trọng hơn là chỉ bằng danh nghĩa giáo xứ!

Chúng con biết rằng trong cơ cấu tổ chức của Hội Đồng Giám Mục Việt nam có nhiều ủy ban chuyên lo về nhiều lĩnh vực khác nhau như về Giáo dân, Giáo Lý, Giáo Luật, Thánh Nhạc, Phụng vụ… nhưng không rõ đã có một Ủy Ban Chuyên Trách Về Vấn Nạn Tài Sản chưa? Nếu có thì sao lâu nay chúng con không thấy lên tiếng trong những vụ việc như thế này? Còn nếu chưa thì một ủy ban như thế theo Quí Giám mục và Quí Cha có nên gấp rút thành lập?

Bởi qua theo dõi thông tin, nay chỗ này mai chỗ khác xảy ra đấu tranh, khiến chúng con có cảm giác dường như cho tới nay việc đấu tranh đòi lại tài sản của giáo hội tại các họ đạo, giáo xứ, nhà dòng, tu viện v.v… do các Quí Cha sở các nữ tu vì bức xúc khi thấy tài sản của mình bị xâm phạm, tự phát là chính. Nhưng thưa Quí Cha không phải mọi nơi đều có khả năng đấu tranh theo kiểu này và điều quan trọng hơn cả như chúng con đã trình bày, những sự rối rắm ấy về phiá nhà nước xem chúng có liên hệ mật thiết với nhau, BẤT CỨ ĐÂU ĐẤU TRANH MỘT MÌNH CŨNG ĐỀU RẤT KHÓ !

2. Vì sao giải pháp đối thoại lại bất khả thi?

Giáo hội mặc dù luôn đề đối thoại, nhưng qua vụ Tòa Khâm Sứ cho thấy kết quả đối thoại rất đáng thất vọng!

Sở dĩ thất bại vì theo chúng con biết KHÔNG CÓ AI CÓ THẨM QUYỀN LÀM VIỆC NÀY HẾT. Họp hành, trao đổi chỉ để câu giờ hoặc dụ dỗ giáo hội bằng hứa với hẹn là chủ yếu. Vì sao chúng con dám quả quyết vậy?

– Xin Thưa, Nghị Quyết số 23/2003/QH11 [1]đã ‘khóa miệng’ tất cả các sứ giả của họ rồi!

Ngay tại Điều 1 của nghị quyết này, họ đã khẳng định rằng: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1 tháng 7 năm 1991.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.”
(hết trích)

Với nội dung ấy, xem như họ đã PHỦI TAY VỚI MỌI MÓN ‘NỢ NẦN’ về đất đai nhà cửa ruộng vườn không chỉ có mỗi xứ Thái Hà mà trên cả nước KỂ CẢ TRONG TRƯƠNG HỢP HỌ CHIẾM ĐOẠT TRÁI PHÉP trước đây. Làm sao giáo hội đối thoại?

Cũng chính điều này mà chúng con không thấy không có cơ hội cho giấy trắng mực đen của qúi Cha Thái Hà lên tiếng, bởi giấy tờ ấy dẫu là thật hay giả đều không còn chút ý nghĩa nào nữa, mọi sự đã bị đặt trước một việc đã rồi, bị phủ nhận chúng vì chuyện đã xảy ra trước ngày 1/7/1991.

3. Ngày 01/7/1991 “Cái ngày hôm ấy ngày gì?”

Bản Nghị Quyết số 23/2003/QH11 chính là loại lá chắn giúp đảng CSVN thoát khỏi những ‘nợ nần’ về tài sản, đất đai, nhà cửa đối với giáo hội cũng như dân oan khắp cả nước, nhưng nó lại được cái quốc hội và chính phủ bù nhìn CH-XHCN-VN giúp sức. Với bản NQ ấy, đảng CSVN đã lạnh lùng kết liễu số phận của hàng triệu dân oan và giáo oan trên mọi miền đất nước kể từ ngày lập nước 1945 cho đến ngày 1/7/1991.

Mốc ngày 1/7/1991 có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với một nghị quyết ban hành năm 2003, sau nó những 12 năm?

