Thưởng phạt hầu như bao trùm mọi ngóc ngách của cuộc sống mọi người. Một người đi làm chuyên cần, đúng giờ đúng giấc, hoàn thành tốt mọi việc sẽ được lãnh lương đầy đủ. Còn đi muộn về sớm, ngày đi ngày không, tiền lương cuối tháng sẽ bị trừ đi, chưa kể là dễ bị đuổi việc. Một học sinh không chịu học bài và làm bài, đến lớp quậy phá thì chắc chắn sẽ bị điểm thấp, có khi bị đuổi học. Không quốc gia nào có thể duy trì được an ninh trật tự nếu không có luật pháp trừng trị những người làm điều sai trái. Còn phần thưởng của một bà nội trợ sau một ngày đầu tắt mặt tối, nấu nướng, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, lo cho chồng con được đầy đủ mọi cái ăn cái mặc, sẽ là gì nếu không phải là một gia đình hạnh phúc? Mọi cái tốt đẹp ở trên đời không phải tự nhiên mà có được.

Mọi việc làm sai quấy luôn dẫn tới một hậu quả tai hại. Hút thuốc dễ bị ung thư phổi, uống rượu nhiều sẽ bị hư gan, cờ bạc là bác thằng bần. Những cặp vợ chồng suốt đời chung thủy với nhau, cùng lo cho con cái, khi về già thường được thư thái hơn những người thay vợ đổi chồng như thay áo, bỏ bê con cái. Trong tình cảnh suy thoái kinh tế hiện nay những người có chuyên môn cao, tức là đã phải trải qua bao nhiêu năm học tập miệt mài gian khổ, ít bị ảnh hưởng nhất. Tất cả đều là lẽ thường tình.

Cộng sản VN thi hành thưởng phạt một cách man rợ và cực đoan nhất. Sau chiến tranh họ thẳng tay trừng phạt các cựu quân nhân viên chức của VNCH bằng cách bắt đi tù đầy cải tạo nhiều năm, tịch thu tài sản, đuổi vợ con họ đi các vùng kinh tế mới, tạo nên một vạn lý trường thành của chủ nghĩa lý lịch để bít hết con đường tiến thân vào đời của con cái họ. Còn đối với “phe ta” họ lại đãi ngộ quá mức. Từ trong rừng trong rú với trình độ văn hóa lớp 2 bước ra về thành phố được bố trí làm chủ tịch, hiệu trưởng, giám đốc, thủ trưởng các ngành các cấp mà bản chất vẫn không thoát khỏi ngu muội gian manh.

Từ hang Pác Bó chui ra

Vươn vai một cái rồi ta chui vào.


Phạm Tuân vì có công bắn rơi pháo đài bay B-52 nên được chiếu cố cho “quá giang” bay lên vũ trụ trong phi thuyền Liên-xô vào ngày 23-7-1980 nhưng bản thân lại thiếu trình độ khoa học và ngoại ngữ, chẳng làm điều gì ích quốc lợi dân trong chuyến bay vô cùng tốn kém:

Đi dép lốp lên tầu vũ trụ.

Đi về rồi mà chẳng biết làm chi.

Một thằng bay được vi vu

Triệu thằng chết đói rù rù khắp nơi.


Kết quả của kiểu khen thưởng man rợ của một đảng cướp đó là nền kinh tế bị lụn bại, đời sống toàn dân bi đát, hàng triệu người cùng đường phải liều mình bỏ nước ra đi.

Thưởng phạt trong Ki-tô giáo rất khác với cách suy nghĩ thường tình của con người. Người Ki-tô luôn phải sống trước mặt Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can họ. Tội, trong Ki-tô giáo, trước hết là vì nó xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì thế một tư tưởng thầm kín nhất của một người, không một ai khác có thể biết, cũng có thể thành tội. Luật pháp thế gian chỉ có thể kết tội về điều người ta thực sự đã làm, không luật pháp nào có thể xét xử ai về điều mà họ chỉ mới suy tính trong đầu. Trong Ki-tô giáo thì lại khác: Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (Mt 5,27-28).

