"…nhưng tôi hướng nhìn lên Thiên Chúa, mắt đầm đìa giọt lệ". (Gióp 16:20)

Kinh nghiệm dân chúng Ba Lan bất mãn vì sự hà hiếp của Đảng Cộng Sản đã tới tột cùng...

Vào ngày 1 tháng 9 năm 2005 nhiều vị nguyên thủ quốc gia và nhiều phái đoàn nước ngoài đã đến thành phố Gdansk, cái nôi của Công Đoàn Đoàn Kết để vinh danh cuộc cách mạng không đổ máu của Ba Lan cách nay 25 năm. Ông Lech Walesa, người hùng của Công Đoàn-Đoàn Kết nói rằng: với sự hổ trợ của Tòa Thánh và Hoa kỳ, Công Đoàn Đoàn Kết đã không cần nổ một tiếng súng nào, dành lại được độc lập, thoát khỏi sự kiềm chế của khối cộng sản Sôviết.

Năm 1980, Công Đoàn Đoàn Kết được thành lập và từ đó phát triển không ngừng kể cả mặt tổ chức và hậu thuẫn của đồng bào cả nước Balan. Nói như thế không có nghĩa là tiến trình trưởng thành của Công Đoàn Đoàn Kết dễ dàng mà trái lại Công đoàn đã phải đối đầu với chính quyền cộng sản gồm đủ các lực lượng công an, mật vụ. Họ đã dùng mọi thủ đoạn đe dọa, bắt cóc, trấn áp, và thủ tiêu để làm thui chột ý chí của Công đoàn. Nhưng không, trong 9 năm (1980 – 1989), tuy Công đoàn phải chịu đựng nhiều bất công, những thiệt hại về vật chất và nhất là về sinh mạng nhưng họ không bao giờ chùn bước. Hai chữ Đoàn kết thật sự nói lên ý chí sắt đá của mọi đoàn viên, bao gồm những công nhân đã đành mà còn cả những trí thức khoa bảng, kể cả những linh mục. Họ đã nhất tề đứng dậy, nắm lấy tay nhau và tiến lên đòi hỏi cho được Công Lý & Công Bình.

Cuối cùng, sự lớn mạnh của Công đoàn Đoàn kết đã dẫn đến sự sụp đổ chế độ cộng sản tại Balan và từ đó lây lan ra khắp Đông Âu. Khi tìm hiểu về nguyên nhân của sự sụp đổ của chế độ đảng trị, rất nhiều lập luận đã được chứng minh nhưng đa số học giả đã đồng ý cái chết của hai linh mục là giọt nước cuối cùng đổ tràn ly nhẫn nhục tranh đấu của Công đoàn Đoàn kết. Đó là cha Popieluszko và cha Niedzielak.

Sự tranh đấu trong ôn hòa, bất bạo động của Công Đoàn Đoàn Kết đã trở nên căng thẳng hơn khi xác linh mục Jerzy Popieluszko được tìm thấy tại hồ chứa nước Vistula vào ngày 30 tháng 10, 1984. Trước đó, vào ngày 13 tháng 10 chính quyền cộng sản đã dàn xếp một vụ tai nạn lưu thông để thủ tiêu ngài. May mắn ngài thoát chết. Kế hoạch bắt cóc và thủ tiêu liền được thi hành ngay sau đó vào ngày 19 tháng 10 và mãi đến ngày 30 cùng tháng người ta mới tìm thấy thân xác bầm dập của ngài. Hơn 250 nghìn người tham dự tang lễ của cha, trong đó có cả ông Lech Walesa. Tòng phạm và chủ mưu bị truy tố trước tòa và bị kêu án, nhưng ai cũng biết những sự quỷ quyệt của bọn cộng sản, bày trò truy tố để xoa dịu lòng người căm phẫn, còn chuyện mấy tên công an, mật vụ đó có ngồi tù hay không thì là chuyện khác. Cái chết của cha Popieluszko tuy có gây căm phẫn trong mọi giới của xã hội Balan lúc đó nhưng đảng cộng sản vẫn duy trì bàn tay sắt cho mãi đến năm 1989.

Ngày 21 tháng Giêng 1989, người ta tìm thấy thi thể của linh mục Stefan Niedzielak, 74 tuổi, tại nhà xứ của ngài. Ngài chết trong đau đớn, bị gãy cổ. Làn sóng phẫn nộ của dân chúng Balan càng tăng khi một linh mục bạn cho biết cha Niedzielak đã bị hăm dọa đe giết những tháng trước đó. Một trong những thư có nói cha sẽ bị giết chết như linh mục Popieluszko vào năm 1984 trước đây.