Đó chính là cái mốc kết thúc nhiệm kỳ tổng bí thư (TBT) của ông Nguyễn Văn Linh (18/12/86 - 28/6/1991) và bàn giao chức TBT sang cho ông Đỗ Mười (1991-1997). Năm 2003 thời điểm ra đời của NQ, mặc dù đã hết làm TBT nhưng ai cũng biết quyền lực của ông Đỗ Mười không hề suy giảm. Vì thế, cái mốc 1/7/1991 không còn nghi ngờ gì nữa, nó được chọn chủ yếu là để bảo vệ ông ta vì cho đến nay vẫn còn đang sống ‘nhăn răng’ tránh khỏi bị ‘quấy rầy’ bởi pháp luật, kể cả đối với những việc làm sai trái từ thời cải cách ruộng đất, đánh tư sản miền Nam v.v…. mọi trách nhiệm đã được đổ vấy lên đầu những người đã chết, mà người cuối cùng trong họ là ông Nguyễn Văn Linh (1998).

Còn việc tại sao ông cố vấn này phải lo xa dữ vậy thì ai cũng biết, năm 1991 là năm đầy ám ảnh đối với chính quyền Hà Nội. Tiếp theo sự sụp đổ của khối Đông Âu, tại Liên Xô chủ nghĩa cộng sản đã chính thức bị xoá sổ bởi một sắc lệnh của tổng thống dân cử đầu tiên của Nga là Boris Yeltsin vào tháng 11/1991.

Ngồi ở Hà Nội nhưng qua màn ảnh truyền hình chắc chắn ông Mười đã thấy rõ gương mặt đồng chí Erich Honecker người anh em của ông ta từng ôm hôn nhau thắm thiết, nay sao mà ‘xuống sắc’ nhanh đến thế!?

Sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ, ông cựu TBT Đảng CS Đức này đã phải chạy vạy sang LX tìm nơi ẩn núp, nhưng sau đó lại bị trục xuất ông đành phải chạy sang Chile Nam Mỹ chẳng nơi nào muốn chứa ngoài quê hương nhà độc tài Pinoche. Tại sao ông phải chạy trốn, ông Đỗ Mười hiểu rõ hơn ai hết vì là đồng chí của nhau, “có tật giật mình” ai cũng vậy, ông cảm thấy bất an cho tương lai mình.

Chính vì lẽ đó mà ông Mười phải gấp rút lo ngay những gì có thể còn kịp làm ngõ hầu mong cứu rỗi…thân xác ông. Mà nguy cơ lớn nhất với một lãnh tụ chính trị tầm cỡ ông, lại dính dáng đến những sự ác gây ra cho dân dưới chế độ cộng sản, thì chỉ có thể là những Tòa án La Haye hoặc ít ra cũng cỡ tòa án quốc tế từng xử Sadam Hussein !

Vì thế nếu ở vài thế như ông chắc chắn phải làm sao tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm về mặt luật pháp là ưu tiên hàng đầu, để lỡ tình huống xấu nhất xảy đến như E.Honecker đang gặp, thì còn có lá chắn kia làm bia đỡ đạn, và ông đã làm được điều này. Dựa vào NQ 23 này ông sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm trước lịch sử hoặc nếu có cũng được giảm nhẹ phần nào, không đến nỗi bi thảm như lãnh tụ CHDC Đức kia.

Nhưng phải đợi mãi đến năm 2003 bản nghị quyết này mới ra đời, vì rất có thể nó đã từng vấp phải sự chống đối của những người hiểu rõ mục đích của bản NQ này. Nhưng càng lúc càng dấy lên phong trào đòi đất, dân oan xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt là tại Thái Bình (1997), đảng đã có cớ để gây áp lực không còn cách nào khác quốc hội phải nhắm mắt thông qua, dù biết chắc hậu quả của nó sẽ ra sao.

Những lời than phiền của báo chí về cái gọi là “chính sách đất đai còn nhiều bất hợp lý, bất cập v.v…” phải chăng chủ yếu muốn nhắm vào cái nghị quyết này vì rõ ràng nó là một loại văn bản pháp lý rất không bình thường. Ban hành năm 2003 nhưng lại xác lập mốc thời gian giá trị pháp lý lại lùi sâu về quá khứ những 12 năm. Không hiểu trên thế giới có còn quốc gia nào khác, ban hành một bộ luật chỉ nhằm mục đích đối phó, phủi trách nhiệm với dân chúng và bảo vệ lãnh tụ Đỗ Mười kỹ như ở VN?

