Đê hèn và nhục nhã



Các giáo dân Thái Hà kháng cáo bản án sơ thẩm sắp phải ra toà phúc thẩm tại Hà Đông - Hà Nội. Đây là vụ án thu hút nhiều quan tâm của người dân toàn xã hội Việt Nam chứ không chỉ có giáo dân.

Cấp chóp bu VN nghĩ rằng không ai biết hoặc không ai chú ý đến những trò ma giáo của mình nên vẫn cứ tưởng mình đang múa tay trong bị. Những người nghĩ ra các trò ma giáo tưởng rằng như đã từng làm với các đồng chí, đồng đội của mình được thì áp dụng ra xã hội không ai biết.

Thực tế thì ngược lại, người dân khắp nơi chú ý đến những hiện tượng, hành vi không bình thường của “ông nhà nước” đối phó với vụ này.

Kiểm lại những việc mấy ông nhà nước đã làm thì thấy cũng đã rất công phu để che giấu cái đuôi chồn hôi của mình. Nhưng những hành động của “ông nhà nước” vừa qua đã tự bóc cái bộ mặt nham nhở trước dư luận nhân dân trong và ngoài nước.

Cứ xem xét những động tác của hệ thống chính trị, công an từ Nam đến Bắc vừa qua đối phó với vụ án “mấy con kiến” này đủ thấy ai đang là người bị động, lúng túng và vi phạm pháp luật.

Ai cũng biết, việc các cơ quan nhà nước kết hợp với nhau nhịp nhàng nhằm đánh hội đồng ông Luật sư Lê Trần Luật - người dũng cảm bảo vệ công lý cho những người dân Thái Hà thấp cổ bé miệng - đã nói lên sự bất lực và hèn hạ của một hệ thống đã không còn bám víu được chút nào vào chính nghĩa, Công lý và Sự thật. Chúng đã nhắm vào một ông luật sư với những con bài không thể dùng ngôn từ nào đúng đắn hơn là kinh tởm và hạ đẳng.

Cũng qua đó bộc lộ bản chất của nhà nước thống trị này đang đứng chỗ nào, ánh sáng hay bóng tối, lòng dân hay kẻ thù của nhân dân.

Một công dân, một trí thức dám đương đầu với những đe doạ với bản thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân là chuyện đương nhiên trong mọi xã hội, nhưng là chuyện lạ lùng trong xã hội Việt Nam Cộng sản.

Nhưng cả một hệ thống nhà nước và các bộ sậu của nó được huy động để giở trò đểu với một cá nhân không có gì trong tay ngoài sự thật và công lý cùng một tấm lòng cháy bỏng ủng hộ những người thấp cổ bé miệng là một sự đê hèn, là một sự nhục nhã.

Một nhà nước mà phải đê hèn, hạ đẳng như vậy sao? Đó có phải là sức mạnh của chính nghĩa hay đó là sức mạnh của ma quỷ, tà thần?

Vụ án kết tội các giáo dân được công khai xử kín ở Hà Nội cuối năm ngoái đã trở thành một biểu tượng, một cách thể hiện sự lúng túng và hoảng loạn của những người chỉ có trong tay súng đạn mà không có chính nghĩa. Phiên toà đó cũng là biểu tượng của lòng dân vốn đã mất hết những gì họ đã từng được ru ngủ và tin theo nay đã bừng tỉnh.

Để tới phiên toà phúc thẩm này, ông nhà nước đã tốn phí bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu mưu ma, chước quỷ đã được hiến… nhưng kết cục sẽ nhận được những gì?

Giáo dân đã quyết đi tìm và đòi lại sự thật, công lý và quyền lợi của mình thì họ đã không từ nan. Giáo dân đã chấp nhận nhà tù, súng đạn, thậm chí là hi sinh cả mạng sống mình cho những ước vọng của họ.

Nhà nước có thể mạnh tay đàn áp, bắt bớ hoặc tống tù tất cả, có thể làm cho họ đau đớn, mất mát và khổ sở. Nhưng để làm cho họ khiếp sợ thì chắc chắn là không. Chính vì thế dù được “khoan hồng” với bản án treo, cảnh cáo… họ vẫn quyết tâm đi đến cùng đích đòi lại sự thật.

Phải làm gì với họ là câu hỏi cần được giải đáp nhanh chóng.

