RUN SỢ



Khi nói chuyện với tôi, những người quan tâm theo dõi những diễn biến tại Thái Hà và Toà Khâm Sứ cũ những ngày gần đây đều cho biết cảm giác tức giận, lo lắng và sợ hãi. Không phẫn nộ sao được khi chính quyền, với quân đội công an và dàn đồng ca báo chí một chiều, ra sức bằng mọi cách đàn áp một nhóm người tay không tấc sắt, bất chấp công đạo, công lí. Thế dường như vẫn còn chưa thấy đủ liều, chính quyền còn dùng tới biện pháp dùng tới bọn lưu manh côn đồ. Phải nói rằng ngay cả những người giầu óc tưởng tượng nhất cũng khó có thể nghĩ rằng chính quyền lại hành động điên rồ và mù quáng như thế. Nhân đây, tôi muốn đưa ra một vài nhận định của mình.

Tiếng hát át tiếng bom

Thời chiến tranh, để đẩy cả một thế hệ thanh niên vào cuộc chiến, chính quyền đã huy động giới văn nghệ sĩ sáng tác những bài hát, bài thơ ngùn ngụt căm hờn, ào ào khí thế xung trận. Ngày đó, người ta cần những câu thơ tiếng hát át tiếng bom để lấn át nỗi sợ cố hữu của con người trước vũ khí, bom đạn. Sau này, nhà thơ Chế Lan Viên đã nhìn lại giai đoạn sáng tác đó của bản thân mình bằng những bài thơ chất chứa đầy nỗi đớn đau và dằn vặt trong tập Di cảo thơ. Ở bài Ai? Tôi? Ông viết:

“Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?
Tôi!
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay
Tôi có thể cười!...”


Để có thể nhìn rõ hơn vị trí của giới văn nghệ sĩ thời kì này, thiết tưởng cũng cần kể ra lời trích của Nguyễn Đăng Mạnh: “Nói chung cộng sản coi văn nghệ sĩ như rác. Lê Duẩn coi Tố Hữu cũng chỉ như một con hát. Nhưng lại sợ văn nghệ. Vì chỉ dùng tuyên truyền, dùng nước bọt mà giành được nước. Chỉ nói, có làm gì đâu. Nói đủ cả, chẳng làm gì. Thí dụ, cứ nói phê bình tự phê bình mà chưa bao giờ phê bình tự phê bình cả. Có dám nói thật đâu mà phê bình tự phê bình. Chỉ toàn đào tạo gia nhân, đầy tớ, bọn nịnh hót. Sợ văn học cũng vì thế. Vì văn nó nói sự thật, nó lật tẩy. Rất sợ biểu tượng hai mặt. Chỉ đề cao văn tuyên truyền, đề cao vè. Thật ra bọn nhà văn nói chung nhát, không dám chống chế độ đâu !”

Suy cho cùng thì nếu không dùng kiểu tiếng hát át tiếng bom, mà chỉ dựa vào một mớ lí tưởng hỗn tạp vay mượn, nếu không lấy tiếng hát át tiếng bom để lấp kín cái khoảng không của suy tư và trách nhiệm cá nhân, thì một chế độ chỉ dựa trên nền tảng dối trá sẽ lấy sức đâu mà chiến đấu một cách bạt mạng như lịch sử từng cho ta biết? Nhưng thực ra không phải tiếng hát át tiếng bom, mà với đa số thanh niên đã xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, cần phải cất lên những lời thơ tiếng hát với một thứ lí tưởng vay mượn tô hồng tất cả, chính là để át đi nỗi sợ trong lòng.

“Đang đêm địch hốt hoảng gọi nhau là biểu hiện hoảng sợ”

