Bằng lối dùng từ cố tình né tránh hai chữ 'cách chức' nhưng lại cho đăng vào ngày đầu năm, bài viết có tựa đề "Không bổ nhiệm lại tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng" đăng trên các báo sáng nay hẳn đã làm không ít người đọc cảm thấy ngỡ ngàng. Nhiều người cảm thấy lo lắng cho số phận của tờ báo này, vốn đã bị đảng csvn ra sức 'cùm tay bịt miệng' chặt trong năm qua, sẽ hứa hẹn thêm nhiều xiềng xích mới trong 365 ngày sắp tới đây.

Lo lắng là phải bởi tại sao một tờ như Tuổi Trẻ, đặc trưng cho tính cách của người Sàigòn không quen sự gò bó nên đã giúp nó qua mặt tờ Sàigòn Giải Phóng của đảng nhiều năm qua nay lại phải đăng cái tin dữ này vào ngay buổi sáng đầu năm? Thời khắc mà thường chỉ để dành cho những lời chúc tốt lành, cho dù đó là Tết Tây dân chúng VN cũng vẫn chúc nhau "Happy New Year".

Nhưng cũng không chỉ có mỗi tờ Tuổi Trẻ mới được đảng quan tâm. Khác chăng chỉ là sự 'chăm sóc' có phần đặc biệt hơn những tờ báo khác chủ yếu vì lượng phát hành của báo này đã đạt tới gần nửa triệu số mỗi ngày. "Cùng ngày, Trung ương Đoàn cũng đã triển khai quyết định cho thôi nhiệm vụ đối với TBT báo Thanh Niên đối với ông Nguyễn Công Khế kể từ ngày 1/1/2009. và tại TPHCM, cơ quan chức năng cũng đã thực hiện quyết định thay đổi nhân sự TBT báo Pháp luật TP.HCM và báo Doanh Nhân Sài Gòn.Cụ thể, ông Phạm Phú Tâm được bổ nhiệm làm TBT báo Pháp Luật TP.HCM thay ông Nam Đồng nghỉ hưu từ ngày 1/1/2009. Bà Nguyễn Mih Hiền thôi chức TBT báo Doanh Nhân Sài Gòn, người tạm thời phụ trách báo này trong khi chờ bổ nhiệm TBT mới là Phó TBT Nguyễn Thanh Minh." (VietnamNet)

Ở VN có một nghịch lý là hầu hết các vụ án kinh tế lớn đều do các báo phát hiện trong khi lẽ ra việc khám phá này lẽ ra thuộc về trách nhiệm của các cơ quan điều tra như thuộc Bộ Công An mới phải. Và đó chính lý do quan trọng giúp Tuổi trẻ và Thanh Niên trở nên nổi bật giữa một rừng báo vẹm trong nước với những tin 'sốt dẻo' chống tiêu cực thời gian qua, phanh phui nhiều vụ tiêu cực lớn trong guồng máy chính quyền. Như các vụ 'Năm Cam', vụ 'điện kế điện tử' và gần đây nhất là vụ chống tham nhũng tại PMU-18, khiến hai phóng viên 'gạo cội' của hai tờ báo này phải ra hầu tòa hôm tháng 15/10/2008 vừa qua.

Cũng cần ghi nhận sự không mấy hăng hái của hai tờ báo này trong đăng tải những tin tức xuyên tạc sự thật về những buổi cầu nguyện của giáo dân Hà Nội trong năm qua cũng như việc bôi nhọ Đức TGM Ngô Quang Kiệt. Cả hai tờ báo trên và nhiều báo phiá Nam đều đứng ngoài cuộc, trừ những tờ SGGP và Công An Tp.HCM.

Với lần thay đổi nhân sự quan trọng này, ban tuyên huấn trung ương đảng csvn đã hoàn thành loại bỏ nốt những tổng biên tập nào tư tưởng 'lừng khừng' hoặc không chịu 'đổi mới' hưởng thụ theo đảng vẫn cứ đòi "đấu tranh anh dũng bất khuất" như thời họ còn là sinh viên. Vì nay mà ai vẫn tiếp tục làm thế chẳng khác gì "gây chia rẽ nội bộ" bởi đảng vinh quang ngày nay đã khác với cái đảng gian khổ ngày xưa rất nhiều. Mắt họ bây giờ chỉ còn biết hướng về những khu villa biệt thự, nhà cao tầng và những đồng dollar rủng rỉnh mà không còn vì dân tộc nào hết, bằng chứng là một loạt hành vi làm mất thể diện dân tộc trên trường quốc tế vừa qua do ai gây nên nếu chẳng phải chính các đảng viên? Do vậy lãnh đạo của hai phóng viên Nguyễn Van Hải và Nguyễn Việt Chiến đã "không hoàn thành nhiệm vụ" vì thế mà phải cách chức!

