TƯƠNG QUAN GIỮA NHÀ NƯỚC VỚI NHÀ THỜ
(Tóm lược diễn văn của Tổng Thống Sarkozy và của ĐGH Bênêđictô XVI
Nói tại điện Elysée, Paris, sáng 12.09.2008)


Ở Việt Nam, từ tháng 12/2007 đến nay, nghĩa là từ biến cố Toà Khâm Sứ Hà Nội, qua biến cố Giáo Xứ Thái Hà, sự giao hảo giữa Chính Quyền với Giáo Hôi Việt Nam đã thành căng thẳng, gay gắt và bạo lực, làm đề tài cho nhiều giải thích và bình luận đối nghịch, tranh cãi phiến diện, một chiều và độc đoán.

Ở Pháp, cũng từ tháng 12/2007 đến nay, nghĩa là từ diễn văn của tổng thống Sarkozy ở Rome về “Tính đời tích cực” (La laïcité positive), vấn đề tương quan chính trị và tôn giáo đã là đề tài tranh luận chính trị sôi nổi trên truyền thanh, truyền hình, báo chí,…và là đường hướng hoạt động xã hội cho nhiều công việc của chính phủ

Sáng thứ sáu, 12.09.2008, 11 giờ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến phi trường Orly. Ngài đã được tổng thống Sarkozy và phu nhân đón tiếp tại phòng khách danh dự ở phi trường. Sau đó ĐTC Bênêđictô XVI đã được đón tiếp tại điện Elysée. Trước hết, ngài đã được tổng thống xin gặp riêng và được thân quyến gia đình tổng thống ra chào. Tiếp theo, ngài đã được mời ra phòng báo chí và trước sự hiện diện của chính phủ và những cơ quan công quyền khác, tổng thống Sarkozy đã nói một diễn văn chào mừng và ĐTC Bênêđictô XVI đã nói một diễn văn đáp từ.

Cả tổng thống Sakozy lẫn Đức Giáo Hoàng Bênêđicto XVI đều đề cập đến liên quan chính trị và tôn giáo, tương quan giữa Chính Phủ và Giáo Hội. Cả hai đều đã nêu ra những nguyên tắc và đưa ra những hành động cụ thể. Những nguyên tắc và những hành động này có lẽ sẽ giúp cho Nhà Nước và Nhà Thờ ở Việt Nam hiện nay tìm ra một vài ý tưởng, dẫn đến một lối thoát tốt đời và đẹp đạo, đựa trên lý trí và văn hóa, theo đường công lý và hòa bình!

DIỄN VĂN CỦA TỔNG THỐNG PHÁP
Nói về “tính đời tích cực”


Mở đầu bài diên văn, tổng thống Sarkozy, với tính cách là tổng thống Pháp, đã bày tỏ niềm “vinh dự lớn cho chính phủ pháp, cho tất cả những người đang hiện diện trong phòng này, và dĩ nhiên, cho gia đình con và cho bản thân con, nếu ĐTC cho phép, được tiếp đón ĐTC hôm nay tại điện Elysée”. Năm lý do khiến ông vui mừng đón tiếp ĐTC Bênêđictô. Thứ nhất vì “Trong dòng lịch sử, nước Pháp đã không ngừng thắt chặt số phận mình vào nghệ thuật, văn học, tư tưởng, vào tất cả những gì tạo ra cái nghệ thuật sống ở mức cao nhất của mình mà người ta gọi là văn hóa” . Thứ hai vì: “Đức Thánh Cha đã chọn đến thăm học viện Bernardins, đã đáp lời mời đến thăm Hàn Lâm Viện Pháp”. Nghĩa là “Đức Thánh Cha đã vinh danh nước Pháp và vinh danh cái thuộc tính mà nó quí mến nhất, đó là văn hóa của nó, một văn hóa sống động, bám rễ sâu vào tư tưởng hy lạp, tư tưởng do thái kytô, vào gia sản Trung Cổ, Phục hưng và Ánh Sáng” . Thứ ba vì “là tín hữu hay không, mọi người dân Pháp đều cảm kích trước việc ĐTC, một người có xác tín sâu, có kiến thức rộng và có đối thoại mở, đã chọn Paris để chiều nay gặp gỡ giới văn hóa” . Thứ bốn vì “Đối với những triệu người công giáo Pháp, cuộc viếng thăm của ĐTC là một biến cố đặc biệt, làm họ vui to và hy vọng lớn. Do đó, tự nhiên là Tổng Thống, Chính Phủ, Thủ tướng, và toàn thể những người có trách nhiệm chính trị đều cùng tham gia vào niềm vui này, cũng như họ đã từng tham gia vào niềm vui, nỗi cực của bất cứ công dân nào khác” . Và thứ năm vì “Trong một nước cộng hòa đời, như nước Pháp, thưa ĐTC, tất cả mọi người tiếp đón ĐTC với sự tôn kính dành cho vị lãnh đạo một gia đình tinh thần đã từng đóng góp vào lịch sử nước Pháp, vào lịch sử thế giới và vào văn minh, một sự đóng góp mà chẳng ai có thể nghi ngờ hoặc tranh cãi” .

