Dân Thái Hà đòi công lý

Cuộc xung đột giữa giáo dân và chính quyền ở ấp Thái Hà bắt nguồn từ chính sách cướp đất của đảng Cộng Sản Việt Nam. Ðảng Cộng Sản phải chịu trách nhiệm giải quyết, những cơ quan như cảnh sát, hội đồng nhân dân thành phố, tòa án, chỉ là tay chân của đảng mà thôi. Nhưng “Vụ Thái Hà” chỉ cho thấy một phần nổi của tình trạng xã hội bất công, nhân tâm ly tán vì chính quyền man trá khiến người dân mất lòng tin tưởng.

Như các bản tin trên nhật báo Người Việt đã tường thuật, từ 10 năm qua giáo dân ấp Thái Hà đã yêu cầu trả lại khu đất đang do công ty May Chiến Thắng đang khai thác. Nhà nước thành phố Hà Nội nói rằng khu vực đó đã được Linh Mục Vũ Ngọc Bích “giao đất” cho nhà nước sử dụng, nhưng các giấy tờ đưa làm bằng cứ mỗi bản viết một ngày khác nhau. Chính Linh Mục Vũ Ngọc Bích, khi còn sống, cũng đã cùng các giáo dân đòi lại đất cho giáo xứ. Cho nên dù ông có bị ép phải ký giấy “giao đất” thì ông cũng có quyền đòi lại không giao nữa.

Cảnh nhà nước chiếm đất bằng cách ép dân “hiến tặng” đã được đảng cộng sản áp dụng ở nước ta từ nửa thế kỷ nay. Sau khi nhà nước được “hiến” đất rồi, các cán bộ cộng sản sẽ chia cho nhau sử dụng, nhân danh những tổ chức, cơ quan của đảng, nhưng quyền hành thuộc vào tay những cá nhân cán bộ, đảng viên. Theo tục ngữ Việt Nam, “để lâu cứt trâu hóa bùn,” sau mươi năm hay vài chục năm, các cán bộ cộng sản biến đất của người ta thành của công, rồi lại biến của công thành của riêng mình!

Cho nên nguyên nhân trực tiếp khiến người dân Thái Hà phải đứng lên tranh đấu với số người tập họp đông đảo là vì khu đất bị chiếm đoạt đó có thể bị sẽ chia lô đem bán. Khi các tư nhân và xí nghiệp kinh doanh tư đã được quyền sử dụng thì các cán bộ cộng sản sau khi thu tiền “bán đất” rồi sẽ phủi tay đứng ngoài; để cho các nhóm tư nhân tranh chấp với nhau. Nếu đất được trả lại cho giáo xứ thì sẽ được dùng vào việc ích lợi chung. Nếu đem bán cho tư nhân sử dụng, thì giá trị của hàng vạn thước đất sẽ được bỏ vào túi tham của các quan chức và biến mất!

Ðây là một vấn đề chung của tất cả những nước đã bị cộng sản chiếm, một di sản của lịch sử trong thế kỷ qua. Cuộc cách mạng của đảng cộng sản ở bất cứ nước nào cũng là một vụ cướp tài sản của những người đang có để đem chia lại cho người khác. Bản Tuyên ngôn Cộng Sản năm 1848 đã nói rõ điều đó: “Những kẻ cướp đoạt sẽ bị cướp lại.”

Nhưng sau khi đã cướp đoạt và chia của với nhau rồi, chế độ cộng sản đã dựng lên một hệ thống, một trật tự mới, có tính cách lâu dài. Trong hệ thống mới đó vẫn có những người đóng vai “thống trị” làm chủ quyết định việc phân chia tài sản; và những người phải đóng vai “bị trị,” những nạn nhân bị bóc lột công sức tạo ra của cải. Giới thống trị lúc nào cũng lấy danh nghĩa “nhân dân lao động” nhưng trong thực tế họ bóc lột những người lao động để chia “giá trị thặng dư lao động” cho họ được hưởng. Vì các đảng cộng sản nắm độc quyền cả chính trị, kinh tế lẫn văn hóa, tư tưởng, cho nên họ bảo vệ trật tự mới một cách tuyệt đối. Ngay cả những ý nghĩ nêu vấn đề về trật tự xã hội đó cũng bị coi là “phản động.”

Sau hàng nửa thế kỷ thí nghiệm trên thế giới, chế độ cộng sản đã thất bại, nổ bùng lên ngay từ bên trong. Một cuộc cách mạng mới tại nước Nga và Ðông Âu đã thay chế độ cộng sản bằng cách tổ chức lại xã hội. Chính các đảng viên cộng sản ở các nước trên cũng muốn thay đổi vì họ nhìn thấy chế độ độc tài của họ kìm hãm sự phát triển kinh tế và hủy hoại các giá trị nhân bản. Trật tự xã hội mới, theo lối tư sản dân quyền không dựa trên “quyền chuyên chế” của một đảng mà đặt trên nền tảng “quyền của dân.” Nhờ bầu cử tự do, các đại biểu của dân đặt ra pháp luật và cả xã hội sống theo luật lệ. Báo chí và đảng phái được tự do là những định chế kìm hãm việc lợi dụng quyền lực. Ở Trung Quốc và Việt Nam thì chế độ cộng sản vẫn tìm cách lách, né để tồn tại và giai cấp thống trị vẫn sử tiếp tục công việc cướp đoạt cũ.

