Dưới ánh sáng Tin Mừng Vượt Qua

Khắc khỏai lo âu vì những tin tức dồn dập về chuyện Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà, cảm thông với Đức Tổng Giám Mục Hà nội và các cha các thày Dòng Chúa Cứu Thế cùng giáo dân Thái Hà, tôi chỉ biết hiệp với hàng triệu con tim cùng cầu nguyện theo lời Chúa dạy: “Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”.

Nhưng trước những gì xảy ra ngoài sức tưởng tượng, tôi lại miên man tự hỏi làm sao hình ảnh của thời Cách Mạng Văn hóa bên Tàu, thời phát-xít bên Đức, thời Xít-ta-lin bên Nga, thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam 50 năm trước lại có thể tái diễn hôm nay ở Hà Nội, thủ đô của nước ta, một nước tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, có bao nhiêu truyền thống đạo đức.

Trong khi cảm nghiệm nỗi bất lực của mình, tôi bỗng nhớ tới lời Chúa nói với những kẻ đến bắt Chúa giữa đêm khuya khi Chúa đang cầu nguyện: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Khi tôi ở giữa các ông mỗi ngày trong Đền Thờ, các ông không giơ tay hại tôi. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,52-54) – (Các câu Kinh Thánh, xin phép trích theo bản dịch của nhóm CGKPV).

Lời này lại làm tôi nhớ đến lời thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Ephesô 6,10-18: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực tòan năng của Người. Hãy mang tòan bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu mô của quỷ dữ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân… Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là đức công chính, chân đi giầy là lòng hăng say loan báo Tin Mừng về sự bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em có thể dập tắt mọi mũi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí, tức là Lời Thiên Chúa. Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi kinh nguyện và mọi lời cầu xin mà cầu nguyện trong mọi hòan cảnh”.

Tôi an tâm vì nghiệm thấy Đức Tổng Gíam Mục, các linh mục, tu sĩ và giáo dân ở Hànội cũng như khắp trong nước và các tín hữu đang bị bách hại ở khắp nơi trên thế giới, đang thực hành lời này.

Tôi đọc lại Tin Mừng về cuộc khổ nạn và phục sinh để xem cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và quyền lực của tối tăm do giới lãnh đạo Do Thái làm công cụ, diễn ra như thế nào: “Đây là giờ của các ông và thời của quyền lực tăm tối” (dịch sát: đây là giờ của các ông và quyền lực của tối tăm). Những kẻ cầm quyền trong dân Do Thái khi ấy chỉ có một thời điểm (giờ) Thiên Chúa đã dành cho họ để hành động, vì họ chẳng lột da sống đời để tiếp tục hoành hành mãi, nhưng quyền lực hành động qua họ và trong họ là của tối tăm, vì Thiên Chúa đã cho nó quyền để thử thách con cái của Thiên Chúa, cũng như Thiên Chúa đã cho nó được quyền thử thách ông Gióp.

Thánh Gioan loan báo cuộc chiến này ngay trong lời tựa: “Ánh sáng đã chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5).

Sách Tin Mừng này kể ra nhiều lần họ toan bắt Chúa Giêsu nhưng Người thóat tay họ, vì “giờ của Người chưa đến”. Khi giờ ấy đến thì Chúa Giêsu nói: “Thủ lãnh thế gian đang đến”(Ga 14,30). Nó sẽ tiếp tục có tay sai để hoành hành cho đến ngày nó bị quăng vào lửa như sách Khải Huyền diễn tả (coi Kh 20,10). Chính vì thế mà lời cầu nguyện đầu tiên của Chúa Giêsu trên thánh giá là: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23.34). Họ bị quyền lực của tối tăm thống trị và dùng làm công cụ. Họ đáng thương hơn đáng trách, vì họ không biết việc họ làm, chính là quyền lực của tối tăm hành động qua họ. Thánh Luca và thánh Gioan ghi: “Quỉ đã nhập vào Giuđa, hắn liền đi ra. Lúc đó trời đã tối” (Gioan, 13,27-30; coi Lc 22,3). Ở chương thứ 8 của Thánh Gioan, trong cuộc tranh luận về ai là cha của họ, Chúa Giêsu đã nói thẳng: “Cha các ông là ma quỉ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối”(Ga 8,44-45).

Cái chìa khóa để đọc tất cả những sự vô lý, bất công, phi đạo đức trong vụ bắt và xét xử Chúa Giêsu là đây: quyền lực của tối tăm. Nó mới là thù địch thật sự của Chúa Giêsu và của Hội Thánh.

