Trước những biến cố đang dồn dập xẩy ra trên quê hương Việt Nam và trong Giáo hội tại Việt Nam, để hiểu rõ hơn về hiện trạng của thời cuộc, sáng hôm nay ngày 22.7.2009, linh mục Trần Công Nghị đã có cuộc phỏng vấn viễn liên từ Hoa Kỳ về Việt Nam với Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn -Tổng giám mục Saigòn như sau:

Cha Nghị: Kính thưa Đức Hồng Y, có nhiều biến cố quan trọng đang xẩy ra trong Giáo hội Việt Nam, con xin Đức Hồng Y chia sẻ với chúng con và độc giả của VietCatholic một số những nhận định, những thao thức, những thành quả và dự định của Giáo hội Việt Nam cho tương lai. ĐHY và các Đức giám mục Việt Nam vừa trở về từ Roma sau khi có cuộc thăm viếng Ad Limina từ ngày 22.6 đến 4.7.2009, thăm mộ thánh Phêrô và Phaolô, thăm các cơ quan Tòa Thánh, và được Đức Thánh Cha tiếp kiến riêng cũng như chung. Vậy xin ĐHY cho biết một vài thành quả chính của chuyến thăm viếng này. Và lần này có những điển nào đặc biệt hơn các lần ad limina trước đây?

ĐHY Mẫn: Đặc điểm của chuyến viếng thăm Ad Limina lần nầy là:

- Thành phần HĐGM.VN đông đủ nhất, chuyến viếng thăm kéo dài nhiều ngày nhất, gặp gỡ và trao đổi với các cơ quan Toà Thánh đầy đủ nhất từ trước đến nay;

- Ngoài bổn phận cử hành Thánh lễ và viếng mộ Thánh Phaolô (23.6), và Thánh Phêrô (24.6), đoàn GM.VN còn dự nghi lễ ĐTC bế mạc Năm Thánh Phaolô (28.6), dự Thánh lễ ĐTC cử hành kính 2 Thánh TĐ Phêrô và Phaolô (29.6), đồng thời trao Pallium cho 34 Tân Tổng Giám mục của năm châu. Nhờ thế, mà đoàn GM.VN có dịp gặp gỡ nhiều HY và GM quen biết.

Thành quả là Đức Thánh Cha cùng các vị hữu trách trong các cơ quan Toà Thánh bày tỏ lòng ưu ái và mối quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, đồng thời có lời chỉ dẫn thích hợp và sự hỗ trợ cụ thể cho công cuộc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội tại VN trong hoàn cảnh hôm nay. Tôi có cảm nhận Trung Tâm của Giáo Hội công giáo hôm nay không những là cái nôi của đức tin kitô giáo, song còn là tổ ấm của gia đình Giáo Hội công giáo trải rộng khắp 5 châu và trải dài suốt dòng lịch sử 20 thế kỷ nay.

Cha Nghị: Vào ngày 27.6.2009, trong cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các giám mục VN, Ngài đã ban huấn từ cho giáo hội VN, trong đó ngài nhắc đến định hướng là “Giáo Hội Chúa Kitô giữa dân của mình”. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt thế nào với chương trình mục vụ của GHVN và cách riêng trong hoàn cảnh xã hội VN hôm nay?

ĐHY Mẫn: Trước hết, HĐGM.VN đã triển khai một bước qua những trao đổi góp ý với nhau ngay trong thời gian sống chung với nhau ở Roma. Có thể xem bài "Những dấu nhấn mục vụ cho Giáo Hội tại Việt Nam", nơi trang web của HĐGM.VN.

Thứ đến, điều tôi có thể thêm là Đức Thánh Cha muốn nhắc nhở sứ vụ căn bản và đặc thù của Giáo Hội Chúa Kitô không phải là làm chính trị hoặc chiếm đoạt và thay thế quyền lực xã hội, song là loan Tin Mừng Chúa Kitô, trước hết bằng cách sống và đưa những giá trị nhân bản và đạo đức của Tin Mừng vào đời sống xã hội, kinh tế, chính trị. Nói cách khác, trong bất cứ môi trường và chế độ xã hội nào trong thế giới hôm nay, người công giáo chân chính trong Giáo Hội Chúa Kitô có nhiệm vụ nhìn mọi sự dưới ánh sáng niềm tin vào Chúa Kitô và bước đi theo đường lối của Ngài là yêu thương và phục vụ cho sự sống và hạnh phúc thật của mọi người anh em đồng bào và đồng loại. Vì lẽ chính Ngài, chớ không ai khác, là Chân Lý và là Đường dẫn đến nguồn sống thật.

