HÀ NỘI - Ngày 15/1/2009 vừa qua trên tờ Hà Nội Mới có bài “Tự hào hơn, say mê hơn” viết về Hội báo Xuân Kỷ Sửu 2009, trong đó có đoạn “… Đối với người trong nghề, một trong những hoạt động được chờ đón trong buổi lễ khai mạc Hội Báo Xuân sẽ trao giải thưởng Ngô Tất Tố cho các tác phẩm xuất sắc của báo chí Thủ đô năm 2008. … Giải thưởng Ngô Tất Tố nhiều năm nay đã trở thành sinh hoạt nghiệp vụ quen thuộc của báo giới Thủ đô. Năm 2008, BTC đã chọn được 18 tác phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó báo Hànộimới có 9 giải (một giải nhất, hai giải nhì, một giải ba và 4 giải khuyến khích….”

Lãnh đạo HN mừng vì ‘tai qua nạn khỏi’?
Mặc dù bản tin này không cho biết “tác phẩm xuất sắc” là tác phẩm nào, nhưng theo BBC Vietnamese trong bài ‘Báo được khen trong vụ Thái Hà - Nhà Chung’ thì:

Hội Nhà báo thành phố Hà Nội vừa quyết định trao Giải thưởng báo chí hàng năm mang tên Ngô Tất Tố cho các nhà báo, phóng viên "có tác phẩm chất lượng cao" được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thành phố.

Hai giải nhất được trao cho xã luận “Đấu tranh chống lại vụ đòi đất tại 42 Nhà chung và 178 Nguyễn Lương Bằng” của tác giả Anh Quang (Báo Hà Nội Mới) và Chùm bài về giáo xứ Thái Hà và Nhà Chung của nhóm phóng viên thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Báo Hà Nội Mới và Đài PT-TH Hà Nội là hai cơ quan tham gia đưa tin về các vụ tranh chấo đất đai liên quan tới giáo xứ Nhà Chung và Thái Hà đầu tiên, với hàng chục tin bài mỗi vụ.

Báo đài này cũng đưa tin sớm nhất về các phát biểu của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt liên quan tấm hộ chiếu Việt Nam mà sau này được truyền thông trong nước nhân rộng thành 'chiến dịch'.

Hôm 8/1/2009 Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội chính thức thụ lý vụ án tám giáo dân Thái Hà xin phúc thẩm bản án mà tòa sơ thẩm công bố một tháng trước đó. Tám người này đã bị Tòa án Nhân dân quận Đống Đa kết án treo vì tội "gây rối trật tự công cộng" và "phá hoại tài sản".

Hai trong số đó là bà Nguyễn Thị Việt và bà Ngô Thị Dung cũng đã đâm đơn kiện báo Hà Nội Mới và kênh VTV1 về việc "tường thuật không đúng sự thật" phiên xử các giáo dân.

Hiện chưa rõ đơn kiện này đã được thụ lý ra sao. (hết trích)

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2009/01/090116_press_award.shtml

Trước hết, sự né tránh không nêu chi tiết về giải thưởng mà nếu BBC không đưa tin dư luận đã không biết, cho thấy chính quyền Tp.Hà Nội đã cảm thấy hơi ‘ngán’ đụng đến vụ Thái Hà và TKS do họ đuối lý. Tuy nhiên, vụ giáo dân Thái Hà bị khởi tố vẫn chưa kết thúc, vì thế có mấy đề cần phải làm rõ về giải thưởng này như sau:

1./ Vì sao vụ ‘Thái Hà và Phố Nhà Chung’ lại đoạt giải nhất?

- Cả hai “tác phẩm xuất sắc” nhất đều thuộc về vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ mà không phải những hình ảnh thước phim có một không hai về cảnh lụt ấn tượng lội Hà Nội cuối năm qua, cho chúng ta thấy trong suy nghĩ của chính quyền họ đã quan trọng hóa hai vụ việc này đến đâu.

Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói trong buổi khai mạc “Báo chí Thủ đô là kênh thông tin quan trọng cho lãnh đạo thành phố” và theo tờ An Ninh Thủ Đô thì “Đồng chí Bí thư Thành ủy đã bùi ngùi dừng lại rất lâu trước videoclip ghi lại hình ảnh Thủ đô chìm trong nước và hình ảnh người dân Hà Nội chống chọi với trận mưa lũ lịch sử trong năm vừa qua”. Xem và thấy “bùi ngùi” nhưng lại im lặng bỏ đi là vì sao? Chắc xúc động quá nên quên trao giải nhất cho phóng viên tác giả video clip này chăng?