Trong bữa Tiệc Ly theo thánh Luca, Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết: “Simon, Simon ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng các anh như sàng gạo”. Câu này nhắc tôi nhớ đến chuyện ông Gióp. Hai lần Xa-tan thách đố Thiên Chúa thử thách lòng tin của ông Gióp, Thiên Chúa đã cho phép nó: lần thứ nhất nó làm ông mất hết của cải qua tay bọn cướp, và mất hết con cái qua tai họa giông tố làm sập nhà. Lần thứ hai, nó làm cho thân xác ông bị ung nhọt từ dầu đến chân (Gíop 1-2). Thánh Gioan kể lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Trong thế gian, anh em sẽ gặp gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”(16,33). Sau đó Người cầu xin cho các môn đệ: “Con không cầu xin Cha đưa họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (17,15).

Cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và quyền lực của tối tăm bắt đầu:

Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần xuống đậu trên Người và tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con”. Ngay sau đó, trong hoang địa, Xa-tan cám dỗ Chúa Giêsu. Thánh Luca và thánh Mathêu kể ba chước cám dỗ, hai lần bắt đầu bằng “nếu ông là Con Thiên Chúa…”: một lần nó xui Chúa Giêsu thử xem lời Thiên Chúa tuyên bố ở bờ sông có đúng không; một lần xui Chúa Giêsu thử xem Thiên Chúa có giữ lời hứa không; một lần nó trắng trợn chiêu mộ Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông quyền lực… Nếu ông bái lạy tôi thì tất cả sẽ thuộc về ông”.

Thánh Luca kết thúc: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ, quỷ dữ lìa bỏ Người, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13).

Thời cơ, hay dịp thuận tiện ấy Xa-tan không ngồi chờ suông, nó dùng tay chân để đi tìm. Trong thời gian Chúa Giêsu rao giảng thì nó luôn thua cuộc. Một tên quỉ hay một đạo binh quỉ cũng đều bỏ chạy khi giáp mặt Chúa Giêsu. Nhưng rất sớm, nó đã dùng tay sai để dò xét và tìm cớ hại Chúa Giêsu. Thánh Mac-cô cho thấy ngay từ 3,1-7: “Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người… Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê chống Đức Giêsu, để tìm cách giết Người”. Hai phe này vốn chống nhau, vì phe Hêrôđê thân Rôma, còn phe Pharisêu chống Rôma; họ coi Chúa Giêsu là kẻ thù chung nên phối hợp với nhau. Từ lúc đó thánh Mac-cô cho thấy giới lãnh đạo địa phương và cả trung ương Giêrusalem (Mc chương 4 và 7) luôn rình mò, bắt bẻ, vu khống Chúa Giêsu là kẻ bị tướng quỉ ám và lấy quỵền quỉ tương trừ quỉ con.

Sau khi vào Giêrusalem, Chúa Giêsu xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ và nói: “Có lời chép rằng: Nhà của Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 20,45). Thánh Luca kể tiếp: “Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. Nhưng họ không tìm ra điều gì có thể làm, vì tòan dân say mê nghe Người” (Lc 19,47-48).

Họ đích thân kiếm chuyện: “Một hôm đang khi Đức Giêsu giảng dạy cho dân trong Đền Thờ và loan báo Tin Mừng, thì các thượng tế và kinh sư cùng các kỳ mục kéo đến và hỏi Người rằng: Xin ông cho chúng tôi biết: ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai là người đã cho ông quyền ấy?” (Lc 20,1-2). Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi mà họ không trả lời được, rồi Chúa lại kể một dụ ngôn “chạm nọc” họ: “Các kinh sư và thượng tế tìm cách tra tay bắt Đức Giêsu ngay giờ đó, nhưng lại sợ dân. Quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy (tức là dụ ngôn những người người tá điền sát nhân). “Họ rình rập và sai một số người giả bộ công chính đến dò la, mong bắt quả tang Đức Giêsu lỡ lời, để nộp Đức Giêsu cho nhà chức trách có thẩm quyền là ông tổng trấn” (20,19-20) – Họ hỏi về chuyện có nên nộp thuế cho Xê-da hay không? Nếu Chúa Giêsu bảo không nộp, thì ho sẽ tố cáo Người với nhà cầm quyền Rôma. Họ căm thù đế quốc Rôma, nhưng khi muốn giết Chúa Giêsu thì họ lại dùng sự trung thành với đế quốc để làm cớ.

Thánh Gioan kể cho chúng ta nội dung một cuộc họp của Thượng Hội Đồng, cơ quan quyền lực tối cao của dân Do Thái thời đó, nhằm đối phó với Chúa Giêsu sau khi Chúa đã cho La-da-rô sống lại. “Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói, chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của chúng ta lẫn dân tộc ta. Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm Thượng Tế năm ấy, nói rằng: Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là tòan dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 47-50).

