TÊ TÁI QUÁ..! ĐỒNG CHÍ ƠI..!

Kính gởi các anh em Cựu Chiến Binh tham gia vào cuộc đàn áp tại Tòa Khâm Sứ - Hà Nội ngày 25/9/2008 vừa qua.

Kính thưa anh em Cựu Chiến Binh!
Lời đầu tiên tôi xin gởi lời chúc sức khỏe đến tất cả anh em, và xin phép anh em cho tôi được xưng hô với các anh em bằng hai tiếng “Đồng Chí” cho thân mật nhé, vì hiện nay tôi cũng là một Cựu Chiến Binh đang sinh hoạt tại địa phương, bằng không ít là cho tôi được gọi hai tiếng thân thương đó trong lá thơ này, để chúng ta cùng cởi mở với nhau một cách chân tình hơn.

Kính thưa các Đồng Chí!
Để được gọi là Cựu Chiến Binh mỗi người chúng ta ai cũng đã phải trải qua những năm tháng tuổi trẻ của đời mình cống hiến cho sứ mạng “Bảo Vệ Tổ Quốc”, trong cuộc chiến đấu gìn giữ quê hương, để mong rằng sẽ đem lại cho Đất Nước và Nhân Dân một cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc.

Trong những ngày tháng sống trong môi trường quân đội, chắc hẳn chúng ta cũng đều thuộc những bài hát truyền thống của quân đội trong đó có một bài mà mỗi khi chúng ta hát lên đã đem lại cho chúng ta một tinh thần dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh chính bản thân mình, đó là bài “Vì Nhân Dân Quên Mình” , hôm nay chúng ta cùng nhau hát lại để hâm nóng lại tinh thần đó nhé.

Vì Nhân Dân quên mình, vì Nhân Dân hy sinh.
Anh em ơi! Vì Nhân Dân quên mình.
Đoàn Vệ Quốc chúng ta ở Nhân Dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần.
Thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu không ngừng, vì Đất Nước thân yêu mà hy sinh.
Thề diệt hết đế quốc kia, giành tự do, hòa bình.
Đoàn Vệ Quốc quên mình vì Nhân Dân.


Vâng! Kính thưa các Đồng Chí!
Chúng ta sẵn sàng ra đi hy sinh cuộc sống mình để bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, vì sự tự do và hòa bình của nhân dân mà chúng ta ra đi, như trong những vần thơ “Tây Tiến” của mình, Quang Dũng đã thổn thức:

Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.


Ý chí quyết tâm của người lính chúng ta là hình ảnh “Mắt trừng” là dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào tình hình của đất nước đang lâm nguy, sẵn sàng tiến thẳng ra biên giới, nhưng tâm hồn của những người lính luôn hướng lòng về Hà Nội, nơi đó có những người thân yêu đang gởi trọn niềm tin vào các anh, những người thân yêu đó là những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người em và trong những người thân yêu đó chắc hẳn phải có hình dáng của một người thiếu nữ Hà Nội mà anh đã từng ấp ủ yêu thương mà hằng đêm anh vẫn thường mơ về dáng kiều thân yêu đó.
Vâng! Vì hạnh phúc, vì tự do của những người thân yêu mà các anh can đảm ra đi, chấp nhận mọi tình huống cho dầu:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh


Cũng như Nguyễn Đình Thi đã bộc lộ trong vần thơ “Đất Nước”:

Những đêm dài hành quân nung nấu
Lòng bồn chồn nhớ mắt người yêu


Các anh em là những chàng trai Hà Nội đã ra đi và đã nung nấu trong lòng một ý chí, một quyết tâm chiến đấu và mục đích của cuộc chiến đấu đó là gì?

Nếu không phải là để cho cánh đồng quê hương được thơm ngát mùi hương lúa mới, để cho ánh nắng chiều hoàng hôn êm dịu chiếu rọi trên khắp nẻo đường, để mọi người được đón nhận niềm hạnh phúc ngọt ngào trong một bầu khí của trời mới, đất mới và đặc biệt là để cho các đôi bạn trẻ được đón nhận tình yêu trên một đất nước thanh bình và tự do, trong đó có một tình yêu nhỏ bé của riêng các anh.

Vâng! Thưa các anh em Cựu Chiến Binh quý mến!
Chỉ vì không chấp nhận cảnh bất công, cảnh cướp bóc của giặc ngoại xâm đang ngày đêm dày xéo quê hương, chúng ta đã ra đi để giành lại cho nhân dân sự tự do và hạnh phúc, nhưng cuộc chiến nào cũng phải trải qua những đau thương, mất mát, và trong đồng đội của chúng ta có những người đã phải nằm lại một nơi nào đó trên chiến trường, mà chúng ta đã từng gặp thấy trên các bước đường hành quân “rải rác biên cương mồ viễn xứ” và có khi ngay chính lúc đang hành quân có người đã lặng lẽ “gục trên súng mũ bỏ quên đời” các đồng chí đó đã gởi lại thân xác mình ở một nơi nào đó giữa lòng đất mẹ.

