DIỄN BIẾN MỚI VỀ VỤ CÁC GIÁO DÂN KIỆN CÁC CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG

Sau khi nhận được giấy mời của Báo Hà Nội mới, ngày 17 tháng 2 năm 2009, bà Nguyễn Thị Việt – một trong hai giáo dân đứng đơn kiện các cơ quan truyền thông, đã gửi giấy đề nghị Báo Hà Nội mới rằng, bà rất vui được gặp Ban biên tập Báo Hà Nội mới, nhưng để buổi gặp đạt kết quả tốt, bà đề nghị ba yêu cầu: thứ nhất cho biết rõ nội dung buổi gặp mặt; thứ hai đề nghị cho Bà Dung người đồng đơn được có mặt; thứ ba yêu cầu có luật sư đi cùng. Bà cũng đề nghị Báo Hà Nội mới trả lời bà bằng văn bản.

Tuy nhiên, mọi yêu cầu của bà không được đáp ứng.

Để tránh tình trạng Báo Hà Nội mới bóp méo sự thật như thói quen họ vẫn thường làm, và nhất là theo qui định “không trả lời tức là đồng ý”, chiều ngày 19 tháng 2 năm 2009, theo giấy mời, Bà Nguyễn Thị Việt, Ngô Thị Dung đã tới Tòa soạn Báo Hà Nội mới. Cùng đi với hai bà còn có trợ lý của Luật sư Lê Trần Luật, một người cháu và một người con đỡ đầu của bà Việt.

Ngay khi bước chân vào tòa soạn, nhóm người khiếu nại đã bị chặn lại bới bốn nhân viên tự xưng là người của tòa soạn. Họ yêu cầu những người không được mời phải đứng ở ngoài; đồng thời yêu cầu phái đoàn cũng không được quay phim chụp ảnh. Nhận thấy đây là một yêu cầu vô lý, Bà Việt – người có giấy mời, và những người cùng đi nhất quyết không vào nếu cả đoàn không được vào.

Sau nửa tiếng tranh luận, thấy các đề nghị của phái đoàn khiếu kiện hữu lý, nhân viên tòa soạn đề nghị phái đoàn ngồi chờ để anh ta còn đi xin ý kiến lãnh đạo. Khoảng 40 phút sau, anh ta trở lại và vẫn lập lại điệp khúc cũ: “Quy định của ban bạn đọc chúng tôi là vậy, chỉ tiếp người có đơn”. Khi được đề nghị xem văn bản qui định, người này nói: “Đấy là chúng tôi qui định với nhau, chứ văn bản ở đây làm gì có”.

Sau một hồi tranh luận, anh nhân này bắt đầu đuối lý. Không còn cách nào khác, anh lại xin phép cho anh vào để xin ý kiến lãnh đạo.

Khoảng 20 phút sau, anh trở ra. Lần này, đi theo anh là một thanh niên cầm trên tay chiếc máy Camera. Người này lập tức cầm máy lia một vòng tất cả nhóm người khiếu kiện. Các giáo dân – nguyên đơn, phản đối dữ dội và đề nghị các nhân viên Báo Hà Nội mới không được quay phim, nếu tiếp tục quay phim, các giáo dân và đoàn khiếu kiện cũng sẽ quay phim bởi nhân viên Báo Hà Nội mới đã vi phạm chính điều họ đã đưa ra là “không được quay phim ở cơ quan”. Thế là hai bên thi nhau mạnh ai nấy chụp.

Thấy không thể giải quyết được, anh cán bộ nhân viên khi nãy lại một lần nữa trở vào xin ý kiến lãnh đạo. Khoảng 20 phút sau, anh trở ra với khuôn mặt buồn bã và tiếp tục ca lại bài ca muôn thuở, nhưng với một cung giọng thiểu não, đáng thương: “Thôi mà bác, có gì đâu, bác vào chúng tôi trả lời bác theo đơn khiếu nại, có thế thôi mà”.

Tới nước này, vì lòng nhân ái, Bà Việt đã đồng ý vào làm việc. Buổi làm việc diễn ra chóng vánh. Qua cuộc làm việc, Báo Hà Nội mới chính thức trả lời bằng miệng rằng: “Căn cứ vào diễn biến phiên tòa, họ đưa tin như thế là đúng sự thật và vì thế sẽ không cải chính”. Thế nhưng, khi được yêu cầu thể hiện những điều này bằng văn bản và lập biên bản, Báo Hà Nội mới đã từ chối.

Qua diễn biến xảy ra ngày 19 tháng 2 năm 2009 vừa qua, cho các cơ quan báo chí và bộ phận chủ quản đang hết sức lúng túng và chơi quả “cù nhầy” dây dưa. Nói như luật sư Lê Trần Luật, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài RFA, “con kiến” đang làm cho “củ khoai” hết sức lúng túng, chỉ một buổi chiều “củ khoai” đã phải bốn lần đi xin ý kiến chỉ đạo của “người trồng khoai”.

Điều đáng nói là, dưới sự chỉ đạo, Báo Hà Nội mới tiếp tục thách thức công luận: thay vì trả lời khiếu nại bằng văn bản, Báo Hà Nội mới đã chỉ trả lời bằng miệng với dụng ý gây khó khăn cho quá trình tố tụng sau này. Đằng sau sự kiện này, ai cũng biết, có một sự “chỉ đạo xuyên suốt”, có một thế lực bảo kê cho các cơ quan truyền thông dựa lưng tiếp tục vi phạm Luật Báo chí, coi thường bạn đọc.

Về phía các giáo dân – nguyên đơn, họ cho biết dù khó khăn thế nào, dù phải trả giá, họ vẫn sẽ quyết tâm đi tìm sự thật cho tới cùng.

20/2/2009