ĐƯỢC KÊU MỜI ĐỂ LÀM NHÂN CHỨNG

Xin ghi lại một phần nào nội dung cuộc nói chuyện giữa một nhóm bạn trẻ với một linh mục về sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ như là để chia sẻ với bạn đọc một trong những cách nhìn và phản ứng khác nhau trước biến cố này.

Thưa cha, chắc lâu nay cha cũng theo dõi những sự kiện đang xảy ra ở Thái Hà –Tòa Khâm Sứ. Chúng con nhiều người cũng băn khoăn, không rõ thực hư thế nào. Cha có thể chia sẻ với chúng con một vài cảm nghĩ?

- Tôi cũng như anh em ở xa và thông tin trên báo đài thì khác, trên mạng thì khác. Tôi nghĩ các thắc mắc của bà con chúng ta đã được giải đáp đầy đủ qua bài quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mà chúng tôi vừa chuyển đến anh chị em. Riêng tôi, tôi xin có vài ý muốn chia sẻ. Có người khép tội là làm loạn, theo nghĩa “làm mất trật tự công cộng ở số nhà 178 Nguyễn Lương Bằng,... .” để khởi tố. Chuyện ‘lỗi phải’ là chuyện dài và rắc rối, xin nhường cho những chuyên gia về pháp luật. Thật sự, khi theo dõi diễn biến sự việc, càng ngày tôi càng thấy hình thành nên chứng từ của một tập thể. Trong nhà thờ chúng ta rao giảng nhiều về bổn phận phải làm chứng cho Tin Mừng, làm chứng nhân cho Chúa, nay có dịp, giáo sĩ, giáo dân trong nước ngoài nước cùng làm chứng chung với nhau trước một sự kiện.

Xin cha có thể nói rõ hơn về việc ‘làm chứng’này...

Làm chứng’ (martyria), cùng với các yếu tố khác như phục vụ (diakonia), và rao giảng (keryma), ... là những yếu tố không thể thiếu trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Nếu GH không làm chứng cho Chúa Kitô và những giá trị của Tin Mừng, Giáo Hội không còn là giáo hội nữa, Giáo Hội đã trở thành như men muối đã lạt, như đèn không còn tỏa sáng. Giáo Hội Việt Nam ngay từ đầu đã có hàng trăm ngàn chứng nhân trên khắp ba miền. Giáo xứ Thái Hà và cộng đồng Dân Chúa xa gần đang hướng về cùng cầu nguyện, âm thầm hi sinh, thăm viếng, im lặng, lên tiếng, khiếu nại, tổ chức đời sống cộng đòan, tập trung, bày tỏ hiệp thông, động viên, trưng dẫn pháp luật...tất cả đang làm nên một cộng đòan Giáo hội Chứng Nhân của Chúa Kitô thật là sống động. Tôi luôn hiệp nhất với mọi người ở đó trong tinh thần làm chứng đó.

Cha nhìn sự kiện như vậy, nhưng nhiều người thấy giáo dân tập trung trước đây ở Tòa Khâm Sứ, rồi bây giờ ở Thái Hà để cầu nguyện, xem ra có vẻ lạm dụng việc cầu nguyện, hay là cầu nguyện không đúng nơi, đúng lúc, gây gai chướng cho người ngoài hay các tín đồ trong các tôn giáo khác?