Rồi trước sự hiện diện của ĐTC, của các tổng bộ trưởng chính phủ, của các nhân vật chính trị trong các cơ quan công quyền khác, của các nhân sĩ công giáo, của đại diện các tôn giáo và truyền thống triết học, và nhiều người Pháp vô thần, không tin hay chủ trương bất khả tri, tổng thống Sarkozy đã nêu ra cái nền tảng, trên đó tôn giáo với đức tin và chính trị với dân chủ có liên quan và cần dối thoại. Đó là lý tính, tạo ra tư tưởng và xây dựng văn hóa. Về điểm này, nước pháp có một nét độc đáo chính trị là nhấn mạnh đến sự phân chia rõ rệt giữa chính trị và tôn giáo, trong tinh thần “tính đời” (laïcité), phát xuất từ thời cách mạng 1789, cô đọng thành luật ngày 09.12.1905 và được xác định lại trong hiến pháp đệ ngũ cộng hòa 1958:”Pháp là một nước cộng hòa đời”. Điều đó không có nghĩa là chính trị phải cắt đứt mọi liên hệ với tôn giáo, mà ngược lại, vì tôn trọng lý tính, chính trị phái đối thoại với tôn giáo, vì: ”Đối thoại với các tôn giáo quả là một điều hợp pháp, dân chủ và là một điều tôn trọng tính đời. Các tôn giáo và đặc biệt là tôn giáo kitô mà chúng con chia sẻ một lịch sử dài, với những di sản sống về suy tư và về tư tưởng, không chỉ về Thiên Chúa, mà cả về con người, về xã hội, và về cả cái bận tâm chính yếu hôm nay là thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Từ bỏ điều đó thì thật là điên rồ, đúng hơn là một lỗi lầm phạm đến văn hóa và đến tư tưởng” .

Xác định nguyên tắc rõ rệt như vậy, tổng thống Sarkozy đã nhắc lại điều mà ông đã nêu ra với ĐTC cách đây chín tháng,trong bài diễn văn ở Latran: “Tính đời tích cực”. Tính đời tích cực là thế nào? tính chất ra sao? Theo tổng thống Sarkozy, tính đời tích cực là “một tính đời biết tôn kính, biết tụ hợp, biết đối thoại, chứ không phải là một tính đời loại trừ hay tố giác” và “Tính Đời Tích Cực, cái tính đời mở rộng, chính là một lời mời đối thoại, một lời mời bao dung, một lời mời tôn kính. Thiên Chúa biết rằng các xã hội của chúng ta cần đến đối thoại, tôn kính, bao dung và an tĩnh” . Từ đó, ba công việc “mà tính đời tích cực đã thực hiện, là:đi tìm ý nghĩa, tôn trọng các tín ngưỡng. Chúng ta (nước Pháp) không đặt ai trên ai, nhưng chúng ta đảm nhận gốc rễ kitô của chúng ta”.

1. Đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống, tại sao? Tại vì: “Trong thời đại hôm nay, thời đại mà sự nghi ngờ, sự cuốn khép vào mình đặt ra cho các nền dân chủ cái thách đố phải giải đáp những vấn đề của thời đại, tính đời tích cực sẽ đưa ra cho lương tâm ta cái khả năng, vượt trên những niềm tin và những lễ nghi, trao đổi về ý nghĩa mà ta muốn gán cho cuộc sống của ta; đi tìm ý nghĩa. Cụ thể, trong công việc tìm kiếm ý nghĩa này, nước Pháp đang làm một số việc, tỷ như:

Nước Pháp đã cùng với Âu Châu cam kết suy nghĩ để làm sao tạo một nền luân lý cho chủ nghĩa tư bản tài chính. Sự tăng trưởng kinh tế sẽ chẳng có nghĩa gì nếu nó là cùng đích cho chính nó. Tiêu thụ để tiêu thụ, tăng trưởng để tăng trưởng, như thế thì chẳng có nghĩa gì cả. Nhưng sự cải thiện cảnh sống của đa số nhân loại, sự phát triển nhân vị con người, đó là những mục đích hợp pháp. Đó cũng là lời giảng dậy chính yếu của học thuyết xã hội công giáo. Lời giảng dậy này hoàn toàn giao hợp với những thách đố của nền kinh tế toàn cầu hiện đại. Bổn phận của chúng con, bởi vậy, là phải lắng nghe điều mà ĐTC sẽ nói cho chúng con về vấn đề này.

Cũng vậy, những tiến bộ nhanh chóng và quan trọng của khoa học trong những lãnh vực di truyền học và truyền sinh đang đặt ra cho những xã hội chúng ta những vấn đề tế nhị về luân lý sinh học. Chúng đưa cho chúng ta cái quan niệm về con người và về sự sống, và có thể đưa đền những thay đổi cho xã hội. Đo đó, chúng không thể chỉ là vấn đề của các chuyên viên. Trách nhiệm của người làm chính trị là phải tổ chức cái khung thích ứng cho cuộc suy nghĩ này. Đó là điều mà nước Pháp sẽ làm trong cuộc Tổng Đại Hội Toàn Quốc về luân lý sinh học trong năm tới. Dĩ nhiên những truyền thống triết học và tôn giáo sẽ hiện diện trong cuộc đàm thảo này.

Phẩm tước con người hay nhân phẩm, Giáo Hội không ngừng rao truyền và bảo vệ. Đối với những người có trách nhiệm chính trị như chúng ta, thưa các đồng nghiệp trong chính phủ cũng như bên đối lập, Ông Thị Trưởng Paris, bổn phận của chúng ta là phải biết làm sao bảo vệ nhân phẩm càng ngày càng hơn. Đó là một vấn đề liên tục, do những câu thúc kinh tế, do những nghi ngại chính trị, do sự kính trọng dân chủ và do tự do lương tâm. Vì nghĩ đến nhân phẩm mà chúng tôi đã muốn lập ra lợi tức liên đới tích cực (revenu de solidarité active). Vì nghĩ đến nhân phẩm mà chúng tôi đã dấn thân cam kết chống lại bệnh Alzheimer. Vì nghĩ đến nhân phẩm mà chúng tôi đã muốn lập ra chức tổng thanh tra nhà tù (contrôleur général des prisons), và tôi biết rằng ở Pháp cũng như ở nhiều nền dân chủ khác, chúng ta còn rất nhiều tiến bộ cần thực hiện trong vấn đề này. Và vì nghĩ đến nhân phẩm mà chúng tôi đang phải đương đầu giải quyết vấn đề tế nhị nhập cư, một vấn đề bao la, đòi hỏi rộng lượng, kính trọng nhân phẩm, mà đồng thời không quên trách nhiệm.


2. Về công việc thứ hai là tôn trọng các tôn giáo và công việc thứ ba là nước Pháp đãm nhận gốc rễ văn hóa kitô của mình, tổng thống Sarkozy trước nhất nêu ra cái kho tàng quí báu “Nhân phẩm và Nhân quyền”. Ông nói: ”Nhân phẩm dần dà đã được chấp nhận như một giá trị phổ cập. Nó là tâm điểm của Bản Tuyên Bố chung cho thế giới về Nhân Quyền, đã được thừa nhận ở Paris đây, cách nay 60 năm. Đó là kết quả của một hội tụ đặc biệt giữa kinh nghiệm con người, những truyền thống triết học và tôn giáo lớn của nhân loại với con đường của lý tính. Hiện nay, lúc mà xuất hiện bao nhiêu là cuồng tín, lúc mà lý thuyết tương đối áp đảo một hấp lực càng ngày càng mạnh, lúc mà ngay cả khả năng có thể tri thức và có thể chia sẻ một phần nào chân lý bị đặt vào vòng nghi ngờ, lúc mà những ích kỷ nghiệt ngã nhất đang đe dọa những liên hệ giữa các quốc gia và trong lòng các quốc gia, thì đây, sự tuyệt đối chọn lựa nhân phẩm và làm cho nó gắn bó sâu vào lý tính phải được giữ gìn như một trong những kho tàng quí báu nhất. Đó là bí mật thật của Âu Châu, bí mật mà vì bị lãng quên, đã đem thế giới lao mình vào những man rợ tệ hại nhất, bí mật không ngừng làm sinh động lại ý muốn hành động cho hòa bình và ổn định thế giới và lôi cuốn mọi người thiện tâm thêm vững tin hơn để làm như vậy” . Sau đó, ông nêu ra một số sự kiện và chú giải ý nghĩa trách nhiêm của mình và của chính phủ Pháp.