Như vậy có thể nói: đối ngọai, thì giới lãnh đạo dùng sự trung thành với đế quốc để làm cớ, còn đối nội thì lại dùng lòng yêu nước thương nòi để sách động.

Thất bại trong âm mưu hạ Chúa Giêsu truớc mặt đám đông thì họ tìm cách thủ tiêu: “Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt Qua đã đến gần. Các thượng tế và kinh sư tìm cách nào thủ tiêu Đức Giêsu, vì họ sợ dân” (Lc 22,1-2).

Đến lúc chủ tướng thật sự của họ ra tay: “Xa-tan đã nhập vào Giuđa, gọi là It-ca-ri-ốt, thuộc nhóm Mười Hai. Hắn đi nói chuyện với các tư tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Người cho họ. Họ mừng rỡ và thỏa thuận cho hắn tiền. Hắn đồng ý và cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu cho họ, lúc không có đám đông” (Lc 22,3-5). Các sách Tin Mừng đều cho thấy trở ngại chính của họ là quần chúng. Xa-tan đã nhập vào Giu-đa để giải gỡ bế tắc.

Bịt miệng những người còn lương tri

Thánh Gioan cho chúng ta thấy trong phe cầm quyền cũng có mâu thuẫn chứ không phải mọi người đều nhất trí, cũng có người còn lương tri muốn ngăn cản lối hành xử phi pháp, phi đạo đức, nhưng họ là thiểu số nên không xoay chuyển được tình hình. Ngay từ chương 5, thánh Gioan đã kể rằng sau khi Chúa Giêsu chữa người bất tọai đã nằm đó 38 năm: “Người Do Thái bắt bớ Chúa Giêsu vì Người làm những việc ấy trong ngày sa-bát”; và sự bắt bớ đã nhanh chóng trở thành quyết tâm giết Chúa Giêsu: “Người Do Thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu…” (Ga 5,16-18).

Chương thứ bảy, thánh Gioan kể: “Đức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giuđê, vì người Do Thái tìm giết Người”. Nhưng bất ngờ Chúa Giêsu xuất hiện tại Đền Thờ vào dịp lễ Lều. Sự hiện diện và lời giảng dạy của Chúa Giêsu gây kinh ngạc trong dân chúng và xáo trộn trong giới lãnh đạo. Người công khai tố cáo họ không tuân giữ Lề Luật và vạch trần âm mưu đen tối của họ mà đám đông chưa được biết.

Đọc hai chương 7-8 của thánh Gioan, chúng ta hơi chóng mặt vì nhiều nhân vật, nhiều ý kiến dồn dập khiến ta không kịp nhận diện. Lối viết của hai chương này giống hình thức phóng sự truyền hình rất quen thụôc ngày nay. Phóng viên len vào giữa đám đông, cho ta nghe lời giảng và đối đáp của Chúa Giêsu, lời bàn bạc, tranh luận của quần chúng, cho ta thấy cả những người của giới lãnh đạo len lỏi giữa đám đông nghe ngóng tình hình, rồi bỗng vô tận phòng họp của giới lãnh đạo để cho ta nghe những tranh luận, những chỉ thị, những báo cáo… Ta hãy đọc lại vài đọan tiêu biểu:

7,30: “bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay hại Người, vì giờ của Người chưa đến”.

7,32; Người Pharisêu nghe thấy đám đông xì xầm về Người như thế, nên họ và các thượng tế sai thuộc hạ đi bắt Người”.

7,43-44: Vì Người mà đám đông đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay hại Người.

7,45-47: “Các thuộc hạ trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng: Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? Các thuộc hạ trả lời: Xưa nay chưa hề có người nào nói năng như thế. Người Pharisêu liền nói với chúng: Cả các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?”

Tiếp theo là những lời miệt thị quần chúng:

7,48-49: “Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân đáng bi nguyền rủa.”

Lập tức có một người trong họ đứng lên vạch cho họ thấy họ rủa người dân đen không biết Lề Luật, còn họ lại đang chà đạp Lề Luật:

7,50-52: “Trong nhóm Pharisêu có một người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp ĐG; ông nói với họ: Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? Họ đáp: Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cã”.

Thế là những người có lương tri, trong hàng thuộc hạ cũng như hàng lãnh đạo đều bị trấn áp, bịt miệng.

Chương thứ 8 của thánh Gioan tiếp tục cho ta theo dõi diễn biến cuộc tranh luận trực tiếp giữa Chúa Giêsu và người Do Thái ngay trong khuôn viên Đền Thờ. Ý định bắt Chúa Giêsu vẫn lởn vởn quanh đó và bùng nổ thành một mưu toan bạo động: “Họ liền lượm đá để ném người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ” (8,59).

