Báo cáo nhân quyền vừa được Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Miliband công bố nói tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2008 vẫn có những điểm gây quan ngại bất chấp một số tiến bộ.

Anh nói Hà Nội đã cố gắng để tăng quyền dân sự và chính trị cũng như mở rộng tự do tôn giáo.

Nhưng báo cáo cũng nói về những 'thụt lùi' về quyền con người.

Họ nêu ra sáu lĩnh vực gây quan ngại bao gồm: tự do thể hiện ý kiến, việc trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo, số án tử hình cao và cách quản lý và tính chịu trách nhiệm của chính quyền.

Về truyền thông, báo cáo nói: ''Chúng tôi thấy sự thắt chặt rõ ràng đối với truyền thông đại chúng trong năm 2008.''

Bộ Ngoại giao Anh nhắc tới các vụ xét xử nhà báo, blogger và vụ một nhà báo Mỹ bị công an ''đánh bị thương''.

Báo cáo nói Châu Âu hiện vẫn đang có danh sách tù nhân và người bị giam giữ mà họ cho rằng không đúng mức ở Việt Nam và danh sách tính tới tháng Mười năm ngoái vẫn có hơn 40 người.

Về tự do tôn giáo, báo cáo nhận xét hiện vẫn có sự căng thẳng giữa chính quyền và các nhóm tôn giáo.

Các quan chức của Anh cũng cho hay vụ tranh chấp đất đai giữa những người Công giáo và chính phủ Việt Nam mới đây đã làm cho việc tách biệt giữa quyền tự do dân sự (về đất đai) và tự do tôn giáo khó tách biệt.

'Hoan nghênh thảo luận'

Bộ Ngoại giao Anh nói diễn đàn chính để họ nêu quan ngại về nhân quyền với Việt Nam là Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - EU được tổ chức hai năm một lần.

Bên cạnh đó Anh cũng nêu ra các quan ngại của họ trong các chuyến thăm song phương.

Cuối tháng ba này Đại sứ Anh Mark Kent đã dẫn một đoàn ngoại giao và nhà báo tới nước Anh.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với BBC về chuyến đi, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói: ''Ở tất cả mọi nơi chúng tôi đã đến chúng tôi đều gặp được những con người rất nhiệt tình, rất cởi mở và chúng tôi nhận được sự đón tiếp rất chân thành, rất nồng hậu. Chúng tôi có gặp các nghị sỹ của Anh chúng tôi có các cuộc trao đổi rất thẳng thắn và chân tình.''

Trả lời chất vấn về nhân quyền trong một buổi nói chuyện ở Đại học Oxford tuần trước, Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent nói ông cho rằng điều quan trọng là cần có một nền văn hóa biết phản biện.

Ông nói thêm: ''Khi ý kiến được phát biểu tự do sẽ dễ dàng lọc ra những ý kiến hay nhất.''

Việt Nam luôn bác bỏ những chỉ trích về quyền con người của các nước phương Tây và nói rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm và những người bị xét xử đều do họ có hành vi phạm pháp.

Mặc dù vậy, ngồi cùng diễn đàn với Đại sứ Anh Mark Kent ở Oxford, Đại sứ Việt Nam Trần Quang Hoan nói nguyên văn: "Chúng tôi rất hoan nghênh việc thảo luận về nhân quyền. Nhất là với nước Anh, chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện thẳng thắn và cởi mở về mọi đề tài nhân quyền."

Nguồn: BBCvietnamese.com