Máu của hai linh mục đổ xuống cùng với nước mắt của hàng triệu giáo dân thương tiếc các ngài. Chính máu của hai linh mục tử đạo và nước mắt của giáo dân kiên cường đã đổ ra trên đất Mẹ Balan, nuôi dưỡng Công Đoàn Đoàn Kết mở đầu cho những cuộc xuống đường, áp lực chính quyền cộng sản tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Và dĩ nhiên, khi được tự do bỏ phiếu, người dân sẵn sàng chà đạp lá phiếu cộng sản dưới chân và Công Đoàn Đoàn Kết đã thắng vẻ vang, mở ra một trang sử mới cho đất nước Balan.

Những đè nén và áp bức của CSVN tại Vinh đang tạo thành cuồng phong phẫn nộ:

Chuyện 20 năm sau – ngày 27 tháng 7 năm 2009 – máu và nước mắt một lần nữa lại đổ ra trên mảnh đất khốn khổ Việt nam: vùng đất Tam Tòa, tỉnh Quảng bình thuộc Giáo phận Vinh. Nước mắt đã nhỏ xuống từ ngày 20 tháng 7 khi một số giáo dân dựng một cái lều cao 3.5m, dài 9m, rộng 6m trên nền nhà tiêu điều của nhà thờ Tam Tòa để tiện việc dâng lễ. Cả mấy trăm công an và bọn côn đồ xông đến đánh đập dã man viện lẽ nhà thờ Tam Tòa (chỉ còn trơ lại tháp chuông) là chứng tích tội ác đế quốc Mỹ trong thời chiến tranh nên thuộc về chính quyền. Đây là một lối lý luận ngang ngược, cùng một luận điệu như chuyện Tòa Khâm sứ ở Thái hà xảy ra đúng 10 tháng trước (20/9/2008).

Nhà nước cộng sản tự cho mình có quyền tối thượng nên biết bao vụ chiếm đất trái phép của các giáo hội, và của đám dân đen gần đây đã xảy ra nhan nhản trên khắp ba miền. Với quyền tối thượng quái gở này, đám công an còn ngang nhiên bắt 19 giáo dân và đem đi mất tích, mặc dù một số giáo dân đó đã bị đánh trọng thương cần được điều trị ngay. Sau khi nhận được thư phản đối kịch liệt của Tòa Giám mục Vinh, chính quyền cộng sản đã nhượng bộ thả về chỉ còn giữ lại 7 giáo dân nhưng cũng không một ai biết họ đang bị giam ở đâu, vết thương đã được điều trị chưa?

Tuy giáo dân toàn giáo phận Vinh căm phẫn trước hành động bỉ ổi của công an tỉnh Quảnh bình nhưng họ vẫn nghe theo lời mời gọi của Tòa Giám mục Vinh ôn hòa tập hợp về các Hạt để cầu nguyện cho Tam Tòa. Ngày Chủ nhật 26/7, chừng 200.000 giáo dân trong tổng số 500.000 giáo dân của giáo phận Vinh đã đã tụ họp về 18 Giáo Hạt trong giáo phận Vinh để dâng lễ cầu nguyện nhưng giáo dân và linh mục Tam Tòa –lại một lần nữa – họ lại là nạn nhân của bọn công an tỉnh Quảng bình. Chị Nguyễn thị Yên, phó ban Ca đoàn nhà thờ Tam Tòa; anh Giuse Nguyễn Văn Thống, Trưởng ban đại diện của Sinh Viên Công giáo Địa Phận Vinh Tại Hà Nội bị bắt đem đi mất tích. Chỉ có hơn 500 giáo dân và 7 linh mục trong hạt Đồng Troóc trên đường về dự lễ tại Tam Tòa, nhưng chính quyền cộng sản đã huy động hơn 2000 công an và côn đồ với gậy gộc, roi điện chận đường hành hung không cho họ đến dâng lễ. Nhưng cao điểm của cuộc trấn áp này là máu của hai linh mục Phaolô Nguyễn Đình Phú và linh mục Phêrô Ngô Thế Bính đã đổ bể ra.

Cha Phaolô Nguyễn Đình Phú tuy mặc thường phục nhưng ngài đã bị bọn côn đồ đánh trọng thương vào sáng ngày Chủ nhật với những lời lẽ hạ cấp. Vào buổi chiều cùng ngày, Cha Phêrô Ngô Thế Bính đến chính quyền Quảng bình để giải quyết chuyện cha Phú bị đánh cũng bị bọn côn đồ hành hung dã man. Bọn côn đồ chừng 100 đứa bao vây và rượt đánh ngài. Cùng đường, cha Bính phải chạy lên các tầng lầu để tránh. Rồi cha bị té từ lầu hai xuống lầu dưới, và kết quả là cha bị gãy tay, mặt bị khâu vì thương tích.