Thói thường, nhà nước có thể giải quyết bằng bạo lực hoặc nhà tù, kể cả áp đặt cho ông luật sư vài ba cái tội như ghẻ ruồi, hoặc tội trốn thuế như ông Blogger Điếu Cày để tống giam, tặng cho cô Tạ Phong Tần và các cộng sự khác cái tội chống lại nhà nước... rồi sau đó khủng bố từng cá nhân một cho hết bọn dám nói dám làm những điều trái ý nhà nước.

Cũng có thể tặng thêm cho mấy giáo dân một bản án thật nặng để chừa cái tội “giỡn mặt nhà nước cộng sản”, cho vào tù thật cho biết tay mà kinh đến bảy đời nhà kiến.

Cách đó là cách đơn giản nhất, chẳng cần họp bàn gì nhiều, người thì sẵn có, công an, quân đội thiếu gì, tiền bạc nhiều như của chùa, xài bao nhiêu được bấy nhiêu. Chẳng những thế còn tạo được công ăn việc làm cho đống người đang có nguy cơ thất nghiệp trong các cơ quan nhà nước vì khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Nhất cử lưỡng tiện nhé.

Nhưng càng làm cách đó, chẳng những nhà nước không thể giải quyết được vấn đề êm đẹp như mong muốn, trái lại càng làm cho những mối lo ngày càng phình to khó bề kiểm soát.

Càng làm cách đó, giáo dân càng được dịp thể hiện bản lĩnh của mình, còn những mưu ma chước quỷ thì có dịp phơi bày ra cho thiên hạ biết. Thời đại thông tin này, chẳng điều gì giấu được lâu, đến như ông Lê Khả Phiêu vốn được xưng tụng là người liêm khiết, chống tham nhũng triệt để nhất của đảng, ấy vậy mà vương cung của ông vẫn xuất hiện rất cụ tỉ (cụ thể, tỉ mỉ - theo cách gộp chữ của cán bộ Cộng sản) trên mạng toàn cầu cho thiên hạ lãm tường.

Để có được phiên toà phúc thẩm, chắc mấy ổng đã phải bàn mưu, tính kế nhiều phen. Bởi vậy mới có chuyện giáo dân phải sốt sắng đi đòi toà xử cho họ mấy lần mà vẫn bị chậm quá hạn theo luật định.

Một trong những khả năng về kết quả phiên toà phúc thẩm tới đây được bàn tới như sau:

Về người bào chữa: Giáo dân nhất định chỉ có tin tưởng vào Luật sư Lê Trần Luật bào chữa cho họ, ngoài ra còn có thêm các luật sư khác nhưng không thể thiếu luật sư Lê Trần Luật. Họ đã khẳng định bằng văn bản.

Vậy nhưng hiện ông Luật đang được sự quan tâm chăm sóc của các cơ quan nhà nước trong trận hội đồng “đập chết ăn thịt” đã được khởi động lâu nay. Lý do ông Luật vắng mặt ở phiên toà này có chính đáng hay không thì hỏi đứa trẻ con nó cũng trả lời rằng là không. Xin ông Toà đừng có trả lời thế kẻo lại thành giai thoại toà án VN.

Nếu ngày mai, ngày kia giáo dân vẫn cứ bị xử không có luật sư biện hộ theo quy định của pháp luật, bị tuyên y án thì đó là điều họ đã định liệu sẵn sàng. Giáo dân thừa biết nhà nước này có thể làm bất chấp mọi sự, trừ sự thật, để đạt được mục đích. Chắc chắn họ lại sẽ kháng án tới một phiên toà khác.

Bản án sơ thẩm đã không bị kháng nghị bởi Viện Kiểm sát (lý do là VKS cấp quận đề nghị thế nào thì Toà tuyên đúng như vậy, không sai một dấu phẩy thì kháng nghị cái gì được). Đã không kháng nghị, thì cấp phúc thẩm chỉ có thể giải quyết theo Bộ luật Tố tụng hình sự từ Điều 245 đến Điều 253, theo đó tại phiên toà này Toà phúc thẩm không có lý do gì để tăng mức án cho các giáo dân.

Hoặc công nhận bản án sơ thẩm là đúng, nhưng giáo dân còn kêu, thì xử lại xem có nặng quá không? Nếu nặng quá thì xem xét tuyên lại nhẹ hơn hoặc y án.

Nếu bản án sơ thẩm không đúng, sót người, lọt tội, xét thấy cần tuyên nặng hơn, thì phải huỷ án sơ thẩm mà điều tra, xử lại từ đầu. Vậy là sẽ còn nhiều phiên toà nữa và sự việc còn nhiều kịch tính.

