KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN SỰ BẤT CÔNG

Cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã nhận lời cầu bầu của Nữ Vương Công lý và Hoà Bình mà bảo vệ, trở che cho các con cái của Người trong phiên toà xét xử bất công 8 Giáo dân. Với việc Toà án Nhân dân Quận Đống Đa đã tuyên một bản án cảnh cáo 01 người, tuyên phạt án treo từ 17 đến 18 tháng đối với 7 bị cáo khác đối với 8 giáo dân Giáo xứ Thái Hà hôm nay đã làm các bị cáo không giấu được vẻ vui mừng vì trút đi được phần nào nỗi lo âu về sự bất công mà toà án sẽ dành cho mình. Đối với những người thân và toàn thể cộng đồng dân Chúa đang đứng ngoài khu vực xét xử cũng như hàng nghìn, hàng vạn người khác trong cả nước và trên thế giới như vỡ oà trong niềm vui sướng vì phần nào đó sự bất công đã chùn bước trước ý chí kiên cường của 08 anh chị em bị truy tố cũng như toàn thể những người đang ngày đêm cầu nguyện đấu tranh cho Công lý và Hoà bình tại Việt Nam.

Phiên toà đã kết thúc trong niềm vui của mọi người. Thánh lễ tạ ơn đã được tổ chức ngay sau đó tại Giáo xứ Thái Hà. Xin tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria, cảm ơn sự quan tâm của các linh mục Giáo Xứ và DCCT Việt Nam cũng như các đấng các bậc và toàn thể các tín hữu Chúa đã hiệp thông cầu nguyện và giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Đặc biệt là các linh mục và anh chị em đã không quản mọi vất vả, vượt qua mọi ngăn cản của chính quyền, đứng ngoài trời chịu nắng gió, chịu đau đầu vì sóng tần số cao (của Công an để phá sóng điện thoại) để đến dự phiên toà ngày hôm nay. Cảm ơn Luật sư Lê Trần Luật đã vất vả để giúp đơn các nạn nhân để bảo vệ công lý, sự thật.

Thế nhưng, với một bản án tuyên cảnh cáo 01 bị cáo (anh Thái Thanh Hải), còn các bị cáo khác thì bị tuyên phạt án treo với mức cao nhất là 17 tháng tù treo, cải tạo không giam giữ. Toà án đã thể hiện sự thiếu khách quan, thiếu sự công bằng bởi vì tất cả chúng ta đều biết 08 anh chị em bị truy tố cùng toàn thể Giáo dân giáo xứ Thái Hà đều không có tội. Chính quyền Hà Nộị nói chung và các cơ quan như Công an, Viện kiểm sát, Toà án nói riêng đều biết rất rõ rằng họ đang lợi dụng pháp luật để đàn áp các giáo dân. Họ đã xét xử và ra một bản án bất công đối với các anh chị em của chúng ta. Đứng trên phương diện pháp luật, chúng ta thử phân tích lại xem liệu Toà án kết tội như vậy có đúng không nhé:

1. Đối với tội Gây rối trật tự công cộng theo điều 245 BLHS. Điều luật qui định:

“Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Đặc điểm pháp lý của tội phạm này như sau:

1.1. Về chủ thể của tội phạm (người thực hiện hành vi phạm tội): Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi phạm tội. Đối với 08 anh chị em của chúng ta thì họ đã không hề thực hiện hành vi phạm tội khi tham gia cầu nguyện. Vì cầu nguyện là trạng thái nói chuyện với Thiên Chúa. Pháp luật đã công nhận quyền tự do tôn giáo của người dân nên không thể qui hành vi cầu nguyện của các giáo dân là phạm tội được. Nếu cho cầu nguyện là phạm tội thì chẳng nhẽ bắt tất cả mọi người đến Linh địa Đức Bà vì họ đã vi phạm pháp luật. Cũng bắt luôn cả mấy ông UBND thành phố Hà Nội đi vì trước khi triển khai xây dựng công viện Hàng Trống mấy ông ấy cũng tổ chức cúng bái, cầu khấn ngay trong đêm tối làm mất trật tự khu phố đấy thôi.

1.2. Về Khách thể của tội phạm (quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại ):

Tội gây rối trật tự công cộng xâm hại trực tiếp đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc cuộc sống, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của mọi người ở nơi công cộng. Có trường hợp tội gây rối trật tự công cộng còn gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của những người trong cơ quan Nhà nước và xã hội làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng. Việc các giáo dân cầu nguyện với thái độ trật tự, ôn hoà trong khu vực mà họ cho là đất của Giáo xứ Thái Hà là được pháp luật công nhận và cho phép nên không thể coi là gây mất trật tự công cộng được. Việc giáo dân cầu nguyện trong khu đất của họ chứ không phải là nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của cộng đồng; cũng không làm mất mỹ quan, vi phạm nếp sống văn hoá văn minh. Vì vậy, không thể xác định được thiệt hại vì hành vi cầu nguyện gây ra nên không thể định tội như bản cáo trạng của Viện kiểm sát đã đưa ra chung chung những thứ bị xâm hại mà chẳng xác định chính xác là thế nào.