Còn chúng ta, được may mắn trở về với gia đình, với những người thân yêu, có người còn lành lặn, nhưng cũng có người đã gởi lại một phần thân thể của mình ở một nơi nào đó trên quê hương (như các đồng chí chẳng hạn), trở về với gia đình chúng ta lại hội nhập vào đời sống xã hội tùy theo điều kiện, hoàn cảnh sống của mỗi người, chúng ta chấp nhận sự thiệt thòi khi tuổi trẻ của chúng ta đã qua đi, chúng ta an lòng khi nhìn thấy cuộc sống của đồng bào, của nhân dân trên khắp đất nước được an vui, hạnh phúc.

Còn chúng ta, những người Cựu Chiến Binh, chúng ta đã không đòi hỏi gì cho chính chúng ta…

Nhưng hôm nay, ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội này đã có cảnh “Dây thép gai đâm nát trời chiều” để rồi “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội – Những phố dài xao xác hơi may” những điều mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã cảm nhận khi nhân dân ta đang sống trong cảnh nô lệ mà hôm nay đang được tái diễn sống động ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội yêu dấu này.

Các Đồng Chí có thấy và tin rằng:
- Những cảnh cướp bóc trắng trợn đang xảy ra giữa lòng Hà Nội hôm nay không?
- Những hình ảnh của người người cha, người mẹ, người anh, người chị, người em Hà Nội đã bị tấn công bằng dùi cui, bị chà đạp bằng giày đinh khi đòi công lý không?
- Những người em nhỏ Hà Nội bị xịt hơi cay khi đang cầu nguyện không?
- Những bà mẹ già Hà Nội yếu đuối bước thấp bước cao đã bị đám côn đồ gạt chân té khi đi cầu nguyện không?
- Những ảnh tượng linh thiêng của tôn giáo đã bị bọn mất hết lương tri tạt bằng dầu nhớt trộn mắm tôm không?
- Những hình ảnh của đám côn đồ hung hãn giữa đêm la ó, đập phá, đòi chém, đòi giết những người dân lành vô tội, những bậc tu hành trước mắt các công an đang làm nhiệm vụ không?

Tất cả những điều này đang diễn ra ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội được mệnh danh là 4.000 năm văn hiến.

Và cả các Đồng Chí nữa, chính các Đồng Chí cũng đã tham gia đàn áp những người dân lành Hà Nội đang cầu nguyện ôn hòa trước Tòa Giám Mục, các Đồng Chí đã la lối đập phá cổng và đòi đốt Tòa Giám Mục.

Vậy thử hỏi các Đồng Chí:
- Những người giáo dân Thái Hà nói riêng và tất cả giáo dân Hà Nội nói chung phạm tội gì, mà bị đàn áp, dã man, bất công như vậy?
- Đức TGM Ngô Quang Kiệt và các Linh mục DCCT phạm tội gì, mà đòi chém, đòi giết?

Phải chăng là Đức TGM Ngô Quang Kiệt, các Linh mục DCCT và các giáo dân Hà Nội đã phạm tội là dám mạnh mẽ nói lên những sự thật, những bất công, những hành vi mờ ám của một số cán bộ cao cấp hầu muốn chiếm đoạt hai mảnh đất tại 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng?

Vì không dám đối diện với sự thật mà các vị ấy đã dùng quyền của mình để đàn áp, bằng dui cui, roi điện, hơi cay hầu dập tắt tinh thần đấu tranh đòi công lý trong ôn hòa của những người dân lành Hà Nội.


Nghe tin hành lang không biết hư thực thế nào cho biết rằng: Những kẻ côn đồ hung hãn mặc áo xanh kia được thuê mướn 70.000đồng /1 ngày, các chị em trong hội phụ nữ thì được 100.000 đến 200.000 đồng/1 ngày, có một anh công an còn cho biết cuộc đàn áp dân lành ngày 28/8/2008 tại quận Đống Đa được thưởng 5.000.000 đồng. Còn các Đồng Chí là Cựu Chiến Binh các Đồng Chí được trả bao nhiêu … chắc có lẽ phải cao giá hơn?

Những người mà các Đồng Chí đàn áp, chửi bới, đòi giết đó là ai?

Có phải là những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người em Hà Nội mà các Đồng Chí đã hy sinh đời mình cho họ trong những năm tháng kháng chiến không?
Các đồng Chí có biết rằng trong những người dân lành đang cầu nguyện kia cũng có cả những người là Cựu Chiến Binh như chúng ta hay không?

Tôi thật đau đớn và chua xót khi nhìn thấy cảnh những người anh em Cựu chiến Binh của tôi hôm nay lại nhẫn tâm đàn áp những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người em Hà Nội của tôi.

Các Đồng Chí có đứng về phía chính nghĩa, có tìm hiểu sự thật, nhìn thẳng vào sự thật để đứng về phía sự thật, và bảo vệ sự thật hay không? Hay là vì một món tiền hay một lời hứa hão huyền nào đó mà các Đồng Chí đã đánh mất cả lương tri của mình?

Sau cuộc đàn áp này, các Đồng Chí được những gì? và mất những gì?

