HÃY DỪNG NGAY VỤ ÁN BÁCH HẠI NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Tôi có ý định viết bài bào chữa cho 8 người công chính phải ra tòa ngày 08/12/2008 tại lầu 4, UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Nhưng đọc đi đọc lại Cáo trạng cũ (Cáo trạng mới chắc cũng vậy) tôi không tìm thấy bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào của tám người công chính này. Nghe tới nghe lui những bài phỏng vấn những người công chính thấy niềm tin của họ rất mãnh liệt khi họ cầu nguyện và cùng nhau gỡ bỏ 3 mét của bức tường ô nhục. Ý thức chủ quan của họ lúc đó chỉ là công bằng và sự thật, đất của giáo hội phải trả lại cho giáo hội. Mục đích của họ không phải là phá hoại 3 mét tường và gây rối trật tự công cộng mà là cầu nguyện cho công lý và sự thật được hiển trị trên đất nước này, cụ thể qua việc đòi lại đất đai của giáo hội công giáo tại giáo xứ Thái Hà. Tám người công chính bị đưa ra xét xử ngày 08/12/2008 thực ra là những người bị bách hại vì đức tin của minh, “bị nói xấu đủ điều một cách lếu láo” (Mt 5, 11). Đây chính là một vụ án tôn giáo được nhà nước che đậy bằng những lý do vớ vẩn, ngụy tạo nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế.

Đáng lẽ ra tám người công chính này phải được khen thưởng như báo Hà Nội Mới (tôi xin lỗi mọi người vì phải nhắc đến tên báo này) ngày 30/09/2008 đã đưa tin: “Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tiếp xúc cử tri: Xây dựng công viên tại 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng rất hợp lòng dân.

Hôm qua 29-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, đã tiếp xúc cử tri hai quận Cầu Giấy và Ba Đình.

Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri tiếp tục bày tỏ sự đồng tình với cách xử lý của TP Hà Nội đối với hai khu đất 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng. Cử tri cho rằng, việc xây dựng công viên trên hai khu đất này sẽ có ích rất lớn đối với đời sống người dân.”


Điều lạ lùng là hai công viên nhỏ bé nằm trong khu dân cư được xây dựng vội vã tại quận Hoàn Kiếm và quận Đống Đa lại “có ích rất lớn” đối với cử tri sống ở mãi tận hai quận Cầu Giấy và Ba Đình!

Thánh lễ cầu cho tám người công chính sắp phải ra tòa tối 6/12/2008 tại giáo xứ Thái Hà, tôi có liên tưởng như một lễ khao lề thế lính của hải đội Hoàng Sa năm xưa. Tám người công chính như những người lính dũng cảm ra đi để bảo vệ chủ quyền cho “Hoàng Sa” Thái Hà và “Trường Sa” Tòa Khâm sứ đang bị “Bọn bành trướng bá quyền phương bắc” Hà Nội xâm chiếm. Nếu như Bọn bành trướng bá quyền phương bắc ngụy tạo sử liệu để đánh chiếm Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào thì chính quyền Hà Nội cũng giả tạo chứng cứ để cưỡng chiếm Thái Hà và Tòa Khâm sứ y như vậy.

Khi cầu nguyện đòi công lý và sự thật ở Thái Hà chắc chắn tám người công chính đã hơn một lần hát: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh, …. Mẹ chính là Nữ Vương, là Trạng sư là Mẹ con.” Vị Trạng sư ấy đã đạp dập đầu con rắn, thì lẽ nào lại không đạp đầu sự dữ, bênh đỡ các con cái của Mẹ.

Tôi chỉ dám góp vài ý kiến pháp lý mà Cáo trạng muốn kết tội tám người công chính mà thôi.

1/ Về tội Gây rối trật tự công cộng:

Theo Cáo trạng cũ, tám người công chính này bị truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo điểm a, khoản 2 Điều 245 BLHS.

Nếu Tòa trả hồ sơ, yêu cầu truy tố thêm về tội Hủy hoại tài sản (Điều 143 BLHS), thì tội Gây rối trật tự công cộng của tám người công chính này chỉ còn nằm ở khoản 1 Điều 245 BLHS, vì “Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.” (khoản 2 Điều 48 BLHS)

Về tội Gây rối trật tự công cộng, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án đã bị kết án về tội này nhưng đã được xóa án tích.

Hậu quả (hay kết quả?) rõ ràng nhất ở đây ai cũng thấy được là hai công viên đã ta đời. Việc xây dựng hai công viên đó có phải là hậu quả nghiêm trọng hay không?

Để hiểu thế nào là "gây hậu quả nghiêm trọng", điểm 5.1 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS đã hướng dẫn:

“5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
d. Chết người;
đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...

Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không
.”

Tất cả tám người công chính đều khai nhận đến khu đất đang tranh chấp để cầu nguyện. Mà cầu nguyện thì không thể là gây rối trật tự công cộng và càng không thể gây ra hậu quả nghiêm trọng được.

2. Về tội Hủy hoại tài sản:

Đối với tội hủy hoại (hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản), hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.

Hậu quả của hành vi hủy hoại tài sản là giá trị hoặc giá trị sử dụng của tài sản bị hủy hoại chứ không phải là giá trị hoặc giá trị sử dụng ban đầu của tài sản khi chưa bị hủy hoại.

Mức độ vi phạm của từng chủ thể đến đâu thì xử đến đó. Người công chính Ngô Thị Dung khai “dùng cuốc phá được 1m2 tường rào” thì chỉ được “tính tội” bà Dung về việc phá 1m2 tường rào mà thôi. Tương tự, đối với những người khác.

Theo Cáo trạng, khoảng 11 giờ ngày 15/8/2008 “Linh mục chủ lễ và đoàn thánh giá nến cao bước qua bức tường thấp đã bị phá trước đó để vào khu vực bể nước cầu nguyện” Như vậy Cáo trạng cáo buộc tám người công chính phá nguyên một bức tường bằng gạch dài 6m, cao 1,3m trị giá 3.479.990 đồng là không có cơ sở pháp luật.

Theo phần đầu của cáo trạng, có hai vụ án hình sự đã được khởi tố. Đó là vụ Tòa Khâm sứ (QĐ 60/CAHK ngày 26/01/2008) và vụ Thái Hà (QĐ 524/ĐTHS ngày 27/8/2008). Chắc chắn sau khi xử vụ Thái Hà thấy “ngon ăn”, tòa Hoàn Kiếm sẽ đưa vụ Tòa Khâm sứ ra xét xử.

Tôi yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra quận Đống Đa và quận Hoàn Kiếm đình chỉ ngay vụ án Thái Hà và vụ án Tòa Khâm sứ trước khi quá muộn. Đừng để tiếng kêu oan ức của những người công chính bị bách hại vang xa khắp cùng bờ cõi trái đất, thấu tận trời xanh.