Đúng như nhận định của LS. Trần Lê Nguyên trong bài “Nhà nước Pháp Quyền qua vụ việc hành sử của Chính Quyền liên quan tới Bất Động Sản thuộc Nhà Thờ Xứ Thái Hà” [2] đó chỉ là một nghị quyết phi pháp, vì đi ngược lại luật chối bỏ trách nhiệm và phủi tay trước lịch sử.

Nhưng thật trớ trêu là cho đến nay nhà nước VN vẫn luôn lấy đó làm căn cứ pháp lý để giải quyết khước từ khiếu nại của giáo hội cũng như tất cả các nạn nhân. Nhưng cho đến nay sau gần 5 năm ra đời, cái pháp lệnh vi hiến này dân chúng, đặc biệt là dân oan chẳng mấy ai biết về cái ‘giá trị’ lẫn ‘ý nghĩa thâm sâu’ của nó.

Cũng chính cái nghị quyết ‘quái gở’ ấy đã bít hết mọi lối thoát cho cả ‘dân oan’ lẫn ‘giáo oan’ để tạo điều kiện cho những quan chức núp đằng sau cái Xí Nghiệp Thảm Len làm ăn lụn bại kia dựa vào nó, dám mạnh dạn tuyên bố đất cướp của giáo xứ Thái Hà là của họ.

Ngày 01/7/1991 chính là ngày đảng CSVN muốn kết liễu luôn cuộc đời lây lất ‘Dân Oan và Giáo Oan’ bằng phát súng ân huệ ‘NQ-23’ sau khi đã cướp hết tài sản của họ.

Đây còn là lời giải thích xác đáng vì sao đơn từ khiếu nại của dân oan trên khắp mọi miền đất nước suốt nhiều năm qua hết bị chính quyền địa phương đẩy lên, chính quyền trung ương đạp xuống mà có lấy lời giải thích hoặc nói thẳng cho họ biết về chính sách ‘phủi tay’ này.

4. Vì sao khó đòi ?

Ở VN, ai mà đòi lại được đất đai nhà cửa từng bị nhà nước chiếm đoạt mà chẳng cần phải chạy chọt, lo lót gì mọi chuyện cứ từ từ được giải quyết êm xuôi trót lọt là chuyện cực hiếm! Chẳng những lo không thôi mà còn phải biết học cách lo sao cho ‘thông minh’ điệu nghệ nữa là khác, chỉ cần nghe ‘đầy tớ’ buông dăm ba câu tức khắc phải hiểu mình cần phải làm gì.

Ai mà tính tình khí khái hay ngang tàng ‘thấy chuyện bất bình quyết chẳng tha’ chắc chắn khó mà ‘có duyên’ với mấy chuyện đi đòi nợ này. Bởi vì dựa vào cái nghị quyết lạ đời trên, câu ‘không có cơ sở giải quyết’ sẽ luôn trên miệng họ, đúng như những gì quận Đống Đa Hà Nội trả lời cha xứ Thái Hà.

Nhưng sự thật lại không phải vậy. Ai đã từng biết về “Một quyết định trả nhà gây xôn xao dư luận Sài thành” [3] trên báo Dân Trí ngày 22/7/2006 đều rõ.

“Tòa nhà 2 mặt tiền nằm giữa trung tâm TPHCM diện tích gần 465m2, theo thời giá hiện nay là khoảng hơn nửa tấn vàng. Dù đã được UBND TPHCM xác lập sở hữu Nhà nước và đến nay Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn chưa có quyết định nào cho phép trả nhà dạng này nhưng không hiểu sao Bộ Xây dựng lại ra quyết định trả lại tòa nhà này, bất chấp các qui định của pháp luật về việc quản lý nhà”

Cơ chế “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” đúng là một cơ chế quái gở vì là sự pha trộn giữa những ‘cái không thể và cái có thể’ lại với nhau, những cái mâu thuẫn nhau như nước với lửa vẫn có thể chung sống hòa bình!?. Tất cả là nhờ vào sự “linh động giải quyết” của chính quyền địa phương, họ muốn được là đưọc và bảo không thì sẽ không bao giờ được, thậm chí giữa các quận trong cùng một thành phố mỗi nơi làm mỗi khác.

