Hãy để “Ông Chủ Nhân Dân” thưa chuyện với những “Ngài Nô Bộc” của mình:

Bài 2: Báo chí, công cụ của Đảng hay của nhân dân?

• Thưa ngài ỦVBCT, thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng Trương Tấn Sang, trộm nghe ông phát biểu trong buổi đến thăm và làm việc với Hội Nhà Báo Việt Nam sáng 16/6 tại Hà Nội, ông đã nhấn mạnh: "Báo chí cách mạng Việt Nam phải là vũ khí sắc bén của Đảng, là diễn đàn tin cậy của nhân dân", lại nghe một ông Thứ Trưởng Ngoại Giao răn đe nhân vụ hối lộ trong dự án xa lộ Đông Tây: “Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin.” Với ngôn từ và cung cách phát biểu này thì rất rõ ràng nó phản ảnh không những tập quán quen thuộc của người phát biểu mà là cái não trạng xơ cứng của Đảng và nhà nước chỉ nhìn truyền thông như công cụ phát ngôn, là vũ khí sắc bén phục vụ cho Đảng, cho các cơ quan, ban nghành đoàn thể trực thuôc, do đó Đảng và nhà nước không cần thiết phải biết cái chức năng đúng nghĩa và vai trò trọng đại của báo chí là gì. Nói theo Ông, thì trọng trách của báo chí và hệ thống truyền thông là lúc nào cũng mài dũa thủ thuật, nghiệp vụ cho sáng bén, sẳn sàng chiến đấu để bảo vệ Đảng, và báo chí là nơi chỉ để cho bọn bồi bút ca tụng Đảng cấm đứa nào nói thẳng nói thực!

Chính quyền và các cơ quan quyền lực tự hiểu và ý thức rằng cái hiểm họa lạm quyền luôn đi song hành với quyền lực, thấy rõ được cái ranh giới mỏng manh mập mờ giữa hai thứ quyền này, mà người đang nắm quyền lực bị che khuất khó nhận biết, chính vì thế cả thể chế quyền lực và nhân dân củng cố kiện toàn luật pháp bảo đảm cho cái cơ chế giám sát của nhân dân, người làm chủ của mình ngồi ở chô cao nhất, dễ dàng quan sát mọi hoạt động của xã hội và mọi vận hành của các cơ quan quyền lực. Người dân, báo chí cùng với đại diện dân cử của mình được hiến pháp và pháp luật bảo vệ tiếp cận và tham gia vào mọi hoạt động của nhà nước giúp nhà nước điều hành hiệu quả và trong sạch hóa bộ máy như một xu hướng tất yếu trong tiến trình dân chủ hóa xã hội thi Đảng và nhà nước Việt Nam ta đang ra sức củng cố bằng nhiều biện pháp áp đặt đi ngược lại tiến trình văn minh đó.

Một thí dụ điển hình còn rất nóng bỏng, là vì muốn bảo vệ Đảng bộ và UBND Hà Nội, báo chí Hà nội với nghiệp vụ đáng hổ thẹn là cắt xén lời nói của Ông Ngô Quang Kiệt để bêu rếu ông Kiệt trên toàn bộ hệ thống truyền thông cả nước. Không may “đồng chí đã bị lộ” lòi ra cho nhân dân đâu đâu cũng thấy sự trí trá, hèn hạ của Đảng bộ, của UBND Hà Nội, và của nguyên hệ thống truyền thông nhà nước. Thưa ngài UVBCT, cái thí dụ kể trên có phải là điển hình mẫu mực cho vai trò truyền thông mà Đảng ta và nhà nước ta mong muốn?