Cha Nghị: Từ năm 1980 cho tới nay, cuộc đối thoại giữa GHVN và chính quyền CSVN đã đạt được những điểm quan trọng nào, và những khó khăn căn bản nào còn tồn tại, thưa Đức hồng y?

ĐHY Mẫn: Về cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, tôi nhận định rằng: Công Đồng Vatican II 1965 mở ra một trang sử mới cho mối quan hệ giữa Giáo Hội và xã hội trần thế: từ thế đối đầu kéo dài trong lịch sử chuyển sang thế đối thoại mới mẻ. Phải nói rằng đối thoại là điều vừa xa lạ, vừa khó khăn đối với tất cả những ai trong đạo hay ngoài đời. Trong thời gian dài, sống trong thế đối đầu, đối đầu bằng tiếng nói của bạo lực và vũ lực, của quyền lực và thế lực, nhằm đi đến kết quả kẻ thắng người thua. Còn đối thoại là tiếng nói của một cuộc sống trung thực, của những lời lẽ chân thật, của thái độ đồng cảm đi đến đồng thuận và hợp tác, nhằm vào một mục tiêu chung là phát triển con người cùng đất nước, không những về phương diện thể chất, song còn về mặt tinh thần và đạo đức làm người trong trời đất và trong thiên hạ.

Do đó, trong cả 2 chuyến Ad Limina 2002 và 2009, 2 vị đứng đầu Giáo Hội đều theo "Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội", khẳng định lại và lưu ý HĐGM.VN: đường lối loan Tin Mừng Chúa Kitô trong thế giới hôm nay là đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau cùng hợp tác lành mạnh và chân thành đối với cộng đồng xã hội (các tôn giáo, truyền thống văn hoá dân tộc, người nghèo) cũng như cộng đồng chính trị (các tổ chức chính trị cùng các cơ quan quyền lực), nhằm cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng.

Sau 30 năm khởi động cuộc đối thoại thì thấy rằng, kết quả bước đầu tại Việt Nam là, sau những thập niên chung sống, giữa người công giáo và người cộng sản có sự hiểu biết nhau nhiều hơn. Nhiều người công giáo, dưới ánh sáng của niềm tin, nhận ra người cộng sản cũng là đồng bào, là anh em một nhà. Nhiều người cộng sản nhận ra người công giáo đích thực không phải là thù địch, mà là một thành phần trong cộng đồng dân tộc, có thể hợp tác cùng nhau phát triển đất nước vững bền. "Nhiều người" có nghĩa là một số nào đó, hy vọng ngày càng nhiều hơn, song không phải là tất cả.

Về phía cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam, tùy từng vùng, có ít nhiều tự do hơn trong các sinh hoạt đạo cùng một số hoạt động bác ái xã hội. Đồng thời vẫn còn ít nhiều giới hạn trong cuộc sống xã hội, như các tôn giáo chưa có quyền mở trường học và bệnh viện, như mọi người chưa có quyền tư hữu. Vẫn còn ít nhiều bất đồng trong ngôn ngữ và quan điểm. Lời khuyên khôn ngoan của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI là trong mọi hoàn cảnh hãy sống bác ái trong ánh sáng chân lý của Chúa Kitô. Đức Hồng Y giáo chủ Ba Lan Glemp, với kinh nghiệm dày dặn của người đi trước, khuyên tôi là hãy kiên nhẫn và cầu nguyện trong hy vọng. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng sự đổi mới và hiệp nhất là ân ban và là công trình của Chúa Thánh Thần, một công trình tất nhiên với sự cộng tác của Giáo Hội Chúa Kitô cũng như của mọi người liên hệ.

Cha Nghị: Năm 2010 sẽ là năm mở cuộc Đại Hội Công Giáo Việt Nam - mà ĐHY có trách nhiệm tổ chức - để kiểm điểm kinh nghiệm đã qua và vạch ra hướng đi mới, công việc đang tiến hành đến đâu rồi và ĐHY kỳ vọng gì trong cuộc Đại Hội này?

