Vụ hàng trăm giáo dân Tam Tòa tỉnh Quảng Bình bị lực lượng đông đảo công an và đám “quần chúng tự phát” đánh đập bằng dùi cui, gậy sắt dã man sau khi xịt hơi cay vào họ, chắc chắn đã và còn đang gây ‘sốc’ cho nhiều cộng đồng dân Chúa khắp nơi.

Sự đàn áp thẳng tay không chút nhân nhượng của công an tỉnh này đã hé lộ cho chúng ta thấy được điều gì? Phải chăng sau những sự căng thẳng diễn ra tại Tòa Khâm Sứ và đặc biệt là giáo xứ Thái Hà, đây là ấu chỉ cho thấy nhà cầm quyền Csvn bắt đầu một lối cư xử ‘phòng thủ từ xa’ và cũng ‘rắn’ hơn nhiều đối với công giáo so với trước?

Ngay sau khi giải quyết ‘tạm ổn’ vụ TKS và Thái Hà, ngày 06/1/2009 ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải vội vã ban hành chỉ thị số 1940/CT-TTg “về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” chuyển tới Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và các bộ ngành.

Tuy nhiên đó mới chỉ là cái ‘bề nổi’ chỉ đạo trong một đất nước tình trạng luật pháp chưa bao giờ được xem là “thượng tôn” đúng nghĩa, mà thay vào đó, mối ‘liên minh ma quỷ’ giữa quyền lực của đảng csvn và quyền lợi của một lực lượng công an khổng lồ khắp nơi đã leo lên chiếm lĩnh những cung bậc cao nhất trong xã hội.

Do vậy, đằng sau cái chỉ thị ra điều ‘kỷ cương phép nước’ trên chắc chắn đã có không ít các ‘mật lệnh’ khác của csvn gởi đến cho công an các tỉnh thành, ra lệnh từ nay phải cảnh giác và nhanh chóng dập tắt mọi ‘biểu hiện khác lạ’ có cùng kiểu dáng với TKS-Thái Hà, đại loại như việc dựng bàn thờ ngoài trời của giáo dân Tam Tòa sáng hôm qua 20/7/2009.

Chúng tôi cho rằng chính cái lý do này đã là căn cứ để hành động của CA Quảng Bình gây nên ‘thảm cảnh’ cho hàng trăm giáo dân Tam Tòa giáo phận Vinh sáng ngày hôm qua 20/7/2009. Csvn rút kinh nghiệm từ lần bị động năm qua chắc chắn sẽ không muốn thấy bất cứ tỉnh thành nào bị lâm vào tình huống khó khăn, khó xử và bất lợi trước dư luận trong ngoài nước như vụ TKS- Thái Hà ở bất cứ đâu. Càng xa mặt trời như Quảng Bình Ca càng cảm thấy không có bất cứ lý do gì để nhượng bộ.

Khi theo dõi các diễn biến của vụ việc qua hình ảnh và âm thanh thuật lại sự việc của một nữ giáo dân (tên Thủy) qua điện thoại, có lẽ mọi người không khó lắm để nhận ra mấy điều:

1. Hiện trường và hoàn cảnh của vụ Tam Tòa có gì đó trông khá giống với những gì diễn ra tại Tòa Khâm Sứ - Hà Nội. Cả hai đều là những cơ sở tôn giáo mang nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng đối với giáo phận Vinh. Việc dựng lều bạt rõ ràng là nhu cầu quá cấp thiết và chính đáng của giáo dân Tam Tòa, nhưng với Csvn họ đâu có nhu cầu thờ phụng gì, nên họ chỉ thấy mỗi một điều, đó là nếu để việc dựng lều trại này hình thành họ sẽ phải đối mặt rất gần với nguy cơ bị giáo dân đòi lại cái ‘chứng tích tội ác Mỹ’ là ngôi nhà thờ hoang tàn đổ nát nằm trơ trọi kia. Các quan chức cả bên chính quyền lẫn công an tỉnh Quảng Bình chắc chắn không hề muốn mình bị ‘mất ăn mất ngủ’ như ông chủ tịch Thảo của Tp.Hà Nội ngày nào

2. Sự can thiệp ‘cực nhanh’ của hàng tăm công an chỉ trong vài giờ đồng hồ sau khi giáo dân bắt đầu dựng lều bạt và mức độ trấn áp cũng tỏ ra quyết liệt hơn Thái Hà nhiều lần. hiện đã có gần 20 giáo dân bị bắt, chứng tỏ công an Quảng Bình đã cảm thấy rất tự tin và thoải mái khi hành động chứ không cần phải nghe ngóng, rào trước đón sau bằng những lực lượng dân quân tự phát như trong vụ Thái Hà.

Tuy nhiên, vụ việc cũng còn để lại trong chúng tôi một điều băn khoăn, rằng, không biết có phải vì đã có một sự quá dễ tin nào đó vào ‘lời hứa’ của chính quyền Quảng Bình hay không mà cả linh mục và giáo dân Tam Tòa khi tiến hành dựng lều bạt đã không lường trước tình huống xấu trên sẽ xảy ra hay không?

Bởi qua các bài viết liên quan đến vụ việc, chúng tôi thấy có nhắc đến chuyện “đầu năm nay, chính quyền Quảng Bình đã hứa là sẽ giải quyết thỏa đáng với Đức Giám mục GP Vinh” và kèm theo đó là tấm hình chụp tờ ‘Giấy Mời’ UBND Phường Đồng Mỹ gởi Lm. Lê Thanh Hồng để ‘trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức lễ Cầu An đầu năm’. Nhưng nếu ai đã từng làm việc trong các cơ quan Csvn đọc tờ giấy mời này hẳn đều thấy rằng không hề có chuyện ủng hộ việc cho phép mở rộng cơ sở sinh hoạt tôn giáo nào cả, mà mời đến nhẹ lắm cũng phải là ‘nhắc nhở’ thì đúng hơn. Điều này được thể hiện qua mấy chữ nhấn mạnh về thời gian mời là “Sau khi kết thúc lễ cầu an đầu năm”. Mời để ‘cho phép’ làm này làm nọ trước nay chúng ta chỉ thấy cảnh người dân đi ‘lạy lục’ các quan chức chứ làm gì có chuyện các quan sốt sắng kiểu này. Phải chăng vì lỡ cho tổ chức thánh lễ nhưng chắc thấy đông đảo giáo dân diễu hành làm ‘rềnh rang’ quá, chính quyền ‘có tật giật mình’ vì thế mà nôn nóng muốn nó sớm chấm dứt?

Cuối cùng, ngay sau vụ việc vừa xảy ra, trên các phương tiện thông tin cộng đoàn dân Chúa khắp nơi đã được thư “Cấp Báo” của Lm Chánh văn phòng TGM Lm. Antôn Phạm Đình Phùng Tòa TGM Vinh gởi đến “mọi người có lương tri” mà không chỉ là công giáo.

‘Phản ứng nhanh’ này của vị đại diện Tòa TGM giáo phận Vinh ngay cả trong hoàn cảnh Đức Cha Cao Đình Thuyên vắng nhà, là một dấu hiệu rất đáng mừng cho thấy sau vụ TKS-Thái Hà vấn đề thông tin liên lạc trong giáo hội đã được chú trọng hơn từ các đấng bậc. Bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng không thể thiếu để mọi nơi “hiệp thông” cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa trong cơn nguy khốn hiện nay.

Sàigòn, 21/7/2009