1.3. Mặt chủ quan của tội phạm (gồm lỗi, mục đích và động cơ phạm tội):

- Lỗi: Tội phạm này được thực hiện do cố ý: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Trường hợp muốn xử phạt vi phạm hành chính hành vi gây rối trật tự công cộng thì trước hết phải xác định được hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu không cấu thành thì không thể xử phạt. Đối với các giáo dân Thái Hà, hành vi cầu nguyện của họ không thể gây phương hại đến yếu tố nào của xã hội, họ nhận thức rõ hành vi cầu nguyện chỉ là nói chuyện với Thiên Chúa để cầu cho công lý và hoà bình thì không thể có lỗi. Việc chính quyền cho rằng họ đã có lỗi trong cầu nguyện, đã gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh, đã gây mất đoàn kết… là do Chính quyền tự suy luận ra nên không thể lấy sự suy luận không có căn cứ mà kết tội được.

- Mục đích phạm tội(kết quả mong đạt được): Mục đích của tội phạm là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích của các giáo dân khi cầu nguyện là quá rõ ràng là nói chuyện với Thiên Chúa để cầu xin cho Công lý và hoà bình, mong cho Quốc thái Dân an, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Vì vậy, Chính quyền không thể cho đó là mục đích của tội phạm được vì đó là các mục đích chính đáng mà là con người thì ai ai cũng mong muốn.

- Động cơ phạm tội: Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý. Cũng như mục đích khi cầu nguyện, động cơ để các giáo dân đến cấu nguyện tại Linh địa Đức bà là vì lòng yêu mến Thiên Chúa và Đức mẹ nên họ cần phải đến đó để bày tỏ tấm lòng của mình. Đối với các giáo dân thì Thiên Chúa là đấng tối cao thấu hiểu mọi tâm tư, tình cảm của họ nên họ không thể nói chuyện với Chúa bằng mục đích và động cơ xấu xa như gây mất đoàn kết, gây mất trật tự, gây chia rẽ hoặc mong muốn điều xấu cho những người khác được.

Chúng ta thấy, VKS cũng như Toà án sẽ né tránh vấn đề xác định lỗi, mục đích và động cơ vì trong trường hợp này thì rất khó chứng minh được việc cầu nguyện là vi phạm pháp luật. Vì vậy, trong toàn bộ Bản cáo trạng của mình, VKS chỉ nói chung chung rằng cầu nguyện đã gây mất trật tự và ảnh hưởng đến nọ kia nhưng chẳng thể chỉ ra chính xác được rằng các giáo dân có lỗi hay không.

1.4. Mặt khách quan của tội phạm:

Khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Người có hành vi gây rối trật tự công cộng là có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy, hành hung người khác (nhưng không gây thương tích, nếu đã gây thương tích thì đó là tội khác), gây lộn xộn ở nơi công viên, rạp hát, vườn hoa, quảng trường, v.v… Đối với việc cầu nguyện của các giáo dân không có các hành vi như có lời nói, cử càm quấy, gây, hành hung người khác mà ngược lại họ đi lại có trật tự, có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trong sinh hoạt của người dân chung quanh. Họ cũng không dùng vũ khí nguy hiểm, không xúi giục người khác gây rối… nên không thể cho các hành vi của họ là có dấu hiệu của tội phạm. Việc VKS đưa vào BCTrạng của họ là các giáo dân hò hét và hành hung người khác khi cầu nguyện là điều hoà toàn bịa đặt và vi phạm pháp luật hình sự (tội vu khống) và không có căn cứ rõ ràng nên không thể lấy đó là chứng cứ để buộc tội.

Vì các yếu tố cấu thành tội phạm là mặt Chủ thể (người phạm tội có hành vi phạm tội); Khách thể(quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ); Chủ quan (Lội, mục đích và động cơ) Khách quan ( những hành vi biểu hiện của tội phạm) như phân tích ở trên thì chúng ta thấy trong không có cơ sở pháp lý, không đủ các chứng cứ để gán ghép tội Gây rối trật tự công cộng đối với các giáo dân chỉ có hành vi Cầu nguyện ôn hoà.

2. Đối với tội Huỷ hoại hặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 BLHS.

Điều luật qui định: “1. Người nào huỷ hoại hặc có ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Đặc điểm pháp lý của tội phạm này như sau:

2.1. Về chủ thể của tội phạm (người thực hiện hành vi phạm tội):

Cũng giống như tội gây rối trật tự công cộng, chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi phạm tội.