Chương 10 lại cho thấy một lần nữa mưu toan ném đá Chúa Giêsu (10,31), rồi mưu toan bắt Chúa Giêsu không thành: “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thóat khỏi tay họ” (10,39).

Chương 11, sau khi Chúa Giêsu cho La-da-rô từ trong mồ sống lại thì “từ ngày đó, họ quỵết định giết Đức Giêsu” (câu 53), và họ ra lệnh truy nã: “Các thượng tế và Pharisêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt” (câu 57). Hơn nữa: Các thượng tế quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu” (12,10).

Chương 13: Xa-tan ra tay: “Trước lễ Vượt Qua… Xa-tan đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon It-cariôt, ý định nộp ĐG”. Sau khi Giuđa ăn miếng bánh Chúa Giêsu trao, “Xa-tan liền nhập vào y”. (câu 1.3.27).

14,30-31: “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì thủ lãnh của thế gian đang đến. Đã hẳn nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy”.

Quyền lực của tối tăm ra tay:

Đêm. Tất cả bốn sách Tin Mừng đều kể rằng Chúa Giêsu bị bắt ban đêm. Mt, Mc và Ga kể một đám người mang gươm giáo gậy gộc do các thượng tế, kỳ mục, Pharisêu sai đến. Thánh Luca lại nói có cả các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục ở trong bọn người mang gươm giáo gậy gộc. Thánh Matthêu và thánh Mác-cô cho thấy một thực tại kinh khủng hơn, đó là khi bọn sai nha trói Chúa Giêsu điệu về thì các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn ở nhà thượng tế Cai-pha, người lãnh đạo tối cao trong dân Do Thái duới chế độ thuộc địa Roma hồi đó. Thế nghĩa là trong đêm tối, đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì giới lãnh đạo cao nhất của dân Do Thái đã họp tại nhà thủ lãnh của họ, sai thuộc hạ đi bắt Chúa Giêsu theo sự hướng dẫn của Giu-đa, người môn đệ phản Thầy. Họ ngồi chờ để kết án ngay trong đêm.

Chứng gian và xuyên tạc. Phiên họp ban đêm này do chính Caipha, chủ tịch Thuợng Hội Đồng chủ sự. Thánh Matthêu kể: “Các thượng tế và tòan thể Thượng Hội Đồng tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình” (Mt 26,59). Điều đáng chú ý là họ đã quyết tâm giết Chúa Giêsu nhưng còn muốn ra vẻ hợp pháp, giữ sĩ diện bằng cách tìm chứng gian để kết án tử hình.

Mt 26,60: “Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian”.

Mt 26,61: “Sau cùng, có hai người bước ra khai rằng: Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại”.

Thánh Mac-cô bình thêm: “Nhưng ngay về điểm này chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau” (Mc 14,59).

Chủ tịch xuất chiêu: “Bấy giờ vị Thượng Tế đứng lên hỏi Đức Giêsu: Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó? Nhưng Đức Giêsu làm thinh.

“Vị Thượng Tế nói với Người: Nhân danh TC hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?”

Ông dùng quyền Thượng Tế đương nhiệm và công thức long trọng buộc CG nói sự thật.

“Đức Giêsu trả lời: Chính Ngài vừa nói đó. Hơn nữa tôi nói cho các ông hay: từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Tòan Năng và ngự giá mây trời mà đến”.

Họ muốn biết sự thật thì Chúa cho bíêt cả hiện tại và tương lai. Nhưng tìm chứng gian không được thì ông chủ tịch dùng chính sự thật và chụp cái mũ lên:

“Bấy giờ vị Thượng Tế liền xé áo mình ra và nói: Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, qúy vị nghĩ sao? Họ liền đáp: Hắn đáng chết!”.

Thế là ông chủ tịch đã thành công với sự hưởng ứng râm ran của Thượng Hội Đồng. Họ đã định đọat số phận Chúa Giêsu từ lâu, hôm nay thì họ thực hiện được một cách “hợp pháp” nhờ thủ đọan xuyên tạc và chụp mũ.

Sau đó, thánh Mac-cô cho thấy lãnh đạo và thuộc hạ đều cùng một hàng như nhau:

“Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm vừa nói: Hãy nói tiên tri đi! Và đám thuộc hạ tát Người túi bụi” (Mc 14, 65).

Giữa ban ngày: vu khống và xuyên tạc

Dưới chế độ thuộc địa Rôma, Thượng Hội Đồng, cơ quan quyền lực tối cao của dân Do Thái không có quyền kết án tử hình. Tổng trấn Rôma mới có quyền. Thế là muốn giết được Chúa Giêsu họ còn phải vượt qua một hàng rào nữa: sự phê chuẩn của Tổng Trấn Rôma, quan Philatô. Chính vì thế, thánh Matthêu kể tiếp:

“Trời vừa sáng, các thượng tế và kỳ mục trong dân, cùng nhau bàn kế hại Đức Giêsu để xử tử Người. Sau đó họ trói Đức Giêsu lại và giải đi nộp cho ông Philatô” (Mc 15,1).

