Có người gọi đây là cuộc “di tản.” Có người gọi là cuộc “dọn nhà.” Dù là danh từ gì, việc đóng cửa Yahoo!360 vẫn là một quyết định gây “sốc” đối với nhiều blogger Việt Nam.

Đóng cửa Yahoo!360

Thông tin chính thức từ Yahoo! Vietnam, được báo chí trong nước đăng tải, cho biết “trong vòng 48 tiếng kể từ ngày 29 tháng Năm, các blogger của Yahoo! 360 sẽ nhận được thông báo về việc đóng cửa, kèm theo là các hướng dẫn “chuyển nhà” qua 360 plus.”

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Yahoo Việt Nam, cho biết dịch vụ “360” sẽ được đóng cửa từ ngày 13 tháng Bảy, 2009.

Có nhiều luồn dư luận khác nhau về lý do đóng cửa Yahoo!360. Có người cho rằng đây là thay đổi có tính chiến lược kinh doanh của công ty Yahoo. Nhưng cũng có người cho rằng dịch vụ 360 đóng cửa là cách để công ty này tránh khỏi tình thế “tiến thoái lưỡng nan,” giữa một bên là dư luận của giới blogger đòi tự do, và bên kia là áp lực của chính quyền Việt Nam đòi kiểm soát.

Báo chí trong nước viết rằng, “Tổng Giám Đốc Yahoo! Vietnam cho biết việc Yahoo thay thế blog cũ bằng phiên bản mới 360 plus [là] nằm trong chiến lược phát triển của Yahoo toàn cầu: “Yahoo 360 plus sẽ tạo ra sự kết nối với các mạng xã hội khác nhau như yahoo messenger, mail, facebook, myface… thay vì chỉ mang tính căn bản là nhật ký bản thân như Yahoo 360”.”

Một số blogger không tin vào cách giải thích này. Họ viện dẫn bằng chứng các dịch vụ tiếng Việt của Yahoo có máy chủ được đặt tại… Singapore.

Một nhà báo tự do trong nước tin rằng, chính phủ Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, đặt Yahoo! Việt Nam trong tình thế phải cung cấp thông tin cá nhân của các blogger. Và việc đặt máy chủ tại Singapore là cách để Yahoo từ chối yêu sách của chính quyền Việt Nam.

Đằng sau quyết định "dọn nhà"

Tưởng cũng nên nhắc lại, là hồi đầu tháng Năm vừa qua, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, một tổ chức quốc tế, cho công bố bảng xếp hạng 10 quốc gia đối xử tệ nhất với giới blogger. Trong số này, có Việt Nam, đứng ở hàng thứ 6.

Ủy Ban này nhận định, “thói quen viết blog đang ngày càng nở rộ ở Việt Nam và Trung Quốc đã vấp phải sự kiểm soát và theo dõi chặt chẽ của chính quyền. Vì lẽ này, Việt Nam và Trung Quốc trở thành 2 trong số những quốc gia Châu Á đối xử tệ nhất với giới bloggers.”

Trong phần liên quan đến Việt Nam, Ủy Ban viết rằng giới bloggers đã “liều lĩnh trám vào khoảng trống thông tin do truyền thông nhà nước để lại. Chính quyền phản ứng bằng cách ban hành ngày càng nhiều qui định. Cơ quan hữu trách cũng đã yêu cầu các công ty công nghệ quốc tế, như Yahoo, Google, Microsoft cung cấp thông tin của các blogger.”

Một blogger Việt Nam, một nhà thơ và nhà báo tự do, là ông Trần Tiến Dũng vừa quyết định “dọn nhà” của ông sang một dịch vụ mới, từng nói rằng “blog là nơi thành hình quan điểm xã hội của giới thanh niên Việt Nam,” và rằng “con đường thành hình quan điểm xã hội của các blogger sẽ còn nhiều gian nan.”

Ông Dũng cũng đưa ra nhận định, là kể từ khi có loại hình giao tiếp này, blog đã trở thành “hiện tượng xã hội mang tầm vóc quốc gia về vấn đề thông tin.” Đây là lần đầu tiên, nhiều thành phần khác nhau của xã hội đã đưa lên Internet quan điểm của mình về nhiều sự kiện, cả chung và riêng. Và “cách nhìn nhận của họ có nhiều chiều thông tin khác nhau.”

Trên một blog khác, có tên Xuân Thông, tác giả chuyển ngữ một bài viết được đăng trên tờ BusinessWeek ngày 29 tháng Năm, năm 2009 nhân quyết định đóng cửa Yahoo!360.

