Nhà cầm quyền CSVN đàn áp Công giáo

Chế độ Hà Nội đòi thuyên chuyển một nhân vật tôn giáo quan trọng


Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng các kế sách trong cuộc tranh chấp liên tục với Giáo hội Công giáo. Bây giờ, họ lại lên tiếng yêu cầu đòi thuyên chuyển Ðức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt.

Theo cơ quan Thông tấn xã của nhà nước thì chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo, đã nói với các nhà ngoại giao nước ngoài vào ngày 15/10/08 rằng, “một số giáo sĩ mà đứng đầu là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của một số giáo dân để gây náo động”

Vấn đề náo động mà ông ta chắc chắn muốn nói tới là sự cầu nguyện.

Kể từ cuối năm 2007, vị Tổng Giám mục đã hướng dẫn các buổi cầu nguyện trên khắp thành phố, khi 6 triệu người Công giáo Việt Nam phản đối hành động của nhà nước biến Toà Khâm sứ trước đây ở Hà Nội thành một công viên. Nhưng vào tháng trước, phản ứng của nhà nước đối với các buổi cầu nguyện đã trở nên dữ dội, với cảnh sát chống bạo động, roi điện và hơi cay được dùng để chống lại các buổi tụ tập để cầu nguyện.

Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khải là một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội, khu vực của một trong các buổi cầu nguyện đồng thời cũng là vị trí của mảnh đất mà nhà nước đã tịch biên. Ông nói rằng, “tám tháng sau khi hứa hẹn là sẽ trả lại quyền sở hữu cho Giáo hội trên một tòa nhà trước đây là văn phòng Toà Khâm sứ ở Hà Nội, thì nhà cầm quyền Việt Nam bỗng nhiên bắt đầu phá huỷ toà nhà, gây phẫn nộ cho các giáo dân Công giáo và đưa đến sự phản đối quyết liệt của Ðức Tổng Giám mục Hà Nội”.

Ông Carl Thayer là một giáo sư thỉnh giảng của Ðại học Quốc gia Úc Ðại Lợi, cũng là một nhà quan sát lâu năm về tình hình chính trị Hà Nội. Ông nói, “Việc tranh chấp đất đai này đã leo thang nhanh chóng và trở nên ác hiểm. Cán bộ nhà nước đã xếp đặt cho cho các nhóm đoàn viên thanh niên cách mạng và cựu chiến binh tấn công giáo dân Công giáo đang cầu nguyện và phá hoại các bức tượng thờ phượng”

Các tổ chức phi tôn giáo, phi chính phủ như cơ quan quan sát nhân quyền Human Rights Watch (HRW), vốn đang bất đồng với giáo luật Công giáo về vấn đề phá thai, đã lên tiếng về các hành động của nhà cầm quyền cộng sản. Trong bản thông cáo báo chí ngày 4/10, bà Elaine Pearson, phụ tá giám đốc HRW tại Á Châu nói rằng, “Ðây là chiến dịch đàn áp thô bạo nhất đối với người Công giáo Việt Nam trong nhiều thập niên qua”.

Quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và nhà nước Việt Nam tương tự như bên Trung Quốc, là nơi mà nhà nước chứ không phải giáo hội quyết định việc bổ nhiệm các chức sắc trong giáo hội. Thủ tướng Viêt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã viếng thăm Toà thánh Vatican hồi đầu năm 2007.

Việc bách hại gần đây xảy ra theo sau những lời hoan nghênh cho rằng Việt Nam đã nới lỏng nhiều hạn chế cho tự do tôn giáo, báo trước việc gia nhập của nước này vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới.

Hà Nội đã đạt được một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm nay, và về hùa với Trung Quốc lẫn Nga Sô để phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm lên án chiến dịch đàn áp tàn bạo của chế độ Robert Mugabe đối với thành phần đối lập Zimbabwe, sau khi bầu cử được tổ chức tại quốc gia Phi Châu này vào mùa xuân 2008.

Bà Nina Shea là một uỷ viên của Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, một cơ quan được sự ủng hộ của cả hai đảng, thành lập vào năm 1998 để “theo dõi tình trạng tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng trên thế giới như đã được quy định trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các văn kiện quốc tế liên hệ, và đưa ra những đề nghị độc lập về chính sách cho Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao cũng như Quốc hội.”

Bà nói rằng đây là “một thí dụ rõ ràng về việc giao thương đã thắng sự quan tâm cho tự do tôn giáo, xảy ra vào năm 2006 trước thềm chuyến viếng thăm của Tổng thống Bush đến Việt Nam để dự một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế (APEC), lúc mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháo gỡ Việt Nam ra khỏi danh sách của họ về các quốc gia bách hại tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới”. Hành động tháo gỡ đó đúng ra là vì nhu cầu cấp bách về ngoại giao và kinh tế, vì mối giao thương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang mở rộng, hơn là sự tiến bộ thật sự về tự do tôn giáo.

Và Công giáo không phải là tổ chức tôn giáo duy nhất phải chịu nhiều chèn ép. Theo bà Shea thì, “Các tổ chức tôn giáo kháng cự lại sự kiểm soát cuả nhà nước trên các chức sắc, các bài giảng đạo, và nghi thức tôn giáo đều bị nghiêm cấm và đều phải trải qua sự đàn áp tàn bạo”.

Sự hiện diện của một giáo hội tự trị có thể bị Ðảng cộng sản coi như là một thử thách không thể chấp nhận được đối với quyền hành của nhà nước trong thời kỳ kinh tế yếu kém này. Giới cai trị Viêt Nam đã đi theo một đường lối tương tự như Trung Quốc, gắn liền cải cách kinh tế có chọn lựa với sự tiếp tục độc tài về chính trị.