Thánh Luca kể cho chúng ta lời tố cáo trước tòa Philatô: Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hòang đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa”.

Nếu quả thật Chúa Giêsu là người khởi xướng một phong trào chống nộp thuế và nổi dậy dành độc lập, thì cả Thượng Hội Đồng làm tay sai cho đế quốc khi bắt Người mà nộp cho tổng trấn Philatô. Sự thực là mấy hôm trước họ đã dùng chuyện nộp thuế để gài bẫy Chúa Giêsu mà thất bại, hôm nay họ vu khống cho Chúa Giêsu. Danh hiệu Mê-si-a (Ki-tô) vốn mang ý nghĩa tôn giáo thì họ lại phiên dịch và giải nghĩa theo hướng chính trị để xuyên tạc.

“Ông Philatô hỏi Người: Ông là Vua dân Do Thái sao?”

Họ dịch và xuyên tạc danh hiệu Mê-si-a sang nghĩa chính trị, nhưng khi Philatô ghép danh hiệu Vua với những kẻ đang tố cáo để làm thành danh hiệu “Vua dân Do Thái” thì lại mang nghĩa tôn giáo (x. Xô-phô-ni-a, 3,14-17; Da-ca-ri-a, 9,9-10); đồng nghĩa với danh xưng vị Thượng Tế đã long trọng hỏi trong cuộc họp ban đêm, vì thế Mt, Mc và Lc đều kể câu trả lời của Chúa: “Chính Ngài nói đó”.

Thánh Gioan kể rằng Philatô cho gọi Chúa Giêsu vào bên trong và hỏi: “ông có phải là Vua dân Do Thái không?” Trên miệng Philatô thì câu hỏi này dị nghỉa nên Chúa Giêsu hỏi lại: “Ngài tự ý nói điều ấy hay những người khác đã nói với Ngài về tôi? Ông Philatô trả lời: Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Thế là đã rõ Philatô chỉ lặp lại lời của những kẻ nộp Người. Nhưng thánh Gioan gây một thắc mắc vì trước đó kể rằng những kẻ nộp Chúa Giêsu không đưa ra lời cáo tội nào rõ ràng:

Philatô hỏi: “Các người tố cáo ông này về tội gì? Họ đáp: Nếu ông này không làm điều ác thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan. Ông Philatô bảo họ: Các ngươi đem đi mà xét xử theo luật của các ngươi. Người Do Thái đáp: Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả”(Ga 18,20-21). Như vậy đối với họ thì Philatô không cần phải biết tội gì, cứ việc phê hai chữ tử hình là xong. Thắc mắc là: Philatô đã nghe báo cáo về Chúa Giêsu khi nào? Ai báo cáo cho Philatô? Dù sao Chúa Giêsu đã giải thích cho Philatô về ý nghĩa của danh xưng này theo Sách Thánh.

Thánh Mác-cô kể tiếp: “Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, nên ông Philatô lại hỏi Người: Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông bao nhiêu tội! Nhưng Đức Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Philatô phải ngạc nhiên”. Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ im lặng, vì những lời tố cáo vẫn là những lời vu khống và xuyên tạc như trước Thượng Hội Đồng hồi đêm.

Thánh Luca và thánh Gioan đều kể rằng ngay sau cuộc “hỏi cung” này Philatô đã kêt luận: “Ta xét thấy người này không có tội gì”.

Họ chỉ muốn giết Chúa Giêsu chứ đâu có muốn lẽ phải: “Nhưng họ cứ khăng khăng nói: Hắn đã xúi dân nổi lọan, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây”.

Yếu tố địa dư họ đưa ra làm lóe lên trong đầu Philatô một lối thóat: “Philatô liền hỏi xem đương sự có phải là người Galilê không. Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hêrôđê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua, lúc ấy cũng đang có mặt tại Giêrusalem” (Lc 23, 4-7).

Philatô chuyển Chúa Giêsu cho vua Hêrôđê là thảy trái banh chứ đâu phải vì kính trọng.

“Vua Hêrôđê thấy Đức Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Ngừơi bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội”.

Thế là Hêrôđê thất vọng và những kẻ tố cáo cũng thất vọng. Muốn Chúa Giêsu làm trò tiêu khiển cho ông không được thì Hêrôđê cùng với bọn thị vệ dùng Chúa Giêsu làm trò tiêu khiến: “Vua Hêrôđê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khóac cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Philatô”.