Biến cố hai linh mục công giáo bị đánh trọng thương cũng gần như cái chết của hai linh mục Balan, mở đầu cho một cuộc tranh đấu dữ dội. Mới tháng 6/2009 vừa qua, các vị nguyên thủ của các quốc gia Đông Âu lại đổ về thành phố Gdansk để kỷ niệm 20 năm ngày Balan chuyển đổi sang thể chế dân chủ. Nhờ Balan có cuộc dân cử thắng vẻ vang mà từ đó các nước láng giềng lần lượt đứng dậy xóa bỏ sự cai trị độc ác của đảng cộng sản thuộc khối Đông Âu. Ông Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ, dưới thời Tổng Thống Carter, đã so sánh Công Đoàn-Đoàn Kết với những cuộc cách mạng vĩ đại của nhân loại. Cũng giống như cách mạng tư sản ở Pháp, cách mạng chống lại người Anh ở Mỹ, và cách mạng bất bạo động của ông Gandhi tại Ấn Độ; Công Đoàn-Đoàn Kết là khởi đầu của đợt sóng thần chính trị, đã cuốn trôi đi khối Sôviết, rồi đến chính Liên Sô, và cuối cùng là cái hệ tư tưởng kỳ quái của họ. Như thế, máu của hai cha Popieluszko và cha Niedzielak đã đổ ra không vô ích. Hai ngài chết đi nhưng thật sự đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng vĩ đại của công bằng, của bác ái và đầy tình người.

Không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai cha Phú và Bính có mệnh hệ nào. Hiện tại, theo lời cha Tổng quản TGM Vinh, linh mục Võ thanh Tâm, tất cả giáo dân giáo phận Vinh định tâm nếu tình hình không cải thiện thì họ sẵn sàng bắt đầu cuộc hành hương ra Tam Tòa để lên tiếng bảo vệ công lý và nhà Chúa. Nếu thật sự mọi người ùn ùn kéo nhau đến Tam Tòa thì chắc chắn công an tỉnh Quảng bình tìm mọi cách để ngăn chặn làn sóng người này. Đoán trước được rằng dẫu dù công an sẽ cầu cứu trung ương Nhà nước gửi xe tăng, súng ống, và mọi chiến cụ khác hầu đàn áp và tiêu diệt giáo dân... Thế nhưng chắc chắn những đe dọa này không làm nản lòng được ý chí phấn đấu cho công lý và cho nền tự do tôn giáo chân chính của giáo dân đã từng bao nhiêu năm qua phải sống kiếp như những nô lệ cho CSVN.

Một cuộc hành hương đến Tam Tòa của giáo dân Vinh sẽ được trang bị bằng chuỗi tràng hạt và lời cầu nguyện sốt sắng. Với hành trang là lòng hăng say vì Giáo hội và lòng mến Quê hương, họ sẽ sẵn sàng hy sinh chính mạng sống của họ để đòi hỏi công lý và sự thật toàn xã hội Việt Nam đang bị những người CSVN đã mất hết lương tri chỉ biết tới làm giầu ngay cả bán đất bán biển cho ngoại lai.

Chính cha Võ thanh Tâm đã than, “Dân nó uất ức quá cho nên nó sẽ đánh nhau. Khi đã đánh nhau rồi thì bất chấp, sẵn gì đánh nấy. Đánh thì nhất định tổn thương giáo dân, mà giáo dân khẳng định là không có đường nào lên Thiên Đàng nhanh cho bằng tử đạo. Nó khẳng định thế thì tôi thấy ghê lắm, tôi sợ lắm.”

Nếu trong Cựu ước, Đức Giavê đã hứa với dân riêng của Ngài rằng, “Hỡi các dân tộc, hãy reo hò mừng dân Chúa, vì Người bắt đền nợ máu các tôi tớ của Người, báo oán các đối thủ của Người…” (Đệ nhị luật 32:42-43) thì Đức Giêsu lại dạy lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Nhưng với sự căm phẫn ngụt trời của giáo dân Vinh về tình trạng lạm dụng quyền lực của chính quyền cộng sản, liên tiếp vi phạm trầm trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân thì chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn nữa để Chúa Thánh Linh soi sáng cho những giáo dân sẵn sàng liều mình tử đạo này biết tự chế.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhận định sẽ không có chuyện tôn giáo có thể góp phần dẫn tới sự thay đổi chế độ như ở Đông Âu. Ông đã phán một cách trịch thượng rằng: ''Chắc là lịch sử sẽ không lặp lại. Việt Nam có đường lối đối ngoại giao rất cụ thể và tính chất độc lập. Chắc lịch sử sẽ không lặp lại như thế.”

Đúng vậy, với bản chất hiếu hòa của người Việt nam chân chính, và với tinh thần Phúc âm, “mang yêu thương vào nơi oán thù”, ước mong là sẽ không có một cuộc tử đạo “lấy máu đào xóa chế độ” đâu.

Nhưng nào ai có thể biết trước là lịch sử. .. sẽ không bao giờ trở lại?!