Đó cũng là tinh thần của Liên Minh Địa Trung Hải mà chúng ta muốn thực hiên. Thưa ĐTC, con biết và chia sẻ nỗi ưu tư đang to dần của ĐTC về một số cộng đoàn kytô trên thế giới, đặc biệt ở Cận Đông. Về điểm này, Con muốn đặc biệt chào mừng Ông Estifan Majid, đang có mặt giữa chúng ta hôm nay, là bào đệ của Đức Tổng Giám Mục Mossoul, bị ám sát mới đây, Đức cha Faraj Rahho. Liên Minh Địa Trung Hải là một giải đáp cho cái thách đố chính yếu ở đây là sự sống chung của các cộng đoàn đa tôn trên cùng một lãng thổ. Có điều phải hỏi là chúng ta có thể có một chọn lựa khác không?

• Ở Ấn Độ, người công giáo, hồi giáo và ấn giáo phải từ bỏ mọi hình thức bạo lực mà đi vào đường nhân đức đối thoại. Ở những nơi khác tại Á Châu, tự do hành đạo, bất kể là đạo gì, phải được tôn trọng. Con đã thường có dịp đề cập đến những gốc rễ kitô của nước Pháp. Điều đó không ngăn cản con làm tất cả những gì có thể để các công dân hồi giáo có thể sống tôn giáo của họ một cách bình đẳng với tất cả những tôn giáo khác. Sự khác nhau này, mà con coi là sự phong phú, con muốn rằng những quốc gia khác trên thế giới cũng phải tôn trọng. Thưa ĐTC, đó là điều mà người ta gọi là hỗ tương.

Nước Pháp đa tôn. Con xin đưa chứng rằng nước Pháp đã thích thú tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Là lãnh đạo của phật giáo tây tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dậy đạo mà xã hội chúng ta rất lắng nghe. Ngài đáng được tôn kính, đáng được lắng nghe, đáng được người ta đối thoại.

• Chúng ta hành động cho hòa bình. Chúng ta không muốn phục hồi lại những cuộc chiến tôn giáo. Đó là lý do khiến, tiếp theo cuộc tương kiến nổi tiếng của ĐTC với vua nước Arabie Saoudite, con đã đến Riyad để nhấn mạnh đến những cái liên kết các tôn giáo hơn là đến những cái làm chúng chia rẽ.

Cuộc đối thoại với và giữa các tôn giáo là một thách đố lớn cho thế kỷ mới này. Những người có trách nhiệm chính trị không thể không lưu tâm. Nhưng họ chỉ có thể góp phần mình nếu họ tôn trọng các tôn giáo. Bởi vì không thể có đối thoại nếu không có tin tưởng, và không thể có tin tưởng nếu không có tôn trọng.

• Vâng, con tôn trọng các tôn giáo, tất cả những tôn giáo. Con biết những lầm lỗi mà các tôn giáo đã vấp phạm trong quá khứ, những bảo thủ nguyên thuỷ, những cuồng tín đang đe dọa chúng, nhưng con cũng biết vai trò mà các tôn giáo đã đóng trong việc xây dựng tình nhân loại. Nhận biết điều đó không có nghĩa là giảm giá công sức của những luồng tư tưởng khác. Con nhận biết tầm quan trọng của các tôn giáo để đáp ứng nhu cầu hy vọng của con người và con không khinh khi cái nhu cầu này. Đi tìm tu đức không phải là một hiểm họa cho nền dân chủ, không phải là một nguy hiểm cho tính đời.