Bị dùng làm trái banh để người ta thẩy cho nhau và bị Hêrôđê biến thành trò tiêu khiển nhưng Chúa Giêsu lại trở thành nhịp cầu hòa giải: “Ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù” (Lc 23,9-12).

Philatô đã tưởng có thể phủi tay. Nhưng thấy lính đưa Chúa Giêsu trở về, lại phải ra tay. Ông kéo Hêrôđê vào phe với mình: “Bấy giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: các người nộp người này cho ta, vì cho là tay sách động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì như các người tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ông thấy đó, ông ấy chẳng có tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra” (Lc 23,13-16).

“Philatô thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người” (Mc 15,10). Nhưng muốn yên thân, Philatô bắt đầu nhượng bộ, từ chỗ khẳng định “người này không có tội gì”, ông xuống một cấp: “Không có tội gì đáng chết, ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”. Đúng là sai lầm chết người! Philatô sẽ tiếp tục trượt giốc tới chỗ trao mạng người vô tội vào tay họ.

Philatô vùng vẫy tìm một lối thoát khác. Ông cho họ chọn giữa Chúa Giêsu và Ba-ra-ba; “tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành và vì tội giết người”.

“Các thượng tế sách động đám đông đòi ông Philatô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn. Ông Philatô lại hỏi: vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do Thái? Họ la lên, đóng đinh nó vào thập giá!”

Philatô làm một nỗ lực cuối cùng để kêu gọi lương tri của họ: “Nhưng ông ấy đã làm đìều gì gian ác? Họ càng la to: Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mc 15,14)

Thánh Gioan cho thấy rõ hơn nỗi sợ của Philatô (18,28-19,16). Ban đầu, Philatô từ chối xét xử. Rồi ông gọi CG vào bên trong dinh để hỏi riêng. Ông trở ra tuyên bố “không thấy lý do nào để kết tội” và hỏi xem họ có chấp nhận để ông tha Chúa Giêsu không. Họ đòi tha Ba-ra-ba. Thánh Gioan ghi: “Mà Ba-ra-ba là một tên cướp”. Philatô cho lính đem Chúa Giêsu vào sân trong đánh đòn. Ông lại dẫn Chúa Giêsu đã bị đánh nát da nát thịt, đầu đội mão gai, mình chòang áo đỏ, ra trước đám đông. “Khi vừa thấy Đức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ lìền kêu lên rằng: đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá”. Philatô cố gắng kêu gọi lương tri của họ, rồi lại cho đưa Chúa Giêsu vào bên trong để hỏi riêng, vỗ ngực là kẻ cầm quyền sinh tử đối với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu kêu gọi ông nhớ đến trách nhiệm của ông: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn”.

Lời của Chúa Giêsu có hiệu quả: “Từ đó ông Philatô tìm cách tha Người”.

Nhưng Philatô có một nỗi sợ mạnh hơn lương tri. Đang lúc Philatô ngồi hỏi Chúa Giêsu thì tiếng la hét bên ngòai làm rung cái ghế của ông: “Nhưng dân Do Thái kêu lên rằng: Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua thì chống lại Xê-da”. Lời xuyên tạc vu khống cho Chúa Giêsu có thể quật lại chính Philatô. Và ông đang kinh nghiệm cái sức mạnh của sự vu khống và xuyên tạc, của đám đông khi bị sách động.

Philatô đưa Chúa Giêsu ra trước đám đông và nỗ lực lần cuối để kêu gọi lương tri của đám đông. Nhưng đám đông đã say máu, la hét át mọi lời kêu gọi của Philatô.

Thánh Mac-cô kể tiếp: “Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đi đóng đinh vào thập giá” (Mc 15,15).

Thánh Luca kể: “Lần thứ ba ông Philatô nói với họ: Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?... Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội. Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ” (Lc 23,22-25).

Thánh Matthêu kể một chi tiết rùng rợn: “Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được việc gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: Ta vô cán trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy! Tòan dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,24-26).

Thắng lợi, thành công của lãnh đạo dân Do Thái

“Vậy họ điệu Đức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó họ đóng đinh Ngừoi vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giêsu thì ở giữa” (Ga 19, 17-18).

Thánh Gioan không nói hai người cùng bị đóng đinh là ai, cũng không nói họ là kẻ tội phạm, chỉ nói là hai con người. Thánh Gioan đã viết trong lời tựa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngay khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, thánh Gioan muốn nhấn mạnh điều này: “mỗi người một bên, còn Đức Giêsu thì ở giữa”. Từ nay những người bị bất công áp bức đều thấy Chúa Giêsu ở giữa họ trên thập giá, trong cảnh bất công áp bức tột cùng.