Tất cả chỉ vì VN ngày nay, mặc dù trên danh nghĩa là một nhà nước thống nhất dưới sự độc quyền cai trị của đảng CSVN, nhưng nhìn qua các vụ án mang dáng dấp mafia được bao che rất kỹ bở các quan chức địa phương mà ‘Năm Cam’ là điển hình, thì mặt trái của hệ thống chính quyền ấy chẳng khác gì thời ‘thập nhị sứ quân’ dưới triều đại nhà Ngô (939-965) hơn ngàn năm trước. Thời nay coi bộ còn manh mún hơn tớ những “thập lục sứ quân’ vì đất nước đã bị phân chia ra hơn 60 tỉnh thành.

Khi Hà Nội phát hiện ra dằng sau tổ chức của Năm Cam là cả một thế lực đủ để lật đổ chế độ, vì có công an, qaun chức thành phố lẫn trung ương can dự vào, họ đã phải trực tiếp đem quân vào Sàigòn loại bỏ hiểm họa. Và ngay cả những ‘chuyên án’ nhỏ hơn sau này như vụ 5 sòng bạc kiểu Casino tại ‘Sàigon Food Center’, hay một sàn nhảy lớn nhất Hà Nội và Hải Phòng gần dây Bộ Công An không còn dám tin vào lực lượng công an địa phương. Nagy cả các lãnh đạo các Sở Công An Hà Nội, Sàigòn, Hải Phòng v.v… cũng chỉ được phối hợp rất hạn chế thậm chí có khi chỉ được thông báo kết quả sau khi đội quân dẹp loạn tinh nhuệ của bộ làm xong nhiệm vụ.

Thực tế này đã phơi bày tất cả những sự bất thường của cái gọi là ‘bảo vệ pháp luật’ ở VN ngày nay.

Nhưng tình trạng ‘lộn xộn’ ấy có liên quan gì đến chuyện đất đai của giáo hội?

Xin thưa rằng rất có ảnh hưởng. Bởi những tài sản giáo hội không tập trung ở Hà Nội hay Sàigòn mà có ở khắp các tỉnh thành. Trong một tình trạng pháp luật ‘không còn cơ sở để giải quyết’ như trên thì càng thêm nhiều ‘ông chủ’ chừng nào giáo hội sẽ càng ‘mệt mỏi’ vì chuyện đi đòi chừng nấy.

Với tình trạng ‘rừng nào cọp nấy’ số tài sản trên đang được quản lý trực tiếp bởi các quan chức địa phương và nó gắn liền với quyền lợi của họ, chính quyền trung ương Hà Nội muốn đụng vào không phải chuyện dễ. Trường hợp bài báo trên bảo là Bộ Xây Dựng ra quyết định nhưng làm gì có bộ nào có quyền hạn lớn trên ông Lê Thanh Hải trên lãnh thổ TP.HCM này?

Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ quá nhanh khiến đảng CSVN như rắn như mất đầu, họ phải thu mình lại, mặc dù rất run sợ nhưng ngoài miệng vẫn không ngớt tuyên truyền. Việc này chỉ có thể lừa dân đen nhưng giữa họ với nhau, cùng ‘cá mè một lứa’ làm sao họ không biết ‘tỏng’ sự sụp đổ ấy nói lên điều gì, nó có ý nghĩa ra sao đối với tương lai chính bản thân họ?

Trong nội bộ đảng, mấy từ ‘lãnh tụ vĩ đại’ từ nay bắt đầu bị phai nhạt dần. Từ bớt nể nang đến bất phục tùng chẳng còn mấy bước, cộng thêm những mối lo tiềm ẩn bắt nguồn từ sự sụp đổ ấy dính dáng đến chức tước của họ, chuyện ai nấy âm thầm lo thủ thế riêng cho mình để phòng ngừa mọi bất trắc là điều khó tránh khỏi.

