Cách đây mấy năm, tôi xem một bộ phim Đài loan “Nỗi Lòng Thấu Trời Xanh”, vừa xót xa cay đắng vừa cảm thấy tức giận thay cho những người bị cướp bóc và bị hàm oan. Chuyện phim xảy ra đầu thế kỷ trước, nhấn mạnh rằng vào thời ấy và ở nơi ấy, công lý chưa được thực thi. Bây giờ đã sang thế kỷ 21, những tưởng cảnh ấy không còn xảy ra và con người thời đại không còn im tiếng trước bất công. Nhưng lạ quá, cảnh linh mục và giáo dân Tam Toà chịu cảnh nhiễu nhương vẫn lại là “nỗi lòng thấu trời xanh”.

Công lý là bước đầu của văn minh

Người dân tộc anh em miền núi có nếp sống chưa khá giả như người Kinh, nhưng ý thức về công lý và sự linh thánh có vẻ trội hơn những con người mà mỗi bước đi đều được vây bọc bởi khẩu hiệu “xây dựng nếp sống văn minh”. Khi đi giúp giáo lý ở một buôn làng Tây Nguyên, tôi nghe cha xứ kể một câu chuyện thú vị. Số là trước đây trong buôn làng có một anh ăn cắp gà. Đó là chuyện lỗi công lý, cho nên cả làng phạt anh. Rồi họ lại khám phá ra rằng con gà ấy là của cha xứ. Họ hiểu ngay rằng ăn cắp ăn trộm của nhà thờ, nhà chung là vi phạm nặng nề hơn. Thế là cả làng kéo nhau vào nhà xứ, ôm theo con gà và xin tạ lỗi với cha xứ. Biết bao giờ những con người tự cho là có quyền và có học, tự hào là “thực hiện văn hoá mới” hiểu được công lý và sự thánh thiêng như những người anh em dân tộc trên buôn làng miền ngược xa xôi ấy?

Khi nói về Công lý, Học thuyết Xã Hội Công Giáo minh định rõ ràng các hình thức của công lý: công lý giao hoán, công lý phân phối và công lý pháp lý, công lý xã hội. Lề luật Thiên Chúa từ ngàn xưa đã răn dạy: “Con không được lấy tài sản của người khác”, và Thánh Kinh luôn nhắc lại lời các ngôn sứ răn dạy về sự công minh của lề luật. Càng văn minh, nhân loại càng hiểu rằng công lý phải là tiêu chí cho xã hội.

Đọc lại những thông tin về Thái Hà, Thủ Thiêm và về Tam Toà v.v…, người có lương tri sẽ kinh ngạc bởi vì những chuyện lỗi công lý và nhân đạo cứ bức bối hàng ngày, và dù ở xa ngàn dặm, người ta vẫn có cảm giác đau xót như “nỗi lòng thấu trời xanh”. Đau, đau quá. Buồn, buồn quá. Không lẽ nỗi đau này không có cách nào chữa được hay sao?

Luật không thể phản công lý

Có người lại cho công lý là làm theo qui định, chẳng hạn qui định biến nhà thờ là nơi thánh thiêng thành nơi ghi dấu thù hận. Hãy lắng nghe Học Thuyết Xã Hội Công Giáo: “Công lý không phải chỉ là một sự thoả thuận suông giữa con người với nhau, vì muốn biết điều gì là “công lý” (nghĩa là phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội), trước tiên chúng ta không dựa vào sự ấn định của lề luật, mà phải xem điều đó có phù hợp với bản chất sâu xa của con người hay không”. Hẳn bản chất sâu xa của con người không thể là “di tích tội ác” của ai, mà là khát vọng được tôn thờ yêu mến Đấng Tạo Thành.

Những lập luận hay luật lệ kiểu “giữ làm di tích” là phản luật và phản văn minh. Mới đây nhiều tiệm vàng ở thành phố Sàigòn này bị cướp. Chẳng lẽ lại có luật bắt để nguyên tủ kính hay cửa gỗ bị đập, bị phá để làm chứng tích tội ác kẻ cướp? Không, người dân cần làm lại từ đầu để còn sinh sống. Cứ ngẫm nghĩ nhiều việc như thế, người ta sẽ nhận ra rằng chuyện chứng tích rõ ràng chẳng hợp lý. Đó là chưa nói đến những chuyện khác phức tạp hơn.

Vài năm trước người ta truyền tụng râm ran về chuyện thánh vật ở miền Bắc. Thiên Chúa của người Công giáo không “vật” ai, vì Ngài nhân từ. Nhưng những hành vi cướp đoạt và xúc phạm đến nơi linh thiêng đều phải trả giá. Đó là qui luật của tự nhiên, cũng giống như anh lấp kênh thì ngày mưa anh phải chịu lụt. Có người bảo mấy anh viết báo về Thái hà, về Tam toà… nói dối như rươi có sao đâu. Sao lại không sao? Cha mẹ mà nói dối hay lừa lọc suốt thì xem con cái sau này có trung thực hay nên người nổi không.

Im lặng trước bất công là bất công

Và ngay cả những người im lặng trước “nỗi lòng thấu trời xanh” của anh em mình cũng có tội. Nói như Cha Pascal Tỉnh, im lặng là “xa lạ với người nghèo, lạnh lùng với các tôn giáo khác, thờ ơ với vận mạng dân tộc”.

Trong Kinh Thánh, người công chính là người chu toàn lề luật Thiên Chúa và sống cho công lý. Thánh Giuse được gọi là Đấng Công Chính vì Ngài chu toàn luật Chúa, sống cho công lý và hơn nữa, còn vâng giữ Lời Chúa. Bây giờ người ta lập lờ, ở đâu cũng nhắc đến công lý nhưng chẳng ai nhìn thấy công lý ở đâu và ít ai dám bênh vực công lý.

Lời kết. Xin mượn lời Vua Thánh David mà kết thúc bài viết này này:

Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển
.” (TV 24:9-10)

Vâng, Đền Thánh Chúa phải cất cao cánh cửa cho Thiên Chúa ngự vào. Nếu không, công bình chính trực sẽ không bao giờ xuất hiện, và nỗi đau của dân Chúa sẽ không bao giờ biến tan.