ĐHY Mẫn: Mục đích của việc cử hành Năm Thánh là nhằm chung sức cùng nhau thắp sáng đức tin của mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam, thắp sáng bằng học hỏi Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội về Giáo Hội, bằng cử hành đức tin qua các ngày lễ, qua hành hương, cầu nguyện chung, và bằng đưa đức tin vào đời sống gia đình và xã hội. Để đạt kết quả, Đức Thánh Cha khuyên chúng tôi trước tiên hãy xây dựng tình liên đới nối kết mọi thành phần dân Chúa với nhau, liên đới trong cầu nguyện cũng như trong hành động. Mục đích của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam cũng là nhằm tạo cơ hội cho việc phát huy tình liên đới, qua việc cùng nhau suy nghĩ và góp ý với nhau về phương hướng xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam trở thành men muối và ánh sáng Tin Mừng Chúa Kitô cho cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay. Chúng tôi đang chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những mục tiêu đó.

Cha Nghị: Kính xin Đức Hồng Y cho ý kiến về việc Đức Giáo Hoàng Benêđictô XVI thăm Việt Nam trong dịp Đại hội toàn quốc này, có hy vọng nào không?

ĐHY Mẫn: Về việc Đức Thánh Cha viếng thăm Việt Nam, tôi có cảm nhận là Ngài bảo chúng tôi hãy cầu nguyện và hy vọng nơi Chúa Thánh Thần là Tình Yêu thánh hoá, đổi mới và hiệp nhất. Mối bang giao nào cũng cần sự đổi mới và sự đồng thuận của đôi bên.

Cha Nghị: Tuần này đây sẽ có cuộc tọa đàm khoa học về đề tài “Biển Đông và Hải đảo Việt Nam” do câu lạc bộ Phaolô Nguyễn văn Bình tổ chức, và ĐHY đã cho phép thực hiện và được biết chính ĐHY cũng sẽ tham gia. Lý do nào đưa đến việc tổ chức một cuộc tọa đàm có tính cách nhậy cảm và thời sự như vậy?

ĐHY Mẫn: Việc góp ý cho một vấn đề trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước là nhiệm vụ của người công dân. Góp ý xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình dẳng, Đức Thánh Cha coi đó còn là bổn phận của người công giáo. Trong cuộc tọa đàm dự kiến về đề tài "Biển Đông", công việc mục vụ không cho phép tôi có mặt.

Cha Nghị: Đức Hồng Y cũng là Trưởng Ban đặc trách mục vụ cho di dân, và ngày nay càng ngày càng có nhiều di dân ngoại quốc đến làm việc tại Việt Nam, Mục vụ Di Dân VN có hướng đi nào cho di dân ngoại kiều làm việc ở Việt nam không?

ĐHY Mẫn: Mục đích của Mục Vụ Di Dân là giúp cho người di dân, trước tiên là di dân công giáo: 1) hội nhập vào cộng đồng xã hội và giáo hội mới của nơi đến, 2) đồng thời vẫn giữ được sự hiệp thông với truyền thống văn hoá lành mạnh của dân tộc, cùng truyền thống đức tin của Giáo Hội gốc.

Cha Nghị: Gần đây có những vụ các cơ sở của dòng tu, nhà thờ giáo xứ bị chính quyền đòi di chuyển đi chỗ khác như nhà dòng và nhà thờ Thủ Thiêm, hay bị cưỡng chiếm để cho các mục tiêu khác, v.v… Đức Hồng Y có những trao đổi hay đường hướng giải quyết đối với chính quyền như thế nào hay không?

ĐHY Mẫn: Về dự án Thủ Thiêm. Tôi có gợi ý với giới hữu trách về kinh nghiệm của một dự án khác ở huyện Hóc Môn: trong giai đoạn chuẩn bị dự thảo, nếu có liên hệ đến cơ sở tôn giáo phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng tôn giáo, nhất là khi có bề dày lịch sử của nó, hãy trao đổi với các bên liên hệ trước. Cần có sự thống nhất trước về dự án, sau đó việc tiến hành thực hiện mới có hiệu quả tốt.

Cha Nghị: Xin thay mặt toàn thể cộng đồng dân Chúa và độc giả, chúng con cám ơn Đức Hồng Y đã dành những thời giờ qúi hóa chia sẻ những kinh nghiệm và những nhận định của Ngài trước tình hình đất nước và giáo hội với chúng con. Kính chúc Đức Hồng Y an khang và được ơn phù trợ của Chúa và Đức Mẹ La Vang. Xin hẹn gặp lại Đức Hồng Y trong một lần tới.