Khuynh hướng ‘lo cho mình là chính’ này trở nên vững mạnh và họ cảm thấy yên tâm hơn trong thời đổi mới nhờ tiền đầu tư trực tiếp của các công ty tập đoàn nước ngoài ngay tại địa phương, nhờ vậy họ ít còn lệ thuộc vào chính quyền trung ương.

Lý tưởng bị sụp đổ cộng thêm việc phải tự lo lấy miếng ăn, dần dần đưa đến tình trạng “thập lục sứ quân” thằng nào cũng có quyền như nhau nên chẳng còn thằng nào bảo thằng nào nghe hồi nào chẳng biết, chỉ còn thiếu mỗi chuyện là chưa xảy ra chiến tranh.

Chính ông cựu thủ tướng Phan Văn Khải trước lúc về hưu giữa một cuộc họp tại dinh Thống Nhất cuối năm 2005 với các doanh nghiệp phía nam, khi nghe họ than thở về những khó khăn khi va chạm với các quan chức địa phương, ông đã phải thừa nhận bất lực trước tình trạng ‘trên bảo dưới chẳng chịu nghe’ này.

Hậu quả là sẽ không thể có một chính sách rõ rệt nào được ban hành từ trung ương nhằm xử lý thống nhất những tồn đọng về đất đai tài sản của giáo hội, vì sẽ đụng đến quyền lợi cục bộ của các đảng viên tại từng địa phương.

Đó cũng là lý do chính khiến VN sẽ không bao giờ dẹp được tham nhũng, thậm chí dẹp 10% lũ tham quan cũng không làm nổi. Nhưng luật đào thải xã hội đang làm thay họ, chỉ cần thêm 1-2 năm nữa thôi, sau ‘cơn lốc’ xin nghỉ làm của CB-CNV là biết ngay, ai còn đeo bám công sở chắc chắn là phải ‘có ăn’ nên mới cố đấm ăn xôi.

5. Chuyện gì sẽ đến với Thái Hà ngày mai?

Nhìn vào cách thức nhà nước xử lý các tài sản của giáo hội nhiều người thấy nó có vẻ hơi khó hiểu? Vì sao Thánh Địa La Vang không ầm ĩ lại được trả còn Thái Hà tốn nhiều công sức thì lại không? Tương tự đại chủng viện Thái Bình được trả còn Tòa Khâm Sứ căng thẳng vậy mà cũng lại không?

Phải chăng vì bị đạo công giáo đặt nhà nước vào thế quá khó xử? Sau khi gây chuyện ầm ĩ nhà nước có muốn trả cũng phải đắn đo suy tính, trả kiểu này thì sợ mai mốt chỗ khác cứ thế được đà làm tới? Mà không trả thì …???

- Thưa không, đấy là nhà nước buộc giáo hội phải làm thế! Giáo xứ Thái Hà với 12 năm mỏi mòn chờ đợi giải quyết, nhưng chính quyền nào có đoái hoài gì?

Một cách công tâm, trong năm 2008 nhà nước cũng tỏ thiện chí với giáo hội với qua hai cử chỉ trả đất trên ‘để bày tỏ trọng thị đối với phái đoàn tòa thánh’ mặt khác chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đối với những tài sản giáo hội còn chưa thu hồi, nếu cái nào may mắn còn được giữ nguyên vẹn, chưa bị các quan lại địa phương ‘làm thịt’ làm nhà ở, kinh doanh nơi ấy có nhiều hy vọng việc giải quyết được dễ dàng hơn. Những tòa nhà nào còn được giữ làm của công, như trụ sở làm việc và KHÔNG BỊ VƯỚNG CÁC HỘ CÁN BỘ Ở TRONG, càng cũ kỹ xuống cấp càng dễ được trả.

Số phận của Thái Hà và Tòa Khâm Sứ sở dĩ trở nên ‘long đong’ là vì mặc dù còn nguyên vẹn, nhưng cả hai nơi này thực chất đã bị bán chác sang tay, mà sau lưng những vụ mua bán ấy chẳng ai khác ngoài các quan chức quận Hoàn Kiếm, Đống Đa. Đụng phải các ‘lãnh chúa’ Hoàn Kiếm, Đống Đa thì cỡ ông thủ tướng Dũng có lẽ cũng đành bó tay, chắc không thể can thiệp được gì sau lần đến Tòa Khâm Sứ tham quan đầu năm nay, nên nơi này vẫn bế tắc đến giờ.