“Giới bảo thủ trong đảng vẫn một mực lo ngại về việc cải cách kinh tế qúa nhanh chóng và gây ra tình trạng bất ổn định chính trị. Bây giờ nạn lạm phát đang gia tăng và nhiều vấn đề xã hội đã xuất hiện, chẳng hạn như các cuộc đình công lên đến mức kỷ lục trong các xí nghiệp may mặc, khiến các tay bảo thủ trong đảng một lần nữa lại phải lên tiếng lo ngại về ổn định chính trị. Bất cứ hoạt động nào có tính cách ủng hộ dân chủ hoặc liên quan đến tự do tôn giáo đều bị xem như là ‘một âm mưu của các thế lực thù địch bên ngoài muốn lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa’ ”.

Vào đầu tháng 10, Uỷ ban trung ương đảng đã tổ chức một hội nghị trung ương để bàn thảo về cuộc khủng hoảng kinh tế đang gia tăng, và giao cho Bộ chính trị nhiệm vụ coi sóc nền kinh tế cho đến cuối năm, đem sự chỉ đạo kinh tế ra khỏi quyền hạn của chính phủ của ông Dũng.

Các nhà truyền đạo Tin Lành ở khu vực bắc phần Việt Nam cũng khiến cho Bộ chính trị phải lo ngại, với con số người theo đạo làm gợi lại phong trào gia nhập Công giáo do các giáo sĩ truyền giáo người Pháp cổ xuý vào thập niên 1980s, vào lúc đó làm suy yếu đi ảnh hưởng của giới quan lại Khổng giáo trong một đất nước với đạo Phật là tôn giáo chính.

Vài phong trào Phật giáo cũng là mục tiêu cho sự phẩn nộ của nhà nước. Việt bắt bớ các nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn tiếp tục, và như trong hầu hết các bản phúc trình gần đây về Việt Nam, Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã khẳng định quan điểm của họ rằng “trong hầu hết tất cả các trường hợp bắt bớ, bỏ tù và các hình thức giam giữ khác, các nhà lãnh đạo tôn giáo và vận động cho tự do tôn giáo chỉ tham gia vào các hành động được bảo vệ bởi các văn kiện nhân quyền quốc tế”.

Và nhà nước Viêt Nam không phải chỉ tỏ ra khó khăn với Giáo hội Công giáo. Một nhà báo nổi tiếng đã bị tù vì vai trò của ông ta trong việc vạch trần một vụ xì-căng-đan tham nhũng hàng triệu đô la, vốn là tiền viện trợ do Ngân hàng Thế giới và Liên hiệp Âu châu hiến tặng, bị các cán bộ cao và trung cấp trong bộ giao thông vận tải dùng để cá độ trong các trận bóng đá ở Anh Quốc.

Ông Nguyễn Việt Chiến, một ký giả của báo Thanh Niên, bị kết án 2 năm tù vì tố cáo vụ xì-căng-đan đó, một công việc mà toà án đã tuyên bố là một sự “lạm dụng các quyền tự do dân chủ”.

Các nhà báo khác, rõ ràng là háo hức muốn lấy điểm với nhà nước sau khi ông Chiến bị bỏ tù, bắt đầu pha chế dựng lên nhiều câu chuyện cho rằng đại đa số người Công giáo Việt Nam không đồng ý với những giáo dân đang tham gia vào các buổi cầu nguyện (ở Thái Hà và Toà Khâm sứ), mặc dù có nhiều buổi lễ cầu nguyện ủng hộ được tổ chức trong các nhà thờ Công giáo ở các nơi khác trên đất nước Việt Nam.

Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trong một lá thư mục vụ gởi cho tất cả các linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc Tổng giáo phận Sài gòn, đã mô tả các tường thuật của truyền thông báo chí quốc doanh về các buổi cầu nguyện là “phục vụ cho đặc quyền của những phe nhóm quyền lực, chứ không phải vì lợi ích của đất nước”

Ông Long Le giảng dậy chương trình nghiên cứu về Việt Nam ở Ðại học Houston. Ông vạch ra cho thấy đường lối của nhà nước Việt Nam đối với tự do tôn giáo. Ông nói, “Việt Nam quảng bá các truyền thống tôn giáo để thu hút du khách nước ngoài đến các vương cung thánh đường, các chuà chiền đền thờ ở Việt Nam, trong khi các tổ chức tôn giáo vẫn đang bị bách hại”.

Ðức Hồng y Phạm Minh Mẫn nói trong một thông báo: “Có những sự cắt xén và xuyên tạc thông tin trong vụ tranh chấp đất đai ở khu vực Tòa Khâm sứ. Từ ước vọng của chúng ta là muốn đóng góp tích cực cho sự ổn định và duy trì việc phát triển đất nước, chúng tôi muốn chia sẻ những ý tưởng này với anh chị em tín hữu và tất cả những người có thiện chí và tấm lòng chân thực”.

“Chúng tôi tin chắc rằng khi chúng ta cùng nhau hợp tác để xây dựng đất nước trên nền tảng công lý, sự thật và tình thương, thì đất nước Việt Nam của chúng ta sẽ trở nên thịnh vượng hơn, mang hạnh phúc và giàu sang đến tất cả mọi người, đồng thời tạo dựng ra một thế giới tốt đẹp hơn”.

(Bài viết của Simon Roughneen, Asiasentinel, đã đăng trên VietCatholic tuần trước, Phan Lưu Quỳnh lược dịch).