Ai là người giữ vận mệnh Đất nước? Câu hỏi này xem chừng quá dư thừa đối với nhiều người. Bất cứ ai cũng có thể hiểu được rằng mọi công dân của một quốc gia có trách nhiệm đối với vấn mệnh và sự phát triển của dân tộc mình. Vận mệnh của một đất nước không chỉ được trao phó cho những nhà hữu trách. Họ không ai khác hơn là những con người thực hiện các đường lối, chính sách được Quốc hội và các cơ quan chức năng thông qua, cũng như được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Đó là cách làm thông thường của một Nhà nước pháp quyền.

Ở Việt Nam, qua các thông tin đại chúng của Nhà nước, chúng ta thường nghe câu nói: cán bộ là “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân. Tuy nhiên, ngày hôm này nhiều “ông chủ” phải điêu đứng với những “đầy tớ” của mình, nhiều lúc còn bất lực trước những việc làm ngang ngược của những ông “đầy tớ” ngông cuồng! Quả thực, những nhà hữu trách là những con người được đòi hỏi, về mặt pháp lý cũng như về phương diện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quyền lợi, thăng tiến đời sống của mọi công dân không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, tôn giáo trong phạm vi trách nhiệm của mình… như Thomas Hobbes, được xem là ông tổ của triết học chính trị Tây phương, cho rằng: người đứng đầu của một Nhà nước phải là người quan tâm tới mọi công dân và hành động theo pháp luật của Nhà nước.

Đã đến lúc chúng ta phải nêu lên vấn về vận mệnh của Đất nước một cách nghiêm túc. Qua quan sát những sự kiện xã hội trong những năm qua chúng ta nhận thấy rằng vận mệnh bấp bênh của Đất nước hôm nay đang nằm trong tay một số đảng viên đảng cộng sản Việt Nam có sức mạnh và có khả năng khuynh đảo đời sống chính trị, đời sống của nhân dân. Tại sao chúng ta dám kết luận một cách mạnh mẽ như vậy?

Không cần “lý luận chính trị”, chúng ta chỉ quan sát những diễn biến trong thời gian gần đây ở Việt Nam để có thể hiểu vấn đề. Nếu vận mệnh của Đất nước hôm nay không đang nằm trong tay một số đảng viên đảng cộng sản Việt Nam thì tại sao công chúng và những con người có tâm huyết với Đất nước, những nhà trí thức, thậm chí những cựu đảng viên (ít nhất là đại tướng Võ Văn Giáp) đành phải bó tay trước những cách hành xử của Nhà nước làm phẫn nộ công chúng như vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa [1], Tây nguyên, tham nhũng….? Nếu không phải như vậy thì tại sao hai nhà báo của tờ Tuổi Trẻ và Thanh niên là Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến, những người đã đưa tin vụ PM 18 [2], cũng như sau đó hai Tổng biên tập của hai tờ báo này buộc phải thôi chức vụ?[3] Nếu không phải như vậy thì tại sao ông Trần Đình Đàn, Chánh văn phòng Quốc hội, tuyên bố một cách vô ý thức rằng “Quốc hội ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít” trước khi Quốc hội nhóm họp bất chấp có nhiều sự phản ứng của dự luận, của giới trí thức và khoa học, cũng như của đại tướng Võ Văn Giáp? [4]

Chúng ta nêu lên vấn đề này để thức tỉnh mọi người Việt Nam về vai trò của mình đối với vận mệnh của Đất nước và cảnh tỉnh những nhà cầm quyền đừng lợi dụng “cơ chế” mập mờ để chỉ đi tìm và bảo vệ quyền lợi cá nhân.

Mọi công dân đều chịu trách nhiệm về vận mệnh của Đất nước. Họ có quyền tham gia một cách tích cực vào đời sống chính trị-xã hội. Đây là quyền tự nhiên phải được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tham gia vào đời sống chính trị-xã hội bao hàm việc đảm nhận những trách nhiệm chung và đồng thời trở thành những con người phản tỉnh những nhà hữu trách trong những chính sách và đường lối phát triển Đất nước. Chính Hiến pháp của Nước CHXH Việt Nam thừa nhận những quyền này như trong các điều 53 và 69:

Điều 53: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.”

Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Thực tế, việc đảm nhận những trách nhiệm xã hội là chuyện không thể đối với bất cứ ai không có “thẻ đảng”. Đây là một loại luật bất thành văn. Những chức vụ được chỉ định là chuyện bình thường trong bộ máy Nhà nước hiện tại. Còn đối với vai trò phản tỉnh các nhà cầm quyền, mọi công dân cần lưu ý là họ phải làm “theo quy định của pháp luật”. “Theo quy định của pháp luật” là gì? Chúng ta chỉ cần tra cứu Bộ luật hình sự để biết quy định của pháp luật. Điều 8 của Bộ luật hình sự “khái niệm về tội phạm” như sau:

“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.”

Với khái niệm này mọi hành vi nhằm thực hành quyền công dân được ghi trong Hiến pháp của Nước CHXH Việt Nam như “tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước” hay “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình” có nguy cơ bị khép vào trong những cái tội được liệt kê trong điều 8 của Bộ luật hình sự.

Chúng ta có được sự xác minh qua những sự kiện xảy ra gần đây. Ngay cả việc “gây áp lực lên chính quyền”, phản đối một cách bất bạo động không nằm trong các điều quy định về tội, nhưng phóng viên của tờ Nhân Dân đã liệt kê chúng vào những hành vi vi phạm pháp luật (x. “Cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật ở Đồng Hới”, ND, ngày 27 tháng 07 năm 2009). Một sự khẳng định trớ trêu đi ngược lại chính Hiến pháp của Nước CHXH Việt Nam: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.” (Điều 72). Những hành động biểu lộ ý thức về “quyền” của nhân dân có nguy cơ trở thành “tội”. Việc dẹp bỏ những cuộc biểu tình bất bạo động của các sinh viên phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, những cuộc cầu nguyện cho công lý và hòa bình ở Thái Hà, Tòa Khâm Sứ và Tam Toà…là những bằng chứng. Thái độ này của nhà cầm quyền Việt nam cho chúng ta hiểu rằng vận mệnh của Đất nước không thuộc về những công dân khác!

Gần đây một số tờ báo làm dấy lên phong trào phản kháng đối với những vụ bê bối xã hội nhưng rồi cũng phải trở lại “lề phải”. Việc hai nhà báo bị đưa ra xét xử và ngưng chức vụ đối với hai Tổng biên tập của tờ báo Tuổi trẻ Thanh niên mà chúng ta vừa nêu trên là một bằng chứng nói lên quyết tâm này. “Những kẻ nội loạn” qua những bài viết không thuộc “lề phải” phải coi chừng.

Không còn có khả năng đảm nhận những trách nhiệm, mất quyền phản tỉnh, cấm vi phạm những điều “cấm kỵ” của đảng cộng sản Việt Nam, liệu rằng những công dân Việt Nam chúng ta còn có thể giữ vận mệnh Đất nước?

Ghi chú:

[1] www.youtube.com/watch?v=8MNFForYG-Q

[2] www.thanhnien.com.vn/News/.../238532.aspx; www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/.../3BA07719/.

[3] www.vnexpress.net/GL/Xa.../3BA0A0A9/

[4] vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/848292/; www.vnexpress.net/GL/Xa.../3BA0F210/