Ngay sau khi giáo xứ Thái Hà tổ chức đêm thắp nến cầu nguyện cho môi trường sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trước hiểm họa Bô xít đỏ, số báo Hà Nội mới ra ngày 26/4/2009, đã đăng một bài viết của tác giả Anh Quang - người đã được Ban Khoa giáo thành ủy trao giải thưởng cho sự dối trá vào cuối Năm Mậu Tý, người chưa bao giờ thuộc biên chế của Báo Hà nội mới, nhưng được phái sang từ Thành ủy; bài viết có tựa đề: “Dưới chiêu bài dối trá, cầu nguyện cho công lý”.

Chiêu bài hạ độc thủ

Vẫn giọng điệu hằn học, quy chụp và đầy gian ngoan, tác giả đã cố tình chia rẽ khối đại đoàn kết lương giáo, cách đặc biệt chia rẽ khối công giáo khi viết:

"Dư luận xã hội nói chung và dư luận của hơn 6 triệu đồng bào công giáo chân chính sống "Kính Chúa, yêu nước" đang hết sức phẫn nộ trước việc một số linh mục Dòng Chúa Cứu thế đang lợi dụng dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng kêu gọi chống phá Nhà nước, kích động khiếu kiện, coi thường kỷ cương pháp luật, không tôn trọng và bất hợp tác với chính quyền. Các linh mục Nhà thờ Thái Hà mà cụ thể ở đây là linh mục Nguyễn Văn Khải là ai, tự cho mình có quyền gì mà được phán xét các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, đánh giá những thành quả của công cuộc đổi mới?"

Đây vẫn là chiêu bài mà chính quyền cộng sản thường làm khi muốn lấp liếm một vấn đề xã hội nào đó, họ sẽ dựng nên một chiêu bài, kết án người khác bằng những thứ tội danh như "lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, chống phá nhà nước XHCN. ..” nhắm triệt hạ và bỏ tù những người yêu nước.

Không biết những người công giáo, các vị chức sắc trong Giáo Hội nghĩ gì khi Báo Hà Nội mới cơ quan ngôn luận của thành ủy Hà Nội, cố tình khiêu khích các giám mục, linh mục, tu sĩ và hơn 6 triệu đồng bào công giáo. Cái thâm hiểm của tác giả bài báo là ở chỗ sau khi trích dẫn thư chung của Hội Đồng Giám mục năm 2001, đã cố tình đặt hơn 6 triệu đồng bào công giáo ra khỏi đời sống chung của xã hội và một cách nào đó ngầm khẳng định Giáo Hội công giáo Việt nam, cách riêng các giám mục Việt nam hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác Bô xít tại Tây Nguyên, phẫn nộ trước việc làm của nguyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của hơn một ngàn nhà khoa học đã tham gia ký tên kiến nghị các cấp lãnh đạo ngưng dự án bô xít và các giáo dân đã tham gia thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình cho Tây Nguyên???

Bên cạnh đó, khi trích dẫn thư chung của Hội đồng Giám mục 2001, sau đó gây chia rẽ bằng cách kết án các linh mục tu sĩ Thái Hà, tác giả bài báo muốn khẳng định cách hiểu của các giám mục Việt nam từ trước tới nay vẫn là: “Đồng hành với dân tộc tức là đồng hành với Chủ nghĩa Xã hội do đảng Cộng sản lãnh đạo”. Quả là thâm hiểm!

Lẽ nào lại như thế?

Thực ra, đây chỉ là chiêu bài mà cộng sản Việt Nam thường dùng nhằm chia rẽ những người công giáo để cai trị. Có lẽ nhà cầm quyền Hà Nội đã thấy rõ được sức mạnh của sự hiệp nhất trong Giáo Hội, thấy rõ được sức mạnh của lòng tin, lời cầu nguyện trong vụ việc Thái Hà – Tòa Khâm sứ vừa qua, nên tìm cách gây mất đoàn kết trong nội bộ Giáo hội để dễ bề thao túng.