- Đúng ra nên nói thế này: nhà thờ là nơi tốt đẹp nhất để cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa của Hội Thánh. Nhưng có thể cầu nguyện luôn, cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi. Tập trung ở chỗ nào đó để cầu nguyện là việc bình thường. Riêng việc cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ hay ở Thái Hà làm tôi liên tưởng đến việc xưa cũng như nay các tín hữu đã đến tại các chặng trên đường khổ nạn của Chúa ở Giêrusalem để suy ngắm và cầu nguyện. Và đấy là gốc tích việc ngắm đàng Thánh Giá trong Giáo Hội ngày nay. Chúng ta nhìn Chúa hoài trên bàn thờ trong Nhà Chầu, rước Chúa vào lòng hay nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh. Giờ đến lúc chúng ta ngắm nhìn Ngài trong thực tế, trong những nỗi đau của con người, những người nghèo, những người yếu thế, những người thấp cổ bé miệng, bị gạt ra bên lề xã hội. Có những khóa học hay cuộc hội họp về truyền giáo hay mục vụ, trước khi đi vào hội nghị chính thức, các tham dự viên đi tới những vùng nghèo khổ, ô nhiễm, đói rách để chứng kiến tận mắt nỗi đau của con người để nhắc họ đừng quá lí tưởng, đừng trốn chạy thực tế nhưng biết đau xót, biết cảm thông để cùng nhau tìm cách chia sẻ, đồng hành với những người đau khổ. Khi mời gọi giáo dân đến - và chính mình cũng đến - để cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ hay ở đền Mẹ ở Thái Hà, các vị chủ chăn kêu mời mọi người chúng ta cúi xuống trên một nỗi đau có thật của một cộng đòan. Một ‘nạn nhân’ ‘bị cướp đánh dở sống dở chết’ đang nằm bên vệ đường ở Tòa Khâm Sứ, ở Thái Hà. Lời kêu mời này trước khi gởi tới với ai đó bên ngoài đã nhắm đến chính những các thành phần Dân Chúa bên trong Giáo Hội. Các xứ đạo chúng ta vốn bị phê phán là quá chuộng lối giữ đạo theo lễ bái, hội hè, đình đám, tập trung nơi cơ chế, những vấn đề cục bộ, nhưng thiếu phần dấn thân cho công bằng xã hội. Trong truyền giáo chúng ta nói nhiều về phục vụ (diakonia) mà thiếu làm chứng (martyria). Thì đây là cơ hội tốt để thức tỉnh tinh thần tông đồ trong việc dấn thân cho công bằng xã hội và làm một cái gì cụ thể. Anh có công nhận rằng Tòa Khâm Sứ và Thái Hà là một nỗi đau không?

Thưa cha, đúng là một nhức nhối chung của tòan xã hội, nhất là của những ai tâm huyết muốn xây dựng một xã hội Việt Nam với truyền thống tôn trọng nhân nghĩa...

Và không phải ở Tòa Khâm Sứ hay Thái Hà mà còn biết bao nhiêu nơi khác ở Việt Nam và trên thế giới. Chúa Kitô hôm nay còn đang chịu đóng đinh ở nơi nào mà con người đang bị đóng đinh, đang bị bị áp bức bất công, có nhân phẫm không được tôn trọng, có đất bị chiếm dụng vô cớ, có suối, sông, có không khí bị bị làm ô nhiễm không uống được, không hít thở được. Phải dừng lại chiêm ngắm một điểm rõ rệt cụ thể để đừng quên những thực tế phũ phàng về một nhân loại tiến bộ về khoa học kỹ thuật nhưng thụt lùi lại về những giá trị đạo đức. Người Kitô tỉnh thức không để những áp phích quảng cáo màu mè hay những thành tích ảo làm mờ mắt mình. Khi kêu gọi dừng lại ở những chỗ nhức nhối như thế, Giáo Hội muốn nói lên rằng: GH đồng cảm với người nghèo, chia sẻ thân phận của họ theo gương con đường nhập thể của Chúa Giêsu. ‘Con đường của con người là con đường của Hội Thánh.’ Đức Gioan Phaolô II đã nói như thế. Nếu việc chiêm ngắm Chúa chịu khổ nạn dẫn ta tới thâm hiểu mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô và lòng sám hối cũng thì đây cũng thế, ai cũng phải thấy mình liên lệ trước nỗi thống khổ của tha nhân và được kêu mời phải sám hối ăn năn.

Thưa cha, nếu thế thì sự việc ‘làm chứng’ chỉ là việc đạo đức cá nhân và không tác dụng xã hội bao nhiêu?

- Lịch sử nào cũng đan xen những ‘bóng tối’ và ‘ánh sáng,’ xã hội nào cũng đầy dẫy những chuỗi thiện - ác. Khi Kitô hữu làm chứng, họ không chống lại cơ cấu xã hội hợp pháp, nhưng chống lại những biểu hiện tội lỗi, những cái thối nát bên trong những cơ cấu đó. Họ không nhân danh Giáo Hội để làm chính trị theo nghĩa chiếm lấy quyền hành chính trị, nhưng họ có bổn phận làm cho quyền hành đó thấm nhuần những giá trị của Tin Mừng. Anh nghĩ sao: nếu ai cũng lên tiếng về tham nhũng, giáo dục lạc hậu, ô nhiễm môi trường, mãi dâm, phá thai, xì ke ma túy, HIV,... mà cả giáo sĩ lẫn giáo dân của ta đều bình chân như vại? Ở đây ‘Thái Hà’ ‘Tòa Khâm Sứ’ đòi hỏi một yếu tố làm nền tảng của xã hội dân sự là ‘công lý và sự thât;’ ‘công lý và sự thật càng được tôn trọng, xã hội càng vững mạnh. Tôi nghĩ đây là động lực của lòng yêu nước tiềm ẩn đã qui tụ ý chí mọi người xa gần. Chính vì thế mà khi các thứ báo đài loan tin bịa đặt, hay các viên chức liên hệ hành xử bất chấp pháp luật hay không trúng chức năng của mình thì lại càng làm cho giáo sĩ, giáo dân khắp nơi càng thấy việc mình làm chứng là chính đáng và càng đoàn kết với nhau hơn; khắp nơi người ta đang lắng nghe và đang thấy rõ những gì mà những giáo dân không súng ống, không cơ quan truyền thông muốn làm chứng cho họ. Anh nói không có tác dụng gì, tôi không nghĩ như thế. Khi ai đó làm một chút gì đó cho công lý, cho sự thật thì một hạt giống Tin Mừng đã gieo xuống và chờ ngày Thánh Thần cho nẩy mầm lên...

