VẾT NỨT TÂM HỒN

Thông tin Đập thủy điện Sơn La – con đập lớn nhất Đông Nam Á bị nứt, khiến tôi tò mò đi chơi Tây Bắc. Tây Bắc mùa này khô hanh. Những cơn gió Lào thổi mạnh khiến cho những ngày tháng ba mùa đông vùng cao nóng bức như những ngày hè.

Những ngày này, không khí tại công trường đập thuỷ điện Sơn La như trùng xuống. Trên công trường, công nhân làm việc thưa thớt. Trái ngược hẳn với khung cảnh náo nhiệt của những ngày trước tết Kỷ Sửu, mỗi ca cả hàng ngàn công nhân cùng làm việc. Các ngả đường vào khu vực công trường, các trạm kiểm soát được tăng cường nghiêm ngặt. Mọi người lạ mặt bị chặn lại không được xâm nhập công trường.

Những người dân sống quanh khu vực cho biết, kể từ ngày 18/2/2009, an ninh khu vực công trường trở nên chặt chẽ hơn. Tất cả những công nhân công trường và những ai liên hệ thì đều được phát “thẻ ra vào” mới thay cho thẻ cũ. Các ngả đường được tăng cường thêm những trạm kiểm soát mà chỉ người quen lắm mới được vào. Nhưng khi hỏi họ lý do, thì tất cả đều trả lời không biết. Hỏi họ có biết đập thuỷ điện bị nứt không thì tất cả đều lắc đầu.

Mấy công nhân làm việc ở công trường cho biết vết nứt rất lớn, rộng 1cm, sâu khoảng 6m và kéo dài hơn 30 mét, đang chờ giám định. Kể từ khi phát hiện vết nứt công nhân làm việc cầm chừng, nghe ngóng, bởi chưa từng thấy hiện tượng nứt như thế bao giờ.

Vết nứt đã được dự báo trước?

Thực ra, ngay khi dự án xây dựng đập thuỷ điện Sơn La được công bố rộng rãi, thì đã có rất nhiều cuộc hội thảo của các nhà khoa học bàn về vấn đề khả thi hay không việc xây dựng con đập thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á này. Trong những cuộc hội thảo ấy, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra bởi vị trí xây đập nằm ở vào một vị trí có cấu trúc địa tầng phức tạp. Đây là vùng đất của rất nhiều trận động đất nhẹ xảy ra mỗi năm. Người ta đang dự tính, khi con đập hình thành và dự án ngăn sông hoàn tất, lòng hồ thuỷ điện Sơn La trở thành một túi nước khổng lồ có trữ lượng 9,26tỷ m3 nước, tương đương hơn 9tỷ tấn đè xuống vùng sơn địa vốn hết sức yếu về mặt cấu trúc địa chất, khiến các cơn địa chấn có thể tăng cường độ và xảy ra sớm hơn theo chu kỳ.

Còn nhớ trận động đất tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc năm ngoái, hơn 100.000 người chết và nguyên nhân theo các nhà khoa học không loại trừ việc chính phủ Trung Quốc đã xây dựng nhiều con đập trên một vùng đất có cấu trúc địa tầng giống như tại khu vực thuỷ điện Sơn La.

Theo các nhà khoa học, nếu đập thuỷ điện Sơn La vỡ thì thiệt hại sẽ lớn gấp bội lần thiệt hại do địa chấn tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nếu đập Thuỷ điện Sơn La vỡ, thì sẽ gây hiệu ứng vỡ đập thuỷ điện Hoà Bình và khi đó, một chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như chiếc lá. Khoảng 30 phút sau khi đập vỡ, toàn bộ đồng bằng Bắc bộ sẽ chìm sâu dưới 4 – 60m nước, cướp đi sinh mạng khoảng 15 triệu người.

Công trình của các kỹ sư người Việt?

Dự báo là thế, nhưng thuỷ điện Sơn La vẫn cứ được xây dựng vượt tiến độ, tranh thủ thời gian. Bên cạnh đó, nhiều người còn tự hào vì đây là công trình thuỷ điện đầu tiên tại Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á, do chính tay các chuyên gia, kỹ sư người Việt thiết kế và thi công các công đoạn.

Ai cũng biết chuyện xây dựng các công trình công cộng tại Việt Nam từ nhiều năm nay diễn ra như thế nào? Câu chuyện đau lòng sập cầu Cần Thơ vẫn còn đó khiến hơn 100 người chết và bị thương. Các công trình xây dựng thì bị rút ruột, chia chác từ trên xuống dưới. Các công trình được xây dựng với mục tiêu “vì dân”, nhưng thực chất bao giờ cũng “vì túi quan” trước hết, khiến cho kỹ thuật không bảo đảm. Nhiều công trình đã phải chi trả để bôi trơn các quan tới 30% tổng chi phí công trình.

Nhiều người tự hỏi, việc xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, các nhà thầu phải chi trả bao nhiêu trong tổng số dự toán 43.000tỷ đồng chi cho công trình này? Chỉ biết rằng, những ngôi nhà được xây dựng trong các khu vực tái định cư cho dân cư trên lòng hồ, nay đã xuống cấp thậm tệ, nhiều căn nhà đã xảy ra hiện tượng nứt nẻ giống như tình trạng nứt nẻ tại đập thuỷ điện Sơn La hiện thời.

Vết nứt tâm hồn

Không biết có mối liên hệ nào không giữa những vết nứt trên đập thuỷ điện Sơn La và những vết nứt trong các khu nhà tái định cư cho cư dân dọc hai bên Sông Đà, nhưng qua những công trình xây dựng, qua những vết nứt trên các khu nhà chung cư, các khu tái định cư, thì thấy rõ có một nết nứt rất sâu trong tâm hồn của con người, của những người dân tái định cư, những người nghèo đang làm ăn sinh sống dọc bờ Sông Đà, và nhất là những ai đang quan tâm tới vận mạng đất nước.

Hỏi rằng người dân hôm nay còn tin vào những lời hoa mỹ, mị dân, những chính sách với những cái tên hoành tráng (như tiền tết cho người nghèo) không, thì tất cả đều khẳng định rằng họ không còn tin vào nhà nước “của dân, do dân và vì dân” này nữa.

Sự bất công, sự giả dối, được nhà nước tiếp tay, cổ động bằng những giải thưởng, như những cơn địa chấn đang làm cho tinh thần và lòng yêu nước bị lung lay, tạo nên những vết nứt dọc ngang tâm hồn.

Con đập thuỷ điện Sơn La sững sững, nhưng lại chứa biết bao hiểm hoạ khôn lường, nó đã bắt đầu từ những vết nứt trong tâm hồn như vậy.

Năm cây đa, do các nguyên thủ quốc gia, trồng tại khu nhà điều hành công trình thuỷ điện Sơn La, vàng vọt, còi cọc, nhìn xuống đoạn sông nơi thi công thuỷ điện, như báo hiệu một tương lai đất nước sáng điện, nhưng tối lòng.

5/3/2009