“Gieo trong lệ sầu. Gặt trong hân hoan”. Đã qua rồi những tháng năm dài chịu: vu khống, áp bức, tù tội, máu chảy; rồi: phân biệt đối xử, cúi đầu chịu nhục và …bịt miệng. Kể từ ngày 27/3/2009, ánh bình minh của Công Lý và Sự Thật đã ló dạng. Người Công giáo Việt Nam những ngày qua thật sự hát Khúc Hoan Ca và Mừng Vui Lên dưới ánh chói loà bất tận của Mặt Trời Công Lý.

Những ngày sau phiên toà phúc thẩm xét xử 8 Giáo dân Thái Hà bị hàm oan, tôi luôn sống trong tâm trạng rộn rã và sự phấn chấn kỳ lạ. Có một cái gì đó thúc giục tôi suy gẫm về những chuyện đã qua:

- Đi theo những bước chân hùng anh của 8 bị can-Giáo dân Thái Hà là “một đoàn người đông đảo không thể đếm được”. Họ đi trong hàng ngũ và rất có trật tự, bước chân đều và đẹp, trẩy hội về Hà Đông. Tôi nhớ đến một địa danh mà 2000 năm trước, Vị Thầy Chí Thánh, Đấng đã vì yêu thương loài người chúng ta mà sẵn sàng phó dâng mạng sống. Đồi Golgotha, nơi những giọt Máu yêu thương cuối cùng của Chúa đổ ra, nơi chứng kiến những giờ phút sau cùng đầy bi lụy của Thầy Giêsu. Chính tại đồi Golgotha, Thầy đã giành lại sự sống cho con người từ tay thần chết Satan.

Từ Golgotha đến Hà Đông. Hà Đông chứng kiến những “bước chân gieo mầm cứu rỗi”. 64 năm rồi, người Công giáo Việt Nam lùi lũi sống trong tăm tối. Nay, ngẩng cao đầu đi trong tiếng hát của Sự Thật.

Bước chân của người Công Giáo Việt Nam không còn đơn độc. Đồng hành với họ là cả một đoàn người yêu chuộng công bằng. Sẵn sàng đấu tranh với bất công. Sẵn sàng góp tiếng nói cho tự do và lẽ phải.

“Đẹp thay những bước chân rão khắp nẻo đường”.

- Nhành lá thiên tuế, song hành với biểu ngữ Công Lý và Sự Thật, luôn được đôi tay giơ cao cùng với khuôn mặt rạng rỡ. Tất cả biểu hiện cho sự can trường, niềm tin chiến thắng, tràn ngập suốt 7 km đường về Hà Đông.

Nhành lá thiên tuế trên tay, đoàn người đang “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”. Cảnh tượng thấy được nơi phiên xử phúc thẩm tại Hà Đông ngày 27/3 làm gợi đến hình ánh Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem.

Làm sao không nhớ được những cách hành xử bất công và vô cùng trơ trẽn nhằm ngăn cản luật sư Luật thực hành quyền bào chữa cho 8 Giáo dân Thái Hà. Phúc Âm Chúa nhật 29/3 như khẳng định thêm chân lý mà Giáo dân Hà Nội quyết liệt đòi hỏi: Hạt lúa mì rơi vào lòng đất, có thối đi, muôn vàn bông lúa khác, mới nẩy sinh. Luật sư Huỳnh Văn Đông và luật sư Hoàng Cao Sang bào chữa cho các bị can trong phiên toà ngày 27/3 là những bông lúa vàng nẩy sinh từ hạt lúa mì chết đi Lê Trần Luật.

Trong ngày vào thành Giêrusalem, Chúa nói: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”.

Không thể không nói tới thái độ lúng túng, khác thường, có phần run sợ của bộ máy đàn áp chuyên nghiệp trong 2 lần xử 8 Giáo dân. Sức ép các phong trào dân chủ trong nước, nhu cầu thực hành tâm linh (hình ảnh tượng Phật trang nghiêm nơi nhà riêng cựu Tổng Bí thư Đảng Lê Khả Phiêu), vấn đề quyền tư hữu của người dân. Cộng thêm sức ép các phong trào tiến bộ trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Chắc chắn một ngày gần đây, người Công Giáo và cả dân tộc Việt Nam sẽ chứng kiến một sự thay đổi trong tinh thần của Công Lý và Sự Thật.

- Sự kiện 8 Giáo dân-bị can đã làm cho người cộng sản VN thật sự choáng váng. Những người chỉ biết tư lợi của đảng trên lợi ích dân tộc. Rồi sẽ không còn hình ảnh kiểu Phongxiô Philatô chỉ biết kết án, xong, rửa tay, vô tội.

- Bộ máy tuyên truyền có định hướng và được tổ chức tốt, đặc biệt là 2 loa Hà Nội Mới và VTV ra rả trước và sau phiên xử: nào là “ngoan cố”, nào là “phải vạch mặt và xử lý nghiêm những kẻ chủ mưu”. Làm cho người ta không khỏi nhớ tới 2 ông Anna và Caipha trong phiên toà xét xử Chúa Giêsu: “Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa? Các người đã nghe lời nói lộng ngôn. Các người nghĩ sao?”

Cứ chụp mũ, cứ gán tội: những bài học tuyên truyền được lập đi lập lại, sáo mòn và cũ rích trong thời buổi vô cùng nhạy bén và nhạy cảm này.

Và mai đây, ngày 27/3/2009 tại Hà Đông phải là một điểm son được tô đậm trong lịch sử, để con cháu muôn đời sau biết được khí phách hào hùng nhuốm đầy máu và khổ đau theo những bước chân của tổ tiên đi, đòi Công Lý và Sự Thật.

Người Công Giáo Tổng Giáo phận Hà Nội, thật đáng trân trọng và tự hào.