XUÂN BÍCH VN - Tờ La Croix rất hiếm khi đưa tin về Việt Nam. Thế nhưng lần này, nhân lễ Phục Sinh, nó đã có một bài viết về hoàn cảnh của người Công giáo Việt Nam trong đó tác giả đặt tựa đề là « Lễ Phục Sinh vẫn đang còn bị giám sát đối với các tín hữu Công giáo Việt Nam », mà theo tác giả là vẫn «luôn đang phải chịu một sự thiếu tự do».

Tác giả đã viếng thăm các địa phận Hải Phòng, Thanh Hóa, Huế nhân dịp Tuần Thánh và Phục Sinh vừa qua.

Tại Hải Phòng, phóng viên Yves Kerihuel của báo La Croix ghi nhận rằng từ nay đối với các giám mục, «thật khá dễ dàng để được cấp phép của chính quyền khi đó là xây dụng một nhà thờ mới ở nơi đã có cộng đoàn kitô hữu rồi.» Từ khi được bổ nhiệm làm giám mục Hải Phòng, Đức cha Vũ Văn Thiên đã có thể xây dựng được khoảng «12 nhà thờ, không tính đến những ngôi nhà nguyện nhỏ».

Về việc xin phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển các linh mục cũng như gởi đi du học, thì «trong đa số trường hợp», như phóng viên ghi nhận, «câu trả lời là tích cực» và diễn ra «bình thường trong một thời hạn 30 ngày». Nhất là các chủng viện có thể tiếp nhận các ứng viên linh mục hai hay ba năm một lần, thậm chí mỗi năm như ở Huế, điều mà vài năm trước đây không có.

Trái lại, tác giả cũng ghi nhận rằng, có những đơn xin mà các giám mục trên thực tế không được cho phép. Trước hết là việc mua đất đai. Để tránh luật cấm, cần phải tìm ra một người giáo dân ký giấy mua rồi hiến đất của mình cho Giáo Hội, nhưng các thủ tục có thể là rất lâu. Cũng thế, một giáo phận không có quyền lập một giáo xứ mới: trước tiên, cần phải tập hợp một cộng đoàn kitô hữu trong nhà tư, và chỉ sau nhiều năm tạm thời mà người ta mới có thể xin phép xây dựng một ngôi nhà thờ.

Đặc biệt phóng viên cho biết về vấn đề hoàn trả lại các tài sản của Giáo Hội, bị tịch thu sau 1954, thì chính phủ tỏ ra cứng rắn nhất. Mỗi địa phận ở miền Bắc đều đã từng bị cưỡng đoạt đất đai, nhà cửa. Trường hợp Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà đã được truyền thông đưa tin rộng rãi. Nhưng còn biết bao nhiêu trường hợp khác hẳn có thể là như thế… Phóng viên dẫn chứng: ở giáo phận Thanh Hóa, có khoảng 15 tu viện, trường học hay bệnh viện thuộc về các dòng tu, cũng như tiểu chủng viện, đã bị chiếm đoạt và sử dụng «vì công ích hay sự phát triển của đất nước», theo kiểu diễn tả hành chánh quen gặp.

Đức cha Nguyễn Chí Linh cho phóng viên biết: «Vào tháng Giêng năm 2008, trường đại học nằm trong dòng kín xưa đã muốn mở rộng ra, nhưng chúng tôi đã cảnh báo họ rằng họ không có quyền xây dựng trên đất đai của chúng tôi».

Ông Nguyễn Bá Quốc cho biết: «Với tư cách là người Công giáo, bổn phận của chúng tôi là bảo vệ gia sản của Giáo Hội». Phóng viên cho biết là bất chấp những đe dọa, nhưng ông vẫn chấp nhận đứng đầu của phong trào phản kháng này. Kết quả là trường đại học Thanh Hóa đã từ bỏ kế hoạch xây dựng của mình.

Đối với Đức giám mục Thanh Hóa, điều cốt lõi không phải ở đó: «Chúng tôi hẳn sẽ sẵn sàng nhường đất đai của chúng tôi nếu chúng tôi đã chắc chắn có thể thực hiện những gì chúng tôi muốn mà không phải báo cáo cho Nhà Nước». Và liệt kê những công trình mà các giám mục muốn phục hồi, bắt đầu bằng các cơ sở giáo dục tiểu học và trung học – vì các dòng và giáo phận chỉ được phép mở các trường mẫu giáo và các trung tâm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật – và các bệnh viện.

(Nguồn: La Croix, phóng viên Yves Kerihuel đã viếng thăm Thanh Hóa, Hải Phòng và Huế)