Câu trên đây trích trong thiên thứ chín, tức thiên hành quân, của bộ Tôn Tử binh pháp. Tôi muốn nhìn hiện tượng tiếng hát át tiếng bom, hiện tượng dùng côn đồ để quậy phá giáo xứ Thái Hà vào đêm ngày 21, rạng ngày 22-9, cũng như hành động điên khùng biến Toà Khâm Sứ cũ thành công viên đồng thời cho công an chìm nổi và côn đồ trà trộn vào nhóm người cầu nguyện tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội từ ngày 19-9 như là biểu hiện của nỗi sợ hãi. Nhiều người sẽ cho rằng tôi nói ngược, vì đáng lẽ phải nói rằng giáo dân và hàng giáo sĩ ở Hà Nội đang sợ hãi mới phải chứ, ai lại gán nỗi sợ hãi ấy cho đám quan chức và công an đang hừng hực khí thế bao giờ. Tuy nhiên, khi xét thấy rằng chính quyền có vũ lực, có hệ thống “chó nghiệp vụ” chỉ có biết mỗi việc ăn và sủa theo ý chủ, thế mà vẫn lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, hành động theo kiểu cứ chân nọ đá chân kia, thậm chí còn phải sử dụng cả đám lưu manh côn đồ để đàn áp một nhóm người không một tấc sắt trong tay để tự vệ, thì phải gọi tên cái hiện tượng đó là gì nếu không phải là nỗi sợ, một kiểu lên gân để lấy tiếng hát át tiếng bom đang không ngừng nổ bùng bùng trong lòng họ.

Nỗi sợ hãi đã lên tới cực điểm

Trong cơn quẫn bách, uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra hai công văn 1370/UBND-TNMT và 1407/UBND-NC nhằm doạ nạt Tổng Giám Mục Hà Nội. Theo một số luật sư, hai công văn đó đã đá thẳng vào không chỉ một khoản trong Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính, một kiểu “bạo hành hành chính” . Nhưng nghĩ lại thì mới thấy rằng quan chức chính quyền Việt Nam không phạm luật mới lạ, chứ còn chuyện họ vi phạm pháp luật có lẽ cũng không ít hơn cơm bữa. Thêm vào đó, hệ thống “chó nghiệp vụ” của nhà nước còn phát huy truyền thống đánh tráo khái niệm khi họ gọi tên đám côn đồ là “quần chúng phẫn nộ tự phát” .

Thật ra, chuyện dùng đám “quần chúng phẫn nộ tự phát” , đám du thủ du thực, đám đầu đường xó chợ nhằm tạo ra những cái gọi là đột biến trong xã hội đâu phải là chuyện gì mới lạ. Hồi cải cách ruộng đất, đảng và chính phủ đã từng dùng cái đám lưu manh đó để khủng bố, đàn áp, làm những chuyện thương luân bại lí để cào bằng xã hội. Phải nói là ngay lúc đó, đảng cộng sản cũng đã kéo cái đám đó vào đội tiên phong của mình rồi. Nhưng đến lúc cần xoa dịu dư luận quần chúng, cần bảo vệ uy tín của đảng quang vinh vĩ đại, thì đảng và chính phủ cũng chả ngại thí vài con tốt lớn tốt nhỏ, tốt đỏ tốt đen.

Ngày nay bổn cũ soạn lại, đám “quần chúng phẫn nộ tự phát”, đội tiên phong được gom về từ trại cai nghiện lại được lôi ra để lặp lại chuyện khủng bố và đấu tố của hơn nửa thế kỉ trước. Có người sẽ đặt câu hỏi là tại sao đảng và chính phủ lại đi những bước mù quáng như vậy? Hỏi thế phải nói là đã đánh giá đảng và chính phủ quá cao, vì đâu phải bây giờ họ mới tự nhiên đâm ra mù quáng. Hơn nửa thế kỉ qua, họ đã chẳng có công dẫn dắt quốc gia dân tộc lao vào hết đại hoạ này đến đại hoạ khác hay sao? Chuyện mù quáng và sử dụng vũ lực một cách điên dại lại chưa đi vào máu thịt của họ sao?

Dù sao, những bước đi dò dẫm, loạng choạng, những hình thức tiếng hát át tiếng bom trong cách hành xử của họ cho thấy một điều: họ đang run sợ đến tột cùng.

Tuy nhiên, phải đối mặt với một lực lượng mù quáng và điên dại đang ở trong cơn sợ hãi tột độ là chuyện không hề dễ dàng. Như vậy ta có thể thấy con đường mà linh mục và giáo dân Thái Hà, con đường mà linh mục và giáo dân Hà Nội cùng vị Tổng Giám Mục của họ đang và sẽ đi là con đường đầy chông gai, cạm bẫy và thử thách.

Ở Tin Mừng theo thánh Gioan, chương 6 câu 20, Đức Giêsu từng nói với đám môn đệ đang chống chọi với cơn cuồng phong giông tố: “Đừng sợ!” Tôi muốn kết nối câu trấn an đó với một câu khác trích từ Tin Mừng theo thánh Luca, chương 21 câu 28: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”