Công việc cướp đoạt đó đã bắt đầu từ thời kháng chiến chống Pháp, khi cộng sản Việt Nam theo sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc tổ chức cải cách ruộng đất để giết người cướp của một cách có quy mô. Sau cuộc “cải cách ruộng đất” đẫm máu, hàng chục ngàn người chết oan ức, các cố vấn Trung Quốc cho phép “sửa sai.” Nhưng chính sách cướp đất vẫn tiếp tục dưới những hình thức mới, với quy mô nhỏ hơn, âm thầm hơn, nhưng lan rộng khắp nơi. Ở mỗi làng mỗi xóm, mỗi khu phố đều xảy ra những vụ cướp đoạt. Mỗi cán bộ có thể trở thành một vị vua con ở nơi mình cai trị, bản chất này đến nay vẫn chưa thay đổi dù trên bề mặt quyền lục đã giảm nhẹ hơn. Vì trong một chế độ mà những người nắm quyền được toàn quyền về cả chính trị lẫn kinh tế thì xã hội không có một định chế hữu hiệu nào có thể ngăn cản được lòng tham của kẻ thống trị. Ai đã sống ở miền Nam sau năm 1975 đều biết cảnh đảng viên cộng sản đi từng nhà nhòm ngó coi tài sản của chủ nhà có những gì, nếu thấy thèm món đồ nào chỉ việc ngắm nghía, mân mê món đó, chờ đến lúc chủ nhà biết ý và tự nguyện “biếu” cho yên thân. Còn các cán bộ thì tạo áp lực trên các xí nghiệp, các tổ chức tư nhân, từ các hội thanh niên, giáo dục, từ thiện cho đến tôn giáo, buộc mọi người “hiến” tài sản. Trên nguyên tắc là “hiến” cho đảng và nhà nước để dùng vào việc chung. Nhưng đảng là đảng của họ, nhà nước cũng là nhà nước của họ, họ sẽ trao cho chính họ “quản lý” những tài sản đó; đợi đến ngày sẽ “hóa giá” biến của công thành của riêng. Ðó là một chính sách cướp đoạt công khai và tinh vi. Người ta có thể thực hiện được chính sách đó là nhờ độc quyền cai trị đã được đảng Cộng Sản ghi ngay trong hiến pháp. Ðiều 4 trong hiến pháp hiện nay vẫn khẳng định “Ðảng Cộng Sản lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Ðó là thứ giấy phép cho các đảng viên cộng sản quyền cướp đoạt. Trước họ cướp bằng đe dọa, nay họ cướp bằng cách thay đổi quy hoạch, luật lệ, thủ tục.

Công việc “Ðổi Mới” của đảng Cộng Sản chỉ thay đổi “phương pháp tạo ra của cải” trong xã hội. Nhưng bản chất của “hệ thống phân chia của cải” vẫn chưa đổi. Vì tất cả vẫn dựa trên độc quyền chuyên chế của một đảng. Những luật lệ mới đặt ra chỉ cốt để chính thức hóa những tài sản mà các đảng viên cao cấp chiếm đoạt được, và bảo vệ những tài sản đó trong lâu dài. Khi còn một đảng nắm quyền chuyên chế thì đảng đó sẽ tìm mọi cách củng cố “hệ thống phân chia của cải” đang tồn tại. Chính nhờ hệ thống đó mà họ đang được hưởng nhiều hơn người khác, và con cháu họ sẽ tiếp tục được hưởng, càng lâu càng tốt.

Cho nên Linh Mục Vũ Khởi Phụng ở giáo xứ Thái Hà, trong lá thư viết gửi Ðức Giám mục Hà Nội, đã nói rằng cuộc tranh đấu của giáo dân biểu lộ “sự thiếu lòng tin vào công lý xã hội... Những thế lực tiền bạc đang khống chế xã hội chứ không phải là công lý... Tâm trạng mất lòng tin và bất mãn gậm nhấm cơ thể xã hội.”

Trong những năm qua ở nước ta hàng vạn nông dân đã đi biểu tình vì đất đai, nhà cửa bị cướp đoạt bất công. Hàng vạn công nhân khắp nước phải đình công dù bất hợp pháp. Tất cả đều chỉ vì người dân nghèo đang bị lớp tư bản mới bóc lột, với sự đồng lõa của những người đang cầm quyền là đảng Cộng Sản.

Không còn nhịn nhục mãi, người dân Thái Hà đứng lên bảo vệ một “tài sản công” có thể bị guồng máy cướp đoạt của đảng cộng sản biến thành tài sản tư. Dân Thái Hà đang làm gương cho đồng bào khắp nước. Ðúng như Linh Mục Vũ Khởi Phụng viết, vụ Thái Hà chỉ là “một trường hợp minh họa” cho thấy những bất công đang diễn ra khắp nơi. Dân Ấp Thái Hà không sợ hãi. Người dân bị oan ức khắp nước sẽ hết sợ, sẽ đứng lên đòi lại những quyền lợi chính đáng của mình. Nhưng vượt lên trên những quyền lợi riêng tư, dân Việt Nam cần thắp lên những ngọn đuốc của Công Lý, mà bà con ấp Thái Hà đang châm lửa. Ðòi công lý cũng là bước đầu để tái lập niềm tin của người Việt đối với nước Việt, nhờ thế hồi phục sức sống của dân tộc Việt Nam.

(Nguồn: Ngô Nhân Dụng, Người Việt Online, thứ Năm 11.9.2008)