Bài viết trên BusinessWeek mở đầu: “Hãng Internet khổng lồ Yahoo! đang đầu tư để phát triển ở Việt Nam. Thế nhưng, cùng lúc khuếch trương doanh nghiệp tại đây, Yahoo! cũng thực hiện những bước đi nhằm tránh trở thành kẻ đồng lõa của chính phủ sở tại nhằm hạn chế việc sử dụng các dịch vụ Yahoo của công dân Việt Nam.”

Bài báo viết tiếp:

“Việt Nam nằm trong số những thị trường mới nổi và tiêu biểu cho viễn cảnh phát triển của Yahoo. Hơn 95% trong tổng số 18 triệu người dùng Internet của nước này sử dụng dịch vụ tin nhắn và thư điện tử của Yahoo… Tính đại chúng của dịch vụ blog đã thúc đẩy việc khai trương một phiên bản tiếng Việt cho Yahoo 360plus hồi tháng Năm năm ngoái.”

Tuy nhiên “sự phát triển của Yahoo đến đúng vào thời điểm Việt Nam quyết định có những hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động trực tuyến của công dân.”

Đầu tháng 10 năm ngoái, Việt Nam cho ra đời “Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử,” đặt dưới quyền quản lý của Bộ Thông Tin – Truyền Thông. Cơ quan này có chức năng xây dựng qui định quản lý thông tin trên Internet, trong đó có “quy định về quản lý blog cá nhân.”

Cho đến thời điểm cuối năm, “Thông Tư 07” ra đời, chính thức qui định rõ ràng những điều lệ nhằm kiểm soát hoạt động và nội dung của các blog.

Có thể nói, bất cứ tổ chức hay ký giả quốc tế nào, có dịp nhận định về tình hình kiểm soát chặt chẽ Internet tại Việt Nam, đều nhắc lại trường hợp của blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải.

Điếu Cày là một trong các blogger nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam. Và việc ông bị bắt, bị kêu án 2 năm rưỡi tù, cho dầu Nhà Nước nói ông trốn thuế, mọi người vẫn tin rằng lý do chỉ vì ông là tiếng nói mạnh mẽ bênh vực chủ quyền Việt Nam tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và quan trọng nữa: ông là người sớm nhận thức tầm quan trọng của hình thức giao tiếp trên blog.

Điều này đã từng được ông nhận định ngay khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra tại Việt Nam, trước khi ông bị chính quyền kết án tù. Ông nói “Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.”

“Gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2007, người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.”

Di tản chiến thuật?

Bài báo đăng trên BusinessWeek ngày 29 tháng Năm có đoạn:

“Phản ứng của Yahoo đối với quan điểm của chính phủ VN về quyền sử dụng Web của công dân cho thấy các công ty Internet phải linh động khi làm ăn tại những quốc gia cứng rắn đối với quyền tự do ngôn luận và thái độ chỉ trích chính phủ trên Internet.

Những công ty chọn cách đối đầu với những quy định của chính phủ thì đối mặt với nguy cơ bị hạn chế hoạt động hoặc tệ hơn nữa là đóng cửa. Ngược lại, công ty nào tuân theo lệnh của chính phủ thì bị giới ủng hộ nhân quyền và tự do ngôn luận chỉ trích nặng nề.”

Bài báo cũng viết:

“Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm ‘Berkman Center for Internet & Society’ của đại học Harvard cho rằng hành động chỉ trích chính phủ một cách công khai từ những người sử dụng Internet có thể đã có tác dụng ngược. Chính hành động này có thể đã khiến các công ty Internet có dịch vụ được giới blogger bất đồng chính kiến sử dụng bị đẩy vào thế kẹt.”

“… Bên cạnh việc đặt máy chủ tại Singapore, công ty Yahoo cho biết đã điều chỉnh các văn bản liên quan đến điều khoản sử dụng dịch vụ của họ nhằm chuẩn bị cho bất cứ hành động nào từ chính phủ Việt Nam.”

Một viên chức cao cấp của Yahoo nói rằng công ty này “quan tâm đến văn hóa và quy tắc của địa phương nơi họ đến làm ăn, nhưng đồng thời không từ bỏ các nguyên tắc riêng” của mình.

Bài báo trên Business Week trích dẫn một phát biểu của dân biểu liên bang Hoa Kỳ, là bà Loretta Sanchez, về tinh thần Internet. Xin giới thiệu sau đây lời phát biểu này để kết thúc bài viết. Dân biểu Sanchez nói rằng: “Khi bạn không có quyền hội họp, khi bạn không có quyền ăn nói tự do, khi bạn không có tự do báo chí, thì một trong những nơi tự do nhất để có được thông tin về thế giới bên ngoài chính là Internet.”