(http://www.anninhthudo.vn/TIANYON/Index.aspx?ArticleID=40815&ChannelID=3)

Chính xác mà nói thì Hội báo Xuân năm nay là lễ hội ‘ăn mừng’ thoát nạn của chính quyền Hà Nội trên mặt trận báo chí, vì thế mới tuyên dương công trạng cho các bồi bút và bồi phim liên quan thứ hạng cao nhất.

Tuyệt phẩm video “Cán bộ giả dạng giáo dân” đoạt giải nhất !
- Kèm theo hai giải nhất này chắc chắn không thể thiếu khoản tiền “lì xì” trao cho bồi bút Anh Quang của tờ Hà Nội Mới và nhóm bồi phim của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, vì đã có công gồng mình bẻ cong ngòi bút, bóp méo ông kính trong vụ Thái Hà – TKS, tường thuật toàn những chuyện không có thật, xuyên tạc tu sĩ giáo dân Hà Nội như đoạn video phóng sự đài THVN quay một quí ông cán bộ lão thành ‘thuê’ được được đâu đó, rồi dẫn ông vào công viên cùng nhau phụ giúp ông ta tháo huân chương ra đặng nhập vai giáo gian cho ‘đúng người đúng việc’ phát biểu chỉ trích giáo hội bị phóng viên VietCatholic phát hiện chụp hình tung lên mạng.(http://www.youtube.com/watch?v=Pp8OVEhVu4Y ) Trước đó, cũng một cán bộ khác giả dạng giáo gian bị giáo dân Thái Hà phát hiện, ông này bẽ mặt bèn lủi mất http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=57567

Ngoài ý nghĩa trả ơn, tiền ‘lì xì’ còn là khoản ‘đặt cọc’ cho việc chuẩn bị đối phó với tám giáo dân Thái Hà đồng loạt kháng án và khởi kiện tờ Hà Nội Mới, Đài THVNN vì đưa tin sai sự thật về việc họ “cúi đầu nhận tội” tại phiên tòa hôm 8/12. Vụ việc đang đặt nhà cầm quyền VN vào thế rất khó xử, có thể nói họ đang bị rơi vào tình trạng lấy “gậy ông đập lưng… mình” khi miệng luôn hô hào “sống làm việc theo pháp luật” còn họ lại hành xử rất phi pháp, sẽ hứa hẹn nhiều chuyện ly kì. Thiết nghĩ dân oan cả nước cũng nên dõi theo vụ việc để học cách làm sao giúp nhà nước ‘hội nhập’ với thế giới văn minh được tử tế hơn.

Ngô Tất Tố (1894-1954)
2./ Nếu Ngô Tiên sinh còn sống, ông sẽ khen ai?

Ngô Tất Tố như chúng ta biết là nhà văn, nhà báo nhiều trăn trở trước những bất công do sự cách biệt về giàu nghèo gây nên trong xã hội ông sống vào đầu thế kỷ 20. Tác phẩm ‘Tắt đèn’ (1939) với gia cảnh éo le vây quanh Chị Dậu, tiêu biểu cho hàng triệu cảnh đời cùng khổ của dân chúng Việt Nam khi ấy, là lời tuyên án của ông trước những bất công.

Gần đây nhà văn Vương Trí Nhàn viết về Ngô Tất Tố như sau:

“…nơi báo quán Ngô Tất Tố làm việc cũng là nơi những anh Dậu, chị Dậu ở quê hương ông đến than thở một vài điều oan ức, vay một hào, hoặc nhờ xem lại ít chữ nghĩa trong các đơn kiện… ông như một thứ đại sứ đặc biệt sống ở giữa Hà thành này để phát ngôn hộ cho những người nông dân nghèo khổ. (http://vuongdangbi.blogspot.com/2008/10/ng-tt-t.html)

Một Ngô Tất Tố hào hiệp tựa Don Quichotte nếu còn sống ở thời đại chúng ta, trước những bất công xảy ra cho giáo xứ Thái Hà, chắc chắn nhà văn phải đứng về phiá các Cha dòng Chúa Cứu Thế và 8 giáo oan của họ đạo này. Vậy mà chính quyền VN lại lấy tên tuổi ông ra để vinh danh những tay bồi bút của tờ Hà Nội Mới, ‘bồi phim’ của đài phát thanh truyền hình VN. Thật trớ trêu! Làm thế có khác gì chủ đi ăn cướp tớ lại được tuyên dương?

Lý do của cái việc ‘mượn đầu heo nấu cháo’ này là do từ sau lớp sĩ phu thành danh như Ngô Tất Tố, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà csvn vẫn không tài nào ‘nặn’ ra nổi một nhà văn, nhà thơ nào tầm cỡ ông được mọi người Việt dù cộng sản hay tự do thừa nhận để đặt tên cho giải thưởng ‘cao quí’ này. Những người có Tài thật sự, vì ‘vướng’ chữ Đức, chữ Tâm mà không thể thành danh dưới chế độ của họ, nơi mà ngày nay bắt báo chí chỉ được phép “đi bên lề phải”, nơi mà chỉ những ai cam chịu làm bồi bút mới được họ trọng dụng.

