HÀ NỘI (NV) - Thêm một số trí thức kêu gọi ngưng khai thác bauxite ở Tây nguyên. Lời kêu gọi vừa được phổ biến trên Internet cho thấy họ thúc giục những kẻ cầm đầu chế độ Hà Nội đừng quay lưng lại với lợi ích lâu dài của dân tộc.

“Công việc chuẩn bị cho dự án bauxite đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra những thiếu sót toàn diện, mà chỉ riêng hai lá thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đủ cho thấy những bất cập về chính trị, quốc phòng, kinh tế, kỹ thuật, và kiến nghị của tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, của giáo sư Phạm Duy Hiển, và của các nhà nghiên cứu độc lập khác ở trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, học giả Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, và ở ngoài nước như tiến sĩ Nguyễn Ðức Hiệp chuyên gia về ô nhiễm môi sinh ở Úc, kỹ sư tư vấn Ðặng Ðình Cung chuyên gia về mỏ ở Pháp... là những bổ sung toàn diện mang tính chất ‘kỹ thuật’ cho hai lá thư tâm huyết của Ðại tướng.”

Bức thư gửi chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng CSVN của các ông Nguyễn Thế Hùng, giáo sư tiến sĩ ở đại học Bách Khoa Ðà Nẵng, Nguyễn Huệ Chi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Viện Văn Học, Ủy Ban Khoa học Xã Hội Việt Nam, và nhà văn Phạm Toàn, một người dạy học, viết văn, dịch sách, đề ngày 12 Tháng Tư, 2009 viết như vậy nhắc lại “những kẽ hở hoặc những sai phạm khó chấp nhận trong chủ trương làm dự án bauxite.”

Bức thư can gián nhắc lại tính cách gian lận của đám quan quyền chóp bu đảng CSVN, đi ngược hiến pháp và luật pháp của chế độ, rằng “Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được 'ký tắt' với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội.”

Ba nhà trí thức nói trên tố cáo “Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau - những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở Châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại lục địa đen này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích.

“Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự 'nổi tiếng' của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia ô nhiễm môi trường vào bậc nhất.”

Các nhà trí thức vạch ra cho đám lãnh tụ CSVN nhớ rằng “Ðất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, của một nhóm quyền lợi nào, hoặc một tổ chức nào dù tinh hoa đến đâu cũng vậy.

“Tất cả những người có ý thức với dân tộc, với đất nước, xót xa trước những việc làm không được kiểm soát chặt chẽ xoay quanh vụ bauxite, đều thấy cần thiết phải lên tiếng.”

Họ đòi hỏi 3 điều “Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội ra nghị quyết; Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và thông qua nghị quyết thích hợp; Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.”

Những người trí thức ký tên dưới bản kiến nghị này “bày tỏ sự lo lắng không cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite.”

Nhưng cuối buổi hội thảo ngày Thứ Năm 9/4/2009, Hoàng Trung Hải, phó thủ tướng CSVN và là quan chức cao cấp nhất của chế độ hiện diện xác nhận sẽ không từ bỏ một “chủ trương lớn.” Các nhà máy luyện bột nhôm Tân Rai (Ðồng Nai) vẫn tiến hành và nhà máy luyện nhôm ở Nhân Cơ (Ðắc Nông) sẽ chỉ đợi bản nghiên cứu tác dụng đối với môi trường rồi tiến hành. Ðây chỉ là những lời nói tránh né có tính cách lừa gạt dư luận vì nhà cầm quyền CSVN đã ký thỏa thuận với công ty quốc doanh Nhôm của Trung quốc nhượng quyền khai thác quặng bauxite “trọn gói” từ khai thác tới biến chế thành bột alumina rồi đưa về Trung quốc tinh luyện thánh nhôm.

Ðược biết, trong cuộc hội thảo giữa tuần trước, hơn 50 khoa học gia đã trình bày các khía cạnh kỹ thuật và những hệ quả của kế hoạch khai thác bauxite thất lợi đủ mọi mặt từ không có giá trị kinh tế, hủy hoại môi trường ảnh hưởng tới hàng triệu người dân từ tây nguyên tới các tỉnh phía nam, chưa kể tới vấn đề an ninh chiến lược khi cho hàng chục ngàn người có thể là lính Trung quốc núp dưới dạng công nhân đến chiếm giữ khu vực Tây nguyên coi như yết hầu khống chế mặt nam của Việt Nam.

“Nhà nứơc nên nghĩ lại. Nếu họ tiếp tục kế hoạch như đề nghị của Tổng Công Ty Than - Khoáng Sản (chủ đầu tư) thì sẽ gây thảm họa về sau cho đất nước,” tiến sĩ Phạm Duy Hiển nói trong cuộc hội thảo.

Nhà cầm quyền CSVN phổ biến trong cuộc hội thảo một kế hoạch khai thác bauxite từ nay tới năm 2015 và dài hạn hơn, kéo dài tới năm 2025 với các mức đầu tư khai thác dần dần gia tăng theo thời gian. Chế độ Hà Nội đã bị tố cáo sẽ để mặc cho công ty Trung quốc Chalco thải vô tội vạ bụi đỏ, bùn đỏ và các loại hóa chất độc hại ra môi trường với các kỹ thuật lạc hậu bị phế thải ngay tại Trung quốc.

Ðể có thể sản xuất ra một tấn nhôm, khoảng 5 tấn chất thải độc hại gồm cả những chất không hoà tan trong thiên nhiên bị đẩy ra môi trường.

Cuối Tháng Ba vừa qua, Hòa thượng Thích Quang Ðộ, quyền Viện trưởng Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống Nhất, kêu gọi toàn dân biểu tình tại gia một tháng suối Tháng Nam 2009 để chống lại kế hoạch khai thác bauxite. Khối 8406, một tổ chức quần chúng tại Việt Nam cũng đã hưởng ứng và tiếp tay với vị lãnh tụ GHPGVNTN.

(Nguồn: Người Việt, Monday, April 13, 2009)