ĐÁP TỪ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
Nói về “Tương quan chính trị - tôn giáo”


Sau khi đã cám ơn tổng thống Sarkozy về lời mời đến thăm Pháp và về lời chào đón vừa ngỏ, đã chào mừng tổng thống, những vị hiện diện trong phòng đón tiếp và toàn dân pháp, Đức Giáo Hoàng đã nêu ra bốn ý tưởng chính trong bài diễn văn đáp từ của ngài:1- gốc rễ kitô của Pháp và của Âu Châu, 2- nguyên tắc liên quan giữa chính trị và tôn giáo, 3- Công việc gieo rắc bác ái và hy vọng của giáo hoàng, 4- Và công việc năng nề của tổng thống Pháp.

1. Thưa Ngài Tổng Thống, Khi ngài đến thăm Rome (tháng 12.2007), Ngài đã nhắc đến gốc rễ của nước Pháp cũng như của Âu Châu là kitô. Lịch sử đã chứng minh điều đó:từ nguồn gốc, quê hương của Ngài đã nhận lãnh sứ điệp Phúc Âm. Nếu tài liệu đôi khi không đủ, thì sự hiện hữu thực tế của những cộng đoàn kitô đã được chứng thực ở xứ Gaule vào một thời kỳ rất cổ xưa; người ta không thể nhắc lại mà không cảm động rằng thành phố Lyon đã có một giám mục vào giữa thế kỷ thứ hai và thánh Irénée, tác giả tập minh giáo “Adversus haereses”, đã để lại một chứng tá hùng hồn về sự mạnh mẽ rắn rỏi của tư tượng Kitô. Nhưng thánh Irénée là người đến từ thành phố Smyrne (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ hiên nay) để giảng về niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh. Lyon đã có một giám mục nói tiếng mẹ đẻ hy lạp:còn có dấu chỉ nào đẹp hơn để nói đến bản chất và cùng đích phổ quát của sứ điệp kitô? Được thành lập từ thời xa xưa trên quê hương của ngài, Giáo Hội đã đóng ở đó một vai trò soi đuốc văn minh mà tôi sung sướng được đến tôn vinh. Ngài đã nhắc đến diều đó trong bài diễn văn ở điện Latran hồi tháng chạp vừa qua và lập lại hôm nay. Viêc chuyển giao văn hóa cổ do các tu sĩ thực hiện qua việc giảng dậy và sao chép, việc đào tạo con tim và tinh thần để yêu thương người nghèo, việc giúp đỡ kẻ khốn cùng qua việc thành lập rất nhiều các tu hội dòng, sự đóng góp của các kitô hữu vào việc tạo lập các cơ sở ở xứ Gaule, rồi ở Pháp, đã được biết quá nhiều, không cần tôi phải dừng lại dài dòng. Hàng ngàn nhà nguyện, thánh đường, tu viện và đại giáo đường đã điểm tô trung tâm các thành phố và sự cô tịch ở đồng quê đã đủ nói lên việc các cha ông của quí ngài đã muốn tôn kính trong đức tin Đấng đã ban cho họ sự sống và đã giữ chúng ta trong hiện hữu.

2. Nhiều người tại Pháp đã dừng lại để suy nghĩ về những giao hảo giữa Giáo Hội và Chính Phủ. Về vấn đề tương quan giữa cầu chính trị và cầu tôn giáo, chính Đức Kitô đã đưa ra nguyên tắc cho một giải quyết chính đáng khi Ngài trả lời câu hỏi người ta đã đặt cho ngài:” Hãy trả cho César cái gì thuộc về César và cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Giáo Hội ở Pháp hiện nay được hưởng một qui chế tự do. Sự nghi kỵ quá khứ dần dà đã biến thành một cuộc đối thoại nghiêm trang và tích cực, chắc chắn càng ngày càng hơn. Một dụng cụ đối thoại mới đã được đưa ra từ năm 2002 và tôi rất tin tưởng vào công việc của nó bởi vì có thiện chí hỗ tương. Chúng ta biết rằng một số lãnh vực đối thoại còn đang mở, mà chúng ta cần đi qua và từ từ chấn chỉnh lại, với quyết tâm và kiên nhẫn.