Một trong những ‘ngôi sao sáng’ trên bầu trời văn học XHCN là Tố Hữu, chúng ta hãy xem anh ‘bồi bút’ này viết gì?

“…Anh tìm Lê nin vĩ đại / Tinh hoa trái đất, chất kim cương / Con người đẹp nhất trong nhân loại / Trí tuệ, tình yêu của bốn phương / Lê nin ơi, Người thầy, Người Cha / Niềm tin trong sáng mãi lòng ta … (trích bài thơ ‘Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác’) “đỉnh cao” văn học XHCN cao tới cỡ đó là cùng!

3./ Vấn đề khai thác trái phép tên tuổi người khác

Jane (Fonda) Hanoi khi 'thấm thiá' cộng sản thì đã quá muộn!!!
Việc lợi dụng tên tuổi những người nổi tiếng của cộng sản từ lâu đã là sách lược của họ:

- Gần hai thế kỷ trước, nhà khoa học nổi tiếng của nước Anh Charles Darwin (1809-1882) tác giả quyển "Nguồn gốc muôn loài" (The Origin of Species) là căn bản cho “Thuyết Tiến Hoá” đã bị cộng sản lợi dụng xuyên tạc để đả kích tôn giáo. (xem thêm “Vì sao cộng sản sợ tôn giáo?” http://vietcatholic.net/News/Html/56146.htm)

- Khi cuộc chiến VN bước vào giai đoạn khốc liệt 1972, cô ca sĩ Jane Fonda của Mỹ đến Hà Nội chụp hình dưới dàn cao xạ Việt Cộng chỉ để bày tỏ “phản chiến” nhưng Hà Nội lại nhìn sự việc ấy bằng con mắt khác hoàn toàn “Cô bé háo danh và ngây thơ này sắp biếu không cho chúng ta những bàn thắng trên mặt trận tuyến truyền thông” và những gì diễn ra đã đúng như vậy sau đó.

Năm 2005, khi trả lời phỏng vấn chương trình 60 phút của kênh truyền hình CBS, Jane đã nói rằng: "Tôi sẽ ân hận về điều này cho đến tận ngày xuống mồ. Hình ảnh Jane Fonda, Barbarella, con gái của Henry Fonda ngồi trên nòng súng cao xạ của quân đội Bắc Việt là một sự phản bội, giống như tôi đang trêu ghẹo đất nước đã dành cho tôi nhiều đặc ân vậy” .

(http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/women_JaneFonda_TMi-20050516.html)

Việc lấy tên Ngô Tất Tố ra đặt cho giải thưởng chẳng những không có một chút giá trị cả về văn hoá lẫn thời sự, đã thế lại còn gian dối, không biết hậu duệ của nhà văn có ai quan tâm để ý đến hành vi tráo trở này của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội và quan trọng hơn nữa có dám lên tiếng phản đối họ để bảo vệ thanh danh cho dòng họ không?

Bởi đâu phải hễ cứ là nhân tài tự dưng tên tuổi người ấy bỗng trở thành tài sản quốc gia, tổ chức nào muốn sử dụng vào mục đích gì tốt xấu ra sao cũng đều được sao? Năm 2007, ông Cù Huy Hà Vũ, với tư cách người thừa kế của nhà thơ Xuân Diệu đã từng khởi kiện Bộ VHTT về việc liên quan đến Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội cũng vì sự lạm dụng tên tuổi thân phụ ông. Về phương diện này, có lẽ chính quyền VN phải ‘đóng học phí’ vài lần ở các tòa án quốc tế như vụ huấn luyện viên LeTard, vụ Vietnam Airline… may ra họ mới trở nên ‘sáng mắt’ hơn.

Đó là chưa nói đến khả năng nếu Ngô Tất Tố không mất năm 1954, số phận ngòi bút ngay thẳng này liệu có khác gì những Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung v.v… trong vụ "Nhân Văn Giai Phẩm" đàn áp bỏ tù văn nghệ sĩ miền Bắc mở màn vào hai năm sau đó (1956) để nay lấy đâu ra cái tên Ngô Tất Tố ra vinh danh cho dám bồi bút, bồi phim trong vụ TKS- Thái Hà?

Nói chung với một chế độ luôn lấy sự lươn lẹo làm kim chỉ nam hành động, nếu mai này gió đổi chiều buộc họ phải che chắn lại mà đổi tên giải thưởng báo chí hằng năm từ “Ngô Tất Tố” thành ra “Giải thưởng Nguyễn Việt Chiến” chúng ta cũng chẳng lấy đó làm lạ!

Sàigòn, 19/01/2009