Lời nguyện trong cơn bách hại tại Thái Hà

Trong khuôn khổ Năm Thánh Phaolô, ‘‘Lời nguyện của các Tông đồ trong cơn bách hại’’ trong Công vụ Tông đồ (4, 23-31) là lời nguyện của các tín hữu Thái Hà gặp phải cảnh ngộ tương tự như các tín hữu thời Giáo hội sơ khai. Việc tìm hiểu ý nghĩa của lời nguyện này thể hiện tinh thần hiệp thông với Giáo hội Việt Nam, đồng thời phát hiện hiện tình tôn giáo ở Việt Nam có nhiều điểm tương dồng với Giáo hội sơ khai trong giai đoạn thành lập.

Lời nguyện trong cơn bách hại:

23Được thả về, hai ông đến với các anh và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông. 24 Nghe vậy, họ đồng tâm nhất cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: ‘‘Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất và biển khơi cùng muôn loài trong đó. 25Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa vít, tôi trung của Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông ? 26Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.

27Đúng vậy, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với chư dân và dân Israël đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu. 28Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước. 29Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. 30Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu.’’ 31Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn rao giảng lời Thiên Chúa.

1) Bối cảnh lịch sử:

Lời nguyện thuật lại nhóm Xa đốc (sanhérin) triệu tập cộng đoàn để đe dọa họ. Lúc đó, hai Thánh Phôrô và Gioan đến cùng cộng đoàn và tuyên bố: Trước tinh trạng này, các Ngài không thể giữ yên lặng. Chính trong cơn nguy biến, cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cùng với vị chủ chăn là Thánh Phêrô và Thánh Gioan.

2) Bố cục:

Có thể chia ‘‘Lời nguyện trong cơn bách bại’’ làm hai phần:

- Nhập đề (23-24a): trình thuật sự việc dẫn đến việc hình thành lời nguyện.
- Lời nguyện cộng đoàn. Lời nguyện của cộng đoàn bị bách hại sau cùng đã được Thiên Chúa nhậm lời.

Lời nguyện có bố cục theo lược đồ kinh nguyện Do Thái:

- cầu khấn
- quyền năng của Thiên Chúa
- các tín hữu bị bach hại
- lời kêu cầu giải thoát, mở đầu bằng ‘‘Giờ đây’’.

3) Ý nghĩa thần học:

Lời nguyện mang ý nghĩa thần học của Giáo hội bị bách hại:

Câu 27 báo trước cuộc Thụ Nạn của Chúa Giêsu. Có thể so sánh câu dẫn nhập này với Thánh Vịnh 2 hoặc lời nguyện của vua Khít ki gia (Is 37, 16).

Thánh Vịnh 2: ‘‘Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng toàn cõi đất đai làm phần lãnh địa.

Lời nguyện của vua Khít ki gia: ‘‘Lạy Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israël, Đấng ngự trên các Kêrubim, chính Ngài, và chỉ mình Ngài, mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần gian. Chính Ngài tạo thành trời đất.’’

Đoạn văn nhắc lại Lời Chúa, từ tổ phụ David, lịch sử cứu chuộc đến việc thành lập cộng đoàn sơ khai cầu nguyện trong cơn bách hại. Các sự tấn công tứ bề không hủy diệt được Giáo hội ngược lại còn khiến các tín hữu càng thêm mạnh dạn rao giảng lời Chúa (câu 31).

4) Bình giải:

Lời nguyện (từ câu 24b đến câu 30) là lời nguyện dài nhất trong Tân Ước, mở đầu bằng lời cầu khấn. Các thuật từ gốc đều viết bằng tiếng Hy Lạp:

- Trong bản dịch tiếng Việt, ngay câu 23 mở đầu trình thuật hai Thánh Phêrô và Gioan đến với ‘‘các anh em’’ (οι ιδιοι). Từ ngữ này có nghĩa là những người trong nhà (Cv 24, 23) hoặc cộng đoàn Đức Tin (Ga 13, 1).

- Câu 24 nói đến việc các tín hữu ‘‘đồng thanh nhất trí ’’: ομοθυμαδον có nghĩa là một lòng một dạ, nhất trí, một khối. (θυμος: tâm chí) nhằm nói lên sự đoàn kết huynh đệ của các tín hữu. Đây là hình ảnh của Hội thánh Giêrusalem. Câu 24 nhắc đến Đavít trong Thánh Vịnh, bị quân thù vây hãm vẫn một lòng cậy trông vào Chúa, che chở tôi trung trong cơn nguy biến. Tổ phụ Đavít là tấm gương cho cộng đoàn Dân Chúa kiên trì cầu nguyện.

- Bị bách hại, các tín hữu kêu cầu Thiên Chúa là đấng làm chủ vạn vật và lịch sử, quyến hành vượt trên những người bách hại Giáo hội.

- Lạy Chúa, Ngài là Đấng Tạo Thành: ο ποιησας. Thánh Vịnh 146.6 chép rằng: Người là Đấng tạo thành trời đất và biển khơi cùng muôn loài.

- Lạy Chúa’’: δεσποτης, Chúa là chủ tể càn khôn, tất cả đều lệ thuộc vào Chúa. Câu 29 theo mô thức cầu nguyện Do Thái: Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ. ‘‘Giờ đây’’ quay lại với hiện tình của cộng đoàn cầu nguyện.

- Câu 30 dùng từ ngữ ẩn dụ: bàn tay để kêu cầu uy quyền Thiên Chúa. Thông thường, ‘‘giơ tay’’ là hình ảnh của Thiên Chúa trừng phạt, ở đây nói đến việc ‘‘giơ tay chữa lành ’’. Trong Công vụ Tông đồ, Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho các tín hữu bị bách hại.

Câu 31 nói đến nơi ‘‘họ họp nhau rung chuyển ’’: σαλευω. Theo truyền thống Do Thái, trái đất rung chuyển báo hiệu Thiên Chúa hiện ra. Trong‘‘lời cầu nguyện trong cơn bách hại’’, sự rung chuyển nói lên Thiên Chúa nổi giận đối với cường quyền. Tiếp theo, ‘‘ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần’’ nói lên một lễ Hiện Xuống mới.

‘‘Lời nguyện trong cơn bách hại’’ còn nói lên việc các tín hữu chia sẻ cuộc Thụ Nạn mới. Lời cầu nguyện hun đúc niềm xác tín: cộng đoàn dân Chúa cuốn trôi trong lịch sử cứu chuộc trung kiên truyền bá Lời Chúa với niềm tự hào xác tín.

Kết luận:

‘‘Lời cầu nguyện trong cơn bách hại’’ ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ là bức họa hoành tráng vẽ lại chuỗi ngày đầy khó khăn, thử thách tại Tòa Khâm sứ và Thái Hà trong thời gian qua, trong đó Giáo phận Hà Nội mang thân phận của Giáo hội sơ khai ‘‘phải chịu những lời ngăm đe’’. Nhưng nhờ lời cầu nguyện, ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần.

Lời ‘‘cầu nguyện trong cơn bách hại’’ không những vượt thời gian, từ thiên niên kỷ thứ I trở thành hiện thực giữa tân kỷ nguyên, mà còn vượt không gian địa lý. Đó còn là lời cầu xin của các giáo hữu người Việt, ở trong nước cũng như nước ngoài, cầu xin Thiên Chúa ‘‘thực hiện những dấu lạ điềm thiêng’’, ‘‘giơ tay chữa lành ’’ để công lý được tái lập tại những địa danh đất lành chim đậu của nước Việt thân yêu: Tòa Khâm sứ, Ấp Thái Hà.

Paris, ngày 26 tháng 11 năm 2008