• Thưa ngài ỦVTƯ Bộ Trưởng Bộ Truyền Thông Lê Doãn Hợp, việc đầu tiên, với tư cách cá nhân tôi, rất nể phục ngài ở cái khoản nghệ thuật tự lăng xê mình trên các mạng truyền thông, là chỉ cần vào Google chấm com đánh vài chữ “lề đường bên phải” lập tức có hàng chục trang mạng đăng tên Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông Lê Doãn Hợp, đáng phục! Chịu khó đọc hết những tuyên bố, những phát biểu của ngài mới thấy tại sao ngài được như vậy, thiên hạ ngày nay hể cứ cái gì lạ, chưa nghe, chưa thấy bao giờ là đổ xô tìm tòi, bàn luận thắc mắc, người bàn thế này người luận thế kia riết rồi thành cái chợ dư luận. Lời phát biểu và cách hành xử của ngài nó lạc điệu, ngộ nghỉnh, tưng tửng, ấu trĩ của người tâm thần và vừa mang giọng điệu ban phát, răn đe của kẻ bề trên, thành thử nó vô cùng xa lạ theo cảm nhận của những con người sống trong xã hội văn minh tự do dân chủ thế kỷ 21. Tôi cũng đã đọc bài “Quản Lí Báo Chí Trong Sự Nghiệp Đổi Mới Đất Nước Hiện Nay” của ngài đăng trên Tạp chí CS số ngày 11/07/2007. Thú thật tôi vô cùng thất vọng, chẳng thấy một lời nào trong đó nói đến vai trò trọng đại đúng nghĩa của truyền thông, của báo chí, là phản ảnh trung thực mọi hoạt đông, sự kiện, ước muốn của đời sống nhân dân, là hướng dẫn dư luận, là cùng với nhân dân giám sát mọi hoạt động của nhà nước, mà chỉ thấy giới hạn ràng buộc và bổn phận phải thực thi của hệ thống truyền thông là phục vụ cho quyền lực của Đảng và nhà nước. Trọng trách của tuyền thông là phục vụ nhân dân, còn cái não trạng cứng ngắt trong đầu của các ngài thì truyền thông là để cũng cố quyền lực đảng cầm quyền. Khác nhau xa lắm! Nói có sách mách có chứng, sau đây 3 sự kiện có thật 100% chứng minh cho ngài thấy là cái “lề đường bên phải” của ngài cũng như cái thảm trạng của hệ thống truyền thông trong chế độ đảng trị của nước ta hiện nay:

- Trước khi Tòa án Nhân Dân Tp Hà Nội xét xử 2 nhà báo và 2 sỹ quan Công An cao cấp Ngày 14/10 và ngày 15/10 thì được lịnh của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng là tòa án phải xử tội danh và án phạt thế này thế kia, và toàn bộ hệ thống truyền thông chỉ được đăng thế kia thế này đúng từng câu chữ. Thưa ngài, đâu là vai trò công minh của Tòa án? Đâu là vai trò phản ảnh trung thực của nhà báo? Hay đó chính là lệ, cái luật để đi đúng “lề bên phải”? Khó tin quá!

- Cũng trong vụ việc trên, ngay sau hôm hai nhà báo Việt Chiến và Văn Hải bị bắt thì ngày 13/5 và 14/5/2008 các nhật báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và một số tờ báo khác lớn tiếng yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho hai nhà báo chân chính. Động thái này chắc chắn được một đồng chí “lề đường bên phải” nào đó của Cục Báo Chí gật đầu, nhưng chỉ 2 ngày sau, ngày 15/5, thì không một tờ báo nào và toàn bộ hệ thống truyền thông, dù một chữ, một tiếng, bênh vực hoặc yêu cầu thả hai nhà báo, vậy là sao? Chắc chắn có đồng chí nào đó lắc đầu. Đồng chí đó phải to con bậm trợn hơn đồng chí gật đầu trước đó. Thưa ngài Lê Doãn Hợp, ngài thuộc lề bên phải nào? Có đúng ngài là Đồng Chí “lắc đầu bậm trợn to con” kia không? Nhưng thưa ngài nếu rủi ra có đồng chí khác trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng không những to con bậm trợn hơn ngài, còn có thêm mã tấu cầm tay, súng colt 45 lận lưng nữa mà vừa gật vừa lắc thì nhân dân chúng tôi phải làm sao?

Và cuối cùng xin kể hầu ngài câu chuyện rất xưa nhưng cũng rất thật về tự do phát biểu, tự do tư tưởng trong chế độ toàn trị và dĩ nhiên không hề có bóng dáng người chủ Nhân Dân trong đó.

Lý Tư, môn đệ của phái Pháp gia, được Tần Thuỷ Hoàng bổ làm Thượng thư, làm sớ tâu đại khái như sau:

"Từ trước tới nay, thiên hạ sống trong cảnh phân chia, nên tư tưởng bị hỗn loạn... Ngày nay Bệ hạ đã thống nhất sơn hà mà vẫn còn nhiều người ngang nhiên mở trường dạy học, mang ý kiến riêng của mình ra chê bai luật pháp và chính sách của triều đình... Nếu Bệ hạ không mau ngăn cấm thì kỷ cương sẽ sụp đổ từ trên xuống dưới và đảng phái sẽ mọc từ dưới lên trên."

Năm 213 trước Tây lịch, Tần Thuỷ Hoàng nghe theo Lý Tư đốt hết sách vở có phương hại đến đường lối của Tần triều và chôn sống 460 nhà trí thức đối lập. Từ ngày ấy Trung Quốc có một chính phủ duy nhất, một luật pháp duy nhất, nhưng cũng chỉ có một lối nghĩ duy nhất.

Trăm hoa hết đua nở và trăm nhà đều im tiếng!

(Xin xem tiếp bài 3: Sở Đoản Uy Tín, Tham Nhũng Sở Trường và Thói Quen Dao Búa