Và cũng không loại trừ khả năng số phận những tài sản đáng giá về mặt tinh thần đối với giáo hội như Tòa Khâm Sứ, Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt v.v… nhà nước từ từ cũng sẽ giải quyết trả về cho giáo hội nhưng ngay bây giờ thì chưa, vì những tài sản này còn phải hoàn thành nốt cái ‘bổn phận và nghĩa vụ’ thiêng liêng cuối cùng đối với chế độ, là giúp họ hoàn thành thiết lập bang giao với Tòa Thánh Vatican sao cho có lợi nhất với họ?

Xin trở lại chuyện của giáo xứ Thái Hà, mấy ngày qua trông có vẻ yên ổn nhưng chắc chắn sóng gió chưa qua hết. Quyết định bắt giữ thêm 3 giáo dân cho thấy chính quyền đang ra sức vin vào cái cớ rất thiếu thuyết phục ‘giáo dân đẩy đổ cái bờ giậu’ hôm 15/8 để có lý do xử tội. Rồi dựa vào phán quyết của tòa họ sẽ đem quân xuống hiện trường dựng lại hàng rào ngăn cách giáo xứ với lô đất như đã từng làm với Tòa Khâm Sứ.

Trong phiên tòa xử chắc chắn họ sẽ không đả động gì đến mớ giấy tờ cha Bích hết, mà chỉ xử tội ‘phá hoại tài sản công’ để tòa phán quyết cho phép họ tái chiếm lại lô đất. Để bẻ gãy lập luận đất ấy là đất công chỉ còn bằng cách lật tẩy cho bằng được cái Nghị Quyết ‘quái gở’ 23-NQ/2003 của Quốc Hội Khoá 11 là vi hiến trầm trọng, một việc làm có ý nghĩa không chỉ với giáo xứ Thái Hà mà rất nhiều dân oan, giáo oan khác cũng đang rất trông chờ vào sự lật mặt nạ này.

Mấy ngày qua sự hiện diện của các giám mục và gần một trăm linh mục khắp Hà Nội và đặc biệt lá thư bày tỏ đồng tình của Linh Mục Đoàn thuộc tổng giáo phận Hà Nội với giáo xứ Thái Hà chắc chắn sẽ giúp chính quyền Hà Nội hiểu rõ hơn thái độ của giáo hội. Một cử chỉ biểu lộ sự đoàn kết hết sức cần thiết trong lúc này đối với giáo xứ Thái Hà.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng cần phải tổ chức một hệ thống thông tin nhanh trong giáo hội, để những vụ việc như giáo xứ Thái Hà hiện nay, tất cả các nhà thờ trên khắp các giáo phận và mọi tín hữu cùng biết là việc làm cấp thiết hiện nay.

Thông tin thời nay đang đóng vai trò cực quan trọng, có khả năng làm thay đổi nhanh chóng cục diện một sự việc, làm thay đổi quan điểm và đẩy lùi tội ác chỉ trong một sáng một chiều. Chính vì vậy mà những chính thể độc rất sự thông tin nhưng họ lại luôn theo dõi khả năng thông tin của đối phương mạnh yếu, hữu hiệu ra sao trước khi dám ra tay.

Ngày nay, những vụ “Thiên An Môn” chỉ còn là dĩ vãng, chỉ có chính quyền nào dại dột mới dám đàn áp dân chúng kiểu ấy, trừ phi họ nhận ra rằng hệ thống thông tin của ‘đối phương’ quá tệ!

6. Đôi lời Thưa Chuyện cùng Chính quyền Hà Nội và Báo Hà Nội Mới

Mấy chữ “Dòng Chúa Cứu Thế” lập đi lập lại khiến tôi nhớ, trước 1975 các Quí Cha nhà thờ Kỳ Đồng như cha Chân Tín, cha Nguyễn Ngọc Lan v.v… từng lập ra “Ủy Ban Cải Thiện Chế Độ Lao Tù Miền Nam VN” để giúp cán bộ của cách mạng không may bị chính quyền Sàigòn bắt giữ. Cùng với việc này các Ngài còn lập ‘UB Chống Tham Nhũng’, báo Đồng Dao, Đối diện, Đứng dậy đấu tranh chống bất công trong xã hội miền Nam v.v… kết quả là các cha nhà dòng CCT bị chế độ ông Thiệu lên án là ‘thân cộng’ là ‘Việt Cộng nằm vùng’ gây khó dễ.

