Đã là Ngôn sứ Giáo hội luôn phải chu toàn ba sứ vụ hàng đầu của mình là nói Lời của Thiên Chúa, nói lên sự thật và phải đứng về phía những người nghèo khó, thấp cổ bé miệng để bảo vệ cho họ. Song trên thực tế, không dễ gì lúc nào Giáo hội cũng có thể chu toàn trọn vẹn ba sứ vụ cao cả này.

Trước hết, chúng ta thấy rõ nhu cầu khẩn thiết và luôn câu thúc Giáo hội phải làm là rao giảng Lời của Thiên Chúa, làm “đầy tớ của Lời”. Nhưng trong bối cảnh xã hội đầy biến động và phức tạp như hôm nay; một bối cảnh mà dường như người ta không còn muốn nghe theo lời chỉ dạy của Giáo hội; một bối cảnh mà ngay tại những nước có nguồn gốc Ki tô giáo lâu đời như ở Châu Âu, giờ đây xem ra chẳng còn mấy chút bận tâm về Ki tô giáo nữa thì sứ mạng rao giảng Lời của Thiên Chúa quả không dễ tí nào. Đây cũng chính là một trong những mối bận tâm hàng đầu của Đức Cố Giáo hoàng Gio an Phao lồ II:

“Cho dù trong những nước đã được rao giảng Tin Mừng từ nhiều thế kỷ, giờ đây không còn hiện hữu một “xã hội Kitô giáo ”.. . ngày nay, chúng ta phải can đảm đối diện với một hoàn cảnh đang trở thành đa dạng mãi và đòi hỏi, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hậu quả là sự trà trộn mới mẻ và không ổn định của các dân tộc và văn hoá...Chúng ta phải thắp sáng lên trong chúng ta động lực của những khởi đầu và cho phép chúng ta tràn ngập sự hăng say của việc rao giảng Tin Mừng”.

Chính vì ý thức rõ sứ lệnh cam go này và rất nhạy bén về vị trí, vai trò, sức mạnh khủng khiếp của hệ thống mạng lưới thông tin toàn cầu cũng như của các phương tiện truyền thông đại chúng mà trong thông điệp nhân ngày truyền thông thế giới lần thứ 35, tại Rôma, Ngài đòi hỏi Giáo hội phải:

“tích cực sáng tạo” để công bố Tin Mừng qua hệ thống mạng lưới toàn cầu, phát sóng qua vệ tinh nhân tạo và trong các ngành truyền thông khác, những người làm việc trong các ngành truyền thông phải có trách nhiệm Ngôn sứ”.

Ngay trong Sollicitudo Rei Socialis, số 41 cũng nhấn mạnh:

“Việc hoàn thành thừa tác vụ rao giảng Tin Mừng là thành phần của sứ vụ Ngôn sứ của Giáo hội, cùng với sự tố giác những sự dữ bất công. Nhưng nên nhấn mạnh rằng việc rao giảng luôn quan trọng hơn việc tố giác, và việc tố giác không bỏ qua việc rao giảng, vì việc rao giảng là nền tảng của sự thật và là sức lực của động cơ cao nhất.” Và “ Việc trình bày sứ điệp của Tin Mừng không phải là một sự đóng góp tuỳ tiện, đó là bổn phận thuộc về Giáo hội, do Chúa Giê su uỷ nhiệm, ngõ hầu nhân loại có thể tin và được cứu rỗi” (Evangelii, Nuntiande, N.5).

Song trong thực tế, sứ vụ rao giảng Tin Mừng, đặc biệt tại các nước Châu á, và tái rao giảng Tin Mừng cho các quốc gia Châu Âu đang gặp muôn vàn khó khăn, không dễ gì một sớm một chiều có thể thực hiện được.

Thứ đến, sứ vụ Ngôn sứ đòi buộc Giáo hội phải luôn đứng về phía những người nghèo, những kẻ thấp cổ bé miệng, những kẻ không có chút quyền lực trong tay. Đây cũng là một trong những thách đố nhức nhối luôn đặt ra cho Giáo hội và về điểm này, chúng ta phải thành thực với nhau là Giáo hội đã phải chịu không ít tai tiếng về những sự im lặng đáng sợ trong những khoản khắc quyết định của lịch sử.