Có báo đài nói những chuyện không đúng về sự kiện Thái Hà Tòa Khâm sứ hay là coi đó là quấy rối an ninh trật tự công cộng, cha nghĩ sao?

- Chúng ta biết lễ bái, giáo điều, tín ngưỡng, phép lạ,... trong các tôn giáo là bồn nhiên liệu cho hoạt động cá nhân và tập thể và là thứ làm mồi rất tốt cho ngọn lửa căng thẳng, mâu thuẫn và bạo lực với các nhóm khác bên ngoài. Tại Thái Hà hay 42 Nhà Chung, cho đến lúc này: các vị chủ chăn và giáo dân Thái Hà đã rất kiềm chế, rất bình tỉnh khi từng bước trình bày các ý kiến và thái độ của mình. Riêng với các phương tiện truyền thông, tôi thấy ‘Thái Hà’ ‘Tòa Khâm Sứ’ là cơ hội tốt để họ đổi mới nếu họ muốn là tiếng nói trung thực của Đảng, của Nhà Nước, đóng góp cho công cuộc đổi mới và phát triển vũng bền của đất nước. Cần chấm dứt ngay những lối đưa tin bịa đặt, đánh lạc hướng dư luận không còn thích hợp trong thời buổi thông tin mạng bùng nổ. Không chừng những báo đài này mới là những tác nhân đang làm loạn bởi vì họ gây hoang mang chia rẻ, làm cho dư luận không rõ thực hư thế nào. Thách đố cho giới truyền thông là dám vào cuộc với tất cả lương tâm và trách nhiệm thông tin đầy đủ và chính xác về sự kiện. Sự việc sẽ chuyển biến theo hướng tích cực cho cả đôi bên nếu các kênh truyền thông của chúng ta dám làm sáng tỏ vụ việc trước dư luận trong nước và trên thế giới.

Nhưng xin thưa cha, đâu phải ai cũng có cái nhìn tích cực như vậy...

- Đúng vậy, nhất là đối với những người thấy mình bị mất quyền lợi hay những ai muốn tận dụng thời cơ này để lèo lái dư luận hay đường lối chính trị theo hướng có lợi cho mình hay phe nhóm mình. Đảng và Nhà Nước và chính chúng ta cần tỉnh thức để cân nhắc chọn lựa ai là người nên tin nên dùng. Họ quen thói gian dối với người ngoài thì họ cũng sẽ gian dối, phản bội Đảng và Nhà Nước thôi. Nếu ‘Thái Hà’ là cơ hội để GH làm chứng thì đồng thời là cơ hội để mọi người yêu nước thương nòi cùng nhau làm vững mạnh, làm trong sạch các cơ chế xã hội, không phải bằng cách lạm dụng sức mạnh quân sự hay truyền thông nhưng bằng tôn trọng công lý và sự thật, biết khách quan rà xét, chỉnh sửa lại các khung luật pháp, các cách hiểu và áp dụng luật, cũng như xử lý nghiêm minh các cá nhân tập thể làm sai luật. Việc này là chuyện nên và phải làm biết bao nhiêu luật lệ, thủ tục hành chính, chương trình giáo dục, tài chính trong xã hội chúng ta đang được cải cách để hướng tới một đất nước Việt Nam thái bình, ổn định trong đó nhu cầu vật chất tinh thần của người dân được quan tâm đúng mức. Tôi mong thế hệ các bạn được sống trong một đất nước như thế. Chúng ta hãy hiệp thông với các lời kinh đã và đang vang lên từ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ để cầu nguyện cho cho ngày mai tươi sáng đó.

Con xin chân thành cám ơn cha.