Gậy ông đập lưng ông. Philatô đâu phải là tay mới vô nghề! Ông biết cách củng cố cái ghế của ông. Ngay trong vụ án bất công này ông cũng bíêt cách thủ lợi và “chơi xỏ” giới lãnh đạo Do Thái: “Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: GIÊSU NA-DA-RET, VUA DÂN DO THÁI. Trong dân Do Thái có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng Hip-ri, La-tinh và Hy-lạp. Các thượng tế của người Do Thái nói với ông Philatô: Xin ngài đừng viết “Vua dân Do Thái”, nhưng viết “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do Thái”. Ông Philatô trả lời: Ta viết sao, cứ để vậy” (dịch sát: cái gì ta đã viết là ta đã viết).

Phe lãnh đạo Do Thái đã sách động dân la ó đe dọa Philatô khi ông muốn tha Chúa Giêsu, bây giờ thì ông biến việc đóng đinh người vô tội mà họ đòi giết trở thành công trạng của ông. Báo cáo gởi cho hòang đế Xê-da sẽ ghi: “ngày… tháng … năm… tổng trấn Philatô đã đóng đinh Giêsu Na-da-ret, vua người Do Thái vào thập giá”. Mọi người đã thấy cảnh trên Gôn-gô-tha đều có thể làm chứng là họ đọc được bản án như vậy.

Lãnh đạo Do Thái Đắc thắng: “Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: Hắn đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của TC, là người được tuyển chọn.” (Lc 23,35).

Thánh Matthêu kể: “Các thương tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: Hắn cứu được thiên hạ mà chẳng cứu nổi mình, Hắn là Vua It-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thưong hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa!” (Mt 27,41-43).

Chúa Giêsu chiến thắng

Các sách Tin Mừng Nhát lãm (Mt, Mc, Lc) đều kể hiện tượng bóng tối bao trùm mặt đất từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (từ lúc Chúa Giêsu bị treo lên đến khi Người tắt thở trên thánh giá), bức trướng trong Đền Thờ bị xé làm hai từ trên xuống dưới. Bóng tối bao phủ mặt đất ở trong sách Thánh Cựu Ước lại mang ý nghĩa dấu hiệu cuộc hiển linh của Tniên Chúa để phán xét (Giô-en 2,2). Chính lúc Chúa Giêsu chết là lúc trời đất làm chứng Người là Con Thiên Chúa, là lúc Giao Ước Mới được thiết lập bàng Máu Chúa Giêsu (x.thư gởi tín hữu Do Thái, 9-10).

Riêng thánh Matthêu nói đến “đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung” khi Chúa Giêsu tắt thở (27,51-52), rồi:

“Ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mac-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá (lấp cửa mộ) ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi” (Mt 28,1-4).

Khi Chúa chết là lúc Chúa đánh bại chính tử thần; “mồ mả bật tung”: mồ mả là dinh cơ của tử thần. Cảnh ở mộ Chúa Giêsu sáng ngày thứ nhất gợi cho ta hình ảnh một cuộc đô vật: đè ngửa đối thủ, vỗ lên bụng nó là chiến thắng rồi!

“Chuyện bịp cuối cùng”

“Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pharisêu kéo nhau đến ông Philatô, và nói: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy. Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước. Ông Philatô bảo họ: Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết! Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ” (Mt 27,62.66).

Câu trả lời của Philatô đầy mỉa mai. Lính của Philatô là để trị dân thuộc địa chứ đâu phải để đi canh mộ môt người vô tội mà người Do Thái đã áp lực đòi ông cho giết, bây giờ họ lại sợ và đòi ông cho lính đi canh mộ cho họ ngủ ngon! Lính của Philatô không được huấn luyện để đi canh mộ! “Các người hãy đi mà canh giữ theo cách các người biết”! Họ đã cần Philatô chấp thuận để giết CG, bây giờ họ lại cần được Philatô chấp thuận để canh giữ mộ Chúa Giêsu. Họ cẩn thận niêm phong tảng đá lấp cửa mộ, rồi cắt lính canh mồ, dĩ nhiên lính này là đám thuộc hạ của họ, chứ không phải lính của Philatô.

Sau khi thiên thần nói với các bà ở mộ, các bà thi hành lệnh truyền đi báo tin cho các môn đệ, thì bọn lính canh hòan hồn, chạy về báo cáo.

“Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự. Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy” (Mt 28,11-15).

Cơ quan quyền lực tối cao của dân Do Thái đang thực hiện “chuyện lừa bịp cuối cùng” mà họ sợ rằng các môn đệ của Chúa Giêsu sẽ làm. Bọn lính được trao một nhiệm vụ quan trọng như thế mà không hòan thành, lẽ ra phải vào tù, nhưng lại được tiền đi ăn nhậu để rêu rao khắp phố xá bài tuyên truyền do lãnh đạo dạy họ.

