TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM LẠI LÀM TRÒ ẢO THUẬT

Mấy hôm nay đọc và nghe về nội dung cuộc gặp giữa Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 1/10/2008 tôi chợt nhớ lại vụ việc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 7 năm 2007 sau khi ông trở về từ chuyến gặp Tổng Thống Mỹ Bush và trả lời phỏng vấn đài CNN. Người ta đã phanh phui sự gian trá của báo đài nhà nước Việt Nam khi thêm bớt nội dung trả lời của ông Triết để phục vụ cho chế độ chứ không tôn trọng sự thật.

Với một chút tinh tế, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra "ảo thuật" này trong nội dung cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa qua. Đài truyền hình Việt Nam VTV1 đã không hề cho thính giả nghe những lời từ chính miệng ông Nguyễn Tấn Dũng mà toàn bộ chỉ là lời của phát thanh viên đọc (xin xem tại: http://www.hanoimoi.com.vn/vn/68/182453/).

Với “tiền án” ảo thuật lừa dối của báo đài Việt Nam, chúng ta khó có thể hình dung được nội dung cuộc gặp vừa rồi gây cấn hay sôi động đến đâu. Câu hỏi là tại sao cho đến giờ này nội dung thật sự vẫn còn đang được giữ kín? hay cùng lắm chỉ có một bên nói, còn bên kia làm gì nói gì thì không thấy báo đài tường trình gì cả!

Ai có thể biết rõ nội dung này nếu không phải là các vị Giám mục đã gặp ông Nguyễn Tấn Dũng. Ước mong nghe được tiếng nói của các vị trên các phương tiện thông tin công khai của Công giáo Việt Nam. Để chống lại những thông tin sai lạc và bóp méo của báo đài nhà nước, không có cách nào tốt hơn là chúng ta phải bạch hóa sự thật trên các phương tiện khác.

Tội nghiệp ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tiếng nói mà không có quyền lên tiếng trên đài mà chỉ đóng vai trò diễn viên kịch câm không hơn không kém. Nội dung thì đã có người khác lo để mọi sự được đi đúng lề phải. Tội nghiệp hơn nữa các vị Giám mục Việt nam lại chẳng có lấy một chữ hay một lời phát biểu nào!

Càng ngày người dân càng thấy rõ bộ mặt gian dối của báo đài Việt Nam. Chúng ta thử xem nội dung giao ban của đài truyền hình Việt Nam trong những ngày gần đây liên quan đến sự việc ở Tòa Khâm Sứ và Thái Hà. Trong nội dung giao ban ngày 18/9/2008, ý kiến của Phó Tổng Giám đốc Trần Đăng Tuấn về việc đài truyền hình Việt Nam đưa tin về Thái Hà như sau: “Trong phóng sự về việc công an bắt giữ một số đối tượng của giáo xứ Thái Hà có hành vi vi phạm pháp luật, những hình ảnh cận cảnh như còng tay, giải lên xe tù,... đều rất nhạy cảm về chính trị, tôn giáo và việc đưa lên sóng là không nên”. Ý kiến của Tổng Giám đốc: “Về vụ giáo xứ Thái Hà tranh chấp đất đai: cần tiếp tục đưa những ý kiến phê phán việc vi phạm pháp luật của những đối tượng tham gia gây rối, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ bản chất của sự việc để trong trường hợp bắt buộc phải áp dụng biện pháp mạnh, nhân dân sẽ đồng tình ủng hộ”.

Ý kiến của Tổng Giám đốc trong buổi giao ban ngày 24/9/2008: “Vụ tranh chấp đất của giáo xứ Thái Hà tuy đã có những dấu hiệu lắng dịu nhưng chưa chắc chắn, cần tiếp tục có sự theo dõi sát sao”.

Trong buổi giao ban ngày 26/9/2008, Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Hưng nhận xét: “… Đặc biệt phần bình luận của biên tập viên Đức Hoàng về việc tìm lại lai lịch thật sự của khu đất mà giáo xứ Thái Hà đang có hành vi tranh chấp và những ý kiến về ông Ngô Quang Kiệt đã tạo hiệu quả tuyên truyền mạnh mẽ, giúp nhân dân thấy rõ sự sai trái của giáo xứ Thái Hà và cá nhân ông Ngô Quang Kiệt”.

Còn ý kiến của ông Trần Đăng Tuấn thì như thế này: “Trong vụ việc liên quan đến giáo xứ Thái Hà, công tác tuyên truyền của Đài THVN đã nhận được sự đánh giá cao từ Chính phủ, giúp tạo bước ngoặt trong việc giải quyết vấn đề phức tạp này. Nên sử dụng cụm từ “ông Ngô Quang Kiệt” và hạn chế nói đến chức danh Tổng Giám mục khi phản ánh những hành vi, phát biểu sai trái của ông này”.

Thật không còn từ gì để nói về truyển thông của nhà nước nữa! Xin mời quý vị và các bạn bình luận về những nội dung giao ban này.

Sài Gòn, ngày 2.10.2008