Tôi xin các Đồng Chí hãy thức tỉnh, đừng nhúng tay vào chàm, hãy bênh vực sự thật và bảo vệ sự thật để máu của những người dân lành Hà Nội không bị đổ oan uổng như đã bị đổ oan ức tại Thái Hà trong những ngày vừa qua..

Cho dù hai mảnh đất 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng có trở thành công viên gì đi chăng nữa, khi mà công lý và sự thật chưa được sáng tỏ thì cuộc đấu tranh đòi công lý của người Công Giáo Hà Nội vẫn còn tiếp tục cho dù thời gian có kéo dài bao lâu …

Tôi cũng nói cho các Đồng Chí biết rằng, người Công Giáo cũng có một bài hát mà mỗi khi cất lên làm cho tinh thần của người Công Giáo thật hăng say, can đảm, tin tưởng và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho sự thật, đó là bài “Bài Ca Ngàn Trùng”, tôi hát cho các Đồng Chí nghe nhé.

Đây bài ca ngàn trùng, đây bài ca ngàn trùng
Bài ca thắm nhuộm máu hồng
Từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu.
Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu.
Nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao
Từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường.


Người Công giáo có một thủ lãnh tối cao, vị thủ lãnh đó chính là Đức Giêsu KiTô, luôn trung thành và sẵn sàng bước theo con đường mà vị thủ lãnh đó đã đi, đó là tiến về Giêrusalem không phải để tìm cái chết mà là để chứng minh cho tình yêu. Người Công Giáo Hà Nội nói riêng và người Công Giáo trên toàn cõi Việt Nam và ở hải ngoại nói chung ánh mắt luôn hướng thẳng về Thánh giá sẵn sàng tiến về Tòa Khâm Sứ và Thái Hà cho dầu có gặp bao nhiều cản trở và thử thách, người Công Giáo không điên rồ đi tìm cái chết vô nghĩa, nhưng sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho sự thật và công lý.

Trong những ngày qua cũng đã chứng minh cho thấy điếu đó, người Công Giáo trên khắp miền Bắc, cả miền Trung và miền Nam nữa, những người nông dân thật thà, chất phát, tâm hồn hiền hậu như gốc lúa, bờ tre cũng đã bật lên những nỗi nhục nhằn, căm phẫn …cùng nhau đứng dậy tiến về Thái Hà và Tòa Khâm Sứ, dẫu biết rằng nguy hiểm, dẫu biết rằng gian lao, dẫu bị ngăn chặn từ mọi ngã đường, nhưng không gì có thể ngăn cản được tinh thần hiệp nhất, tấm lòng yêu chuộng công lý của những con người bé nhỏ nhưng lại mang một trái tim anh hùng ấy.

Máu dân lành đã đổ, hình ảnh của những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người em Hà Nội, đã và đang bị xúc phạm và đàn áp, ai có thể cam lòng nhìn thấy những hình ảnh đó mà lòng dạ chẳng tái tê, đau xót, như Hoàng Cầm đã từng cảm nghiệm khi đứng bên kia bờ sông Đuống …khi biết làng quê mình đang sống trong vòng khổ nhục, tang thương …

Sao xót xa như rụng bàn tay.
Nghe tiếng hát lời kinh của các mẹ, các chị, các em Hà Nội cất lên mọi lúc, mọi nơi, cả trong màn đêm tĩnh mịch để đấu tranh cho sự thật, để đòi công lý đã làm quặn thắt lòng những con người còn chút lương tri.

Em ơi! Đừng hát nữa lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng hát nữa dạ con sầu.


Nhưng làm sao ngăn được được tiếng hát lời kinh của các mẹ, các chị, các em khi mà nỗi bất công, gian trá, đàn áp vẫn còn hiện diện trên quê hương, khi mà công lý và sự thật chưa được thật sự sáng tỏ nơi cộng đồng xã hội và nơi mỗi lòng người.

Các mẹ, các chị và các em vẫn tiếp tục đấu tranh trong tinh thần bất bạo động, đấu tranh bằng lời kinh tiếng hát nhẹ nhàng, êm dịu và vút cao như lời ru thưở nào mà mẹ đã hát ru đưa anh vào đời.

Ôi! Thật ý nghĩa làm sao những vần thơ của các nhà thơ Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi và Hoàng Cầm, những vần thơ mà các vị ấy đã viết ra từ thời kháng chiến, khi đất nước đang sống trong cảnh nô lệ, khói lửa đao binh, nhưng sao những vần thơ ấy lại hồi sinh một cách sống động giữa lòng thủ đô Hà Nội hôm nay.

Kính thưa các Đồng Chí Cựu Chiến Binh quý mến!
Xin các Đồng Chí thinh lặng vài phút để gẫm suy, để nhìn lại những giá trị cao đẹp mà các Đồng Chí đã sống trong suốt thời tuổi trẻ: “Vì Nhân Dân quên mình, vì Nhân dân hy sinh” , lý tưởng cao đẹp này có còn đọng lại chút nào trong lòng các Đồng Chí hay không?

Kính chào các Đồng Chí.
(Một Cựu Chiến Binh)