(GPVO) - Giữa thời điểm mà người dân Giáo phận Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những gì đã diễn ra vào buổi sáng ngày 20/7/2009, khi mà lực lượng công an tỉnh Quảng Bình tiến hành đánh đập và bắt giữ hàng chục giáo dân thì chỉ vài ngày sau đó, 22/7/2009, trong một động thái mới, công an thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 giáo dân với tội danh gây rối trật tự công cộng.

Có thể nói ngay rằng, cách hành xử nêu trên của chính quyền tỉnh Quảng Bình nằm trong một chuỗi sự kiện được nhiều người dự liệu từ trước mà quyết định khởi tố vội vã kia chỉ là giọt nước làm tràn ly. Cũng gần như ngay lập tức, trên hàng loạt trang báo trong nước như Nhân Dân, Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng… số ra các ngày 22, 23, 24/7 liên tục đăng tải thông tin về Tam Tòa với những ngôn ngữ và luận điệu “quen thuộc”.

Điều đáng nói là những bài viết này hoàn toàn đi ngược lại với tất cả những gì đã thực sự diễn ra trong nội hàm sự kiện. Ở đây, hãy khoan bàn đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đứng ở góc độ câu chữ và ý nghĩa hàm ẩn đằng sau nó thì có lẽ chỉ những người ở phía trong hậu trường mới biết rõ bản chất của vụ việc đã thay đổi như thế nào?

Trên trang điện tử của báo Công an nhân dân đăng tải bài viết Không ai được phép đứng trên luật pháp của Dương Sông Lam với khá nhiều đoạn quy kết vô căn cứ và không thuyết phục: “Điều đáng tiếc, một số ít phần tử quá khích đang rắp tâm phá hoại cuộc sống yên bình của bà con giáo dân để mưu cầu lợi ích riêng của chúng” (…) “Vụ việc ở Chứng tích tội ác chiến tranh Tam Tòa xảy ra là do một số kẻ tự cho mình cái quyền "đứng ngoài pháp luật" để kích động bà con giáo dân làm theo ý muốn của chúng”. Ở một đoạn khác, tác giả viết: “Bất bình trước việc làm trên, hàng trăm người dân Đồng Hới có cả giáo dân Đồng Hới đã cương quyết ngăn cản không cho dựng nhà, làm lễ. Một số kẻ quá khích đã dùng đá, gậy gộc đánh lại người dân ngăn cản” (…) “Sáng 22/7, trao đổi với phóng viên Báo CAND, một số đồng bào công giáo ở Quảng Bình cho biết: Đang đêm, khi nghe một số đối tượng xấu lừa phỉnh là đi dựng nhà thờ nên họ đi theo, đến nơi Chứng tích chiến tranh Tam Tòa, họ biết đã bị lừa nên họ bỏ về”.

Xét về ngôn ngữ báo chí, đây là những tuyên bố cực kỳ thiếu cẩn trọng. Theo nguyên tắc pháp lý, tất cả vụ án đang trong quá trình điều tra, khi chưa có bất cứ một phán quyết định tội nào từ phía Tòa án thì mọi kết luận khác đều là sự áp đặt một chiều và vô nghĩa, dẫu người đó là ai và có thẩm quyền đến đâu đi chăng nữa. Mặt khác, làm sao tác giả lại biết được trong những người “cương quyết ngăn cản không cho dựng nhà, làm lễ” buổi sáng ngày hôm đó “có cả giáo dân Đồng Hới” khi mà bài viết đã không thể chỉ ra nổi tên tuổi của bất cứ ai trong số họ? Câu trả lời chỉ có một: Hoặc phóng viên họ Dương đã hư cấu một cách vụng về các tình tiết nói trên hoặc giả vị này đang muốn vào vai một số“giáo dân Đồng Hới” nào đó (?!).

Việc bắt giam, khởi tố 7 giáo dân Tam Tòa đã và đang dấy lên một làn sóng phản đối mãnh liệt từ khắp các vùng miền, giáo xứ trong giáo phận. Rất nhiều giáo dân, các nhà trí thức trong và ngoài nước đã thẳng thắn bày tỏ thái độ của mình. Sục sôi và phẫn nộ!

Họ sục sôi, phẫn nộ vì biết rõ những người anh em của mình là ai, đã sống và can đảm làm chứng cho niềm tin và sự thật như thế nào trước bất công, ngang trái. Bài trả lời phỏng vấn của chị Thu Thuỷ, phó Ban Đại diện giáo xứ Tam Tòa trong những ngày qua vang lên như một lời chứng đanh thép và khơi gợi niềm xúc động sâu xa. Sẽ không quá khi nói rằng, anh chị em đồng đạo với chúng tôi - giáo dân Tam Tòa - là những giáo dân tử tế, những giáo dân đầy chuẩn chất Kitô giáo.

Những giáo dân đó hôm nay đang phải trả giá cho một khát vọng chân chính, cho quyền được sống và bảo vệ niềm tin cốt tử của mình.

34 năm đã trôi qua, kể từ ngày đất nước này bặt im tiếng súng và khói lửa chiến chinh. Sự tổn thất trong những năm tháng khốc liệt ấy là không dễ gì đo đếm được. Những người con của dân tộc này luôn được dạy dỗ về giá trị của hai tiếng hòa bình. Và bởi thế, xin đừng để bất cứ điều gì có thể đánh mất đạo lý căn bản ấy, đừng để cho những người sinh ra sau chiến tranh nhưng không bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc của hòa bình. Tam Tòa được giữ lại làm chứng tích tội ác, nhưng trên nền ngôi nguyện đường linh thánh ấy, đừng để xác lập thêm bất cứ một chứng tích đau thương nào nữa.

Khi nỗi đau vượt đến tận cùng, niềm tin sẽ lên tiếng!