So sánh với những gì sách Sách Công vụ kể về vua Hêrôđê khi vua cho bắt ông Phêrô giam vào ngục để chờ ngày đem ra xử. “Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiềt cho ông. Trong đêm trước ngày bị vua Hêrôđê đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khóa vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh.”(Cv 12, 4.6).

Chẳng người nào vào giải cứu nổi ông Phêrô, nhưng Chúa sai thiên thần đến giải cứu.

“Sáng ra, bọn lính nhốn nháo không ít: ông Phêrô đã ra sao rồi? Vua Hêrôđê cho truy nã ông: bởi không tìm ra, nhà vua tra hỏi lính canh và ra lệnh điệu họ đi xử” (CV 12, 18-19).

Bài tuyên truyền do lãnh đạo Do Thái dạy lính cũng chẳng bịp được ai, một người nhà quê thất học cũng thấy ra cái vô lý: ngủ thì làm sao biết chuyện gì xảy ra? Thánh Augustinô bình luận: “Ai ngủ? lính canh ngủ hay các ngươi ngủ?”

Christus vincit, Christus regnat, Christus imperat - Chúa Kitô chiến thắng, Chúa trị vì, Chúa hiển trị

Trở lại cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu. Ta vừa coi cách thánh Matthêu trình bày cuộc chiến thắng ngay khi Chúa Giêsu tắt thở. Các sách Phúc Âm khác cũng trình bày cuộc chiến thắng đó.

Thánh Mac-cô kể: «Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu thấy Người tắt thở như vậy liền nói: Quả thật người này là Con Thiên Chúa» (15,39).

Philatô cũng thay đổi thái độ: “Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát, nên ông Giô-xép tới. Ông là người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài ĐG. Nghe nói Người đã chết, ông Philatô lấy làm ngạc nhiên, và cho gọi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người đã chết lâu chưa. Sau khi nghe viên sĩ quan cho biết sự việc, tổng trấn đã cho ông Giô-xép lãnh lấy thi hài.” (Mc 15,42-45).

Một chi tiết đáng lưu ý: ông Giô-xép là thành viên có thế giá của Thương Hội Đồng nhưng lại không được mời dự cuộc họp để xử CG và cũng không được thông tin gì cả. Ông lên Giêrusalem vì là ngày áp lễ, ông lên để dự lễ. Tới nơi thấy sự việc đã rồi, ông dùng thế giá của mình để đi gặp Philatô, bất chấp các thành phần khác trong giới lãnh đạo. Họ sợ ông “cản mũi kỳ đà” nên không thông tin cho ông. Theo thánh Gioan thì “ông Giô-xép này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái” (Ga 19,38). Bây giờ thì ông hết sợ !

Thánh Luca kể: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: Người này quả là người công chính ! Tòan thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về” (23,47-48).

Chuyện bịp và sự thật

“Chuyện bịp cuối cùng” của lãnh đạo dân Do Thái có vẻ thành công phần nào, như thánh Matthêu kể: ”Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay” (Mt 28, 15) – Sách Tin Mừng theo thánh Matthêu như ta đọc ngày nay được viết vào thập niên 70 hoặc 80, thế kỷ I.

Thế nhưng Tin Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh đã được loan báo khắp thế gian do chính những người môn đệ đã chạy trốn khi Chúa Giêsu bị bắt. Hai người đi táng xác Chúa Giêsu (ông Giô-xép và ông Ni-cô-đê-mô) là hai môn đệ “chui” ! Cả đến khi CG phục sinh đến với các môn đệ thì các ông vẫn còn sợ: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái… Tám ngày sau, các môn đệ ĐG lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín” (Ga 20, 19.26).

Chính những con người hèn nhát đó đã nhận lệnh của Chúa Phục Sinh: “Thầy đã được trao tòan quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Giới lãnh đạo Do Thái đã bắt bớ họ, giết họ; Hêrôđê cũng giết một trong nhóm Mười Hai và toan giết cả ông Phêrô. Rồi đế quốc Rôma đã giết hại các môn đệ Chúa Giêsu suốt 3 thế kỷ. Bao nhiêu bạo chúa, bạo quyền đã tiếp nối nhau bắt bớ và giết hại các môn đệ của Chúa Giêsu suốt hai mươi thế kỷ vừa qua và ngay trong thế kỷ 21 vừa khởi đầu này. Hội Thánh của Chúa vẫn chỉ biết cầu nguyện như Chúa Giêsu trên thập giá và cứ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu và theo gương Người: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38). Bị bách hại thì họ cũng làm theo lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27-28).

Hội Thánh tin vào lời Chúa hứa: "Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” để đi làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8). Chúa là bảo đảm duy nhất của Hội Thánh.

Ngày 28-9-2008