Những ngày căng thẳng ấy khoảng 1974 công an mật vụ Sàigòn cũng canh chừng rình rập nhà Dòng CCT Sàigòn trong các buổi lễ y hệt như Quí vị đang làm bây giờ tại giáo xứ Thái Hà. Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ cũng từng đến nhà dòng tham khảo ý kiến các Ngài về việc chính phủ Sàigòn xin thêm viện trợ 300.000 USD súng đạn để cố thủ chống cộng sản, nhưng bị các Cha trong UB Chống Tham Nhũng… ‘lắc đầu’!

Vậy có bao giờ Quí vị biết đến những chuyện này chưa? Cha Chân Tín rất có thể Ngài cũng đang có mặt ở xứ Thái Hà trong những ngày này, Quí vị có thể đến đó trao đổi với Ngài để nghe Ngài kể lại chuyện xưa. Còn chúng tôi là những giáo dân của họ đạo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, thuộc Dòng CCT Sàigòn từ trước 1975 nên biết rất rõ mọi chuyện.

Vậy theo sự suy nghĩ của Quí vị, điều gì đã khiến Quí Cha Dòng CCT nói riêng và cả giáo hội công giáo chúng tôi, trong nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước đều bị xem chẳng khác gì ‘kẻ thù’ như vậy? Chúng tôi đứng ở đâu trên cái đất nước này? Câu trả lời xin để dành cho Qúi vị.

Riêng cá nhân tôi thấy rằng, mọi cuộc đối đầu với các tôn giáo xưa nay hầu hết là những cuộc đối đầu với công lý. Là người có đạo, chúng tôi hiểu rất rõ chuyện này vì giáo dân chúng tôi cũng chỉ mang trên mình ĐỨC TIN về công lý ấy, ngoài ra không có bất cứ thứ vũ khí hay chủ nghĩa nào khác cả tư bản lẫn cộng sản.

Vì thế giáo hội chúng tôi cũng không đấu tranh cho ngoại bang hay thế lực tay sai nào hết, xin đừng méo mó nó với ‘diễn biến hòa bình’ với ‘câu kết với thế lực phản động’ nào cả. Quí vị có thể kiểm chứng lại việc này qua chuyện các cha DCCT dấn thân đấu tranh giúp các tù nhân chính trị miền Nam, những đồng chí của quí vị, khi ấy nhà Dòng CCT có thỏa hiệp gì với Qúi vị chống lại chế độ Saìgòn không?

Tôi tin chắc chắn 100% là không. Bởi nếu có thì sau 1975, các Cha nhà dòng đã là người của cách mạng và như vậy thì UBND Q.3 TP.HCM chẳng dám hó hé ‘tạm mượn’ miếng đất vài trăm mét vuông để làm hồ bơi, kinh doanh ăn uống sát bên nhà dòng tại số 38 Kỳ Đồng Saìgon đến nay cũng chưa trả.

Bấy nhiêu điều xin thưa, để mong Quí vị trong chính quyền quận Đống Đa Hà Nội cũng như các nhà báo trong nước, hãy nhìn lại tất cả những cách thức mà Quí vị đã xử sự, xuyên tạc và bôi nhọ việc làm các Cha DCCT trên khắp các phương tiện thông tin cả nước, liệu chúng có đúng với bản chất của những người đã từng đấu tranh giúp Qúi vị không?

Sàigòn, 6/9/2008

-----------------

Tham khảo:

[1]http://www.quehuong.org.vn/vi/nr041215095635/nr050111144245/ns050222121540

[2] http://vietcatholic.net/News/Html/58048.htm

[3]http://dantri.com.vn/Sukien/Mot-quyet-dinh-tra-nha-gay-xon-xao-du-luan-Sai-thanh/2006/7/131181.vip