Tâm tình của một người đứng trước Thiên Chúa còn quan trọng hơn những việc làm cụ thể của người đó. Có hai người lên đền thờ cầu nguyện… Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18,9-14)

Thưởng phạt trong Ki-tô giáo mang tính cách vĩnh cửu trong khi thời gian của một đời người thì rất ngắn, vì thế một người phải dám từ bỏ đi những lợi lộc trước mắt, thậm trí chấp nhận hy sinh ngay cả đến mạng sống mình trong hiện tại thì mới có thể giữ được mạng sống đó trong đời đời. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được (Mt 10,39)

Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? (Mt 16,26).

Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ không thể nào so sánh được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta (Rm 8,18).

Đỉnh cao của thưởng phạt Ki-tô giáo là vào ngày tận thế, Đức Ki-tô sẽ phán xét mọi người dựa theo thái độ của họ đứng trước những người khốn khổ nhất vì họ chính là hiện thân của Người. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…”Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn…” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn…”Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu”Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,31-46)

Nền văn minh Âu Mỹ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ki-tô giáo nhưng dần dà do lối sống đặt nặng hưởng thụ vật chất người ta từ khước đi luật của Thiên Chúa mà Giáo Hội có nhiệm vụ diễn giảng.

Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy (Mt 18,18).

Thay vào đó, họ tự đặt ra cho mình một thứ luật pháp thế tục bao dung cho lối sống hưởng thụ của mình, cho phép họ yên tâm tha hồ ly dị, phá thai… trái với luật của Thiên Chúa. Đối với họ, Thiên Chúa nếu có, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đưa họ lên thiên đàng vào đời sau nếu thực sự có một đời sau đó. Thiên Chúa chỉ còn có quyền thưởng chứ không còn khả năng phạt ai. Sau biến cố 11-9-2001 có đầy rẫy trên báo chí những lời người ta dồn dập an ủi nhau rằng mọi người chết đều đã được lên thiên đàng. Chúng ta cũng thành tâm cầu mong điều đó nhưng trong nhiều lần Đức Giê-su đã nhấn mạnh đến sự hiện hữu của lửa hỏa ngục đời đời. Đó là cái đáng cho người ta phải sợ hãi hơn tất cả những tai ương trong cuộc đời mau qua này: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời” (Mt 18,8).

Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 13,41-42).

Tình cảnh khốn khổ của những người phải vào trong lò lửa khủng khiếp đời đời đó được đẩy lên tột đỉnh, mọi khát vọng khi đó chỉ là còn thèm thuồng một giọt nước mát mà thôi: Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm” (Lc 16,23-24).

Ngày nay nhiều linh mục rất ngần ngại khi nói về lửa hỏa ngục đời đời vì nó có vẻ không còn phù hợp với thời đại mới. Nhưng đó vẫn luôn phải là nhiệm vụ mà Chúa trao phó cho Giáo Hội. Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” (Lc 16,27-30).

Nhưng Ki-tô giáo không phải chỉ có thưởng và phạt. Vượt trên tất cả mọi giáo điều này nọ, Ki-tô giáo chính là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16)

Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người chính là để giải thoát con người khỏi não trạng sợ sệt ấu trĩ của những người làm công, mong chủ thưởng và sợ chủ phạt. Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do (Ga 8,35-36).

Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su nói rằng cho dù chị có phải sa vào lửa hỏa ngục đời đời đi nữa thì ở đó tình yêu của chị dành cho Thiên Chúa vẫn tràn đầy như thường.

Mọi người Ki-tô đều được mời gọi sống tình yêu với Đức Giê-su. Tình yêu đó sẽ làm cho họ cũng trở thành Con Thiên Chúa giống như Đức Giê-su và thôi thúc họ thể hiện ý muốn của Thiên Chúa khi dấn bước qua bao thăng trầm đắp đổi của cuộc lữ hành trần gian. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người (1 Cr 4,11-13).

Chúa nhật Phục Sinh 12-4-2009.

Tri ân ĐTGM Ngô Quang Kiệt, người đã thay mặt cho toàn dân tộc bị đọa đầy để nói lên lời chân lý với bạo quyền Cộng sản, chính họ mới là những người đáng thương nhất vì u mê lầm lạc và nhất là vì trống vắng tình yêu.