Thưa Ngài Tổng Thống, Ngài vừa dùng một thuật ngữ đẹp “tính đời tích cực” để xác định sự thông cảm rộng mở hơn. Vào một thời kỳ lịch sử mà các nền văn hóa giao chéo nhau càng ngày càng nhiều hơn, tôi hoàn toàn xác tín rằng thật là cần thiết phải có một suy nghĩ mới về cái ý nghĩa đích thực và về tầm quan trọng của cái tính đời. Thực ra, đó quả là căn bản, một phần thì phải nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa chính trị với tôn giáo, hầu bảo đảm sự tư do tôn giáo cho công dân cũng như bổn phận của Chính Phủ với công dân, phần khác thì phải ý thức rõ rệt hơn về chức vụ không thể thay thế được của tôn giáo trong việc đào tạo lương tâm và trong sự đóng góp mà tôn giáo mang vào, cùng với những cơ quan khác, để tạo ra một nhất trí luân lý căn bản trong xã hội.

3. Là chứng tá của một Thượng Đế thương yêu và Cứu Chuộc, Giáo Hoàng gắng sức làm người gieo rắc bác ái và hy vọng. Toàn thể xã hội nhân loại cần đến hy vọng, và sự cần thiết này càng cao mạnh trong xã hội hôm nay vì xã hội này cung ứng ít oi những khát vọng tinh thần và ít oi những chắc chắn vật chất. Giới trẻ là mối bận tâm lớn của tôi. Một số bạn trẻ khó nhọc không tìm ra hướng đi thích hợp cho mình hoặc đau buồn vì mất dấu mốc trong gia đình. Một số khác thử nghiệm những giới hạn của một đường hướng cộng đoàn tôn giáo. Đôi khi bị gạt ra ngoài lề xã hội và thường rất hay bị bỏ rơi phải tự xoay xở lấy, những bạn trẻ này trở thành mỏng manh mà lại phải một mình đương đầu với một thực tại vượt trên khả năng của họ. Đó là lý do khiến người ta cần phải giúp đưa cho họ một khung cảnh giáo dục tốt và phải khuyến khích họ biết kính trọng và giúp đỡ tha nhân, hầu họ có thể bình tâm đi đến tuổi trách nhiệm.Trong lãnh vực này, Giáo Hội có thể đưa ra sự đóng góp độc đáo của mình. Hoàn cảnh xã hội Âu Châu, đáng buồn vì lộ liễu rõ ràng với sự xa cách giầu nghèo, cũng làm tôi lo lắng. Tôi chắc rằng người ta có thể tìm ra những giải pháp công bình hơn, vượt trên sự giúp dỡ khẩn cấp tức thời, đi thẳng vào tâm điểm của những vấn đề, hầu bảo vệ kẻ hèn yếu mà thăng tiến nhân phẩm của họ. Xuyên qua vô số các tổ chức và vô vàn các hành động của mình, Giáo Hội, cũng như rầt nhiều các hội đoàn khác nơi quí quốc, hay mưu toan giải quyết vấn đề tức thời, nhưng Nhà Nước có bổn phận phải tổ chức luật pháp để tận diệt hết mọi bất công.

Thưa Ngài Tổng Thống, Trong tầm mức rộng hơn, tình trạng của hoàn cầu hiên nay cũng làm tôi bận lòng. Với một lòng rộng lượng cao cả, Thiên Chúa đã trao cho ta thế giới mà Ngài đã dựng nên. Người ta cần phải học cho biết tôn trọng nó và bảo vệ nó hơn. Tôi cho rằng đã đến lúc phải đưa ra những đề nghị xây dựng hơn, hầu bảo đảm phúc lợi cho các thế hệ tương lai.

4. Thực hiện chức vụ Chủ Tịch Liên Hiệp Âu Châu là dịp để quí quốc chứng tỏ rằng nước Pháp tha thiết với nhân quyền và làm cho nó được phát triển hầu bảo vệ lợi ích cá nhân và công ích xã hội. Khi mà Con Người Âu Châu đích thân nhận thấy và nghiệm biết rằng những quyền bất khả chuyển nhượng của nhân vị, từ lúc được thụ thai đến khi chết tự nhiên, cũng như những quyền liên quan đến tự do giáo dục, đến đời sống gia đình, đến việc làm, dĩ nhiên không quên những quyền tôn giáo, khi mà Con Người Âu Châu biết được rằng những quyền trên đây là những quyền tụ họp lại thành một cái toàn thể bất khả phân ly, những quyền này đã được công bố và tôn trọng, thì lúc ấy nó mới hiểu trọn vẹn được rằng sự xây dựng Âu Châu là cao cả và mới thực sự trở thành một người gầy dựng tích cực.