Nếu toà cứ xử, cứ tăng nặng hình phạt theo nguyên tắc “luật ở chính miệng tao mà ra” thì một lần nữa, tự nhà nước tát vào bộ mặt vốn đã nham nhở của mình trước thiên hạ. Ở đất nước này thì điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả những điều người ta không tưởng tượng được.

Nhưng cũng chẳng sao, chỉ thêm nhọc công cho giáo dân các xứ họ lại phải luân phiên nhau rồng rắn đi lên trại thăm giáo dân bị tù. Nhưng thế cũng vui, hằng tuần giáo dân VN được có thêm những buổi picnic thú vị.

Để chuẩn bị cho phiên toà mấy con kiến nhỏ, các bộ máy trong hệ thống nhà nước đã phải chạy hết công suất thời gian vừa qua. Công an được tăng cường giám sát luật sư, thuế má được lệnh chuẩn bị tài liệu, báo chí được lệnh kêu gọi những người thiếu đạo đức lên án ông luật sư đáng kính để “tập trung đấu tranh” nhằm vẽ cho ông một cái tội nào đó miễn là có…

Ở HN, đội ngũ công an tăng cường quan sát biến động của nhà thờ, giám sát giáo dân… Các giáo dân kháng cáo được cán bộ đến tận nhà làm việc và dụ dỗ… thôi thì đủ trò tốn tiền hao của.

Các cơ quan đoàn thể chuẩn bị các kế hoạch dự kiến hành động. Đoàn thanh niên cộng sản được khen ngợi, quần chúng được bồi dưỡng để sẵn sàng hành động dập tắt hy vọng đòi sự thật công lý của đám giáo dân ở phiên toà này…

Bộ máy tuyên truyền của đảng sau khi được khen thưởng vì thành tích bịa đặt, dựng chuyện và kết quả là tạo được hố sâu kỳ thị, ngăn cách tôn giáo trong lòng đất nước, nay đã được lệnh: “lên án mạnh mẽ và khai thác yếu tố vi phạm pháp luật của giáo dân”… tạo sự thu hút của dư luận nhân dân nhằm làm lu mờ yếu tố ngoại bang đang gặm nhấm từng hòn đảo, từng thước đất của đất nước và quên đi đội ngũ Tàu cộng đã vào tận mái nhà Đông Dương để thực hiện “chủ trương lớn của đảng và nhà nước”.

Tất cả đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thật sự với công dân VN – mấy con kiến nhỏ, với đồng loại của mình, với những người chủ của đất nước.

Đó là cuộc chiến đê hèn và nhục nhã.

Đó là cuộc chiến có một không hai thể hiện bản chất của một nhà nước cộng sản đối với nhân dân đã từng đùm bọc, yêu thương mình và bây giờ đang phải trả giá cho lòng tin mù quáng.

25 tháng 3 năm 2009

Song Hà

------

Điều 245. Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm

1. Tại phiên tòa phúc thẩm, sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp là bắt buộc, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.

2. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa…

Điều 246. Bổ sung, xem xét chứng cứ tại Tòa án cấp phúc thẩm

1. Trước khi xét xử hoặc trong khi xét hỏi tại phiên tòa, Viện kiểm sát có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Tòa án bổ sung chứng cứ mới; người đã kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng có quyền bổ sung tài liệu, đồ vật.

2. Chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét tại phiên tòa. Bản án của Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và mới.

Điều 248. Bản án phúc thẩm và thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm

2. Toà án cấp phúc thẩm có quyền quyết định:

a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

b) Sửa bản án sơ thẩm;

c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Điều 249. Sửa bản án sơ thẩm

1. Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo;

b) áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

2. Nếu có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, Tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

Điều 250. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại

1. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

2. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong những trường hợp sau đây:

a) Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng;

b) Người được Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.

3. Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm.

4. Khi huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Toà án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điều khoản Bộ luật hình sự và hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng.

5. Trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 251. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án

Khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm 1 và điểm 2 Điều 107 của Bộ luật này thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án; nếu có một trong những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật này thì hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Điều 252. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án hình sự

Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại thì Cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, Viện kiểm sát truy tố lại và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

Điều 253. Phúc thẩm những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm

1. Đối với những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng nghị hoặc kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm không phải mở phiên toà, nhưng nếu xét cần thì có thể triệu tập những người tham gia tố tụng cần thiết để nghe ý kiến của họ trước khi Tòa án ra quyết định.

2. Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định giải quyết việc kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

3. Khi xét những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm có những quyền hạn quy định tại Điều 248 của Bộ luật này.