NỖI BUỒN MANG TÊN “LÔ-CỐT”

Thoạt tiên, ra đường thấy công nhân làm đường, sửa đường gây trở ngại lưu thông thì nhiều người đã cảm thấy khó chịu. Ngày nay, không chỉ làm đường, sửa đường mà người ta đào đường để đặt đủ thứ ống này ống kia xuống dưới đất. Đã một thời đi đâu người ta cũng thấy một cái rãnh bề ngang độ nửa mét, người ta đào đào bới bới và cho xuống đó vài ống nhựa để chứa cáp. Tưởng chừng đó cũng là chuyện gây khó chịu cho người dân nhưng ngày nay hễ bước chân ra đường là đụng phải “lô-cốt”. Những con đường mang tên “Lô-cốt” bây giờ phải nói là nỗi ám ảnh của mọi người, mọi nhà và hầu như cả xã hội khi tham gia giao thông.

Khi phải đối diện với những khó khăn của vấn đề đào đường thì người dân kêu ca. Đã rất nhiều lần người ta cam kết sẽ ngưng đào đường nhưng làm sao mà thực hiện được cái cam kết ấy. Không những là cam kết ngưng đào đường nhưng khi đào được mấy con đường được người ta tái lập như ban đầu khi nó được trải nhựa nóng.

Vấn đề ở đây không phải là đào đường, dựng “Lô-cốt” để xây dựng các công trình phụ, các công trình hạ tầng là xấu. Vấn đề ở đây là những nhà chức trách, những chủ thầu, những đơn vị thi công đã khép lòng mình lại như chiếc “Lô-cốt” vậy.

Thật là buồn cười với những chiếc “Lô-cốt” dựng lên gần như là quanh năm suốt tháng mà trong đó chẳng thi công gì cả hay thi công với tiến độ ì à ì ạch. Những cái “Lô-cốt” quanh con đường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã làm khổ không biết bao nhiêu người lưu thông qua nó. Chắc có lẽ nỗi khổ ấy cũng chẳng thấm là bao với nỗi khổ của những gia đình ngày đêm phải chung chia khói bụi do “Lô-cốt” cạnh nhà mình gây nên.

Một lần kia, hết sức ngạc nhiên khi Cha giáo dạy môn Tin mừng thánh Matthêu của chúng tôi đến lớp trễ. Hỏi ra thì sự thật là trên đường từ Dòng Đa-minh qua Dòng Chúa Cứu Thế để dạy học thì Ngài phải “vượt Lô-cốt, trèo lên cả hiên nhà người ta” để có thể lớp được (Có nhiều “Lô-cốt” bít cả đường đi, chỉ còn một cách duy nhất là chạy lên cả hiên nhà mới có thể đi được – Đơn cử “Lô-cốt” trên đường Trần Bình Trọng và Điện Biên Phủ). Cha giáo đi qua đi lại nhiều tháng nhiều ngày và hôm ấy Ngài dừng xe lại, nhìn qua cánh cửa của “Lô-cốt” thì thấy anh công nhân đang nằm ngủ trên tấm phản trong cái láng dành cho công nhân ngay trong giờ làm việc. Hoá ra là người ta dựng “Lô-cốt” cho vui chứ chẳng thi công gì cả. Đến lớp, cha giáo kể cho anh em chúng tôi nghe câu chuyện Ngài dựng xe xem “Lô-cốt” anh em chúng tôi cười đau cả ruột vì sự làm ăn lề mề và vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm.

Đã tham gia giao thông, ai ai cũng muốn mình đi nhanh về lẹ. Mà cũng đúng thôi, nhất là vào cái thời buổi kinh tế thị trường thì ai ai cũng muốn đi cho mau về cho đúng giờ cả. Nhất là những người đi làm cho công ty nước ngoài, khi họ bị bấm thẻ đúng giờ đúng khắc. Kế đến là phần lớn các em học sinh, đi trễ một chút thì theo quy định của nhà trường các em không được vào lớp. Tội nghiệp cho những ông “Tây” phải tự mình xuống khỏi ta-xi để đi bộ vào sân bay cho kịp giờ chứ không thì ngồi nhìn máy bay cất cánh trong sự nuối tiếc. Sau một hồi chen lấn vào đến sân bay thì bở cả hơi tai vì con đường đến sân bay bị kẹt xe nhuốm đầy khói và bụi.

Đất chật, người đông, mật độ tham gia giao thông bây giờ không còn ở mức báo động đỏ nữa mà nó đã đến mức tê liệt hoàn toàn. Thử ra đường sau một cơn mưa thì sẽ chứng kiến được người và xe chật cứng như nêm.

Đường vốn đã chật nay lại hẹp thêm do mang tên “Lô-cốt”.

Vì khói, vì bụi, vì kẹt xe nên đã gây ra không ít sự bực bội cho con người. Vài ngày thì còn chịu đựng nỗi nhưng khốn nỗi là “chứng bệnh kẹt xe” là chứng bệnh trầm kha của mảnh đất Sài Thành này.

Vì những con đường mang tên “Lô-cốt” mà đã gây nên biết bao nhiêu hậu quả kèm sau đó. Người dân Sài Thành vốn dĩ sống trong hiền hoà, trìu mến nay bỗng dưng trái tính trái nết khi phải dối diện với vấn nạn kẹt xe.

Thiệt hại do những con đường mang tên “Lô-cốt” đã gây tổn hại không biết bao nhiêu về tiền của cho con người và xã hội. Thế nhưng, không chỉ thiệt hại về tiền của mà chúng còn làm tổn hại về tinh thần. Thử hỏi mấy ai trong thành phố này cảm thấy vui vẻ, hứng khởi để dạo mát trên những con đường xưa kia vốn dĩ “có lá me bay” nữa. Ngày nay, hễ bước chân ra đường thì ai ai cũng mang nỗi ám ảnh của sự kẹt xe.

Phải chăng “Lô-cốt” là một trong những nguyên nhân gây bao bực dọc, khó chịu cho nhiều người xưa nay vốn dĩ mang trong mình dòng máu của hiền hoà và dễ mến. Không bực sao được khi mà mọi người cứ tranh nhau vượt lên trước người kia để qua khỏi cái “Lô-cốt” dị hình ngày đêm áng ngữ trước mắt mình.

Thật ra, lỗi không phải là lỗi của những chiếc “Lô-cốt” vô hồn. Phải chăng đó là lỗi của những người dựng “Lô-cốt”, phải chăng đó là lỗi của những người thi công công trình một cách ì à ì ạch.

Thế đấy ! Chỉ vì một chút lợi nhuận, chỉ vì một chút ích kỷ, chỉ vì một chút nhỏ nhen của những người có trách nhiệm đã vô tình hay cố ý dựng nên những “Lô-cốt” trong lòng con người. Ngày nay, thử đi tìm được mấy người chịu khó nhường đường, nhường phần ưu tiên cho anh chị em đồng loại khi phải vất vả di chuyển qua những “Lô-cốt” trên con đường đến trường học, đến nhà thờ, đến sở làm, đến chợ, đến siêu thị, đến bệnh viện ….

Nỗi buồn mang tên “Lô-cốt” ngày nay không còn của riêng ai mà ngày nay nó là nỗi buồn của cả một xã hội, của cả một nền quản lý, của cả một chính sách thi công công trình của đất nước.