Thưa Ngài Tổng Thống, Công việc Ngài phải gánh vác, thật không phải dễ. Thời thế biến đổi, và tìm ra con đường tốt giữa những khúc khỉu của thường ngày xã hội và kinh tế, quốc nội và thế giới, đó quả là một công việc gay go. Đặc biệt, trước nguy hiểm thấy nổi dậy những nghi kỵ cũ xưa, những căng thẳng và đối nghịch giữa các quốc gia, mà chúng ta hôm nay là những chứng nhân lo âu; nước Pháp, trong lịch sử nhậy cảm với việc hòa giải các dân tộc, được người ta kêu gọi phải giúp đỡ Âu Châu để xây dựng hòa bình trong lãnh thổ của nó và trong toàn thế giới. Về điểm này, thực là quan trọng việc xúc tiến một sự thống nhất, mà không thể và cũng không muốn đồng nhất, nhưng có thể bảo đảm sự tôn trọng những khác biệt quốc gia và tôn trọng những tập tục văn hóa khác nhau hầu tạo ra một sự phong phú trong hòa đồng Âu Châu, mà đồng thời nhắc nhớ rằng “Căn tính quốc gia chỉ có thể thực hiện được trong sự mở ra với những dân tộc khác và nhờ sự liên đới với họ” (Tông huấn Ecclesia in Europa, n 112). Tôi xin bày tỏ sự tin tưởng của tôi rằng quốc gia của Ngài sẽ đóng góp nhiều hơn việc làm phát triển thế kỷ này trên con đường đi lên tâm định, hòa đồng và hòa bình.


Lời kết

Trên nền tảng Dân Chủ, tổng thống Sarkozy đã xây dựng chính sách, chiến thuật và chương trình hoạt động của mình trong mọi lãnh vực:kinh tế, xã hội, quân sự, ngoại giao, nội vụ. Trong lãnh vực nội vụ, và đặc biệt trong tương quan với các tôn giáo, ông vẫn theo một nguyên tắc “tính đời” của hiến pháp, nhưng thêm một tĩnh từ bổ túc “tích cực”. Từ đó ông xây dựng chính sách tôn giáo của mình với hai nguyên tắc chính sau đây.

Đối thoại với các tôn giáo quả là một điều hợp pháp, dân chủ và là một điều tôn trọng tính đời. Các tôn giáo và đặc biệt là tôn giáo kitô mà chúng ta chia sẻ một lịch sử dài, với những di sản sống về suy tư và về tư tưởng, không chỉ về Thiên Chúa, mà cả về con người, về xã hội, và về cả cái bận tâm chính yếu hôm nay là thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Từ bỏ điều đó thì thật là điên rồ, đúng hơn là một lỗi lầm phạm đến văn hóa và đến tư tưởng

Lý tính là nền tảng của liên quan và đối thoại giữa chính trị và tôn giáo, giữa Nhà Nước và Nhà Thờ. Đây là một liên quan có “tính đời tích cực”. Tính đời tích cực là “một tính đời biết tôn kính, biết tụ hợp, biết đối thoại, chứ không phải là một tính đời loại trừ hay tố giác” và “Tính Đời Tích Cực, cái tính đời mở rộng, chính là một lời mời đối thoại, một lời mời bao dung, một lời mời tôn kính” .

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô tán thành và cổ võ hai nguyên tắc này. Đồng thời Ngài đã nêu ra nguyên tắc Phúc Âm về tương quan giữa chính trị và tôn giáo: ”Hãy trả cho César cái gì thuộc về César và cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Ngài cũng nhắc lại công việc quan trọng của chính phủ là phải “tha thiết với nhân quyền và làm cho nó được phát triển hầu bảo vệ lợi ích cá nhân và công ích xã hội” mà không quên “xây dựng hòa bình trong lãnh thổ của nó và trên toàn thế giới” .

Paris, ngày 23.09.2008