Phụ nữ bị kỳ thị, cán bộ tha hồ tham nhũng, ký giả bị công an đánh

WASHINGTON - Trong bản phúc trình đầu tiên về nhân quyền kể từ khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nằm dưới quyền của bà Hillary Rodham Clinton, cơ quan này cho rằng Việt Nam vẫn nằm ở mức “chưa thỏa đáng” trong năm 2008. Bộ Ngoại Giao ghi nhận tình trạng công an cũng như nhà nước đã tham nhũng và giới hạn những tiếng nói đối lập chính trị.

Bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại Giao Mỹ mô tả Việt Nam là một quốc gia độc tài dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản, nơi mà ý kiến đối lập không được công nhận và người dân có thể bị bắt vì lý do chính trị.

Phúc trình được công bố hôm Thứ Tư, 25 Tháng Hai, 2009 cho biết nhà cầm quyền đã bắt giữ “ít nhất 35 tù nhân chính trị” tính cho đến cuối năm 2008, và ghi nhận báo cáo của các quan sát viên quốc tế rằng số người bị bắt giam có thể lên tới “hàng trăm người.”

Nạn buôn người đã tiếp tục là một vấn nạn đáng kể, cùng với nạn bạo hành và kỳ thị đối với phụ nữ. Phúc trình cũng ghi nhận tình trạng tham nhũng lan rộng trong chính quyền và nhắc đến sự việc thiếu minh bạch trong chính sách chiếm ruộng đất và di chuyển dân trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở.

Trong lời mở đầu của phúc trình mà trong đó có nhắc đến các quốc gia khác như Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Ðiện, các cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, vài quốc gia ở Trung Ðông, Phi Châu, và Châu Mỹ La tinh, Ngoại Trưởng Clinton cho biết: “Hoa Kỳ không những theo đuổi các lý tưởng trên đất Mỹ, mà còn xúc tiến việc tôn trọng nhân quyền nhiều hơn khi tiếp cận với các quốc gia và dân tộc khắp thế giới.”

Trong phần nhắc đến Việt Nam, một quốc gia có 86 triệu dân, phúc trình mở đầu với nhận xét rằng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nước độc đoán do Cộng Sản cai trị.

Vẫn theo bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ, thành quả nhân quyền của Việt Nam trong năm qua vẫn “chưa thỏa đáng” (unsatisfactory), vì nhà cầm quyền tiếp tục ngăn chận các quyền tự do căn bản như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp. Nhà nước bị tố cáo tội đàn áp những người bất đồng chính kiến, bắt giữ các nhà dân chủ khiến nhiều người phải bỏ nước lánh nạn, trong khi người dân không thể thay đổi chính phủ bằng lá phiếu, các hoạt động chính trị bị ngăn cấm.

Bản phúc trình đề cập tới hành động đàn áp, giam cầm của công an, tình trạng kỳ thị sắc tộc, buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn xảy ra, những người hoạt động tích cực cho công đoàn thì bị bắt giữ, hù dọa trong khi chính phủ hạn chế quyền của công nhân.

Mặc dù luật pháp của Cộng Sản Việt Nam quy định tội hình đối với quan chức tham nhũng; chính phủ không thực hiện luật này một cách hiệu quả. Nạn tham nhũng tiếp tục là vấn đề lớn của Việt Nam. Ðề tài tham nhũng được viết trong một đoạn với tiểu tựa “Tham nhũng trong chính phủ và vấn đề minh bạch.”

Trong vấn đề tự do tôn giáo, bản phúc trình cho biết hiến pháp và các nghị định của Việt Nam có quy định về tự do thờ phượng, thế nhưng những khó khăn vẫn tiếp diễn trong sinh hoạt tôn giáo của người dân.

Bản phúc trình đặc biệt quan tâm sự hạn chế đối với các hoạt động tôn giáo bị xem mang tính chính trị hay thách thức quyền lực của nhà nuớc, nhất là có liên quan đến Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo Hội của người thiểu số Tây Nguyên.

Bản phúc trình có nhắc đến trường hợp các công an đánh đập một ký giả của hãng thông tấn AP hồi tháng 9 năm ngoái khi ông đến nơi để làm phóng sự về buổi cầu nguyện của Giáo dân tại khu vực Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội.

(Nguồn: Người Việt, Thursday, February 26, 2009 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91383&z=1)