CHUYỆN BA NHÀ

“Chuyện ba nhà” là tên một tiểu thuyết của Trung Quốc. Còn “chuyện ba nhà“ đây hoàn toàn là chuyện của Việt Nam, là chuyện có thật, các nhân vật còn sống sờ sờ.

Câu chuyện có chỗ hơi tục. Người viết rụt dè vì sợ đụng chạm đến sự tôn nghiêm của lòng tin nhưng thấy ở ta cái “mô típ văn học” hoặc “đố tục giảng thanh” nên viết đại, mong mọi người thấy cái thanh trong cái tục.

Cha Lý được Vatican phong chức, có giáo phận, có giáo dân, cha đã đứng tuổi, cha được mọi người mến mộ. Đúng cha là một “nhà”. Người ta đưa cha ra toà, cha đạp đổ vành móng ngựa, người ta xích tay cha lại, cha chửi rủa, người ta lấy hai tay bịt mồm cha …có người chụp được hình ảnh, in to như cái chiếu, trưng lên khắp nơi trên thế giới. Nền tư pháp của ta, chế độ của ta bị bêu riếu đến tận cùng.

Bà Dương Thu Hương, cây bút có tên tuổi, ra nhiều đầu sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, loại sừng sỏ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bà là một “nhà”, không ai chối cãi, nhà to gần bằng một biệt thự. Bà đùng đùng tức tối, bà tuyên bố, được lan truyền khắp thế giới: “Bà về nước, bà sẽ vén váy, ngồi lên mặt kẻ đã hành hạ bà.” Vén váy và ngồi lên bà có thể “ị” ra lúc nào không biết. Thế là cái thơm lừng của hoa trái tháng tám lung linh bị cái thum thủm đuổi cho chạy một mạch, một phen “mất dép”.

Ông Thanh Giang có nhiều bằng cấp. Ông đã dự nhiều hội nghị quốc tế về khoa học, ông đã thuyết trình công trình nghiên cứu của ông tại Mỹ, cái này là đích thực. Ông rõ ràng là một “nhà. ” thứ thiệt. Thế rồi vừa qua ông bị khám nhà, bị thẩm vấn. Ông trả lời RFA “nếu ông bị ra toà, ông sẽ tụt quần ra đấu với toà …” Lo quá! Ông đã tụt quần ra thì ông sẽ “tè”! Cái dòng sông Xanh sẽ đen ngòm và sặc mùi “amoniắc”, không cần đến Vedan.

Ông Giang và bà Hương ghét nhau như “nắm đất bỏ đi” thế mà hai người đều dựng lên cái phương án chính trị rất là tục, chắc là họ không “đạo văn” của nhau. Có thể vì đây là 2 bộ óc lớn gặp nhau (?)

Cả ba “nhà” đều trong ba giới mà người đời xưa cũng như nay đều tôn kính, coi như tinh hoa của dân tộc. Sao lại có câu chuyện này? Họ tội tình gì hay chỉ vì có bộ óc nhạy cảm, có suy tư sâu sắc, có ý thức làm người sôi sục thôi thúc họ? Có phải họ bị đàn áp đến mức không còn gì để mất…, họ phải dùng đến cái “Khổ nhục kế” nói trên.

Các vị trong giới cầm quyền nên nghĩ lại “Con giun xéo mãi nó cũng phải quằn” và “gieo gió sẽ gặt bão”, như ông cha ta đã dạy, để điều chỉnh việc ứng xử sao cho “trong ấm, ngoài êm”. Cái lò xo càng ép bao nhiêu thì bật lên càng mạnh bấy nhiêu.

Lời kết

Các năm trước người ta gọi Việt Nam là con hổ đang gầm thét.Từ ít tháng nay, người ta thấy Việt Nam như quả bong xì hơi. Bao nhiêu sai phạm, yếu kém như bị bóc trần và con đường đi lên thì mờ mịt.

Đàn áp một số người chẳng giải quyết được việc gì, chỉ yên được một bề mà mất nhiều bề.

Có nên chấp nhận: “Phải thay đổi” như ÔBAMA đã nêu cao.Có lẽ không còn đường nào khác.

Việt Nam, một dân tộc từ khởi đầu: Ngày làm chủ ít hai ngày làm nô lệ, cơm áo thiếu hụt từ bao giờ … bao nhiêu năm chiến tranh, núi xương, sông máu, khăn trắng dăng dăng từ Bắc chí Nam … Như thế Việt Nam chỉ có thể chọn con đường thay đổi trong cái tình: “Người trong một nước phải thương nhau cùng.”