2.2. Về Khách thể của tội phạm (quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại):

Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản đã xâm phạm vào quan hệ sở hữu được luật hình sự bảo vệ. Việc xâm phạm quan hệ sở hữu này không mang tính chất chiếm đoạt nhưng gây hậu quả là thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu. Đối với khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng thì người chủ đích thực là của Giáo xứ Thái Hà và việc Công ty cổ phần may Chiến Thắng đã chiếm hữu, sử dụng và xây tường trên khu đất của người khác là không có căn cứ pháp luật. Vì vậy, với nhận thức là khu đất đó của giáo xứ những giáo dân đã tự mình dỡ bỏ bức tường (đã bị mưa làm xụp đổ do trời mưa) để có lối đi phục vụ cho việc đọc kinh cầu nguyện trên đất của mình thì không phạm vào tội này. Điều quan trọng trong tội phạm này là mức độ thiệt hại về tài sản. Như xác định thì giá trị thiệt hại chưa đến 3,5 triệu đồng mà chia ra thì mỗi bị cáo gây thiệt hai chưa đến 450.000 đồng, và cũng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về tội này nên chưa đủ yếu tố để xác định thiệt hại cấu thành tội phạm. Hơn nữa, trước sau gì thì bức tường đó cũng đã bị phá đi để làm vườn hoa nên không phải xây dựng lại, phục hồi lại trạng thái ban đầu nên không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm (gồm lỗi):

- Lỗi: Tội phạm này được thực hiện do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp): Người phạm tội biết hành vi của mình có khả năng huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản như đã thực hiện hành vi đó vì mong muốn tài sản đó bị huỷ hoại hoặc đã có ý thức chấp nhận thiệt hại đó xảy ra để đạt được mục đích khác của mình. Các giáo dân khi thực hiện hành vi của mình họ đều xác tín rằng bức tường kia nằm trên khu đất của là Giáo xứ Thái Hà nên họ cùng nhau phá bỏ nó là hoàn toàn hợp lý. Họ không cố ý gây thiệt hại về tài sản cho bất ký ai nên không thể buộc hành vi của họ là có lỗi vì đã huỷ hoại tài sản của Công ty may chiến thắng.

2.4. Mặt khách quan của tội phạm:

- Có hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản thực tế xảy ra: Hành vi này phải làm cho tài sản mất giá trị sử dụng ở mức độ không còn hoặc khó có khả năng khôi phục lại được. Hành vi đó có thể là đập, phá…Trong trường hợp này, sau khi giáo dân đập 3m tường thì Nhà nước đã đập phá toàn bộ để xây công viên nên không cần phải xác định việc phá bức tường là một hành vi phạm tội.

- Hậu quả của hành vi phạm tội là thiệt hại thực tế về tài sản: Thiệt hại từ 500.000 đồng trở lên hoặc dưới 500.000 đồng nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này.

- Mối quan hệ nhân quả: Người có hành vi vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm khi hành vi của họ gây ra thiệt hại về tài sản.

Theo kết quả định giá thì thiệt hại của 3m tường rào chia ra trên các bị cáo là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên không thể kết tội họ được.

Như vậy, xét về nhân thân các bị cáo là nhân thân tốt (chưa có tiền án tiền sự); hành vi của họ cũng chưa đủ cơ sở để cấu thành tội phạm theo bất kỳ một qui định nào của BLHS nên Chính quyền, VKS và Toà án không thể mang tư tưởng hằn thù mà dẫn đến sự thiếu công minh, thiếu công bằng khi dựa trên các căn cứ không chính xác để luận tội và tuyên 08 anh chị em Giáo dân Giáo xứ Thái Hà phạm tội Gây rối trật tự công cộng theo điều 245 và tội Huỷ hoại hoặc có ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 BLHS được. Kính đề nghị mọi người hãy hết sức cẩn thận với mục đích của Chính quyền trong việc tuyên án các bị cáo chiều nay. Cộng sản rất gian xảo trong cách đối nhân xử thế. Qua việc tuyên mức án cho 08 giáo dân Thái Hà, họ đã chính thức tuyên toàn thể Giáo hội công giáo Việt Nam là có tội trong việc cầu nguyện đòi Công lý và sự thật. Đồng thời họ cũng chính thức cho họ là họ không vi phạm pháp luật trong tất cả mọi sự việc xảy ra từ trước đến nay.

Vì thế, xin gửi tới quí Cha và toàn thể các giáo dân hãy cẩn thận trong các bước đi của Cộng sản trong những ngày tới. Đồng thời để bảo vệ cho lẽ phải, cho sự thật, cho công lý vào Hoà bình chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện trong tinh thần hiệp nhất. Chúng ta cũng không thể chấp nhận sự ra ơn của Cộng sản khi chúng tuyện án cho 08 anh chị em của chúng ta. Hãy thực hiện quyền kháng cáo của mình để buộc họ phải công nhận chúng ta vô tội. Hãy lên án sự bất công, sự vô sỉ của bè lũ bất lương.