Tác giả bài báo đã quên một điều, hơn 400 năm diện diện trên quê hương Việt nam, Giáo hội công giáo Việt Nam luôn có những giám mục, linh mục, giáo dân can đảm, dấn thân cho công lý và Hòa Bình, chấp nhận hy sinh cả mạng sống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và cùng chung tay với mọi người dân Việt Nam xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thực tế, kể từ năm 1980 tới nay, tại các kỳ họp hội đồng thường niên, rất nhiều lần các vị giám mục đã mạnh mẽ lên tiếng sự bất công trong xã hội. Chẳng hạn thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam năm 2001, được tác giả Anh Quang trích dẫn cẩn thận, đã mạnh mẽ khẳng định:

"Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết... bởi vì ta là thành viên của cộng đồng dân tộc với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ".

Cũng vậy, tại kỳ họp Hội đồng Giám mục năm 2002 (từ ngày 7 – 12/10/2002), trong lá thư kiến nghị gửi các Cơ quan lập pháp, Quốc hội và Các Hội đồng Nhân dân Việt Nam, các giám mục Việt nam đã mạnh mẽ tố cáo sự tha hóa, sự bất công trong xã hội, do bởi nguyên nhân từ cơ chế xin – cho:

“Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Ðó là điều làm tha hóa con người.” “Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn làm tha hóa con người.” (Thư ngỏ của Hội Đồng Giám mục Việt nam gửi nhà nước Việt Nam 2002).

Với một truyền thống can đảm và anh dũng như thế, lẽ nào các Giám mục Việt nam lại không lên tiếng khi vụ Bô xít đang tiềm ẩn nguy cơ mất nước, đang bị dư luận lên án, bị nguyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hơn một ngàn nhà tri thức ký đơn thư kiến nghị phản đối và nhất là dự án Bô xít là hiểm họa đe dọa cuộc sống yên lành của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên?

Có thể các ngài đã lên tiếng, nhưng theo thói quen và tinh thần kín đáo đối thoại, nên các ngài đã không muốn công bố rộng rãi các kiến nghị của mình;

Nhất là dự án Bô xít lại được nhà cầm quyền triển khai ngay tại địa phận Đà Lạt – nơi đức cha Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt nam cai quản, nơi có rất đông anh chị em công giáo người K’hor, những người anh em dân tộc thiểu số mà Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục “luôn để họ trong trái tim mình”, thì lẽ nào ngài lại không lên tiếng khi những người con yêu thương nhất của ngài đang bị lâm nguy?

Lên tiếng chính là đồng hành với dân tộc

Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam 1980 khẳng định:

“Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thông Dân tộc hòa vào cuộc sống hiện tại của đất nước, Công đồng dạy rằng “Hội thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40, 2). Vậy, chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiên ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tư cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa” (TC 1980, 9)

Không cần giải thích thì người bình thường nhất cũng có thể hiểu “đồng hành với dân tộc” theo tinh thần của lá thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 là gì và người Công giáo Việt nam phải làm gì để đồng hành với dân tộc nhất là trong hoàn cảnh cụ thể lúc này?

Ông Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã từng nói: “Tổ quốc không phải của riêng ai, không phải của bất cứ đảng phái hay tôn giáo nào mà là của hơn tám mươi triệu đồng bào Việt nam”.

Tổ quốc đang lâm nguy, dân tộc Việt Nam đang phải chứng kiến hiện tượng bất công lan tràn, nhất là môi trường sống của các anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên đang bị xâm hại một cách trầm trọng, người công giáo Việt nam không thể làm ngơ trước tiếng kêu cứu của anh chị em mình và càng không thể khoanh tay đứng nhìn, thờ ơ trước vận mệnh của dân tộc.

Yên lặng lúc này chính là đồng lõa với tội ác, là đi ngược lại tinh thần của bức thư chung năm 1980 của Hội Đồng giám mục Việt Nam và đi ngược lại lời răn dạy của các vị chủ chăn: ‘Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”.

27/4/2009