Có điều đáng chú ý là trong khi hai tờ Tuổi Trẻ và VietnamNet rập khuôn y chang nhau tên bản tin đều là "Không bổ nhiệm lại tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng" và "Không bổ nhiệm lại ông Lê Hoàng và ông Nguyễn Công Khế" v.v… thì tờ Thanh Niên tỏ ra bản lĩnh hơn khi chỉ gọi đó là "Thay đổi nhân sự ở Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ". Phải chăng đây là cách mà ông Nguyễn Công Khế, người vừa mới bị cách chức, muốn lần cuối cùng tỏ ra 'cứng đầu' như cách phản đối lại quyết định? Cũng cần biết thêm là mặc dù đến nay mới chính thức bị cách chức, nhưng từ lâu ông Nguyễn Công Khế không còn trực tiếp điều hành báo Thanh Niên, vì mọi người thường thấy ông lo chu du các nước cùng "Duyên Dáng Việt Nam" hết diễn ở VN rồi sang Úc rồi qua Anh v.v…

Tóm lại, rõ ràng đây là lời 'chúc tết' của chính quyền VN gởi đến những ai đang sống trong nước hay thích 'viết' mà chẳng chịu 'lách', nhất định không chịu đi bên 'lề phải' do đảng vạch ra, rằng "quí vị hãy xem chừng ngòi bút của mình!" kể cả các blogger.

Hôm 30/12 nhà văn Võ Thị Hảo nói với BBC Việt ngữ về tình trạng các trang blog cá nhân của bà trên mạng internet bị thâm nhập, biến đổi nội dung và hình thức 'Nhiều lần tôi đã vào blog của tôi nhưng không thể đọc được, có những bài bị xoá trắng, tôi thấy blog của tôi đã bị xoá nội dung rồi… Tôi nghĩ rằng đây không phải là ngẫu nhiên, nghe nói ông Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông vừa ký một thông tư về việc cấm các blogs có nội dung không phù hợp với yêu cầu của họ," (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081230_vothihao_blog.shtml)

Đây là thông tin chúng tôi cho rằng rất đáng lưu ý. Bởi vì mặc dù chính quyền VN đang rất muốn Yahoo và Google giúp đỡ họ quản lý các trang blogs và mặc dù đại diện của họ tại VN đều khẳng định họ không được phép cung cấp bất cứ thông tin gì đã cam kết bảo mật với khách hàng. Nhưng với những gì đang xảy ra với nhà văn Võ Thị Hảo, liệu Yahoo có chịu trách nhiệm về các sự cố trên không?

Lý do khiến chính quyền VN ngày càng xiết chặt báo chí, như người ta thường nói "có tật giật mình" vì hay làm điều gian dối nên họ luôn sợ sự thật.

Nhưng tất cả những gì họ đang cố sức làm để siết chặt quản lý thông tin chỉ là chuyện "đội đá vá trời" vì như chúng ta biết, thông tin điện tử qua mạng internet ngày càng trở nên hoàn hảo, nhanh, rẻ và hữu hiệu hơn gấp nhiều lần báo giấy. Vì thế số phận của những tờ báo giấy rồi cũng đến lúc giống như những chiếc phong bì, trang thư viết tay và những bức điện tín hiện đang bị email loại bỏ dần. Có thể một ngày nào đó nhiều tờ báo giấy sẽ chỉ còn là kỷ vật trong các viện bảo tàng báo chí.

Trong thực tế chính quyền gian dối VN đang phải đối mặt với tốc độ phát triển công nghệ thông tin ở VN được xếp vào loại nhanh nhất thế giới "với hai phần ba của dân số 83 triệu người của Việt Nam là những người trẻ dưới 30 tuổi và "họ rất am hiểu về Internet". Đó là phát biểu của Henry Nguyen, đồng quản lý liên doanh IDG Việt Nam, một quỹ đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực ICT được sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ. Nhìn vào sự phát triển của Internet, người ta có thể dễ dàng nhận ra sự phát triển mạnh mẽ của ngành Công nghệ Thông tin và Viễn thông Việt Nam. Với tốc độ phát triển từ 35-37%/năm liên tục trong nhiều năm, tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam đã vượt qua mức trung bình của thế giới là 16,9%.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, cả nước đã có 4,3 triệu thuê bao Internet quy đổi, đáp ứng nhu cầu của 15,5 triệu dân, đạt mật độ 18,64 người/100 dân, cao hơn bình quân khu vực ASEAN và thế giới; vượt xa Thái Lan (12,65%), Trung Quốc (9,41%), Philippines (9,12%)..". (http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/kinhtetrongnuoc/2007/05/700066/).

VN có được kỳ tích trên chắc chắn chẳng phải vì công lao của đảng mà phần lớn nhờ truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc. Phần lớn bậc cha mẹ đều mong muốn đầu tư việc học hành cho con cái và máy tính được xem như một công cụ học tập không thể thiếu hiện nay.

Chính quyền VN hay khoe về sự phát triển hơn người này nhưng trong ruột gan họ lại không giấu nổi những nỗi lo lắng về quản lý nó. Vì nhờ có internet mà bây giờ bất cứ người dân nào sống trong nước bất mãn với chính quyền họ đều có thể lên tiếng mà không cần phải xin phép bất cứ ai, ai muốn tìm hiểu sự thật cũng đều dễ dàng. Nếu không có internet, chắc chắn giáo xứ Thái Hà, Tòa TGM Hà Nội đã bị san bằng thành bình địa, đức cha Ngô Quang Kiệt đã bị bắt và tám giáo dân đã phải ngồi tù.

Trong một bối cảnh như vậy ý định răn đe dân chúng trong 'lời chúc' càng chỉ để chúng ta thấy rõ hơn ái bản chất ngược ngạo của chế độ, họ chỉ vẫn muốn 'ngu dân', vẫn thích lấy mũ nỉ che tai bịt mặt để khỏi chứng kiến những văn minh tiến bộ của nhân loại.