Đức Cố Giáo hoàng Phao lồ VI, trong Profession de la foi du Peuple de Dieu, đã tập chú đến sứ vụ này khi Ngài viết:

“Tuy không ngừng nhắc nhở con cái mình họ không có chỗ ở vĩnh viễn nơi trần gian này, Giáo hội luôn thúc ép họ lo cho lợi ích trần thế của mình, cổ võ công lý hoà bình và tình huynh đệ giữa con người, quảng đại và giúp đỡ anh em mình; nhất là những kẻ nghèo và vô phúc nhất” . Còn Đức giám mục Mc Carrick thì Ngài không ngần ngại kêu gọi “Giáo hội tại các quốc gia như Hoa kỳ phải can đảm thành thật và kiên trì ủng hộ người nghèo.”

Đặc biệt với Năm thánh 2000, Hội đồng Giáo hoàng về công lý hoà bình đã kêu gọi các nước giàu xoá nợ cho các nước nghèo và đã được các nước giàu hưởng ứng. Còn Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phao lô II, trong cuộc họp mặt với 155 vị hồng y, do Ngài triệu tập về Vatican, ngày 21.05.2001, lại còn đi xa hơn khi Ngài tuyên bố Giáo hội không chỉ là Giáo hội của người nghèo mà còn thực sự là một Giáo hội nghèo:

“Giáo hội trở nên chứng nhân sự nghèo khó; từ Giáo hội cho người nghèo và tiến tới một Giáo hội hoàn toàn nghèo nữa. Đây chúng ta có lẽ chạm tới vấn đề nổi lửa nhất và cũng là vấn đề khẩn thiết nhất cho việc phúc âm hoá trong ngàn năm mới. Chỉ một Giáo hội nghèo mới có thể thành một Giáo hội truyền giáo, và chỉ Giáo hội truyền giáo mới cần thiết cho Giáo hội nghèo”.

Và trong thực tế, nhiều vị thừa sai của Giáo hội đã không ngừng dấn thân cho quyền lợi của những người nghèo, nhiều lúc chấp nhận hy sinh luôn cả mạng sống của mình. Các giám mục tại Tổng đại hội giám mục châu mỹ la tinh nhóm họp ở Medellin, tháng 9.1968, và lần thứ III tại Puebla đã công khai lên tiếng:

"Giám mục đoàn châu Mỹ la tinh không thể dửng dưng trước những bất công xã hội khủng khiếp hiện có tại châu Mỹ la tinh và đang cầm giữ đa số dân tộc chúng tôi trong cảnh nghèo khổ rất nhiều khi gần với cảnh cùng quẫn không còn gì là xứng với con người nữa…Khi chúng ta dấn thân gắn bó với người nghèo, chúng ta lên án cái nghèo tột độ đi ngược lại tinh thần Phúc âm, cái nghèo mà biết bao đám người phải chịu trên Lục địa chúng ta. Vì vậy, chúng ta nỗ lực tìm hiểu và tố cáo các cơ cấu trong guồng máy phát sinh cái nghèo đó".

Bên cạnh đó, có nhiều tiếng nói lên án nhiều Giáo hội chẳng những đã không giúp người nghèo mà lại còn liên kết với những thế lực giàu có để đàn áp bóc lột những người nghèo. Các giám mục Philippine đã không ngần ngại lên tiếng “Giáo hội sao lãng trách nhiệm với người nghèo đã góp phần dẫn tới những cuộc nổi loạn chống chính phủ.” Còn Đức giám mục Francisco Claver thì mạnh mẽ thẳng thắng hơn “Chúng ta có thể kết luận rằng, người nghèo không đứng về phía Giáo hội bởi vì Giáo hội không có mặt ở giữa họ.” Đặc biệt, Gustavo, Gutierrez đã mạnh mẽ tố cáo:

"Giáo hội đã cấu kết với hệ thống xã hội hiện hành. Nhiều nơi, Giáo hội góp phần vào việc tạo nên một "trật tự theo tinh thần Ki tô giáo", còn lấy chiêu bài thần thiêng để đánh bóng cho tình cảm con người bị tước quyền làm người, là nạn nhân của thứ bạo động thô bạo nhất, bạo động của kẻ mạnh thế đàn áp người thấp cổ bé miệng. Giáo hội cơ chế nhận sự che chở của giai cấp xã hội đặc quyền đặc lợi, giai cấp bảo vệ cho xã hội tư bản hiện hành tại Châu Mỹ la tinh…Lập trường không làm chính trị chỉ là một mưu mẹo nhằm giữ y nguyên tình trạng hiện hành…Giáo hội phải làm Ngôn sứ mà lên tiếng tố cáo bất cứ tình trạng nào làm cho con người bị tước đoạt nhân phẩm, bất ngược tình trạng nào đi ngược lại tình huynh đệ, sự công bằng và sự tự do…Giáo hội phải đi đến tận căn của hiện trạng, chứ không dừng lại ở việc báo động và xử lý một vài hậu quả".

Sau cùng, Ngôn sứ phải là người nói sự thật, sẵn sằng làm chứng cho sự thật. Chúng ta vừa phân tích ở trên về tình trạng khủng hoảng sự thật trong xã hội hiện nay. Nếu vị Ngôn sứ mà không dám nói lên tiếng nói của sự thật thì còn ai dám bảo vệ sự thật nữa. Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào Giáo hội cũng cho toàn tốt sứ mệnh này; nhất là trong hai cuộc thế chiến tàn khốc của thế kỷ qua, khi những kẻ tài phiệt phát động chiến tranh và tàn sát dã man những người vô tội; đặc biệt là những người Do thái trong thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, có thể nói Giáo hội đã chu toàn khá tốt sứ mạng này, bất chấp sự chống đối thù nghịch của nhiều thế lực tài phiệt đang tìm cách chống phá. Nhiều vị thủ lãnh trong Giáo hội đã mạnh mẽ lên án chiến tranh, và những kẻ nhân danh tôn giáo để phát động chiến tranh, những kẻ tìm cách trục lợi bất chính.

Trong đại hội quốc tế lần thứ 18 vào ngày 2.9.2000, tại Rôma, trước 4000 khoa học gia, Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phao lồ II đã không ngần ngại bày tỏ lập trường của Giáo hội về những vấn đề gai góc, liên quan đến đạo đức sinh học. Ngài nói:

“sinh sản vô tính không thể chấp nhận được về mặt luân lý, mọi thủ thuật nhằm thương mại hoá các bộ phận của con người hay xem chúng như những vật đổi chác, mua bán đều không được chấp nhận về mặt luân lý, vì sử dụng thân thể như một đồ vật là xúc phạm đến phẩm giá con người.”

Còn Đức giám mục Juan Jose Gerardi đã bị đánh 14 gậy vào đầu cho đến chết vào đêm 26.04.1988, một ngày sau khi Ngài đệ trình lên quốc hội bản tố cáo tội ác diệt chủng của quân đội Guatemala trong suốt 36 năm qua: 150.000 người bị sát hại và 50.000 người bị mất tích. Cũng vì thái độ cương quyết của Giáo hội về những vấn đề liên quan đến đạo đức sinh học mà ngày 8.7.2000, ba ngàn người đồng tính luyến ái đã đổ về Rôma, được sự hỗ trợ của Hoa kỳ và nhiều nước Tây ây mà cụ thể là những chủ nhân tài phiệt chuyên sản xuất những dụng cụ và thuốc ngừa thai, đã diễu hành, thách thức và làm những trò ô nhục, trơ trẽn, bỉ ổi ngay tại thủ phủ của Giáo hội.

Sự thật cho dù có phũ phàng, chua chát trước sau vẫn là sự thật. Nhưng để có đủ can đảm để nói sự thật và dám chết cho sự thật không phải là điều ai ai cũng làm được và làm tốt, nhất là trong bối cảnh hiện tại của dân tộc Việt nam chúng ta.